May 20, 2024

Vụ nghi ngộ độc ở Phan Thiết: Nhà hàng tự gửi mẫu thức ăn là không có giá trị pháp lí

Chiều 16-5, ông Nguyễn Bá Tòng, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Thuận, thông tin về vụ nghi ngộ độc khiến 51 du khách nhập viện tại TP Phan Thiết. Theo ông Tòng, kết quả kiểm nghiệm các mẫu thức ăn từ Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Bình Thuận được nhà hàng Hồng Vinh gửi đến không có giá trị pháp lí vì không được thu thập bởi cơ quan chức năng có thẩm quyền.

“Nếu phía nhà hàng còn lưu giữ mẫu thức ăn để cơ chức năng đem đi kiểm nghiệm thì lúc đó mới đủ cơ sở công nhận kết quả xét nghiệm, để khẳng định việc nghi ngộ độc là không xuất phát từ nhà hàng. Còn trường hợp này thì nhà hàng này được xếp vào diện không lưu mẫu thức ăn. Việc đơn vị tự đi lấy mẫu thì không đảm bảo tính pháp lí” – Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Thuận nói.

Vụ nghi ngộ độc ở Phan Thiết: Nhà hàng tự gửi mẫu thức ăn là không có giá trị pháp lí- Ảnh 1.

Kết quả mẫu kiểm nghiệm thức ăn được nhà hàng Hồng Vinh tự lấy mẫu không được ngành y tế công nhận pháp lí

Cũng theo ông Nguyễn Bá Tòng, đoàn kiểm tra cũng không lấy được mẫu thức ăn từ các nơi khác, bao gồm cả những hộp thức ăn được một nhóm du khách mua về bãi biển để tiếp tục ăn uống sau 21 giờ, ngày 12-5. Vì vậy, trước mắt cơ quan chức năng chưa kết luận được nguyên nhân khiến 51 du khách nhập viện với các biểu hiện ngộ độc.

Trong sáng 16-5, đại diện nhà hàng Hồng Vinh (phường Hàm Tiến, TP Phan Thiết), nơi đoàn khách 750 người dùng cơm tối 12-5, đã công bố thông tin về kết quả kiểm nghiệm các mẫu thức ăn. Theo phiếu kết quả từ Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Bình Thuận (được nhà hàng Hồng Vinh tự gửi mẫu), 6 món ăn gồm: Mực nhúng giấm, cá mặt quỷ um cà ri, hàu đút lò, lẩu hải sản, ốc hương rang tiêu, ghẹ hấp, đều không phát hiện vi khuẩn Salmonella và vi khuẩn Escherichia coli.

Trước đó, sáng 12-5, đoàn khách do Công ty du lịch Viettravel tổ chức gồm 750 người xuất phát từ tỉnh Bình Dương đến nhận phòng tại phường Hàm Tiến, TP Phan Thiết.

Sau đó, đoàn khách chia làm 2 tốp, ăn cơm trưa tại nhà hàng Cánh Buồm Vàng và nhà hàng Hải sản Dê và Cua 245 (cùng đặt tại phường Hàm Tiến, TP Phan Thiết).

Đến 18 giờ 30 phút, đoàn dùng cơm tối tại nhà hàng Hồng Vinh với thực đơn: Hàu đút lò, ghẹ hấp, ốc hương rang tiêu, cá mặt quỷ nấu cà ri, mực ống nhúng giấm, lẩu Hải sản, nho Mỹ.

Ngoài dùng tiệc tại nhà hàng Hồng Vinh, khoảng 21 giờ 30 phút cùng ngày, một nhóm người trong đoàn tự mua tôm và một số thực phẩm để xuống bãi biển của resort tiếp tục ăn uống.

Đến sáng hôm sau, một số người đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy phải nhập viện. Ca đầu tiên nhập viện lúc 7 giờ 30 ngày 13-5 tại Trạm y tế Hàm Tiến. Sau đó, nhiều du khách trong đoàn lần lượt vào Phòng khám Mũi Né và Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận, với tổng cộng 51 người.

Vụ nghi ngộ độc ở Phan Thiết: Nhà hàng tự gửi mẫu thức ăn là không có giá trị pháp lí- Ảnh 2.

Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận, nơi điều trị của 19 bệnh nhân trong đoàn khách nghi ngộ độc

Ngày 15-5, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận có công văn khẩn chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm.

Theo công văn, trên địa bàn TP Phan Thiết đã xảy ra trường hợp nghi ngờ ngộ độc thực phẩm từ những khách du lịch lưu trú tại các khu du lịch thuộc phường Hàm Tiến và phường Mũi Né do sử dụng thực phẩm không đảm bảo an toàn từ các quán ăn, gánh hàng rong ở bãi biển.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị các đơn vị tăng cường thanh tra, kiểm tra giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo thẩm quyền.

Đồng thời yêu cầu Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch chỉ đạo các cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch, các nhà hàng, quán triệt, nâng cao nhận thức về vệ sinh an toàn thực phẩm cho người lao động và thực hiện nghiêm các quy định của ngành y tế trong hoạt động sản xuất, chế biến thức ăn, thức uống phục vụ khách.

Sức khỏe – Tổng hợp tin Sức khỏe mới nhất trong ngày

Thông tin mới nhất 2 vụ ngộ độc và nghi ngộ độc thực phẩm lớn ở Đồng Nai

Thông tin thêm về sự việc, lãnh đạo TP Long Khánh (Đồng Nai) nói hiện vụ việc đã được Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố tiếp nhận xử lý, khi có kết quả cụ thể sẽ thông tin.

Phòng Y tế cũng có báo cáo sơ bộ về tình hình khắc phục của cơ sở bánh mì Băng. Hiện phía chủ cơ sở bánh mì Băng đã thanh toán viện phí cho các bệnh nhân với số tiền gần 600 triệu đồng.

Thông tin mới nhất 2 vụ ngộ độc và nghi ngộ độc thực phẩm lớn ở Đồng Nai- Ảnh 1.

Hiện còn 2 bệnh nhân nhi nặng đang được điều trị tại Đồng Nai và TP HCM

Liên quan vụ gần 100 người ngộ độc sau khi ăn mì Quảng gà, sáng 16-5, bác sĩ Nguyễn Đức Phước, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Trảng Bom, cho biết tình trạng sức khỏe của 89 công nhân Công ty TNHH Dechang Việt Nam (Khu công nghiệp Giang Điền, huyện Trảng Bom) đã ổn định.

Sau khi tái khám cho bệnh nhân, trung tâm sẽ cho xuất viện những người đã ổn định sức khỏe trong ngày hôm nay.

Phía Sở Y tế đã chỉ đạo các bộ phận liên quan điều tra, phân tích dịch tễ tìm nguyên nhân gây ra vụ nghi ngộ độc này. Ngoài ra, cần tăng cường công tác truyền thông và cảnh báo tới các công ty, xí nghiệp, bếp ăn tập thể để quan tâm hơn tới việc thực hiện những quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Theo báo cáo nhanh từ Trung tâm Y tế huyện Trảng Bom, công nhân Công ty TNHH De Chang Việt Nam (KCN Giang Điền, Trảng Bom) nhập viện cấp cứu nghi ngộ độc thực phẩm sau bữa ăn trưa có thịt heo kho dưa, chả cá chiên, canh bầu, rau cải thảo luộc và bữa ăn chiều là mì Quảng gà, được công ty hợp đồng cung cấp suất ăn với nhà thầu từ ngoài vào.

Công ty có 2 xưởng, một xưởng sản xuất máy hút bụi, một xưởng sản xuất sắt thép. Công ty có 1.500 công nhân. Công ty hợp đồng cung cấp suất ăn với nhà thầu là Công ty TNHH sản xuất TM dịch vụ Thiên Hồng Phúc.

Thông tin mới nhất 2 vụ ngộ độc và nghi ngộ độc thực phẩm lớn ở Đồng Nai- Ảnh 3.

Hiện đa phần các bệnh nhân nhập viện tại Trung tâm Y tế huyện Trảng Bom đã ổn định sức khoẻ

Khoảng 19 giờ ngày 15-5, Trung tâm Y tế huyện Trảng Bom tiếp nhận một số bệnh nhân vào viện với triệu chứng đau bụng, chóng mặt, buồn nôn, nôn, một số người có sốt.

Qua điều tra, các trường hợp nhập viện nêu trên ăn bữa trưa lúc 11 giờ đến 12 giờ 15 phút gồm các món ăn thịt heo kho dưa, chả cá chiên, canh bầu, rau cải thảo luộc.

Bữa ăn chiều tăng ca ăn từ 16 giờ 15 phút đến 18 giờ, số lượng người ăn 400 người, món ăn là mì Quảng gà.

Sau bữa ăn chiều khoảng 5 đến 30 phút, công nhân có triệu chứng đau bụng, chóng mặt, đau đầu, buồn nôn, nôn, một số người có sốt, được đưa vào Trung tâm Y tế huyện Trảng Bom.

Sức khỏe – Tổng hợp tin Sức khỏe mới nhất trong ngày

Yêu cầu đình chỉ bếp ăn khiến 350 công nhân nhập viện, nghi ngộ độc thực phẩm

Liên quan đến vụ việc hàng trăm công nhân Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam (Vĩnh Phúc) nhập viện nghi do ngộ độc thực phẩm, tối 14-5, Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu đình chỉ ngay hoạt động bếp ăn tập thể của công ty này.

Yêu cầu đình chỉ bếp ăn khiến 350 công nhân nhập viện, nghi ngộ độc thực phẩm- Ảnh 1.

Đại diện Sở Y tế thăm hỏi bệnh nhân tại Bệnh viện Hữu nghị Lạc Việt. Ảnh: Báo Vĩnh Phúc

Trong văn bản gửi Sở Y tế Vĩnh Phúc về việc điều tra, xử lý vụ nghi ngộ độc thực phẩm xảy ra tại khu công nghiệp Khai Quang, TP Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc), Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đề nghị Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc triển khai gấp việc chỉ đạo các cơ sở y tế có bệnh nhân đang điều trị, tập trung nguồn lực tích cực điều trị cho các bệnh nhân.

“Không để các bệnh nhân có diễn biến nặng ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng. Trong trường hợp cần thiết có thể xin hỗ trợ hội chẩn chuyên môn với tuyến trên”- văn bản nêu.

Đồng thời, Bộ Y tế đề nghị đình chỉ ngay hoạt động bếp ăn tập thể Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam, tổ chức điều tra xác định rõ nguyên nhân vụ việc theo quy định, truy xuất nguồn gốc thực phẩm, lấy mẫu thực phẩm, bệnh phẩm để xét nghiệm tìm nguyên nhân.

Phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm quy định về an toàn thực phẩm (nếu có) và công khai kết quả để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.

Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế Vĩnh Phúc tăng cường kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các bếp ăn tập thể, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đảm bảo vệ sinh, điều kiện an toàn thực phẩm, thực hiện nghiêm việc quản lý nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, kiểm thực 3 bước, lưu mẫu thực phẩm và vệ sinh trong các khâu chế biến; báo cáo kết quả triển khai về Cục An toàn thực phẩm theo quy định.

Trước đó, liên quan đến vụ việc này, trong vòng 4 giờ, từ hơn 15 đến 18 giờ ngày 14-5, tại 3 cơ sở y tế trên địa bàn TP Vĩnh Yên là Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Hữu nghị Lạc Việt và Trung tâm Y tế TP Vĩnh Yên đã tiếp nhận theo dõi, cấp cứu hơn 350 trường hợp nghi ngộ độc thực phẩm.

Thông tin từ Bệnh viện Hữu nghị Lạc Việt cho biết bệnh viện đã tiếp nhận hơn 220 công nhân nhập viện với các triệu chứng nghi ngộ độc thực phẩm và vẫn tiếp tục cấp cứu cho bệnh nhân.

Các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốt, đau bụng, nôn… Một số công nhân cho biết sau bữa ăn trưa ở công ty (gồm các món: thịt gà tây xào sả ớt, rau súp lơ xào, dưa chua và canh rau giá đỗ), họ bắt đầu xuất hiện triệu chứng nôn ói, khó chịu… và được công ty đưa đi cấp cứu.

Ngay sau khi ghi nhận tình hình, lãnh đạo Sở Y tế Vĩnh Phúc đã đến chỉ đạo công tác cấp cứu bệnh nhân, đồng thời yêu cầu các cơ quan chuyên môn tiến hành điều tra nguyên nhân.

Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam có địa chỉ tại Khu công nghiệp Khai Quang, TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Đây là công ty 100% vốn đầu tư Hàn Quốc, chuyên sản xuất các mặt hàng may mặc xuất khẩu.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Hàng chục du khách nghi ngộ độc thực phẩm khi du lịch tại Phan Thiết

Tối 13-5, nguồn tin Báo Người Lao Động cho biết Sở Y tế Bình Thuận đã thành lập đoàn kiểm tra vụ việc hàng chục du khách nghi bị ngộ độc thực phẩm khi du lịch tại Phan Thiết.

Trước đó, đoàn khách du lịch của Công ty Du lich Vietravel gồm 750 khách (đa phần trú tỉnh Bình Dương) lưu trú tại resort SeaLion trên đường Nguyễn Đình Chiều, phường Hàm Tiến, TP Phan Thiết.

Chiều tối 12-5, đoàn khách này dùng cơm tại nhà hàng H.V. (phường Hàm Tiến) với thực đơn gồm: hàu đút lò, ghẹ hấp, ốc hương rang tiêu, cá mặt quỹ nấu cà ri, mực ống nhúng giấm, lẩu hải sản, nho Mỹ.

Đến khoảng 21 giờ 30 cùng ngày, đoàn khách quay về resort nghỉ ngơi. Sau đó có một nhóm người xuống bãi biển gọi thêm tôm nướng và thực phẩm khác (không rõ loại) để nhậu.

Hàng chục du khách nghi ngộ độc thực phẩm khi du lịch tại Phan Thiết- Ảnh 1.

Bệnh viện Đa khoa Bình Thuận, nơi tiếp nhận cấp cứu 20 khách trong đoàn du lịch nhập viện nghi ngộ độc

Đến sáng hôm sau, có một số người trong đoàn bị đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy nên được đưa đi cấp cứu. Ca nhập viện đầu tiên lúc 7 giờ 30 ngày 13-5 tại Trạm y tế phường Hàm Tiến.

Sau đó, một số người khách lần lượt vào Phòng khám Mũi Né và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận với triệu chứng tương tự. Tính đến 13 giờ 30 phút, tổng số ca nghi bị ngộ độc thực phải phải nhập viện điều trị là 52 người.

Hiện sức khỏe các bệnh nhân đã ổn định, tỉnh táo, tiếp xúc được. Có 32 bệnh nhân vừa xuất viện, 20 trường hợp còn lại dự kiến xuất viện vào sáng 14-5.

Sở Y tế Bình Thuận đang làm việc với nhà hàng H.V. để xác minh thêm thông tin vụ việc.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Vì sao ngộ độc nhưng xét nghiệm không thấy tác nhân?

PGS-TS-BS PHÙNG NGUYỄN THẾ NGUYÊN, Trưởng Khoa Hồi sức Nhiễm – Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM), trả lời: Triệu chứng ngộ độc đường tiêu hóa sẽ có các dấu hiệu như ói, tiêu chảy, đau bụng, kèm theo một số biến chứng như sốt, nhiễm trùng huyết, thậm chí tử vong.

Có nhiều tác nhân gây ngộ độc thực phẩm như do vi khuẩn E.coli, Salmolnella, tụ cầu. Đây là tác nhân thường gặp nhưng lâm sàng gần như không phát hiện được. Muốn xác định do tác nhân nào phải lấy mẫu bệnh phẩm từ dịch nôn ói, phân, cấy máu để xét nghiệm. Tuy nhiên, kết quả còn phải tùy thuộc vào kỹ thuật, thiết bị xét nghiệm, số lượng mẫu, thời gian lấy mẫu tương ứng mức độ ngộ độc… Vì vậy, từ trước đến nay, tỉ lệ phát hiện tác nhân gây ngộ độc rất thấp, nhiều trường hợp không phát hiện.

Các trường hợp nghi ngộ độc thực phẩm vừa qua không phải không có tác nhân gây bệnh mà tìm không ra. Bởi phụ thuộc vào thời điểm lấy mẫu, mẫu đó còn tụ khuẩn, còn độc chất hay không, chưa kể kỹ thuật xét nghiệm cũng khác nhau…

Phụ huynh cần lưu ý cho dù bất cứ lý do gì, nếu thấy trẻ liên tục nôn ói, tiêu chảy, lừ đừ thì nhất định phải đưa đến cơ sở y tế. Đa phần các trường hợp bị biến chứng nặng, như trường hợp ngưng tim, ngưng phổi ở Đồng Nai là do nhập viện quá muộn.

Về việc điều trị, các khuẩn gây ngộ độc hiện nay phần lớn có thể điều trị bằng kháng sinh, chỉ cần đưa trẻ đến sớm, không quá muộn thì sẽ không nguy hiểm đến tính mạng.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Nhóm người ngộ độc nặng vì ăn sâu ban miêu

Chiều 8-5, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết Trung tâm Chống độc đang điều trị cho ba bệnh nhân bị ngộ độc sau khi ăn sâu ban miêu.

Trước đó, tối 5-5, năm người ở tỉnh Yên Bái cùng ăn cơm tối với món sâu ban miêu chiên. Trong năm người có ba người ăn sâu ban miêu, hai người còn lại không ăn.

Nhóm người ngộ độc nặng vì ăn sâu ban miêu- Ảnh 1.

Sâu ban miêu gây ngộ độc cho nhiều người sau khi ăn. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Sau khi ăn khoảng 1-3 giờ đồng hồ, ba người ăn sâu ban miêu có biểu hiện buồn nôn, nôn, đau bụng, chướng bụng, tiểu buốt, tiểu khó, có người tiểu ra máu…

Sáng hôm sau, ba người được đưa đến bệnh viện địa phương. Tại đây, các bệnh nhân được chẩn đoán ngộ độc sâu ban miêu và được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), cho biết sâu ban miêu có thân màu đen hoặc có các điểm màu vàng hoặc đỏ nhạt với dải ngang màu đen.

Đây thực chất là một loài bọ cánh cứng, chứa chất độc Cantharidin – một chất rất độc, gây hủy hoại các tổ chức, cơ quan trong cơ thể.

Khi ăn phải, chất độc này đầu tiên sẽ gây tổn thương đường tiêu hóa, gây phồng rộp, bỏng đường tiêu hóa, hoại tử dạ dày, ruột… Bệnh nhân ngộ độc sâu ban miêu thường bị tổn thương đa cơ quan, tụt huyết áp, suy hô hấp… và tỉ lệ tử vong lên đến hơn 50%.

Các bệnh nhân ngộ độc Cartharidin cần phải được cấp cứu kịp thời, nếu không sẽ có nguy cơ biến chứng rất nặng.

Trước đó, Trung tâm Chống độc từng tiếp nhận nhiều bệnh nhân ngộ độc, nguy kịch do ăn sâu ban miêu. Một số trường hợp còn nhầm sâu ban miêu với bọ xít, dẫn đến tình trạng ngộ độc.

Bác sĩ Nguyên khuyến cáo nếu tiếp xúc với sâu ban miêu và bị chất độc gây bỏng rát, đỏ rộp da hay mắt, người dân cần rửa vùng bỏng rát bằng nước sạch và nhanh chóng đến ngay bệnh viện.

Trong y tế, sâu ban miêu được ứng dụng trong một số bài thuốc y học cổ truyền, song vì độc tính cao nên các chuyên gia y tế khuyến nghị người dân không nên tự ý thu bắt và sử dụng.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Xác định nguyên nhân hơn 500 người ngộ độc bánh mì ở Đồng Nai

Chiều 7-5, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai Võ Thị Ngọc Lắm cho hay đã có kết quả xét nghiệm mẫu thực phẩm trong vụ ngộ độc bánh mì ở TP Long Khánh.

Xác định nguyên nhân hơn 500 người ngộ độc bánh mì ở Đồng Nai- Ảnh 1.

Lực lượng chức năng đã xác định đa phần các mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân, mẫu nguyên liệu thực phẩm lấy từ tiệm bánh mì bị nhiễm vi khuẩn Salmonella

Cụ thể, đa phần các mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân, mẫu nguyên liệu thực phẩm lấy từ tiệm bánh mì bị nhiễm vi khuẩn Salmonella. Ngoài ra, một số mẫu khác nhiễm khuẩn E.coli và một số vi khuẩn khác.

Trước đó một ngày, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP HCM cũng tìm thấy vi khuẩn Salmonella trong mẫu bệnh phẩm của bệnh nhi P.H.M. (14 tuổi, một trong những bệnh nhân của vụ nghi ngộ độc sau khi ăn bánh mì tại Long Khánh).

Vi khuẩn Samonella có trong thực phẩm, nguồn nước ô nhiễm. Thời gian ủ bệnh khi nhiễm Salmonella là từ 6-72 giờ sau khi ăn, thông thường từ 18-36 giờ sẽ xuất hiện các triệu chứng như: đau quặn bụng, tiêu chảy, ớn lạnh, sốt. Một số ít người còn bị buồn nôn, ói mửa.

Liên quan vụ việc trên, TP Long Khánh đã chuyển hồ sơ cho Công an TP Long Khánh để điều tra làm rõ.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

TP HCM: Điều tra dịch tễ vụ 2 trẻ nghi ngộ độc sau khi ăn mì Ý tại trường

Chiều 7-5, Sở Y tế TP HCM cho biết liên quan đến 2 trường hợp là học sinh tại Trường Tiểu học Linh Chiểu (TP Thủ Đức) và Trường Tiểu học Đặng Trần Côn (quận 4) nghi ngộ độc thực phẩm sau khi ăn mì Ý tại trường phải nhập Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP HCM) điều trị, ngành y tế TP đã điều tra dịch tễ và đánh giá nguy cơ tại cộng đồng.

Theo đó, ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) phối hợp với các trung tâm y tế địa phương tiến hành điều tra dịch tễ. 

Kết quả, tổ công tác ghi nhận tại cả 2 trường học không ghi nhận dấu hiệu của ngộ độc thực phẩm tập thể. Bên cạnh đó, bữa trưa bán trú của 2 trường được cung cấp bởi 2 công ty khác nhau. Tuy nhiên, đáng chú ý, trong ngày 4-5 là thời điểm trẻ xuất hiện triệu chứng nghi ngộ độc có sự trùng hợp ngẫu nhiên tại Trường Tiểu học Linh Chiểu có 82 trẻ nghỉ học.

Qua tìm hiểu, nhà trường cho biết nguyên nhân nghỉ học của trẻ, có đến hơn 50 trẻ nghỉ học vì lý do không liên quan đến sức khỏe (như đi thi tiếng Anh, đi du lịch cùng gia đình, do việc nhà…), số còn lại thì nghỉ học vì các lý do thông thường như ho, cảm, mệt (không có triệu chứng rối loạn tiêu hoá)… Đây cũng là số tương đương với số trường hợp nghỉ học trung bình hàng ngày của trường. 

Ngoài 2 học sinh nhập viện tại Bệnh viện Nhi đồng 2, nhà trường khẳng định không ghi nhận thêm học sinh nào đi khám bệnh hoặc nhập viện vì nhiễm trùng tiêu hóa.

Trước đó, Bệnh viện Nhi đồng 2 tiếp nhận điều trị 2 bệnh nhi là học sinh của 2 trường tiểu học trên nhập viện trong tình trạng tiêu chảy, sốt, ói… Tuy nhiên, khi xét nghiệm tìm nguyên nhân, cơ quan chức năng không phát hiện tác nhân gây bệnh. 

Sở Y tế lưu ý tình hình thời tiết nắng nóng hiện nay là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh, nguy cơ nhiễm trùng đường tiêu hóa do ngộ độc thực phẩm tăng cao, không chỉ từ các bữa ăn tập thể mà còn ở từng gia đình.

Sở Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện nghiêm các biện pháp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt, trong kỳ nghỉ hè sắp tới, các bậc phụ huynh cần quan tâm hướng dẫn cho trẻ ăn uống hợp vệ sinh, không tự ý mua và sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Vụ hơn 500 người ngộ độc bánh mì ở Đồng Nai: Chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra

Ngày 7-5, ông Tăng Quốc Lập, Phó chủ tịch UBND TP Long Khánh (Đồng Nai), cho biết liên quan vụ ngộ độc sau khi ăn bánh mì Băng (phường Xuân Bình, TP Long Khánh) khiến 568 người nhập viện khám và điều trị, UBND TP Long Khánh đã chuyển cơ quan điều tra xác minh làm rõ.

Vụ hơn 500 người ngộ độc bánh mì ở Đồng Nai: Chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra- Ảnh 1.

Tính đến nay, chỉ còn 124 bệnh nhân nằm theo dõi tại bệnh viện

Cụ thể, trên địa bàn vừa qua xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nghi ngờ là do ăn bánh mì Cô Băng (phường Xuân Bình, TP Long Khánh).  Tính đến sáng 7-5 chỉ còn 124 bệnh nhân còn nằm theo dõi tại Bệnh viện Long Khánh và Bệnh viện Cao su Đồng Nai. 

Tất cả đều ổn định không có dấu hiệu nặng. Riêng ca nặng ở Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM) vẫn đang theo dõi chưa có chuyển biến. Các ca ở Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đều ổn, 1 ca nặng đã có dấu hiệu tích cực

Sau khi nhận được thông tin, UBND TP Long Khánh đã chỉ đạo các ngành chức năng kiểm tra, xác minh làm rõ. Quá trình kiểm tra và làm việc, ghi nhận tiệm bán bánh mì thịt trên phục vụ khoảng 1.000 ổ/ngày không có giấy phép kinh doanh tại địa chỉ trên và không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Tại đây, có 4 người làm việc trực tiếp không có giấy xác nhận tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm, không có giấy khám sức khỏe.

Tuy nhiên, theo quy định cần chờ kết quả xét nghiệm của Viện Y tế công cộng TP HCM để chứng minh hành vi “bán thực phẩm gây ngộ độc thực phẩm” của chủ cơ sở kinh doanh trên.

Vụ hơn 500 người ngộ độc bánh mì ở Đồng Nai: Chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra- Ảnh 3.

Đại diện Công an TP Long Khánh thông tin về sự việc

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Long Khánh, trong 568 ca ngộ độc trên, có những ca rất nặng và đa số là trẻ em. Vụ việc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn, do đó căn cứ quy định tại Bộ Luật Hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính, UBND TP Long Khánh đã chuyển các hồ sơ xác minh bước đầu về cơ sở kinh doanh nói trên cho Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an TP Long Khánh để điều tra làm rõ theo quy định pháp luật.

Trong khi đó, thượng tá Lê Chí Hiếu, Phó trưởng Công an TP Long Khánh, cho biết vụ việc đang được Bộ Công an quan tâm. Công an tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ phối hợp Công an TP Long Khánh vào cuộc điều tra, xác minh vụ việc.

Cơ quan công an đã tiến hành lấy mẫu bánh mì để giám định nhằm xác định nguyên nhân ngộ độc, đồng thời làm việc với một số bệnh nhân và người liên quan.

“Cơ quan điều tra đang xác minh, truy xuất nguồn gốc nguồn nguyên liệu thực phẩm mà tiệm bánh sử dụng, chế biến dẫn đến vụ việc. Với sự việc phức tạp diễn ra, nhiều người bị ảnh hưởng đến sức khỏe đã đủ xác định có dấu hiệu vi phạm về an toàn thực phẩm” – thượng tá Hiếu nhìn nhận.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Vụ hơn 500 người nghi ngộ độc ở Đồng Nai: Tìm thấy khuẩn Salmonella ở một bé trai

Tối 6-5, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP HCM) cho biết liên quan đến vụ hơn 500 người nghi ngộ độc tại Đồng Nai, tại bệnh viện có tiếp nhận cấp cứu bệnh nhi P.H.M (14 tuổi, ngụ Long Khánh, Đồng Nai).

Theo đó, bé M. nhập viện trong tình trạng sốt, tiêu chảy sau ăn bánh mì, chẩn đoán nhiễm trùng đường ruột do vi khuẩn. Bé đã được điều trị kháng sinh, truyền dịch. Hiện bé đã ổn định. Các bác sĩ cũng đã thực hiện lấy mẫu phân của bệnh nhi để xét nghiệm. Kết quả cho thấy có vi khuẩn Salomonella trong mẫu phân.

Như vậy, tính đến hiện tại, liên quan vụ nghi ngộ độc bánh mì tại Đồng Nai, đã có 3 trẻ được chuyển đến TP HCM điều trị gồm 2 trẻ hiện đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 và 1 trẻ điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2

Trước đó, ngày 4-5, Sở Y tế Đồng Nai cho biết kết quả xét nghiệm máu của 3 bệnh nhi chuyển nặng sau ăn bánh mì cho thấy bị nhiễm khuẩn E.coli. Hiện đang chờ xem kết quả xét nghiệm máu ghi nhận vi khuẩn E.coli có trùng hợp với mẫu thức ăn hay không.

Theo các bác sĩ, vi khuẩn Samonella thường có trong môi trường như nước, thức ăn bẩn và đa phần gây ra bệnh về đường tiêu hóa. Người ăn phải thức ăn có khuẩn này sẽ có các biểu hiện giống như tất cả các ngộ độc khác. Sau khi ăn từ 4-6 tiếng sẽ xuất hiện các triệu chứng như: sốt, nôn ói, buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, tiêu phân có máu…

So với những khuẩn khác, Salmonella không phải là tác nhân quá nguy hiểm bởi cơ thể có khả năng chống được chúng. Tuy nhiên, những trường hợp nặng sẽ bị nhiễm trùng máu khiến sốc nhiễm khuẩn, trụy tim mạch… Khi xuất hiện những triệu chứng về đường tiêu hóa như trên cần quan sát theo dõi từng đối tượng để có hướng xử trí kịp thời. Đối với trẻ em cần quan sát thóp, mắt trũng xuống, li bì, tiểu ít. Đối với trẻ lớn hơn, người sẽ mệt mỏi, lừ đừ, môi khô, tiểu ít…

Bệnh chủ yếu lây qua đường tiêu hóa, nên để phòng bệnh cần ăn chín, uống sôi, vệ sinh tay thường xuyên, đặc biệt trước khi ăn. Khi trong nhà có người bệnh cũng cần vệ sinh nhà cửa sạch sẽ. Đảm bảo vệ sinh môi trường, bảo vệ nguồn nước, xử lý phân, rác triệt để, hợp vệ sinh. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, tạo tập quán đi tiêu đúng nơi quy định, không sử dụng phân tươi để bón cây trồng. Không đặt thức ăn đã nấu chín lên đĩa đã đựng thức ăn sống.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Vụ hơn 500 người ngộ độc ở Đồng Nai: Một bệnh nhi phải chuyển lên tuyến trên

Chiều 4-5, PGS-TS-BS Phạm Văn Quang, Trưởng Khoa Hồi sức chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết chiều qua (3-5), đoàn bác sĩ của bệnh viện đã đến Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai hỗ trợ điều trị bệnh nhi.

Vụ hơn 500 người ngộ độc ở Đồng Nai: Một bệnh nhi phải chuyển lên tuyến trên- Ảnh 1.

Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM) đang tiếp nhận điều trị 2 bệnh nhi liên quan đến vụ hơn 500 người ngộ độc tại Đồng Nai

Theo đó, tại đây đang điều trị cho 13 bệnh nhi liên quan đến vụ ngộ độc sau khi ăn bánh mì tại TP Long Khánh. Trong đó, có 2 bệnh nhi tiên lượng rất nặng, phải thở máy, lọc máu, vận mạch… và 4 bệnh nhi khác tiên lượng nặng.

Về 2 trường hợp rất nặng, có một bé 5 tuổi rưỡi nhập viện trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở, sốc nhiễm trùng nặng. Một trẻ khác bị sốc nặng.

“Các bác sĩ đã hội chẩn, tiến hành lọc máu để cố gắng kiểm soát tình trạng nhiễm trùng. Mặc dù huyết động học của 2 bệnh nhi tạm ổn định nhưng bé 5 tuổi rưỡi tình trạng đang rất nguy kịch” – bác sĩ Quang thông tin.

Bác sĩ Quang cho biết sáng 4-5, sau khi tiếp tục hội chẩn trực tuyến, 2 bệnh viện thống nhất chuyển bệnh nhi 5 tuổi rưỡi trên đến Bệnh viện Nhi đồng 1 để tiếp tục điều trị.

Các bác sĩ tại đây đang nỗ lực kiểm tra, đánh giá lại tình trạng của bệnh nhi và hội chẩn các giải pháp cứu chữa.

Trước đó, cũng liên quan đến vụ ngộ độc trên, Bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp nhận điều trị một bệnh nhi 13 tuổi. Sau quá trình điều trị, hiện bệnh nhi sinh hiệu ổn, tỉnh táo, hết sốt. Như vậy, hiện Bệnh viện Nhi đồng 1 đang điều trị cho 2 bệnh nhi.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Vụ hơn 500 người ngộ độc ở Đồng Nai: 3 bệnh nhi bị nhiễm trùng E.coli

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, ông Lê Quang Trung, hôm 4-5 cho biết liên quan vụ hơn 500 người bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì tại TP Long Khánh, kết quả xét nghiệm mẫu máu 3 bệnh nhi bị nặng cho thấy các em này bị nhiễm trùng E.coli.

Tại cuộc họp giao ban về kinh tế – xã hội tỉnh Đồng Nai tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2024, ông Trung cho biết thêm dự kiến ngày mai (5-5) sẽ có kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm.

Ngày 6-5, Sở Y tế sẽ có báo cáo xem giữa kết quả nhiễm trùng E.coli khi xét nghiệm máu có phù hợp với kết quả xét nghiệm mẫu thức ăn không.

Vụ hơn 500 người ngộ độc ở Đồng Nai: 3 bệnh nhi bị nhiễm trùng E.coli- Ảnh 1.

Một bệnh nhi được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai

Tính đến ngày 4-5, số ca bị ngộ độc sau khi ăn bánh mì tại TP Long Khánh là 555 trường hợp. Hiện nay, tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đang điều trị 5 ca là bệnh nhi bị nặng, trong đó có 3 ca đã tương đối ổn định.

Có 2 ca bệnh nhi vẫn đang phải thở máy, tuy nhiên có 1 ca tiên lượng tốt và 1 ca tiên lượng không tốt do bệnh nhi đã có giai đoạn bị ngưng tim trong quá trình cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh.

Thượng tá Nguyễn Mạnh Toàn, Phó giám đốc Công an tỉnh, cho biết Công an tỉnh đang tập trung chỉ đạo Công an TP Long Khánh, các phòng nghiệp vụ phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành truy vết thực phẩm, làm việc với các tổ chức cá nhân cung cấp nguồn thực phẩm cho tiệm bánh mì Băng.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Nguy cơ ngộ độc tăng do nắng nóng

Liên quan đến chùm ca ngộ độc tại TP Long Khánh, tỉnh Đồng Nai do ăn bánh mì, tính đến trưa 3-5 đã có 469 ca nhập viện, trong đó 1 ca là bé N.H.T.A (13 tuổi) điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM). 

Còn tại TP HCM, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức) cũng tiếp nhận và đang điều trị 16 ca là học sinh tại 4 trường tiểu học trên địa bàn nghi do ngộ độc thực phẩm. Đa số các em nhập viện trong tình trạng đau bụng, nôn ói, tiêu chảy sau khi ăn sushi (cơm cuộn) bày bán trước cổng trường, một số em có ăn thêm bánh mì.

Bé trai nghi ngộ độc thực phẩm đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM) hiện đã ổn định và đang được theo dõi thêm

Bé trai nghi ngộ độc thực phẩm đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM) hiện đã ổn định và đang được theo dõi thêm

PGS-TS-BS Phạm Văn Quang, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độc – Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết các triệu chứng, biểu hiện mức độ nặng hay nhẹ tùy thuộc thực phẩm bị ôi thiu chứa ít hay nhiều độc tố. Thông thường, dấu hiệu ngộ độc xuất hiện từ 6 – 12 giờ sau khi ăn với các triệu chứng như đau bụng, nôn ói, tiêu chảy, sốt…

Bác sĩ Quang nhấn mạnh thời tiết nắng nóng gay gắt, đồ ăn để bên ngoài vài giờ sẽ có nguy cơ ôi thiu, việc bảo quản cũng khó khăn và không phải thực phẩm nào cũng có thể bảo quản lạnh. Vì vậy, những thực phẩm thừa không cần thiết thì nên bỏ đi. 

Ngoài ra, với những nơi bán thức ăn số lượng lớn nếu cha mẹ mua cho con thì nên kiểm tra mùi vị, màu sắc trước khi ăn. Sau khi ăn để ý nếu trẻ xuất hiện các dấu hiệu như nôn ói, tiêu lỏng, kèm theo sốt nhiều… thì nên đến cơ sở y tế thăm khám ngay.

Với chùm ca ngộ độc tại Đồng Nai, theo bác sĩ Quang, Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã cử đoàn chuyên gia về hồi sức cấp cứu đến Bệnh viện Nhi Đồng Đồng Nai để hỗ trợ trực tiếp về chuyên môn. Bên cạnh đó, Sở Y tế TP HCM yêu cầu Bệnh viện Nhi Đồng 1 chuẩn bị sẵn sàng để tiếp nhận các trường hợp nặng từ Đồng Nai chuyển đến.

Ngày 3-5, trong Công điện số 44, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai những biện pháp ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm. Trong đó, yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các ngành chức năng tập trung cứu chữa các bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm xảy ra tại TP Long Khánh.

Công an TP Long Khánh cho biết đã phối hợp nhiều đơn vị làm việc với những người liên quan vụ ngộ độc sau khi ăn bánh mì.

Bước đầu, cơ quan chức năng xuống cơ sở bánh mì Băng, nơi các bệnh nhân từng mua bánh mì ăn trước đó để lấy mẫu thức ăn đi giám định nhằm xác định nguyên nhân. Tiệm bánh mì này không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Lực lượng chức năng đã yêu cầu cơ sở tiếp tục tạm ngưng hoạt động kinh doanh cho đến khi có kết luận của cơ quan có thẩm quyền.

Ng.Tuấn – B.T.C

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung cứu chữa người bị ngộ độc thực phẩm

Ngày 3-5, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ký công điện của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai các biện pháp ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung cứu chữa người bị ngộ độc thực phẩm- Ảnh 1.

Cứu chữa bệnh nhân ngộ độc thực phẩm ở Đồng Nai

Công điện nêu rõ số vụ ngộ độc, số người mắc ngộ độc thực phẩm vẫn còn nhiều, riêng năm 2023 toàn quốc đã ghi nhận 125 vụ làm trên 2.100 người mắc và làm 28 người tử vong, có xu hướng gia tăng so với năm 2022.

Gần đây, trên phạm vi cả nước vẫn ghi nhận một số vụ ngộ độc, đặc biệt vụ ngộ độc xảy ra tại TP Long Khánh, tỉnh Đồng Nai ngày 30-4 với trên 450 người mắc phải nhập viện điều trị, tiếp tục gây lo ngại trong nhân dân.

Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế chỉ đạo đẩy mạnh việc thông tin, tuyên truyền về nguy cơ ngộ độc thực phẩm và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, nhất là tại các điểm, khu du lịch, nhà ăn tập thể của trường học, khu công nghiệp, thức ăn đường phố…

Bộ Y tế thực hiện đầy đủ, có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc thực phẩm, thu hồi và xử lý đối với thực phẩm không bảo đảm an toàn theo đúng quy định.

Tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định; nghiên cứu xây dựng và sử dụng có hiệu quả hệ thống cảnh báo sự cố an toàn thực phẩm theo đúng quy định.

Chỉ đạo cấp cứu, điều trị kịp thời cho người bị ngộ độc thực phẩm, bảo đảm tốt nhất cho sức khỏe, tính mạng người dân khi xảy ra ngộ độc thực phẩm.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương thực hiện đầy đủ trách nhiệm phối hợp trong việc truy xuất nguồn gốc và xử lý thực phẩm gây ngộ độc thuộc lĩnh vực được phân công quản lý.

Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương tổ chức thực hiện chương trình giám sát, phòng ngừa, ngăn chặn sự cố an toàn thực phẩm và công tác phân tích nguy cơ đối với an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý theo đúng quy định.

Các địa phương có biện pháp nâng cao năng lực, hiệu lực quản lý điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, thức ăn đường phố.

Thường xuyên tổ chức đánh giá nguy cơ mất an toàn thực phẩm và triển khai các biện pháp cần thiết nhằm ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các ngành chức năng trên địa bàn tập trung cứu chữa bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm xảy ra tại TP Long Khánh bảo đảm tốt nhất cho sức khỏe người dân.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Vụ ngộ độc tại Đồng Nai: Đoàn bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM đến hỗ trợ

Chiều 3-5, Sở Y tế TP HCM cho hay liên quan đến các trường hợp ngộ độc thực phẩm tại Long Khánh, Đồng Nai, hôm 2-5, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã hội chẩn trực tuyến, tư vấn chuyên môn Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai để điều trị các bệnh nhi. Trong đó, 6 ca tình trạng nặng (2 ca đang thở máy và lọc máu).

Vụ ngộ độc tại Đồng Nai: Đoàn bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM đến hỗ trợ - Ảnh 1.

PGS-TS-BS Phạm Văn Quang, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độc- Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM), thăm khám cho bệnh nhi nghi ngộ độc thực phẩm

Trưa cùng ngày, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đã mời đoàn bác sĩ từ Bệnh viện Nhi đồng 1 trực tiếp xuống hội chẩn cùng các bác sĩ tại chỗ để cứu 2 bé ngộ độc nặng.

Sở Y tế TP HCM cũng đề nghị Bệnh viện Nhi đồng 1 chuẩn bị sẵn sàng để tiếp nhận các trường hợp nặng từ các bệnh viện ở Đồng Nai chuyển đến.

Liên quan đến chùm ca nghi ngộ độc là học sinh tại 4 trường tiểu học trên địa bàn TP Thủ Đức, Sở Y tế TP HCM cũng cho biết đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) tiến hành điều tra dịch tễ. Đồng thời, cử chuyên gia về cấp cứu nhi của Bệnh viện Nhi đồng 1 đến hỗ trợ Bệnh viện Lê Văn Thịnh trong chẩn đoán điều trị.

Theo Sở Y tế, kết quả ban đầu, tổ công tác ghi nhận các bệnh nhi từ 7-11 tuổi đang học tại 4 trường tiểu học gồm: Thạnh Mỹ Lợi, Bình Trưng Đông, Nguyễn Văn Trỗi và Lương Thế Vinh. 

Tất cả các trẻ này đều ăn cơm cuộn mua trước cổng trường. Sau khi ăn khoảng 2 giờ 30 phút đến 3 giờ, các cháu lần lượt xuất hiện triệu chứng: Buồn nôn rồi nôn nhiều lần, đau bụng, chóng mặt, mệt mỏi, một số trẻ đi tiêu chảy sau đó,… 

Sáng cùng ngày, tình trạng sức khỏe các cháu đều đã cải thiện, hoạt bát, không có dấu hiệu mất nước, không còn nôn, không sốt, không đau bụng, còn tiêu chảy ít.

Sở Y tế cho biết chuyên gia HCDC và nhi khoa nhận định đây là ngộ độc thực phẩm nghi do ăn phải độc tố vi khuẩn có trong thức ăn, khả năng cao là sau khi ăn cơm cuộn bán hàng trước cổng trường.

Sở Y tế chỉ đạo HCDC tiếp tục phối hợp Trung tâm Y tế TP Thủ Đức giám sát tình hình dịch bệnh tại các trường học và cộng đồng. Về xác định nguồn gốc gây ra ngộ độc thực phẩm sẽ được Sở An toàn thực phẩm TP HCM tiến hành điều tra, xác định nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm.

Nhân trường hợp này, ngành y tế TP khuyến cáo các bậc phụ huynh mua thức ăn đảm bảo vệ sinh cho con em ăn nhanh trước khi đi học. Đặc biệt, trong khi thời tiết nắng nóng là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh, nguy cơ nhiễm trùng đường tiêu hóa do ngộ độc thực phẩm tăng cao.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Vụ 15 học sinh nghi ngộ độc tại TP Thủ Đức: Thêm 1 bé trai nhập viện

Liên quan đến chùm 15 ca là học sinh tại 4 trường trên địa bàn TP Thủ Đức (TP HCM) nghi ngộ độc thực phẩm, trưa 3-5, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức) tiếp nhận thêm một bé trai học sinh lớp 2 Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (TP Thủ Đức) nhập viện.

Vụ 15 học sinh nghi ngộ độc tại TP Thủ Đức: Thêm 1 bé trai nhập viện- Ảnh 1.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi nghi ngộ độc thực phẩm tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức, TP HCM)

Theo đó, bé nhập viện trong tình trạng nôn ói, tiêu chảy, mất sức. Sau khi thăm khám, bé được truyền dịch, kháng sinh.

Mẹ bệnh nhi cho biết khoảng 6 giờ 30 sáng cùng ngày chị đưa bé đến trường. Sau đó, có mua một hộp cơm cuộn bày bán trước cổng trường cho con ăn. Tuy nhiên, đến 9 giờ sáng, cô giáo gọi điện cho chị đến đón con đi bệnh viện vì bé ói, đau bụng nhiều. 

“Tôi không biết thông tin 15 bé ngộ độc hôm qua. Cho đến sáng nay, khi vừa đọc xong tin thì cô giáo gọi điện nói đưa con đi bệnh viện khiến tôi hoảng quá” – mẹ bé chia sẻ.

Trước đó, ngày 2-5, Bệnh viện Lê Văn Thịnh đã tiếp nhận 15 trường hợp nghi ngộ độc thực phẩm. Tất cả các em đều là học sinh tại 4 trường tiểu học trên địa bàn TP Thủ Đức gồm: Thạnh Mỹ Lợi, Bình Trưng Đông, Nguyễn Văn Trỗi, Lương Thế Vinh. Phần lớn các em bị đau bụng, nôn ói, tiêu chảy sau khi ăn sushi (cơm cuộn) bày bán trước cổng trường, một số em có ăn thêm bánh mì.

Chị T.A, phụ huynh em H.M (7 tuổi, học sinh Trường Tiểu học Thạnh Mỹ Lợi, là một trong 15 em đang điều trị tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh), cho biết thêm trước đó, chị có mua hộp cơm cuộn với giá 20.000 đồng. Bên trong hộp cơm có nhân xúc xích, trứng, rong biển, dưa leo, cà rốt. Đáng chú ý, cơm được bán trước cổng trường nên đông học sinh đến mua.

Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Trâm, Phó Khoa Nhi-Bệnh viện Lê Văn Thịnh, cho biết đây là chùm ca nghi ngộ độc thực phẩm đầu tiên trong năm 2024 với cùng một triệu chứng đau bụng, nôn ói, tiêu chảy nhiều lần. Hiện các bệnh nhi sau khi truyền dịch và dùng kháng sinh đặc trị, tình trạng các cháu cơ bản đã ổn định và đang tiếp tục được theo dõi.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Đồng Nai: Khẩn trương điều tra vụ ngộ độc nghiêm trọng sau ăn bánh mì

Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban ngành, UBND các địa phương và các cơ sở y tế cần khẩn trương khắc phục hậu quả vụ ngộ độc thực phẩm đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại thành phố Long Khánh.

Đồng Nai: Khẩn trương điều tra vụ ngộ độc nghiêm trọng sau ăn bánh mì- Ảnh 1.

Lãnh đạo TP Long Khánh thăm, động viên gia đình và các bệnh nhân vụ ngộ độc sau khi ăn bánh mì tại cơ sơ bánh mì Băng

Cụ thể, UBND tỉnh yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo các bệnh viện như: Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Đồng Nai, BVĐK Thống Nhất, Bệnh viện Nhi Đồng Nai, BVĐK Cao su Đồng Nai, BVĐK khu vực Long Khánh và các đơn vị liên quan tập trung tối đa lực lượng y, bác sĩ, thuốc, thiết bị, vật tư y tế để cứu chữa kịp thời các bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm, không để ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người dân.

Đồng thời, chỉ đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm phối hợp Công an tỉnh, các đơn vị liên quan thực hiện kiểm tra, làm rõ nguyên nhân vụ việc, công khai kết quả để kịp thời cảnh cáo cho cộng đồng; hướng dẫn những cơ sở dịch vụ ăn uống đảm bảo vệ sinh, điều kiện an toàn thực phẩm, thực hiện nghiêm việc quản lý nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm; tuyên truyền, giáo dục cho người dân thay đổi hành vi, thói quen không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ…

Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai yêu cầu Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo công an các đơn vị phối hợp Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Quản lý thị trường Đồng Nai khẩn trương điều tra làm rõ nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm.

Chủ tịch UBND các huyện, thành phố cần phối hợp các sở, ngành chức năng để tiến hành rà soát những cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tiềm ẩn nhiều nguy cơ ngộ độc, nhất là cơ sở kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không để xảy ra các vụ việc tương tự.

Theo Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, tính đến 7 giờ sáng 3-5, các bệnh viện tại TP Long Khánh đã tiếp nhận cấp cứu 469 ca ngộ độc sau khi ăn bánh mì tại cơ sở bánh mì Băng.

Theo đó, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh đang điều trị cho 321 ca, xuất viện 19 ca, chuyển viện 11 ca, điều trị tại nhà 96 ca.

Các bệnh nhân điều trị tại bệnh viện đều ổn định. Hiện bệnh viện đang tiếp tục tiếp nhận bệnh nhân vào viện.

Còn tại Bệnh viện Đa khoa Cao su Đồng Nai tiếp nhận chữa trị 22 ca, trong đó có 9 trẻ em và không có ca nặng.

Riêng tại Bệnh viện Nhi Đồng Nai đang chữa trị cho 12 bé bi ngộ độc. Trong đó, có 5 ca bệnh nặng.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Bộ Y tế: Đình chỉ cơ sở bánh mỳ nghi gây ngộ độc ở Đồng Nai

Trong công văn gửi Sở Y tế Đồng Nai, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đề nghị Sở Y tế tỉnh Đồng Nai triển khai các nội dung liên quan đến vụ nghi ngộ độc thực phẩm xảy ra tại cơ sở bánh mỳ trên địa bàn phường Xuân Bình, TP Long Khánh, tỉnh Đồng Nai, khiến gần 300 người nhập viện.

Bộ Y tế: Đình chỉ cơ sở bánh mỳ nghi gây ngộ độc ở Đồng Nai- Ảnh 1.

Lãnh đạo TP Long Khánh thăm hỏi một bệnh nhi ngộ độc thực phẩm đang điều trị tại bệnh viện

Theo đó, Cục An toàn thực phẩm đề nghị Sở Y tế tỉnh Đồng Nai chỉ đạo bệnh viện có bệnh nhân ngộ độc bánh mỳ đang điều trị, tập trung nguồn lực tích cực điều trị cho các bệnh nhân ngộ độc thực phẩm không để ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng.

Khẩn trương điều tra xác định rõ nguyên nhân vụ ngộ độc theo quy định, lấy mẫu thực phẩm, bệnh phẩm để xét nghiệm tìm nguyên nhân và công khai kết quả để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.

Đình chỉ ngay cơ sở bánh mỳ nghi ngờ gây ngộ độc thực phẩm trên địa bàn. Kiểm tra điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở trên, nếu phát hiện có sai phạm cần xử lý nghiêm theo quy định.

Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở dịch vụ ăn uống đảm bảo vệ sinh, điều kiện an toàn thực phẩm, thực hiện nghiêm việc quản lý nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, lưu mẫu thực phẩm và vệ sinh trong các khâu chế biến. Báo cáo kết quả triển khai về Cục An toàn thực phẩm theo quy định.

Thống kê ban đầu, tính đến sáng 3-5, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh, Đồng Nai đang điều trị 321 người bệnh, toàn bộ bệnh nhân sức khỏe đều ổn định.

Tại Bệnh viện Nhi Đồng Nai, hiện đang điều trị 12 bệnh nhân, 2 bệnh nhân nặng phải thở máy, hiện nay huyết động của bệnh nhân tạm ổn, các bệnh nhân còn lại đang điều trị tại bệnh viện sức khỏe đã khá hơn. Bệnh viện Cao su Đồng Nai hiện đang điều trị 21 bệnh nhân, trong đó có 9 trẻ em, không có bệnh nhân nặng…

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

15 học sinh 4 trường ở Thủ Đức nhập viện, nghi ngộ độc thực phẩm

Tối 2-5, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức) cho biết vừa có báo cáo gửi Sở Y tế, Sở An toàn thực phẩm TP HCM, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và Trung tâm Y tế TP Thủ Đức liên quan vụ việc 15 học sinh nghi ngộ độc thực phẩm vừa xảy ra tại 4 trường tiểu học trên địa bàn.

Theo đó, 9 giờ cùng ngày, 15 học sinh của 4 trường tiểu học: Thạnh Mỹ Lợi (8 em), Bình Trưng Đông (3 em), Nguyễn Văn Trỗi (1 em), Nguyễn Thế Vinh (1 em) và 2 em chưa rõ học trường nào đã được đưa đến nhập viện.

Trước khi nhập viện, các em đã ăn sushi, một số em ăn bánh mì. Sau khi ăn, các em đều xuất hiện triệu chứng ói, sốt nên được nhập viện cấp cứu.

Các học sinh được chẩn đoán nhiễm trùng đường tiêu hóa, nghi ngờ ngộ độc thực phẩm. 

Các bác sĩ đã xử trí truyền dịch, kháng sinh. Hiện tại, hầu hết các em đều có sinh hiệu ổn, giảm ói nhưng vẫn cần phải nằm viện theo dõi.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Trẻ 6 tháng tuổi ngộ độc vì uống nhầm liều vitamin D người lớn

Ngày 2-5, Bệnh viện Nhi Trung ương thông tin về trường hợp bé 6 tháng tuổi ngộ độc vì dùng quá liều vitamin D.

Theo bác sĩ Thái Thiên Nam, Phó trưởng Khoa thận và lọc máu, Bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh nhi được gia đình đưa đi khám vì nôn, tiểu nhiều, sụt 700 gram trong 1 tháng.

Trẻ 6 tháng tuổi ngộ độc vì uống nhầm liều vitamin D người lớn- Ảnh 1.

Hình ảnh hai lọ vitamin D được gia đình chia sẻ với bác sĩ

Khai thác bệnh sử, gia đình bệnh nhi cho biết trước khi nhập viện 3 tháng, gia đình được một người quen cho 2 lọ vitamin D3+K2 có hình thức bên ngoài giống nhau. Tuy nhiên, có một lọ dành cho người lớn, một lọ cho trẻ em.

“Người nhà nghĩ 2 lọ vitamin D này giống nhau, nên đã cho bé uống lọ vitamin D3+K2 MK7 5000IE/ 200μg dành cho người lớn với liều lượng 3 giọt/ngày (5.000 UI/giọt). Như vậy, trẻ đã uống khoảng 15.000 UI/ngày, cao gấp nhiều lần liều lượng tối đa vitamin D dùng cho trẻ 6 tháng tuổi”- bác sĩ Nam thông tin.

Các xét nghiệm cho thấy bệnh nhân bị ngộ độc vitamin D và phải điều trị tích cực. Đến này, sau 5 ngày điều trị, trẻ đã hết nôn, không còn tình trạng mất nước… Tuy nhiên, theo bác sĩ Nam, trẻ sẽ phải ngừng tất cả các chế phẩm canxi và vitamin D ít nhất 6 tháng, truyền dịch để bù lại lượng dịch mất và tăng đào thải canxi máu.

Sau khi trẻ ra viện vẫn phải tái khám thường xuyên để kiểm tra biến chứng sỏi thận, lắng đọng canxi.

Theo bác sĩ Nam, vitamin D có vai trò rất quan trọng trong việc hình thành, phát triển xương cũng như góp phần tăng cường hệ miễn dịch đối với trẻ nhỏ. Tuy nhiên, nếu dùng quá liều vitamin D sẽ rất nguy hiểm, gây ngộ độc.

Trẻ 6 tháng tuổi ngộ độc vì uống nhầm liều vitamin D người lớn- Ảnh 2.

Bệnh nhi phải dừng ít nhất 6 tháng các chế phẩm canxi và vitamin D sau khi điều trị thải độc

Hàng năm, bệnh viện vẫn tiếp nhận một số trường hợp trẻ ngộ độc vitamin D do cha mẹ bổ sung vitamin D liều quá cao cho trẻ trong thời gian dài mà không phải do chế độ ăn hay do tiếp xúc với ánh nắng.

Khi bị ngộ độc vitamin D, trong máu của trẻ sẽ bị lắng đọng nhiều canxi, dẫn đến tình trạng chán ăn, giảm cân, táo bón, tiêu chảy, buồn nôn, nôn, vôi hóa ống thận, suy thận…

Nếu không sớm phát hiện tình trạng này trẻ sẽ phải đối mặt với những biến chứng nặng nề, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Bệnh viện Da liễu TP HCM có nữ giám đốc mới

Bác sĩ (BS) CK2 Nguyễn Thị Phan Thúy (46 tuổi) đã trải qua nhiều vị trí khác nhau tại Bệnh viện Da liễu TP HCM như Bí thư Đoàn Thanh niên, Trưởng Phòng Quản lý chất lượng, Phó giám đốc bệnh viện.

Ngày 15-1-2024, bác sĩ Thuý được Sở Y tế trao quyết định phân công phụ trách quản lý, điều hành hoạt động, thực hiện các giao dịch tài chính và nhiệm vụ của Giám đốc Bệnh viện Da liễu trực thuộc Sở Y tế TP HCM thay cho PGS-TS-BS Nguyễn Trọng Hào – giám đốc bệnh viện được bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.

Bệnh viện Da liễu TP HCM có nữ giám đốc mới- Ảnh 1.

BS CK2 Nguyễn Thị Phan Thuý nhận quyết định bổ nhiệm Giám đốc Bệnh viện Da liễu TP HCM

Tại buổi lễ trao quyết định bổ nhiệm, PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế, gửi lời chúc mừng và đánh giá cao những nỗ lực của bác sĩ Thúy trong thời gian qua. 

Ông tin rằng với cương vị mới, bác sĩ Thúy sẽ tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, cùng tập thể cán bộ, viên chức, người lao động bệnh viện phát huy tinh thần đoàn kết, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, xứng đáng là Bệnh viện Da liễu tuyến cuối của khu vực phía Nam.

Bệnh viện Da liễu TP HCM có nữ giám đốc mới- Ảnh 2.

Lãnh đạo ngành y tế cùng nhân viên Bệnh viện Da liễu TP HCM chụp hình lưu niệm chúc mừng tân Giám đốc Bệnh viện Da liễu TP HCM tại lễ bổ nhiệm

Phát biểu nhận nhiệm vụ, bác sĩ Thuý đã gửi lời cảm ơn đến các lãnh đạo và toàn thể nhân viên bệnh viện đã tin tưởng và tín nhiệm. Với cương vị mới, bác sĩ Thuý khẳng định sẽ tiếp tục phát huy những thành quả của bệnh viện. Đồng thời, xây dựng một Bệnh viện Da liễu năng động, hiện đại, đi trước, về đầu trong triển khai các danh mục kỹ thuật chuyên khoa da liễu trong nước và khu vực.

Bác sĩ Thuý sẽ giữ chức vụ Giám đốc Bệnh viện Da liễu trong thời gian 5 năm.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

60 ngày cứu bé gái ngộ độc botulinum

Ngày 10-4, BSCK2 Nguyễn Diệu Vinh, Phó trưởng Khoa Nội tổng hợp-Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP HCM), cho biết liên quan đến 2 trường hợp ngộ độc botulinum (từ tháng 2) được điều trị tại đây, đến nay đã có nhiều chuyển biến tích cực.

60 ngày cứu bé gái ngộ độc botulinum- Ảnh 1.

Sau 60 ngày điều trị tích cực vì ngộ độc botulinum, bé gái đã có thể tự ngồi, dự kiến xuất viện vào tuần sau

Trước đó, sau quá trình hồi sức tích cực, 1 bé hồi phục đã xuất viện vào ngày 1-3 và có thể đi học lại. Riêng bệnh nhi còn lại nặng hơn nên được tiếp tục điều trị. Đến nay, sau 60 ngày, bé đã tự ngồi được và dự kiến sẽ được xuất viện trong tuần tới.

Từ các trường hợp ngộ độc botulinum trên, bác sĩ Vinh lưu ý ngộ độc thực phẩm do độc tố botulinum thường liên quan đến việc ăn uống các thực phẩm chế biến sẵn, được gói hoặc đóng hộp có nhiễm độc tố botulinum do chủng vi khuẩn clostridium sinh ra trong quá trình bảo quản.

Bệnh khởi phát từ 12-36 giờ sau ăn hoặc có thể khởi phát chậm trong vòng 6-8 ngày. Bệnh cảnh chủ yếu của ngộ độc này là gây liệt các cơ lan dần từ trên xuống, tùy mức độ khác nhau với triệu chứng như nhìn đôi, nhìn mờ, sụp mí, nói ngọng, nuốt khó, khô miệng và yếu cơ. 

Trẻ em bị ngộ độc botulinum nhìn vẻ mệt mỏi, ăn (bú) kém, táo bón, khóc yếu và trương lực cơ giảm. Nếu không điều trị kịp thời, có thể tiến triển thành yếu liệt cơ hô hấp, tay, chân và toàn thân gây suy hô hấp dẫn đến tử vong. Bệnh được điều trị đặc hiệu bằng thuốc giải độc tố botulinum và các biện pháp chăm sóc, nâng đỡ khác như hỗ trợ hô hấp, xoay trở, vận động trị liệu, kháng sinh phòng ngừa bội nhiễm… Thuốc giải độc BAT là loại thuốc hiếm, không phải lúc nào cũng sẵn có nên người dân cần chủ động phòng tránh bệnh này bằng cách đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

“Để chủ động phòng ngừa sự cố, quý phụ huynh nên chọn thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, lưu ý thời hạn sử dụng, có tiêu chuẩn chất lượng và an toàn được chứng nhận. Bên cạnh đó, thận trọng với thực phẩm đóng hộp, khi mở có mùi hoặc màu sắc hoặc vị thay đổi bất thường nên bỏ ngay. Nên ưu tiên ăn thực phẩm mới chế biến, mới nấu chín” – bác sĩ Vinh khuyến cáo.

Trước đó, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 2 tiếp nhận lần lượt 2 bệnh nhi nhập viện trong tình trạng viêm não, xuất huyết não…. Sau khi khai thác dịch tễ, 2 bé cùng ăn tiệc tất niên và biểu hiện bệnh, các bác sĩ nghĩ ngay đến dấu hiệu ngộ độc botulinum. Cả hai được thực hiện các xét nghiệm máu, chụp CT-scan não, MRI não, đo điện cơ để chẩn đoán và loại trừ các nguyên nhân khác, đồng thời được khẩn trương truyền thuốc giải độc tố botulinum ngay trong đêm.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

CLIP: Đoàn múa lân sư rồng nghi bị ngộ độc sau khi ăn bánh mì, bánh bao

Chiều  3-4, một lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Bình Dương xác nhận có 47 ca nhập viện tại Trung tâm y tế TP Thuận An, tỉnh Bình Dương, nghi ngộ độc thực phẩm.

Sau khi ăn bánh mì, bánh bao phát từ thiện, 47 người phải nhập viện

Theo đó, sáng cùng ngày, tại một lễ hội ở TP Thuận An, có khoảng 50 người ăn bánh mì, bánh bao phát từ thiện.

Theo lời kể của các thành viên trong đoàn múa lân sư rồng, khoảng 4- 5 tiếng sau, nhiều thành viên trong đoàn múa lân và những người xem có biểu hiện mệt mỏi, đau bụng, buồn nôn, chóng mặt… Sau đó, họ được đưa đến Trung tâm Y tế TP Thuận An để kiểm tra.

CLIP: Đoàn múa lân sư rồng nghi bị ngộ độc sau khi ăn bánh mì, bánh bao- Ảnh 1.
CLIP: Đoàn múa lân sư rồng nghi bị ngộ độc sau khi ăn bánh mì, bánh bao- Ảnh 2.
CLIP: Đoàn múa lân sư rồng nghi bị ngộ độc sau khi ăn bánh mì, bánh bao- Ảnh 3.

Sức khỏe của các thành viên đoàn múa lân sư rồng đã ổn định

Báo cáo nhanh của Trung tâm Y tế TP Thuận An cho hay có 47 ca nhập viện với triệu chứng ban đầu là ói, đau bụng, tiêu lỏng… Đa số trường hợp đều xuất hiện các triệu chứng sau khoảng 1- 2 giờ ăn bánh mì, bánh bao…. 

Hiện 5 ca nhẹ được xuất viện, 42 ca ổn định, tiếp tục nằm theo dõi.

Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết cơ quan chức năng đang điều tra mẫu bánh mì và bánh bao.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Thông tin mới nhất vụ hơn 220 người ngộ độc khi ăn cơm gà

Ngày 15-3, Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa có văn bản yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh sẵn sàng tiếp nhận, thu dung điều trị ca bệnh có liên quan đến vụ việc ngộ độc cơm gà nêu trên mới đến nếu có; đồng thời chủ động theo dõi sát các ca bệnh đang điều trị nội, ngoại trú tại đơn vị.

Khi có ca bệnh diễn biến bất thường, chuyển nặng Sở Y tế yêu cầu cần kịp thời hội chẩn chuyên môn với Bệnh viện Đa khoa tỉnh để đưa ra giải pháp điều trị tối ưu nhất cho bệnh nhân tránh chậm trễ để người bệnh chuyển biến nặng, vượt quá khả năng chuyên môn của đơn vị.

Trong việc điều trị, bước đầu Sở Y tế đề xuất định hướng điều trị theo hướng nhiễm trùng, nhiễm độc đường tiêu hóa do tác nhân Salmonella group với kết quả tham khảo kháng sinh đồ sớm nhất từ Bệnh viện Đa khoa Vinmec để cân nhắc việc lựa chọn kháng sinh cho phù hợp.

Thông tin mới nhất vụ hơn 220 người ngộ độc khi ăn cơm gà- Ảnh 1.

Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa thăm hỏi các trường hợp bị ngộ độc nghi do vi khuẩn Salmonella – tác nhân chính gây nhiễm khuẩn đường ruột

Liên quan đến vụ ngộ độc này, Bệnh viện Đa khoa Vinmec đã xét nghiệm 2 trường hợp ngộ độc nghi do ăn cơm gà của quán T.A (đường Bà Triệu, TP Nha Trang) cho ra dương tính với vi khuẩn Salmonella – tác nhân chính gây nhiễm khuẩn đường ruột.

Thông tin mới nhất vụ hơn 220 người ngộ độc khi ăn cơm gà- Ảnh 2.

Một phần cơm gà khách ăn tại quán T.A vào trưa 13-3 và sau đó bị ngộ độc. Ảnh: Hoài An

Sở Y tế yêu cầu Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm chủ trì phối hợp với các Trung tâm y tế và Phòng Y tế các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục điều tra dịch tễ, điều tra và truy xuất nguyên nhân ngộ độc, cắt nguồn lây nhiễm bệnh, tăng cường truyền thông giáo dục người dân ăn uống hợp vệ sinh trong mùa nắng nóng, rà soát kiểm tra các dạng thực phẩm nguội, đồ ăn chế biến sẵn, đồ ăn nhanh trên địa bàn.

Đến 16 giờ chiều 15-3, tổng số ca tiếp nhận vụ ngộ độc cơm gà là 345 ca, trong đó 239 ca phải nhập viện. Các cơ sở y tế vẫn đang điều trị 201 ca.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

close(x)
close(x)