May 20, 2024

Vụ thai nhi tử vong liên quan Bệnh viện Thu Cúc: Công bố kết luận chuyên môn

Theo Sở Y tế Hà Nội, sau khi nhận được phản ánh của sản phụ T.N.D. (19 tuổi, Hà Nội) tố Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc tắc trách khiến thai nhi tử vong trong bụng mẹ, Hội đồng chuyên môn của Sở Y tế Hà Nội đã họp để xem xét, đánh giá quy trình khám chữa bệnh.

Vụ thai nhi tử vong liên quan Bệnh viện Thu Cúc: Công bố kết luận chuyên môn- Ảnh 1.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc- Ảnh: Internet

Theo đó, ngày 15-4, Sở Y tế Hà Nội có quyết định thành lập hội đồng chuyên môn để xem xét, đánh giá quy trình khám bệnh, chữa bệnh của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc đối với người bệnh. Ngày 9-5, Sở Y tế Hà Nội đã có văn bản thông báo kết luận họp hội đồng chuyên môn.

Trong văn bản, sở nêu rõ Hội đồng chuyên môn của Sở Y tế Hà Nội kết luận quá trình tiếp nhận, khám, chẩn đoán, theo dõi, xử trí, chuyển viện người bệnh T.N.D. của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc trong thời gian từ ngày 15-3 đến ngày 27-3 là hợp lý, phù hợp với tình trạng người bệnh, phù hợp với điều kiện khám, chữa bệnh cùng với các trang thiết bị y tế của bệnh viện cũng như các quy định của Bộ Y tế.

Ngoài ra, hội đồng chuyên môn cũng đưa ra khuyến cáo bệnh viện cần rút kinh nghiệm trong việc ghi chép hồ sơ: chẩn đoán xác định lúc vào viện phải phù hợp và thống nhất với mã ICD 10 (bảng phân loại bệnh tật quốc tế do Tổ chức Y tế thế giới xây dựng nhằm mục đích phân loại bệnh); tiền sử khoa cần ghi đúng theo danh từ chuyên môn.

Sở Y tế cũng đề nghị bệnh viện thực hiện rà soát toàn bộ quy trình đón tiếp khám, chữa bệnh tại tất cả các khoa phòng; cập nhật quy trình chuyên môn theo hướng dẫn của Bộ Y tế; thực hiện kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định, quy chế chuyên môn; thực hiện báo cáo sự cố y khoa theo quy định của Bộ Y tế.

Như Báo Người Lao Động đưa tin, chiều 9-4, gia đình chị T.N.D. tố bệnh viện tắc trách khiến thai nhi tử vong trong bụng mẹ.

Người nhà sản phụ phản ánh chị D. mang thai con đầu lòng, có đăng ký gói khám thai và sinh tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc.

Ngày 15-3, khi thai nhi được 37 tuần 5 ngày, vợ chồng chị D. lại đến thăm khám, siêu âm cho thấy thiểu ối, tim thai dao động nhiều, thai nhi có dây rốn quấn cổ. Gia đình có đề nghị bác sĩ cho mổ lấy thai.

Thai phụ được giữ lại một đêm theo dõi, sáng 16-3 cho ra viện với chẩn đoán thai nhi đã ổn định và chỉ định nếu có gì bất thường đến viện kiểm tra lại.

Khi về nhà, sản phụ không xuất hiện triệu chứng lạ, không đau bụng nên ngày 27-3, khi thai nhi được 39 tuần 2 ngày, thai phụ đến bệnh viện khám theo lịch. Qua siêu âm bác sĩ chẩn đoán thai nhi ngừng tim, tử vong trong bụng mẹ.

Sức khỏe – Tổng hợp tin Sức khỏe mới nhất trong ngày

Vụ Việt kiều tử vong sau phẫu thuật thẩm mỹ: Làm rõ chuyên môn hành nghề, xử lý nghiêm

Sáng 8-5, Sở Y tế TP HCM cho hay sau khi truyền thông phản ánh về việc một nữ Việt kiều Mỹ (64 tuổi) tử vong sau khi phẫu thuật thẩm mỹ (hút mỡ, cắt mí, thay túi độn ngực), Bệnh viện Đa khoa Tân Hưng (quận 7) mới báo cáo sự cố y khoa về Sở Y tế.

Ngay sau đó, sở đã làm việc với các đơn vị liên quan là Bệnh viện Tân Hưng và Bệnh viện Quân y 175.

Sở Y tế đề nghị lãnh đạo Bệnh viện Quân y 175 tổ chức họp kiểm thảo tử vong theo quy định. Điều này nhằm phân tích, đánh giá toàn bộ quá trình chẩn đoán, điều trị và cấp cứu người bệnh; giúp phát hiện những bất cập (nếu có) trong suốt quá trình chẩn đoán và điều trị cho người bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Tân Hưng để rút kinh nghiệm và tránh lặp lại.

Đồng thời, yêu cầu Thanh tra Sở Y tế tiếp tục xác minh việc tuân thủ các quy trình chuyên môn, quy định của ngành đối với bệnh viện và người hành nghề, cương quyết xử lý nghiêm các vi phạm nếu có.

Qua trường hợp này, Sở Y tế trân trọng ghi nhận và đề nghị các bệnh viện thuộc bộ, ngành đóng trên địa bàn TP tiếp tục đồng hành với ngành y tế TP trong công tác chăm sóc người bệnh; kịp thời thông tin về các phòng chuyên môn Sở Y tế biết khi tiếp nhận các trường hợp người bệnh được chuyển đến có dấu hiệu nghi ngờ bị sự cố trong quá trình điều trị trước đó.

Sở yêu cầu tất cả bệnh viện trên địa bàn nghiêm túc phổ biến và nghiên cứu, vận dụng triển khai hiệu quả các khuyến cáo của hội đồng quản lý chất lượng khám, chữa bệnh liên quan đến an toàn người bệnh trong phẫu thuật. Bên cạnh đó, tăng cường triển khai các hoạt động an toàn người bệnh trong phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ. 

Đây là căn cứ để Sở Y tế kiểm tra, đánh giá và công khai kết quả chất lượng đối với các bệnh viện có chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ để người dân chọn lựa khi có nhu cầu sử dụng dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Vụ hơn 500 người ngộ độc bánh mì ở Đồng Nai: Chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra

Ngày 7-5, ông Tăng Quốc Lập, Phó chủ tịch UBND TP Long Khánh (Đồng Nai), cho biết liên quan vụ ngộ độc sau khi ăn bánh mì Băng (phường Xuân Bình, TP Long Khánh) khiến 568 người nhập viện khám và điều trị, UBND TP Long Khánh đã chuyển cơ quan điều tra xác minh làm rõ.

Vụ hơn 500 người ngộ độc bánh mì ở Đồng Nai: Chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra- Ảnh 1.

Tính đến nay, chỉ còn 124 bệnh nhân nằm theo dõi tại bệnh viện

Cụ thể, trên địa bàn vừa qua xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nghi ngờ là do ăn bánh mì Cô Băng (phường Xuân Bình, TP Long Khánh).  Tính đến sáng 7-5 chỉ còn 124 bệnh nhân còn nằm theo dõi tại Bệnh viện Long Khánh và Bệnh viện Cao su Đồng Nai. 

Tất cả đều ổn định không có dấu hiệu nặng. Riêng ca nặng ở Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM) vẫn đang theo dõi chưa có chuyển biến. Các ca ở Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đều ổn, 1 ca nặng đã có dấu hiệu tích cực

Sau khi nhận được thông tin, UBND TP Long Khánh đã chỉ đạo các ngành chức năng kiểm tra, xác minh làm rõ. Quá trình kiểm tra và làm việc, ghi nhận tiệm bán bánh mì thịt trên phục vụ khoảng 1.000 ổ/ngày không có giấy phép kinh doanh tại địa chỉ trên và không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Tại đây, có 4 người làm việc trực tiếp không có giấy xác nhận tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm, không có giấy khám sức khỏe.

Tuy nhiên, theo quy định cần chờ kết quả xét nghiệm của Viện Y tế công cộng TP HCM để chứng minh hành vi “bán thực phẩm gây ngộ độc thực phẩm” của chủ cơ sở kinh doanh trên.

Vụ hơn 500 người ngộ độc bánh mì ở Đồng Nai: Chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra- Ảnh 3.

Đại diện Công an TP Long Khánh thông tin về sự việc

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Long Khánh, trong 568 ca ngộ độc trên, có những ca rất nặng và đa số là trẻ em. Vụ việc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn, do đó căn cứ quy định tại Bộ Luật Hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính, UBND TP Long Khánh đã chuyển các hồ sơ xác minh bước đầu về cơ sở kinh doanh nói trên cho Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an TP Long Khánh để điều tra làm rõ theo quy định pháp luật.

Trong khi đó, thượng tá Lê Chí Hiếu, Phó trưởng Công an TP Long Khánh, cho biết vụ việc đang được Bộ Công an quan tâm. Công an tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ phối hợp Công an TP Long Khánh vào cuộc điều tra, xác minh vụ việc.

Cơ quan công an đã tiến hành lấy mẫu bánh mì để giám định nhằm xác định nguyên nhân ngộ độc, đồng thời làm việc với một số bệnh nhân và người liên quan.

“Cơ quan điều tra đang xác minh, truy xuất nguồn gốc nguồn nguyên liệu thực phẩm mà tiệm bánh sử dụng, chế biến dẫn đến vụ việc. Với sự việc phức tạp diễn ra, nhiều người bị ảnh hưởng đến sức khỏe đã đủ xác định có dấu hiệu vi phạm về an toàn thực phẩm” – thượng tá Hiếu nhìn nhận.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Vụ hơn 500 người ngộ độc ở Đồng Nai: Một bệnh nhi phải chuyển lên tuyến trên

Chiều 4-5, PGS-TS-BS Phạm Văn Quang, Trưởng Khoa Hồi sức chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết chiều qua (3-5), đoàn bác sĩ của bệnh viện đã đến Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai hỗ trợ điều trị bệnh nhi.

Vụ hơn 500 người ngộ độc ở Đồng Nai: Một bệnh nhi phải chuyển lên tuyến trên- Ảnh 1.

Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM) đang tiếp nhận điều trị 2 bệnh nhi liên quan đến vụ hơn 500 người ngộ độc tại Đồng Nai

Theo đó, tại đây đang điều trị cho 13 bệnh nhi liên quan đến vụ ngộ độc sau khi ăn bánh mì tại TP Long Khánh. Trong đó, có 2 bệnh nhi tiên lượng rất nặng, phải thở máy, lọc máu, vận mạch… và 4 bệnh nhi khác tiên lượng nặng.

Về 2 trường hợp rất nặng, có một bé 5 tuổi rưỡi nhập viện trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở, sốc nhiễm trùng nặng. Một trẻ khác bị sốc nặng.

“Các bác sĩ đã hội chẩn, tiến hành lọc máu để cố gắng kiểm soát tình trạng nhiễm trùng. Mặc dù huyết động học của 2 bệnh nhi tạm ổn định nhưng bé 5 tuổi rưỡi tình trạng đang rất nguy kịch” – bác sĩ Quang thông tin.

Bác sĩ Quang cho biết sáng 4-5, sau khi tiếp tục hội chẩn trực tuyến, 2 bệnh viện thống nhất chuyển bệnh nhi 5 tuổi rưỡi trên đến Bệnh viện Nhi đồng 1 để tiếp tục điều trị.

Các bác sĩ tại đây đang nỗ lực kiểm tra, đánh giá lại tình trạng của bệnh nhi và hội chẩn các giải pháp cứu chữa.

Trước đó, cũng liên quan đến vụ ngộ độc trên, Bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp nhận điều trị một bệnh nhi 13 tuổi. Sau quá trình điều trị, hiện bệnh nhi sinh hiệu ổn, tỉnh táo, hết sốt. Như vậy, hiện Bệnh viện Nhi đồng 1 đang điều trị cho 2 bệnh nhi.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Bệnh nhân người lớn thoát chết sau khi chạy vào bệnh viện chuyên khoa nhi

Ngày 1-5, Sở Y tế TP HCM cho hay trong những ngày nghỉ lễ, ngành y tế TP đã kích hoạt quy trình báo động đỏ nội viện và liên viện cứu nhiều bệnh nhân nguy kịch. 

Bệnh nhân người lớn thoát chết sau khi chạy vào bệnh viện chuyên khoa nhi- Ảnh 1.

1 trường hợp nguy kịch được các bác sĩ Bệnh viện Trưng Vương thực hiện báo động đỏ nội viện phẫu thuật kịp thời và qua cơn nguy kịch

Trường hợp đầu tiên là nam bệnh nhân người lớn đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP HCM) cấp cứu trong tình trạng bứt rứt, môi tím tái, chi mát, mạch tứ chi khó bắt, huyết áp khó đo. Nguyên nhân, người bệnh có vết thương do dao đâm ở vùng ngực phải và vùng bụng ngay vị trí gan.

Ngay sau khi tiếp nhận, dù là bệnh viện chuyên khoa nhi nhưng ê-kíp trực đã cầm máu vết thương, đặt nội khí quản, truyền dịch chống sốc, truyền máu, truyền adrenaline. Đồng thời, bệnh viện đã kích hoạt báo động đỏ liên viện với Bệnh viện Nhân dân 115 và Bệnh viện Trưng Vương. Các bác sĩ nhận định bệnh nhân nguy cơ tử vong cao nếu không được cấp cứu kịp thời.

Sau đó, chỉ trong 30 phút, ê-kíp cấp cứu Bệnh viện Nhân dân 115 đã có mặt tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố để tham gia phẫu thuật. Sau 1 giờ hồi sức tích cực, bệnh nhân được chuyển vào phòng mổ ngay tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố với ê-kíp bác sĩ của Bệnh viện Nhân dân 115 và hội chẩn từ xa với ê-kíp cấp cứu của Bệnh viện Trưng Vương. Người bệnh được phẫu thuật khâu vết rách của phổi, cầm máu động mạch gian sườn, khâu cơ hoành và nhu mô gan bị rách.

Sau phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhân ổn định, dự kiến sẽ được chuyển đến Bệnh viện Nhân dân 115 để tiếp tục điều trị.

Trường hợp tiếp theo là 2 bệnh nhân gồm 1 công an và 1 dân quân tự vệ bị thương nặng khi đang làm nhiệm vụ, được chuyển cấp cứu đến Bệnh viện Nguyễn Tri Phương. Ngay sau khi tiếp nhận người bệnh, đánh giá đây là trường hợp nguy kịch với vết thương phức tạp và sâu vùng cổ, chảy máu nhiều, tình trạng người bệnh xấu dần, huyết áp tụt, ê-kíp trực đã nhanh chóng hội chẩn và kích hoạt báo động đỏ nội viện, chuyển phòng mổ tối khẩn. Sau nhiều giờ mổ, khâu cầm máu và hồi sức, tình trạng sức khỏe cả hai bệnh nhân đã dần ổn định.

Từ tháng 10-2016, Sở Y tế đã ban hành khuyến cáo triển khai quy trình báo động đỏ tại các bệnh viện công lập và ngoài công lập trên địa bàn TP nhằm nâng cao năng lực hồi sức cũng như huy động phối hợp khẩn cấp của nhiều chuyên khoa trong việc cứu người. Đến nay, khuyến cáo này vẫn còn nguyên giá trị, đã phát huy hiệu quả trong công tác cứu sống người bệnh trong các tình huống khẩn cấp, cần huy động mọi nguồn lực kịp thời.

Theo Sở Y tế, sự chuẩn bị và phản ứng nhanh chóng của đội ngũ nhân viên y tế trong thời gian trực gác cũng như sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bệnh viện đã chứng minh hiệu quả của quy trình báo động đỏ, giúp cứu sống nhiều bệnh nhân trong các tình huống khẩn cấp.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Việt Nam được chuyển giao phẫu thuật tật khúc xạ hiện đại nhất

Trung tâm mắt kỹ thuật cao, Bệnh viện Đông Đô (Hà Nội) vừa nhận chuyển giao công nghệ phẫu thuật tật khúc xạ SmartSight từ đối tác Đức.

Việt Nam được chuyển giao phẫu thuật tật khúc xạ hiện đại nhất- Ảnh 1.

Bác sĩ điều trị cho bệnh nhân bị cận thị bằng thiết bị mới

Bác sĩ Đinh Thị Phương Thủy, Giám đốc điều hành Bệnh viện Đông Đô, cho biết đây là công nghệ phẫu thuật bằng laser tiên tiến, sử dụng tia laser tạo ra mảnh mô giác mạc siêu mỏng. Bác sĩ phẫu thuật theo dõi qua kính hiển vi loại bỏ mảnh mô thông qua đường rạch nhỏ chỉ 2 mm, không tạo vạt giác mạc và làm giảm nguy cơ khô mắt sau phẫu thuật.

Công nghệ này cũng phẫu thuật điều trị độ cận thị và loạn thị cao hơn so với trước đây, với độ cận thị có thể lên tới 12 độ và loạn thị tới 6 độ. Lần đầu tiên Việt Nam được chuyển giao kĩ thuật hiện đại này.

PGS-TS Trần Anh Tuấn, nguyên Giám đốc Bệnh viện Mắt TP HCM, cho biết sự vượt trội của công nghệ SmartSight so với các phương pháp cũ là khả năng phục hồi thị lực nhanh chóng và độ chính xác cao trong quá trình phẫu thuật.

Tật khúc xạ gồm cận thị, viễn thị, loạn thị… là rối loạn về mắt thường gặp ở người trẻ Việt Nam. Số người mắc tật khúc xạ tăng mạnh những năm gần đây, nhất là khu vực thành thị. Trong đó, cận thị chiếm tỉ lệ cao nhất. Tỉ lệ cận thị ở TP Hà Nội và TP HCM có thể lên tới 50-70% ở học sinh.

Tại nhiều bệnh viện chuyên khoa mắt, số bệnh nhân đến khám vì mắc các tật khúc xạ gia tăng, đặc biệt vào mỗi dịp nghỉ hè.

Nhiều chuyên gia lý giải nguyên nhân dẫn đến các tật khúc xạ mắt có liên quan đến yếu tố di truyền, thói quen sinh hoạt, dinh dưỡng, đặc biệt là tình trạng lạm dụng thiết bị điện tử.

Do đó, khi phát hiện những dấu hiệu bất thường của mắt (nhìn mờ, nheo mắt, nháy mắt, chảy nước mắt, đỏ mắt…), cha mẹ nên đưa trẻ đến khám và điều trị kịp thời tại các cơ sở chuyên khoa.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế hướng dẫn chuyên môn cho bác sĩ Lào

Ngày 13-4, Bệnh viện Trung ương Huế cho biết đoàn công tác gồm các giáo sư, bác sĩ, chuyên gia y tế về lĩnh vực ngoại khoa, tiêu hóa nội soi và gây mê hồi sức của của bệnh viện này đã có chuyến làm việc thành công tại thủ đô Vientiane – Lào.

Bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế hướng dẫn chuyên môn cho bác sĩ Lào- Ảnh 1.

Đoàn y-bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế khám bệnh, hướng dẫn chuyên môn tại Bệnh viện Trung ương Mahosot. Ảnh: BVCC.

Chuyến công tác do GS-TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, làm trưởng đoàn, diễn ra từ ngày 7-4 đến 11-4, theo lời mời của Bộ trưởng Bộ Y tế Lào Bounfeng Phoummalaysith. Đoàn đã thăm và làm việc tại Bệnh viện Trung ương Mahosot – bệnh viện Tây y đầu tiên được thành lập năm 1903 và lớn nhất của Lào.

Tại đây, các bác sĩ nội soi, tiêu hóa, gây mê của Bệnh viện Trung ương Huế đã hướng dẫn các bác sĩ chuyên ngành liên quan của Bệnh viện Trung ương Mahosot thực hiện các kỹ thuật can thiệp nội soi tiêu hóa hiện đại trên 8 bệnh nhân. Tất cả họ được can thiệp đều đạt kết quả tốt và xuất viện khỏe mạnh.

Các bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Huế còn thực hiện khảo sát thực trạng về cơ sở hạ tầng, máy móc trang thiết bị, nhân lực … của Bệnh viện Mahosot. Trên cơ sở đó, hai bên đã đưa ra thảo luận những nội dung về hợp tác chuyên môn và đào tạo, đặc biệt những lĩnh vực ưu tiên hợp tác trong thời gian đến.

Vào năm 2017, GS-TS Phạm Như Hiệp cùng với đoàn công tác của Bệnh viện Trung ương Huế đã có chuyến công tác tại CHDCND Lào. Tại chuyến công tác này, Bệnh viện Trung ương Huế đã ký kết biên bản ghi nhớ trong vòng 5 năm với Sở Y tế của 5 tỉnh Savannakhet, Champasak, Salavan, Sê Kông và Attapu về việc hợp tác trong công tác khám chữa bệnh, đào tạo nhân lực y tế, chuyển tuyến và xã hội hóa y tế.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Uống nước sao cho đúng, chuyện không thể coi thường

Trước tình hình nắng nóng kéo dài ở khu vực Nam Bộ, trong đó có TP HCM, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) đã đưa ra khuyến cáo bảo vệ sức khỏe, phòng các bệnh do mất nước gây ra.

Uống nước sao cho đúng, chuyện không thể coi thường- Ảnh 1.

Nước giúp gan và thận bài tiết chất thải, đào thải độc tố; hỗ trợ điều hòa nhiệt độ cơ thể thông qua mồ hôi. Ngoài ra còn duy trì chức năng bình thường của ruột, giúp thức ăn di chuyển dễ dàng trong đường tiêu hóa, làm trơn các khớp xương, giữ cho da đẹp…

Nước chiếm khoảng 70% trọng lượng cơ thể và tham gia vào nhiều chức năng quan trọng. Cụ thể, đầu tiên, nước là dung môi sống để các phản ứng hóa học và sự trao đổi chất diễn ra không ngừng trong cơ thể.

Nước hòa tan các khoáng chất và chất dinh dưỡng giúp cơ thể hấp thu, phục vụ hoạt động sống. Quá trình chuyển hóa của cơ thể sẽ tạo ra các chất dư thừa, chất độc. Nước giúp gan và thận bài tiết chất thải, đào thải độc tố; hỗ trợ điều hòa nhiệt độ cơ thể thông qua mồ hôi. Ngoài ra, nước còn duy trì chức năng bình thường của ruột, giúp thức ăn di chuyển dễ dàng trong đường tiêu hóa, làm trơn các khớp xương, giữ cho da đẹp…

Để lượng nước uống vào phù hợp, theo HCDC, trong điều kiện bình thường, một ngày cơ thể cần trung bình 2 lít nước.

Nhu cầu về nước trong những ngày nóng bức, trong khi lao động thể lực hay tập luyện thể dục thể thao, trong tình trạng bị sốt, phụ nữ đang cho con bú tăng đáng kể so với bình thường. Do đó, tùy theo thể trạng sức khỏe, tình hình hoạt động mà mỗi người cần uống đủ một lượng nước khác nhau, phù hợp từng ngày để bảo đảm lượng nước vào cơ thể vừa đủ.

HCDC cho biết có 3 loại nước nên uống gồm: Nước đã đun sôi; các loại trà thảo dược, thanh nhiệt (trà actiso, râu ngô, giảo cổ lam, hoa cúc, trà xanh…); nước ép trái cây.

Các loại nước nên hạn chế uống gồm: Nước ép trái cây đóng hộp; nước ngọt có gas; cà phê, nước uống chứa cồn, nước uống tăng lực. Những loại nước uống này ngon miệng và có cảm giác giải khát nhưng thực chất nó chứa thành phần axit, đường cao nên gây hại cho dạ dày, ảnh hưởng không tốt đến men răng và làm tăng nguy cơ béo phì.

Chất cafein có trong trà, cà phê làm tăng bài tiết canxi của cơ thể, gây mất nước và làm tăng nguy cơ bị sỏi thận. Nước uống tăng lực sẽ khiến bạn có cảm giác bồn chồn, tăng huyết áp, mất nước, gây hại cho dạ dày.

HCDC hướng dẫn có các biện pháp uống nước đúng cách. Cụ thể:

1. Uống từ từ, từng ngụm nhỏ, mỗi lần không nên quá 150-200ml. Tránh tình trạng uống quá nhiều nước một lúc sẽ khiến nước hấp thu nhanh làm máu bị loãng, cơ thể tăng bài tiết nước làm mất đi một số khoáng chất cần thiết.

2. Uống nhiều nước vào buổi sáng và giảm dần đến tối. Trước khi đi ngủ không nên uống nhiều nước vì sẽ dễ gây mất ngủ. Thời điểm uống nước tốt nhất là vào buổi sáng. Sau một giấc ngủ dài cơ thể bị mất nước thì một ly nước lọc là một giải pháp rất tốt để cung cấp nước và giải độc cho cơ thể.

3. Uuống đủ nước chứ không nên để lúc khát mới uống vì khi có cảm giác khát thì cơ thể đã mất đi một lượng nước khoảng 2-5%. Uống đúng cách là biết chia đều thời gian uống nước để bảo đảm cơ thể luôn đủ nước.

4. Không nên uống nước quá lạnh hoặc quá nóng. Nước có nhiệt độ khoảng 15-30°C là phù hợp. Uống nước quá lạnh sẽ khiến cho các vi mạch máu trong dạ dày, ruột bị co thắt và nếu uống thường xuyên sẽ làm giảm chức năng của ruột và dạ dày, dẫn đến dễ bị đau bụng thậm chí tiêu chảy. Nước nóng quá có thể khiến bị tổn thương niêm mạc thực quản, lâu dài sẽ rất nguy hiểm.

5. Không nên uống nước đun lại nhiều lần vì nước đun sôi nhiều lần sẽ khiến kết tủa lắng đọng. Những kết tủa này thường là các kim loại nặng có trong nước sẽ tích tụ trong cơ thể.

6. Nên uống nước trước khi vận động hoặc chơi thể thao để giúp cơ thể có được một lượng nước dự trữ vừa đủ, tránh tình trạng mệt mỏi, thiếu nước trong khi vận động. Trong quá trình vận động cần uống nước thường xuyên, không đợi cảm giác khát. Sau khi kết thúc, hãy dành khoảng 10 phút nghỉ ngơi rồi sau đó hãy uống nước.

Lưu ý là uống nhiều nước khi cơ thể vẫn chưa trở về trạng thái nghỉ ngơi bình thường, tim vẫn đang đập nhanh sẽ tạo thêm áp lực làm việc cho tim và làm ảnh hưởng đến các bộ phận khác.

7. Không nên uống quá nhiều nước. Khi cơ thể phải tiếp nhận quá nhiều nước, thận làm việc không kịp sẽ làm cho chất khoáng trong máu bị pha loãng khiến cơ thể trở nên mệt mỏi và thậm chí là choáng, xỉu.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Bộ Y tế tham vấn chuyên gia về nồng độ cồn nội sinh

Đại diện Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết đang tham vấn ý kiến của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cơ sở khám chữa bệnh và các nhà chuyên môn về nồng độ cồn tự nhiên trong cơ thể người, còn gọi là cồn nội sinh.

Bộ Y tế tham vấn chuyên gia về nồng độ cồn nội sinh- Ảnh 1.

Không sử dụng rượu, bia liệu có phát hiện nồng độ cồn trong cơ thể hay không?

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng giao Vụ Pháp chế phối hợp với một số đơn vị thuộc bộ nghiên cứu các nội dung liên quan quy định nồng độ cồn trong máu hoặc khí thở của người điều khiển các phương tiện giao thông.

Không uống rượu bia vẫn có cồn trong hơi thở

Trước đó, Cục Quản lý khám, chữa bệnh đã có công văn gửi các chuyên gia, một số đơn vị chuyên khoa, đề nghị nghiên cứu, đề xuất về vấn đề nồng độ cồn trong máu hoặc khí thở của người điều khiển các phương tiện giao thông.

Việc đề xuất được căn cứ từ khía cạnh y tế như: Nồng độ cồn phát hiện trong cơ thể không do sử dụng rượu, bia; giới hạn nồng độ cồn trong máu hoặc khí thở của người điều khiển phương tiện giao thông.

Đề xuất được đưa ra trong bối cảnh Quốc hội thảo luận dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

“Thời gian qua cũng có một số ý kiến lo ngại về quy định hiện hành về nồng độ cồn với người lái xe là 0, trong khi có một số trường hợp có nồng độ cồn nội sinh, hoặc nồng độ cồn phát sinh sau ăn một số loại thực phẩm thông thường, kể cả trái cây, thuốc, thức ăn lên men, sản phẩm chứa cồn… nên Bộ Y tế đang hỏi ý kiến về tình huống này”- một chuyên gia của Bộ Y tế chia sẻ.

Khi có ý kiến của WHO và các chuyên gia về cồn nội sinh, Bộ Y tế sẽ có những kiến nghị sửa đổi phù hợp.

Tuy nhiên, chuyên gia này cũng khẳng định tất cả trường hợp cồn nội sinh là người bị bệnh, phổ biến là người bị bệnh cấu trúc đường tiêu hóa, như phẫu thuật, bệnh lý đường tiêu hóa, đường mật, loạn khuẩn ở đường tiêu hóa, xơ gan, đái tháo đường… Người khỏe mạnh không có hiện tượng này.

“Người dân không phải quá lo lắng, bởi những người bị bệnh như vậy có cồn nội sinh rất ít, hãn hữu. Nghĩa là tỉ lệ người có hiện tượng cồn nội sinh trong cộng đồng là rất thấp”- chuyên gia này nói.

Không có quy định về cồn tự nhiên trong cơ thể

Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định nồng độ cồn bằng 0 đối với người lái ôtô, với người lái xe máy là không quá 0,05 mg/100 ml khí thở. Khi xây dựng Luật Phòng chống tác hại rượu bia và có hiệu lực giữa năm 2019, quy định này được giữ nguyên.

Bộ Y tế tham vấn chuyên gia về nồng độ cồn nội sinh- Ảnh 2.

Kiểm tra nồng độ cồn tại vòng xoay Trần Não (phường An Khánh, TP Thủ Đức). Ảnh: Ý Linh

Tại mục 60 trong Quyết định số 320 ngày 23-1-2014 của Bộ trưởng Y tế có quy định về định lượng ethanol (định lượng nồng độ cồn) trong máu. 

Theo đó, tại điểm 4 “nhận định kết quả” có ghi: Trị số thường: dưới 10,9 mmol/lít (tương đương 50 mg/100 ml); Ethanol từ 10,9 – 21,7 mmol/lít: biểu hiện đỏ mặt, nôn mửa, phản xạ chậm chạp, giảm nhạy bén; nồng độ 21,7 mmol/lít: biểu hiện ức chế thần kinh trung ương; nồng độ 86,8 mmol/lít: có thể gây nguy hại cho tính mạng.

Đại diện Bộ Y tế cho biết nội dung trên tại quyết định số 320/QĐ-BYT là sự phân loại về chuyên môn y tế các mức, ngưỡng nồng độ cồn tương ứng với mức độ biểu hiện ảnh hưởng sức khỏe.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là cho phép trong máu có nồng độ cồn dưới 0,5 mg/ml (dưới 10,9 mmol/lít) được coi là cồn tự nhiên trong cơ thể.

Hiện các văn bản quy phạm pháp luật không có quy định về cồn tự nhiên trong cơ thể.

Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV vừa qua, Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét lần đầu đối với dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Liên quan các hành vi bị cấm tại khoản 1, điều 8 dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định cấm lái xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

Ngoài một số ý kiến băn khoăn về nồng độ cồn nội sinh thì nhiều ý kiến đồng tình với quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn (tức là nồng độ cồn bằng 0) với tài xế.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

200 chuyên gia, bác sĩ dự hội nghị y khoa

Nhân dịp kỷ niệm 69 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2), ngày 25-2, Bệnh viện Đại học Y dược Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) đã tổ chức Hội nghị khoa học thường niên lần thứ 2 năm 2024.

200 chuyên gia, bác sĩ dự hội nghị y khoa- Ảnh 1.

Hội nghị khoa học thường niên lần thứ II năm 2024 của Bệnh viện Đai học Y dược Buôn Ma Thuột thu hút 200 chuyên gia, bác sĩ của nhiều bệnh viện uy tín trên cả nước

Hội nghị khoa học thường niên Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột là sự kiện đặc biệt quan trọng được tổ chức hàng năm nhằm cập nhật kiến thức y khoa, kỹ thuật tiên tiến, có giá trị trong chẩn đoán, điều trị nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và chăm sóc toàn diện cho người dân trong khu vực. 

Hội nghị có sự tham dự của 200 đại biểu là các chuyên gia, bác sĩ giàu kinh nghiệm đến từ các bệnh viện uy tín trong cả nước.

200 chuyên gia, bác sĩ dự hội nghị y khoa- Ảnh 2.

Hội nghị nhằm cập nhật kiến thức y khoa, kỹ thuật tiên tiến để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh toàn diện cho người dân trong khu vực

Tại hội nghị, những báo cáo khoa học có giá trị cao nhằm đánh giá, so sánh thực tế kết quả của những mô hình, kỹ thuật đã và đang triển khai hiệu quả tại các cơ sở, được đông đảo đại biểu quan tâm và thảo luận sôi nổi. 

Trong khuôn khổ hội nghị còn có gian hàng trưng bày các sản phẩm, vật tư y tế, máy móc công nghệ cao đến từ các công ty, tập đoàn uy tín trong và ngoài nước.

Bác sĩ CKII Võ Minh Thành, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột, cho biết năm 2023, bệnh viện thực hiện thành công nhiệm vụ quan trọng hàng đầu và xuyên suốt. Ứng dụng khoa học, kỹ thuật mới bên cạnh việc phát triển toàn diện công tác khám, chữa bệnh, nghiên cứu, đào tạo với hơn 58 hội thảo và sinh hoạt khoa học được tổ chức thành công.

Trong năm 2024, Hội nghị khoa học thường niên lần thứ II sẽ mở đầu cho chuỗi các hoạt động đào tạo chuyên môn. 

“Tôi tin rằng, hội nghị lần này là cơ hội quý báu để các bác sĩ, nhân viên y tế chia sẻ và cập nhật những chiến lược điều trị mới trong tương lai. Đồng thời, khuyến khích các hoạt động nghiên cứu khoa học, nâng cao trình độ làm chủ và ứng dụng các nghiên cứu vào điều trị thực tiễn, ngày càng giúp nhiều người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại khu vực” – bác sĩ Võ Minh Thành nhấn mạnh.

Tỉ lệ mắc ung thư đường tiêu hóa có xu hướng trẻ hóa

Bác sĩ CKII Võ Minh Thành thông tin hiện nay, số người mắc bệnh ung thư gan, mật, tụy, đường tiêu hóa vẫn không ngừng gia tăng hàng năm và ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Vì vậy, công tác nghiên cứu nhằm chẩn đoán sớm, điều trị và dự phòng hiệu quả bệnh vừa mang tính cấp thiết vừa có tính lâu dài.

Do đó, Hội nghị khoa học thường niên Bệnh viện Đại học Buôn Ma Thuột lần thứ 2 hướng đến trao đổi và giải quyết chuyên sâu các vấn đề liên quan đến các bệnh lý trên, thông qua việc đánh giá các đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và phân tích kết quả điều trị. Đặc biệt là hiệu quả điều trị khi sử dụng các phương pháp phẫu thuật nội soi, ít xâm lấn…

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Trước ý kiến trái chiều về bia 0 độ cồn, chuyên gia nói gì?

Phóng viên Báo Người Lao Động đã trao đổi với PGS-TS Đặng Văn Hoài, Trưởng Khoa Khoa học cơ bản, Trưởng Bộ môn Hóa – Trường ĐH Y dược TP HCM, xung quanh vấn đề này.

PGS-TS Đặng Văn Hoài giải đáp những thắc mắc xung quanh bia 0 độ cồn

+ Phóng viên: Thưa PGS-TS Đặng Văn Hoài, sau khi uống bia 0 độ cồn, nếu kiểm tra thì có phát hiện nồng độ cồn trong hơi thở không?

+ PGS-TS Đặng Văn Hoài: Nếu đúng là uống bia 0 độ cồn thì khi thổi, máy đo sẽ không ghi nhận nồng độ cồn. Bởi vì, trong máy đo nồng độ cồn có chất ôxy hóa nên khi gặp cồn, phản ứng ôxy hóa sẽ xảy ra. Tùy theo độ cồn nhiều hay ít sẽ thể hiện qua màu xanh đậm hay nhạt và chỉ số trên đồng hồ của máy. Như vậy, nếu không có chất khử là cồn thì khi thổi nồng độ cồn sẽ không có phản ứng xảy ra

+ Nhiều người cho rằng dù đã uống bia 0 cồn nhưng khi thổi, máy vẫn báo có nồng độ cồn. Bên cạnh đó, hiện nay có nhiều sản phẩm bia được quảng cáo 0 độ cồn nhưng lại khuyến cáo “chỉ dành cho người trên 18 tuổi”. Quan điểm của ông như nào?

+ Thông thường, bia có khoảng 5% cồn. Dù trong bia chỉ có 0,5% cồn thì vẫn gọi là bia có cồn chứ không thể gọi là bia 0 độ cồn được. Nếu đã không độ cồn thì uống vào không say, cũng giống như uống nước trái cây, nước trà.

Độ cồn có hay không, cao hay thấp cần phải có sự kiểm định, định lượng. Đã là rượu, bia thì phải có cồn, do đó gọi tên “bia không cồn” thì về mặt hóa học là không đúng. Nếu uống bia 0 độ cồn mà khi kiểm tra vẫn cho thấy có nồng độ cồn trong hơi thở thì chứng tỏ bia đó có cồn.

+ Một số người thắc mắc dù đã uống bia, rượu từ 1-2 ngày trước nhưng khi bị kiểm tra vẫn thấy còn nồng độ cồn, vẫn bị xử phạt. Ông có thể cho biết vì sao?

+ Khi uống rượu, bia, cơ thể sẽ chuyển hóa theo 3 đường gồm gan, thận và phổi. Trong đó, chuyển hóa qua phổi bằng đường hô hấp ít hơn so với gan, thận. Cồn trong cơ thể vẫn được phát hiện sau khi uống rượu, bia 3 – 4 ngày nếu xét nghiệm máu và nước tiểu. Còn nếu kiểm tra bằng máy thổi nồng độ cồn thì tùy thuộc lượng rượu, bia được nạp vào cơ thể nhiều hay ít mà có thể phát hiện ra hay không. Nếu ngày hôm trước uống nhiều thì hôm sau thổi nồng độ cồn vẫn phát hiện.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Bệnh nhân xúc động với những “Chuyến xe yêu thương”

Sáng 3-2, Bệnh viện Trung ương Huế đã tổ chức chương trình “Chuyến xe yêu thương” nhằm giúp đỡ các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, đang điều trị tại bệnh viện cùng người nhà của họ về quê đón Tết Giáp Thìn năm 2024.

Theo đó, bệnh viện đã bố trí nhiều chuyến xe để chở gần 200 bệnh nhân và người nhà về các tỉnh, thành như: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi.

Bệnh nhân xúc động với những "Chuyến xe yêu thương"- Ảnh 1.

GS-TS Phạm Như Hiệp trao quà cho các bệnh nhân nghèo trước khi lên xe về quê ăn Tết.

GS-TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, đã trực tiếp đến tham dự chương trình và cùng các nhà hảo tâm trao tặng quà Tết cho các bệnh nhân gồm 3 phần quà kèm 1 triệu đồng/suất.

“Đối với các bệnh nhân ở lại trong dịp Tết, bệnh viện cũng tổ chức các hoạt động vui xuân đón Tết, thăm hỏi, tặng quà. Ngoài ra, họ có thể được miễn giảm chi phí điều trị, nằm viện nhằm mang không khí Tết đến với từng bệnh nhân, động viên yên tâm điều trị bệnh” – GS-TS Phạm Như Hiệp chia sẻ.

Bệnh nhân xúc động với những "Chuyến xe yêu thương"- Ảnh 2.

“Chuyến xe yêu thương” đưa các bệnh nhân về quê ăn Tết.

“Chuyến xe yêu thương” là một chương trình thường niên của Bệnh viện Trung ương Huế nhằm đưa người bệnh về quê đón tết, thể hiện mục tiêu chăm sóc toàn diện của bệnh viện trong việc chăm lo cho người bệnh từ tiếp đón, thăm khám và điều trị nội trú đến lúc họ yên tâm ra viện đón Tết.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Bộ trưởng Bộ Y tế tiễn bệnh nhân về quê đón Tết trên chuyến xe “0 đồng”

Cùng tiễn bệnh nhân về quê trên chuyến xe yêu thương với Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan có bà Angela Pratt, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam và ban giám đốc Bệnh viện K.

Bộ trưởng Bộ Y tế tiễn bệnh nhân về quê đón Tết trên chuyến xe "0 đồng"- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trò chuyện, tiễn bệnh nhân về quê đón Tết

Chuyến xe “0 đồng” lan tỏa yêu thương

Tại đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã lên các chuyến xe, trao tặng lì xì, nhắn nhủ người bệnh vui xuân nhưng không quên lời dặn dò của thầy thuốc để đảm bảo sức khỏe và hiệu quả điều trị.

Bộ trưởng đánh giá những chuyến xe yêu thương rất nghĩa tình, giúp người bệnh thuận lợi trở về nhà đón Tết.

GS-TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K, cho biết đây là năm thứ 8 bệnh viện phối hợp với Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư – Ngày mai tươi sáng cùng các đơn vị khác tổ chức chuyến xe yêu thương “0 đồng”, đưa người bệnh về tận quê ăn Tết để họ không còn phải lo lắng trước tình hình quá tải bến xe trong dịp Tết.

Nhiều bệnh nhân xúc động trước sự quan tâm của bệnh viện trước khi về quê đón Tết

Đón Tết Giáp Thìn 2024, bệnh viện chia làm 2 đợt, đợt 1 diễn ra vào chiều 1-2, với 360 người bệnh được xe đưa về tận nhà. Tiếp đến, sáng 6-2, tức 27 tháng Chạp, những bệnh nhân còn lại sẽ được các chuyến xe yêu thương đưa về nhà.

Các chuyến xe miễn phí được sắp xếp hợp lý đưa người bệnh về quê ăn Tết theo các tuyến: Hải Dương – Hải Phòng; Thái Bình – Nam Định; Phú Thọ – Tuyên Quang; Thái Nguyên – Bắc Kạn; Hòa Bình – Sơn La; Yên Bái – Lào Cai; Bắc Ninh – Bắc Giang – Lạng Sơn; Ninh Bình – Thanh Hóa – Nghệ An – Hà Tĩnh.

Bộ trưởng Bộ Y tế tiễn bệnh nhân về quê đón Tết trên chuyến xe "0 đồng"- Ảnh 2.

Các y bác sĩ chào tạm biệt bệnh nhân về quê đón Tết nguyên đán

Trưa cùng ngày, Bệnh viện K cũng tổ chức bữa cơm tất niên sớm, với những món ăn cổ truyền ngày Tết như: bánh chưng, nem, giò… cho 2.000 người bệnh, thân nhân người bệnh ở bệnh viện.

“Nhiều gia đình vợ chăm chồng, mẹ chăm con, anh trai chăm em sau những ngày chiến đấu với bệnh tật, được bình dị ngồi ăn cơm cùng nhau, khi Tết đến thật gần. Những người bệnh cùng phòng dặn dò nhau về quê ăn Tết giữ sức khỏe, đón một năm mới bình an để cùng nhau chiến thắng bệnh tật”- GS Quảng nói.

Bộ trưởng Bộ Y tế tiễn bệnh nhân về quê đón Tết trên chuyến xe "0 đồng"- Ảnh 3.

Người bệnh tham gia bữa cơm tất niên sớm trước khi được trở về nhà đón Tết

Sau bữa cơm tất niên, người bệnh và gia đình được trở về quê đón Tết trên hành trình những chuyến xe yêu thương miễn phí với nhiều niềm vui hân hoan.

Với các bệnh nhân không đủ sức khỏe để tham dự chương trình, đại diện bệnh viện đã tới từng giường bệnh thăm hỏi, động viên và trao các phần quà và 600 suất cơm cho người bệnh.

Bộ trưởng Bộ Y tế tiễn bệnh nhân về quê đón Tết trên chuyến xe "0 đồng"- Ảnh 4.

GS-TS Lê Văn Quảng tặng quà bệnh nhân ung thư

GS Quảng chia dịp Tết Nguyên đán, bệnh viện sẽ chuẩn bị những phần cơm cho người bệnh ở lại điều trị, để người bệnh yên tâm, ấm lòng hơn dù phải xa nhà trong những ngày xuân mới sang.

Dịp này, Quỹ Ngày mai tươi sáng cũng khởi động chương trình xuân yêu thương dành cho bệnh nhi ung thư nhân dịp xuân Giáp Thìn. Chương trình nhằm mang lại niềm vui và hy vọng đến cho các chiến binh ung thư nhỏ tuổi tại Bệnh viện K, Bệnh viện Ung bướu TP HCM và Bệnh viện Trung ương Huế.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

40 y bác sĩ cứu sống sản phụ nguy kịch từ Campuchia chuyển qua Việt Nam

Ngày 11-1, Bệnh viện Pháp – Việt (FV) TP HCM cho biết các bác sĩ tại đây vừa cứu sống bệnh nhân Chhun Setina (36 tuổi, quốc tịch Campuchia) bị rối loạn đông máu hiếm gặp khiến chị chảy máu không ngừng sau sinh.

40 y bác sĩ cứu sống sản phụ nguy kịch từ Campuchia chuyển qua Việt Nam- Ảnh 1.

Các bác sĩ hội chẩn liên tục để tìm nguyên nhân chảy máu của sản phụ

Theo đó, chị Setina sinh con lần 3 tại một bệnh viện ở Campuchia. Tuy nhiên, sau sinh, chị sốt và chảy máu không ngừng. Nghi ngờ chị bị băng huyết, các bác sĩ đã mổ 2 lần nhưng tình trạng chảy máu vẫn tiếp diễn. Do đó, bệnh viện này đã liên lạc với một số bệnh viện tại Việt Nam và được văn phòng đại diện Bệnh viện FV tại Phnom Penh tiếp nhận.

Bệnh nhân được chuyển cấp cứu từ Campuchia đến Bệnh viện FV (TP HCM) điều trị. Kết quả phim chụp cho thấy ổ bụng bệnh nhân có 2 miếng gạc lớn nên các bác sĩ đã mổ lấy ra, ghi nhận hoang bụng có 2 lít máu. Sau đó, tiếp tục phát hiện sản phụ tổn thương động mạch thượng vị dưới bên trái chưa được xử lý tốt, nên tiến hành cầm máu cho bệnh nhân. Tuy nhiên, máu vẫn rỉ rả chảy tiếp.

Các bác sĩ đã hội chẩn liên chuyên khoa để tìm nguyên nhân máu chảy không ngừng. Sau đó, họ quyết định can thiệp mạch, nhằm làm tắc các nhánh tổn thương của động mạch thượng vị dưới ở vùng bụng bệnh nhân để ngăn chảy máu.

Tuy nhiên, 12 giờ sau, máu tiếp tục chảy. Bệnh nhân tiếp tục được truyền máu nhưng truyền vào bao nhiêu thì chảy ra bấy nhiêu. Các bác sĩ tiếp tục hội chẩn và nghi ngờ sản phụ bị Hemophilia (bệnh rối loạn đông máu) gây chảy máu khó cầm nên thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu.

Kết quả cho thấy sản phụ bị Hemophilia mắc phải (Acquired Homophilia). Bác sĩ Phạm Mạnh Tuấn, chuyên gia huyết học Bệnh viện FV, cho biết Hemophilia là bệnh có tính chất di truyền, gặp chủ yếu ở nam giới. Trong khi đó, Hemophilia mắc phải có tỉ lệ hiếm hơn, khoảng 1 ca/1000 dân mỗi năm và thường gặp trên bệnh nhân lớn tuổi có các bệnh nền như ung thư, mỡ máu… Tuy nhiên, trường hợp này là sản phụ trẻ tuổi nên tỉ lệ mắc phải càng hiếm.

“Ở sản phụ này, quá trình thai sản có thể là yếu tố nguy cơ dẫn tới bệnh Hemophilia mắc phải. Bên cạnh đó, thuốc điều trị rất đắt và hiếm, chỉ một số bệnh viện mới có thuốc dự phòng. May mắn, sau khi FV liên hệ với các bệnh viện trong TP đã tìm được 4 đơn vị để truyền cho sản phụ” – bác sĩ Tuấn nói.

Sau khi tiêm thuốc, hiện tượng chảy máu của bệnh nhân lập tức ngưng lại. Tuy nhiên, do mổ đi mổ lại nhiều lần nên bệnh nhân bị suy kiệt, sốc nhiễm trùng nặng và tổn thương các cơ quan nội tạng (viêm phổi, nấm đường tiết niệu, các cơn nhược giáp và những cơn hen), sốt kéo dài âm ỉ trong 3 tuần.

40 y bác sĩ cứu sống sản phụ nguy kịch từ Campuchia chuyển qua Việt Nam- Ảnh 3.

Bác sĩ thăm khám và thay băng cho sản phụ sau khi qua cơn nguy kịch

“Vì bị sốc nhiễm trùng nên bệnh nhân cần được dùng thuốc kháng sinh liều cao, thuốc trợ tim, thuốc vận mạch để tăng huyết áp. Gần như khắp người bệnh nhân gắn đầy bơm tiêm để bơm thuốc vận mạch cùng các thuốc nâng đỡ cơ thể” – bác sĩ Nguyễn Thị Lam Giang, Khoa Gây mê hồi sức cho hay.

Sau 1 tháng, cùng hơn 40 y bác sĩ đã tham gia điều trị tích cực, sản phụ đã hồi phục, thoát “cửa tử” và được xuất viện. Biết tin mình khỏi bệnh và về nhà sớm, chị Setina nghẹn ngào nói “Tại Việt Nam, tôi như được sinh ra lần nữa”.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Chuyển nhóm COVID-19 là sự kiện tiêu biểu của ngành y

Trước đó, tại quyết định số 3896 ngày 19-10-2023 của Bộ Y tế, từ ngày 20-10, COVID-19 không còn là bệnh truyền nhiễm nhóm A mà chuyển sang thuộc nhóm B theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007.

Đây là dấu mốc quan trọng ghi nhận sự thành công của Việt Nam trong phòng, chống đại dịch COVID- 19.

Chuyển nhóm COVID-19 là sự kiện tiêu biểu của ngành y- Ảnh 1.

COVID-19 được chuyển từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B

Bộ Y tế cho biết sự kiện tiêu biểu đầu tiên của ngành trong năm 2023 là nhiều chỉ thị, nghị quyết được ban hành tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới.

Tiếp đến, Quốc hội thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1-1-2024 đã bổ sung các quy định về chính sách, về một số thủ tục hành chính theo hướng đơn giản hóa tối đa các trình tự, quy trình, thủ tục, hồ sơ; giảm thời gian xem xét để cấp mới, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh giấy phép hành nghề, giấy phép hoạt động… nhằm tạo điều kiện cho người bệnh, người hành nghề, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh

Một sự kiện tiêu biểu của ngành trong năm qua đó là Bộ Y tế tham mưu, xây dựng nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn về đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế và vắc-xin… kịp thời đáp ứng yêu cầu công tác khám, điều trị bệnh, đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe người dân. Tháo gỡ cơ chế thanh toán chi phí khám chữa bệnh.

Bộ Y tế cũng đánh giá, công tác cải cách hành chính và chuyển đổi số của ngành y có bước chuyển biến mạnh mẽ với100% các cơ sở khám, chữa bệnh có dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt theo nhiều hình thức khác nhau.

Hệ thống khám, chữa bệnh từ xa được triển khai tại hơn 1.000 cơ sở y tế trong cả nước; đẩy mạnh ứng dụng tư vấn khám, chữa bệnh từ xa, hỗ trợ người dân…

Chuyển nhóm COVID-19 là sự kiện tiêu biểu của ngành y- Ảnh 2.

Trung tâm tư vấn khám, chữa bệnh từ xa của Bệnh viện Bạch Mai

Các cơ sở y tế đã có nhiều đột phá trong phẫu thuật, điều trị, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh phục vụ nhân dân; đẩy mạnh hoạt động đối ngoại.

Năm 2023, Việt Nam cũng là quốc gia dẫn đầu châu Á – Thái Bình Dương về điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP), góp phần giảm nguy cơ lây nhiễm HIV.

Cũng trong năm qua, UNESCO vinh danh Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Nghị quyết của UNESCO thông qua là sự khẳng định về những đóng góp to lớn của Việt Nam trên các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội, đồng thời thể hiện sự lan tỏa tài năng, trí tuệ của người Việt trên trường quốc tế.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Chuyển đổi số là nhiệm vụ đặt lên hàng đầu của ngành y tế TP HCM

Thông tin này được ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, nhấn mạnh tại hội nghị triển khai hoạt động trọng tâm của ngành y tế TP HCM năm 2024, ngày 5-1.

Chuyển đổi số là nhiệm vụ đặt lên hàng đầu của ngành y tế TP HCM- Ảnh 1.

Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, phát biểu tại hội nghị

Tham dự có ông Nguyễn Phước Lộc, Phó Bí thư Thành ủy TP HCM, cùng nhiều lãnh đạo các cơ sở y tế trên địa bàn TP HCM và tỉnh thành phía Nam.

Tại hội nghị, UBND TP HCM đã khen thưởng đột xuất cho ê kíp bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1 và Bệnh viện Từ Dũ đã thông tim xuyên tử cung cứu sống một bào thai bị dị tật tim bẩm sinh nặng. 

Chuyển đổi số là nhiệm vụ đặt lên hàng đầu của ngành y tế TP HCM- Ảnh 2.

Ê kíp bác sĩ thông tim xuyên tử cung cứu sống một bào thai bị dị tật tim bẩm sinh nặng đã được lãnh đạo TP HCM và lãnh đạo ngành y tế TP HCM khen thưởng đột xuất tại hộ nghị.

TS-BS Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho biết năm 2023, ngành y tế đã có sự phục hồi trong tất cả hoạt động chăm sóc sức khỏe người dân giai đoạn trước dịch. Số lượt khám chữa bệnh ngoại trú tăng 11% so với năm 2022 và tăng 6% so với năm 2020. 

Trong đó, số lượt khám, chữa bệnh BHYT ngoại trú tăng 17% so năm 2022 và tăng 7% so với 2020. Đồng thời, số lượt điều trị nội trú cũng tăng 4,1% và số lượt nội trú có thẻ BHYT tăng 9.1% so với năm 2022.

Trong năm qua, các bệnh viện đã triển khai nhiều hoạt động cải tiến chất lượng, đảm bảo thích ứng linh hoạt, hiệu quả trong tình hình mới hướng tới sự hài lòng người bệnh. Đặc biệt là chương trình đưa bác sĩ trẻ thực hành 18 tháng thực hành tại bệnh viện gắn liền với trạm y tế; củng cố và nâng cao năng lực y tế huyện Cần Giờ; thí điểm khám sức khỏe, phát hiện bệnh không lây nhiễm ở người từ 60 tuổi trở lên.

Công tác phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh lưu hành được triển khai đồng bộ, hiệu quả, góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân, ổn định kinh tế – xã hội.

Tại hội nghị, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, đã biểu dương những thành quả mà ngành y tế TP đã đạt được trong năm qua. Đồng thời, đề nghị ngành y tế TP tiếp tục giữ thành quả trong năm 2023. Trong đó, đặc biệt giữ được mối liên hệ với các đơn vị tỉnh thành bạn. “Chúng ta không chỉ có trách nhiệm với TP HCM mà còn với người dân vùng lân cận. Nếu chia sẻ tốt công tác này chắc chắn sẽ có những hiệu quả hơn nữa, nâng cao năng lực y tế tỉnh thành bạn, giảm gánh nặng quá tải cho ngành y tế” – Phó Chủ tịch UBND TP HCM nói.

Ngoài ra, lãnh đạo TP còn yêu cầu ngành y tế đẩy mạnh và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân. Trong đó, chuyển đổi số phải là một trong những nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu nhằm giúp giảm tình trạng quá tải. Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế, khẩn trương xây dựng các kế hoạch, triển khai các đề án đã được TP phê duyệt…

Tại hội nghị, PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP HCM, đã triển khai 10 hoạt động trong tâm năm 2024. Cụ thể:

Thứ nhất, khởi động chương trình phát triển nguồn nhân lực y tế chất lượng cao từ y tế cơ sở đến y tế chuyên sâu.

Thứ 2, thực hiện quản lý sức khỏe người dân thuộc nhóm nguy cơ.

Thứ 3, củng cố các điều kiện cần để triển khai hiệu quả chuyển đổi số của ngành y tế.

Thứ 4, vận dụng Nghị quyết 98 xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực y tế. Thứ 5, triển khai hiệu quả hoạt động đấu thầu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế theo Luật đấu thầu số 22/2023/QH15.

Thứ 6, tham mưu các cơ chế, chính sách giúp các bệnh viện công lập tự chủ bền vững. Thứ 7, đưa 3 bệnh viện cửa ngõ đi vào hoạt động hiệu quả trong năm 2024.

Thứ 8, cụ thể hóa các hoạt động ưu tiên phát triển y tế vùng.

Thứ 9, bổ sung các bộ tiêu chí đánh giá chất lượng trong lĩnh vực y tế trên địa bàn TP.

Thứ 10, tăng cường các giải pháp nhằm ngăn ngừa, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực y tế.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Triển khai kiểm thử giấy chuyển tuyến bảo hiểm y tế điện tử từ 1-4

Bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế), cho biết Bộ Y tế vừa bổ sung thêm 2 bảng dữ liệu mới gồm bảng dữ liệu giấy chuyển tuyến BHYT và bảng dữ liệu giấy hẹn khám lại theo quy định tại Nghị định 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ.

Triển khai kiểm thử giấy chuyển tuyến bảo hiểm y tế điện tử từ 1-4- Ảnh 1.

Trong thời gian tới Bộ Y tế sẽ loại bỏ hoàn toàn giấy chuyển tuyến bản giấy

Theo lộ trình, từ ngày 1-4 tới đây, cơ quan BHXH và các bệnh viện trong cả nước sẽ bắt đầu triển khai kiểm thử việc gửi và nhận dữ liệu điện tử giấy chuyển tuyến BHYT và giấy hẹn khám lại, tiến tới triển khai chính thức trong toàn quốc từ ngày 1-7.

Cũng trong năm 2024, Bộ Y tế sẽ phối hợp cùng với Bộ Công an, BHXH Việt Nam nghiên cứu, triển khai tích hợp 2 loại giấy tờ này trên các ứng dụng VNeID, VssID.

Khi 2 loại giấy tờ này được tích hợp trên ứng dụng VNeID, VssID, người bệnh khi làm thủ tục chuyển tuyến hoặc tái khám chỉ cần xuất trình giấy chuyển tuyến điện tử hoặc giấy hẹn khám lại điện tử trên ứng dụng VNeID hoặc VssID (có tích hợp sẵn mã QR).

Việc này nhằm tiến tới loại bỏ hoàn toàn giấy chuyển tuyến và giấy hẹn khám lại bản giấy. Đồng thời, tạo một kho dữ liệu tập trung phục vụ phân tích, thống kê, kịp thời điều chỉnh chính sách BHYT sát với thực tế giúp công khai, minh bạch trong công tác chuyển tuyến đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Giúp rút ngắn thời gian, tạo thuận lợi, tiện ích cho người bệnh, cơ sở khám chữa bệnh khi tiếp nhận, làm các thủ tục chuyển tuyến/tái khám hạn chế các hành vi gian lận, giả mạo trong công tác chuyển tuyến Hỗ trợ cơ quan BHXH trong công tác giám định, thanh toán BHYT.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Hàng loạt công ty vận chuyển cấp cứu tại TP HCM bị xử phạt

Ngày 20-12, Thanh tra Sở Y tế TP HCM cho biết vừa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm trong lĩnh vực y tế, trong đó có nhiều công ty vận chuyển cấp cứu.

Trong danh sách, Công ty TNHH vận chuyển cấp cứu 115 Xuyên Việt (51 Âu Dương Lân, quận 8) bị xử mức phạt cao nhất 62 triệu đồng. Cơ sở này đã không niêm yết giá dịch vụ khám chữa bệnh, sử dụng người hành nghề không có chứng chỉ hành nghề. Riêng điều dưỡng Tống Đức Toán của cơ sở bị phạt 35 triệu đồng do khám chữa bệnh khi chưa được cấp chứng chỉ hành nghề.

Công ty TNHH 115 Niềm tin Việt (47/23 đường số 8, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân) bị phạt 31 triệu đồng. Doanh nghiệp này hoạt động không có biển hiệu, không lập sổ khám chữa bệnh theo quy định, thu giá dịch vụ khám chữa bệnh cao hơn giá niêm yết.

Với sai phạm không niêm yết giá dịch vụ khám, chữa bệnh; hoạt động không có biển hiệu; không đảm bảo 1 trong các điều kiện hoạt động sau khi được cấp phép, doanh nghiệp tư nhân dịch vụ vận chuyển 299 tại đường Nguyễn Văn Khạ, khu phố 8, thị trấn Củ Chi, huyện Củ Chi bị xử phạt 16 triệu đồng.

Cùng sai phạm hoạt động không có biển hiệu, không lập sổ khám chữa bệnh theo quy định của pháp luật, Công ty TNHH dịch vụ thương mại Cường Phúc Thọ, (18/185 Trần Quang Diệu, phường 14, quận 3) bị xử phạt 16 triệu đồng.

Công ty TNHH Trung tâm cấp cứu Toàn quốc (số 3 đường 35A Trịnh Quang Nghị, phường 7, quận 8) bị phạt 12 triệu đồng. Doanh nghiệp này không niêm yết giá dịch vụ khám chữa bệnh, không đảm bảo điều kiện hoạt động sau khi được cấp phép hoạt động.

Sở Y tế cho biết trên địa bàn hiện có 8 cơ sở vận chuyển cấp cứu. Tuy nhiên, qua kiểm tra phát hiện 6 cơ sở đã có những hành vi sai phạm và bị xử phạt vi phạm hành chính.

Sở Y tế kêu gọi người dân khi phát hiện hoặc nghi ngờ cơ sở dịch vụ cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh không phép, có dấu hiệu vi phạm, có thể gọi ngay đường dây nóng hoặc phản ánh qua app “Y tế trực tuyến”.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Chuyển tuyến KCB: Tránh quá tải cho tuyến Trung ương

Bảo đảm công bằng khi quản lý bệnh nhân theo tuyến

Theo BHXH Việt Nam, đến nay hầu hết các nước trên thế giới đều có quy định phân tuyến KCB. Tất cả các trường hợp (trừ cấp cứu) muốn lên tuyến trên đều phải qua bác sĩ gia đình hoặc bác sĩ tổng quát (GP-doctor) và phải được tuyến dưới giới thiệu lên. Tại nước ta, việc chuyển tuyến, cấp chuyên môn kỹ thuật về KCB đã được quy định cụ thể tại Luật khám bệnh, chữa bệnh và các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế nhằm thực hiện việc chăm sóc sức khỏe cho người dân một cách toàn diện và liên thông.

Chuyển tuyến KCB: Tránh quá tải cho tuyến Trung ương - Ảnh 1.

Theo Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009, hệ thống y tế của nước ta gồm 4 tuyến: xã, huyện, tỉnh, trung ương. Tại Luật khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi, bổ sung (có hiệu lực từ 01-01-2024) cũng quy định sự phân cấp chuyên môn trong KCB, theo đó gồm 3 cấp: cấp KCB ban đầu, cấp KCB cơ bản và cấp KCB chuyên sâu. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của từng tuyến, thực hiện việc quy hoạch, đầu tư, xây dựng cơ sở sở vật chất, trang thiết bị và nguồn nhân lực phù hợp.

Tuyến đầu tiên, gần người dân nhất là trạm y tế tuyến xã, hiện với hơn 10.000 trạm y tế trên cả nước. Đây là tuyến y tế cơ sở thực hiện quản lý và chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân. Tại tuyến này, người dân không chỉ được KCB các bệnh thông thường mà còn được phổ biến, giáo dục liên quan đến các vấn đề sức khỏe, ngăn ngừa và kiểm soát bệnh tật, tiêm chủng phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Y tế cơ sở có vai trò quan trọng, là “nền tảng, phát triển vững chắc hệ thống y tế cơ sở, xây dựng mạng lưới y tế rộng khắp, gần dân” đã được Ban Bí thư khẳng định tại Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 25-10-2023.

Tuyến huyện và một phần tuyến tỉnh có chức năng khám và điều trị hầu hết các bệnh trừ các trường hợp bệnh nặng, cần trình độ chyên môn sâu và trang thiết bị hiện đại. Hiện tại, cả nước có hơn 2.500 cơ sở KCB tuyến huyện và tuyến tỉnh.

Chuyển tuyến KCB: Tránh quá tải cho tuyến Trung ương - Ảnh 2.

Điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh

Các bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh, các khoa đầu ngành của bệnh viện đa khoa tỉnh, các bệnh viện trung ương (hơn 200 cơ sở) tập trung KCB đối với các trường hợp bệnh nặng, thực hiện các kỹ thuật đòi hỏi chuyên môn cao, trang thiết bị hiện đại mà tuyến dưới không thực hiện được. Ngoài ra, tuyến này còn có chức năng nghiên cứu, đào tạo chuyển giao kỹ thuật và chỉ đạo tuyến. Các bệnh viện này được đầu tư ở mức độ cao nhất cả về cơ sở vật chất và nhân lực.

Ông Lê Văn Phúc, Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) cho biết, mô hình hệ thống y tế hình tháp được hầu hết các nước áp dụng và chỉ có mô hình này mới bảo đảm được việc quản lý và chăm sóc sức khỏe một cách toàn diện, hiệu quả. “Nếu không quản lý bệnh nhân theo tuyến, chắc chắn sẽ phá vỡ hệ thống y tế. Do đó, việc quản lý KCB tại các tuyến bằng giấy chuyển tuyến là công cụ phù hợp, cần thiết”, bác sỹ Phúc nhấn mạnh. Nếu bệnh nhân không được quản lý theo tuyến, nhu cầu KCB tập trung ở các bệnh viện tuyến trên, tuyến cuối để điều trị, kể cả với các trường hợp không phù hợp và không cần thiết với tình trạng bệnh. Điều này không chỉ gây quá tải cho cơ sở y tế tuyến trên, gây phiền hà cho chính người bệnh mà còn gây lãng phí cơ sở vật chất, nhân lực ở tuyến dưới do không tận dụng hết công suất sử dụng.

Chuyển tuyến KCB: Tránh quá tải cho tuyến Trung ương - Ảnh 3.

Trong khi đó, thời gian qua, các cơ sở y tế tuyến dưới đã được đầu tư nguồn lực và ngày càng nâng cao chất lượng KCB. Dẫn chứng vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc BHXH TP HCM cho biết, thực tế, tại TP HCM, hầu hết các bệnh viện quận, huyện đều là các bệnh viện được phân hạng 1, hạng 2 thực hiện được rất nhiều dịch vụ kỹ thuật tuyến tỉnh và tuyến trung ương. Các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh của Thành phố đều là các bệnh viện lớn thực hiện được nhiều kỹ thuật chuyên sâu và đã thu hút số lượt bệnh nhân các nơi về KCB. Trong đó, người có thẻ BHYT luôn được giải quyết đầy đủ quyền lợi theo quy định.

Không chỉ gây lãng phí y tế, “túi tiền” của người bệnh cũng bị ảnh hưởng bởi chi phí đi lại, ăn ở, chờ đợi khi bệnh viện “quá tải” bệnh nhân… Cùng một loại bệnh, nếu điều trị tại tuyến huyện sẽ có chi phí thấp hơn nhiều so với tuyến trung ương vì việc đầu tư tại bệnh viện tuyến trung ương cao hơn tuyến huyện (cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực).

Tạo thuận lợi cho người bệnh chuyển tuyến

Theo quy định, từ năm 2014, người bệnh phải chuyển từ tuyến dưới lên tuyến trên một cách tuần tự nhưng từ năm 2016 đã thông tuyến KCB ở cấp huyện và từ năm 2021 đã thông tuyến điều trị nội trú tuyến tỉnh. Theo đó, người tham gia BHYT khi tự đi KCB BHYT tại các bệnh viện tuyến huyện, điều trị nội trú tuyến tỉnh trên toàn quốc đều được quỹ BHYT thanh toán như đi KCB tại nơi đăng ký KCB ban đầu. Các quy định này đã từng bước tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia BHYT khi đi KCB BHYT.

Theo ông Phúc, BHXH Việt Nam luôn ủng hộ quan điểm đơn giản thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia BHYT khi đi KCB, tuy nhiên việc tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia phải gắn liền với sự bền vững của hệ thống y tế, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở đang được Đảng và Nhà nước rất quan tâm. Tránh tình trạng bệnh nhẹ cũng điều trị tại tuyến trung ương, gây quá tải, lãng phí nguồn lực tài chính (cả của quỹ BHYT cũng như của người tham gia BHYT) không cần thiết, không phát huy được hiệu quả của y tế tuyến cơ sở.

Chuyển tuyến KCB: Tránh quá tải cho tuyến Trung ương - Ảnh 4.

Ông Lê Văn Phúc, Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam)

Nhằm tạo thuận lợi cho người bệnh trong việc “chuyển tuyến” và bảo đảm đúng quy định, các quy định hiện nay quy định cơ sở y tế thuộc cấp ban đầu, cấp cơ bản (tương đương cơ sở KCB tuyến huyện theo quy định hiện hành) là các đơn vị chịu trách nhiệm quản lý KCB ban đầu cho tất cả các đối tượng tham gia BHYT; Cơ sở KCB thuộc cấp cơ bản (tương đương cơ sở KCB tuyến tỉnh theo quy định hiện hành) và cơ sở KCB cấp chuyên sâu không điều trị các bệnh và không thực hiện các thủ thuật, phẫu thuật mà cấp ban đầu có thể thực hiện được.

Nghiên cứu quy định chỉ áp dụng “thông tuyến KCB BHYT” giữa cơ sở KCB các cấp đối với các trường hợp đã được chẩn đoán bệnh và cần điều trị chuyên khoa sâu (như ung thư, tâm thần, bệnh máu, các bệnh cần sử dụng kỹ thuật can thiệp điều trị hoặc phẫu thuật, Lao kháng thuốc, HIV) mà cơ sở thuộc cấp cơ bản không thực hiện được. Giao Sở Y tế phối hợp BHXH các tỉnh căn cứ danh mục bệnh được thông tuyến KCB của Bộ Y tế quy định và khả năng cung ứng dịch vụ KCB của địa phương để quy định các bệnh, tình trạng bệnh được thông tuyến KCB BHYT.

Quy định cơ sở KCB thuộc cấp chuyên sâu chuyển người bệnh về cấp cơ bản điều trị tiếp sau khi đã hết giai đoạn cấp tính đối với các trường hợp cần tiếp tục theo dõi, quản lý và điều trị nội trú; chuyển về cơ sở KCB thuộc cấp KCB ban đầu quản lý, theo dõi đối với các trường hợp bệnh mạn tính.

Ngọc Dung

NLĐO – Sức khỏe – RSS Feed

4 địa phương đề nghị điều chuyển số lượng lớn vắc-xin Covid-19 hạn dùng 30-6

Ngày 10-6, Bộ Y tế gửi công điện số 771/CĐ-BYT gửi Bí thư tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ươngvề việc tăng cường tiếp nhận và triển khai tiêm vắc-xin Covid-19.

Trước đó, ngày 26-5, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị các địa phương khẩn trương tiếp nhận và triển khai tiêm vắc-xin Covid-19 do Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương phân bổ đợt 146, 147 (vắc-xin có hạn sử dụng 30-6-2022).

4 địa phương đề nghị điều chuyển số lượng lớn vắc-xin Covid-19 hạn dùng 30-6 - Ảnh 1.

Tiêm chủng vắc-xin Covid-19 cho nhân viên y tế

Tuy nhiên, theo báo cáo của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tại tờ trình số 1295/TTr-VSDTTƯ ngày 6-6 một số địa phương vẫn chưa tiếp nhận hết số vắc-xin được phân bổ hoặc có văn bản đề nghị không nhận vắc-xin Covid-19 hoặc điều chuyển vắc-xin đã được phân bổ mặc dù số vắc-xin được phân bổ chỉ đáp ứng 30% nhu cầu tiêm chủng mũi nhắc lại của các địa phương.

Để tăng cường công tác tiêm chủng nhằm đạt các mục tiêu tiêm chủng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; Bộ Y tế đề nghị Bí thư tỉnh ủy, thành uỷ; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục quan tâm chỉ đạo Sở Y tế và các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện một số nội dung sau:

Khẩn trương tiếp nhận và triển khai tiêm chủng đối với số lượng vắc-xin được phân bổ đợt 146 và 147 của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, đảm bảo sử dụng vắc-xin hiệu quả, không để hủy bỏ vắc-xin, tránh lãng phí.

Tiếp tục rà soát đối tượng, tăng cường truyền thông, giao chỉ tiêu tiêm chủng cho từng quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, từng xã, phường, thị trấn và thực hiện các biện pháp khác để đẩy mạnh việc tiêm mũi 3 cho người dân từ 18 tuổi trở lên, tổ chức tiêm mũi 4 cho đối tượng cần tiêm chủng theo quy định.

Địa phương nào không tiếp nhận đủ vắc-xin sử dụng để tiêm mũi 3, mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên, cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi và không rà soát đủ đối tượng thuộc diện phải tiêm, để xảy ra dịch tại địa phương phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Theo Bộ Y tế, có 9 địa phương chưa tiếp nhận hết số vắc-xin được phân bổ gồm: Điện Biên, Hà Nam, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Phước, Cần Thơ, Bến Tre, Kiên Giang, Bạc Liêu; 1 địa phương chưa tiếp nhận vắc-xin phân bổ là Thanh Hóa.

Ngoài ra, 4 địa phương đề nghị điều chuyển vắc-xin với số lượng lớn gồm: Thanh Hóa, Đồng Nai, Quảng Ngãi, Cà Mau.

D.Thu

NLĐO – Sức khỏe – RSS Feed

Ngành dược chuyển đổi số, người dân hưởng nhiều lợi ích

Tại hội nghị, thạc sĩ – dược sĩ Trương Văn Đạt, Khoa Dược, Trường ĐH Y dược TP HCM, cho biết khi dịch Covid-19 xảy ra, người bệnh gặp nhiều khó khăn khi mua thuốc và gặp dược sĩ để được tư vấn, hướng dẫn. Đặc biệt, nhu cầu cần được tư vấn hướng dẫn sử dụng các thuốc trong túi thuốc F0 dành cho người mắc bệnh Covid-19 là rất lớn nhưng chưa đủ nhân lực để thực hiện việc này. Do đó, việc ứng dụng các giải pháp chuyển đổi số như hệ thống tư vấn từ xa, giao thuốc tận nơi… rất quan trọng.

Ngành dược chuyển đổi số, người dân hưởng nhiều lợi ích - Ảnh 1.

Thạc sĩ – dược sĩ Trương Văn Đạt, Khoa Dược, Trường ĐH Y dược TP HCM, báo cáo tại hội nghị

Ngoài ra, theo dược sĩ Đạt, nhờ chuyển đổi số mà các công ty dược phẩm đã thực hiện các nghiên cứu, quản lý hệ thống sản xuất, phân phối vắc-xin ngừa Covid-19 và các loại thuốc đặc trị Covid-19 nhanh chóng.

Việc chuyển đổi số rất quan trọng, giúp dược sĩ có thể làm việc từ xa, thông qua mạng máy tính, robot… Ngay cả việc thử nghiệm lâm sàng cũng có thể thực hiện từ xa từ đó đẩy mạnh việc phát minh, sản xuất thuốc, vắc-xin bảo đảm nguồn cung ứng kịp thời.

Cũng tại hội nghị, GS-TS Trần Thành Đạo, Trưởng Khoa Dược, trường ĐH Y dược TP HCM, Trưởng Ban tổ chức, cho biết thêm TP HCM đang có định hướng phát triển công nghiệp dược trong vòng 5 năm. Cùng với đó là mong muốn đưa thêm nhiều loại thuốc vào danh mục bảo hiểm y tế để được đơn vị bảo hiểm chấp nhận chi trả điều trị cho người bệnh.

Ngành dược chuyển đổi số, người dân hưởng nhiều lợi ích - Ảnh 2.

GS-TS Trần Thành Đạo – Trưởng Khoa Dược, Trường ĐH Y dược TP HCM, Trưởng Ban tổ chức hội nghị – phát biểu khai mạc

“Muốn làm được điều này phải có công nghệ đánh giá, các nhà nghiên cứu dược phải định hướng tương lai danh mục hóa của tổ chức bảo hiểm y tế với mục tiêu cuối cùng nhằm phát triển ngành dược và phục vu người dân tốt nhất” – GS Trần Thành Đạo chia sẻ.

Tin, ảnh: Hải Yến

NLĐO – Sức khỏe – RSS Feed

KHẨN: HCDC tìm người đi trên 2 chuyến bay có ca nhiễm biến chủng Omicron

Chiều 19-1, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) phát thông báo khẩn tìm người liên quan 3 ca nhiễm biến chủng Omicron trong cộng đồng vừa ghi nhận tại TP HCM.

KHẨN: HCDC tìm người đi trên 2 chuyến bay có ca nhiễm biến chủng Omicron - Ảnh 1.

HCDC thông báo truy tìm người khẩn

3 ca nhiễm biến chủng Omicron có liên quan đến 1 người nhập cảnh. Người nhập cảnh này đã đi trên 2 chuyến bay:

+ Chuyến bay VN5409 từ Hàn Quốc đến Cảng Hàng không Quốc tế Cam Ranh vào ngày 7-1.

+ Chuyến bay VN1345 từ Cam Ranh đến TP HCM vào ngày 10-1.

HCDC đề nghị tất cả hành khách đi trên 2 chuyến bay trên phải liên hệ khai báo cho trạm y tế địa phương nơi cư ngụ để được tư vấn và xét nghiệm.

NGUYỄN THẠNH

NLĐO – Sức khỏe – RSS Feed

Master chef tại gia, chuyện tưởng khó hóa dễ!

AmthucVietNam

Master chef tại gia, chuyện tưởng khó hóa dễ! - 1

Những chuỗi ngày giãn cách dài hạn đã gây khó khăn rất nhiều cho không ít gia đình trong việc chuẩn bị bữa ăn hàng ngày, vừa hạn chế việc đi chợ mua nguyên liệu vừa đau đầu suy nghĩ hôm nay ăn gì, sáng nay nấu gì?

Nấu ăn mùa giãn cách, nỗi lo không của riêng ai

Sau khi TP.HCM áp dụng chỉ thị 15 và 16 hầu hết nhân viên công sở đều được chỉ định làm việc tại nhà, nguồn thu nhập vì thế cũng bị cắt giảm khiến không ít người phải tạm ngưng thói quen đi ăn hàng quán, order thức ăn nhanh hoặc thuê người giúp việc… và buộc phải tự tay vào bếp. Chính vì thế nhiều nàng đã không ngờ mình trở thành Master chef tại gia với tài nấu nướng ngày một thăng hạng.

Master chef tại gia, chuyện tưởng khó hóa dễ! - 1

Tự tin xưng danh Master Chef tại gia!

Bình thường việc đi chợ mua đầy đủ nguyên liệu một cách dễ dàng, nấu ăn chỉ ngày một bữa tối hoặc thậm chí có người giúp việc nấu. Nay phải vào bếp thường xuyên nấu ngày 3 bữa sáng, trưa và tối cũng khiến nàng nội trợ đau đầu suy nghĩ và không biết xoay sở thế nào!

Chị Ngôn sống tại Quận 7 chia sẻ: “Thường ngày tôi đi làm đến 7,8 giờ tối mới về đến nhà, cơm canh đã có người giúp việc là người sống cùng căn hộ nấu giúp tôi. Nay vì giãn cách tôi làm việc tại nhà và phải tự nấu ăn cho gia đình nên tôi rất lo lắng và lên mạng tìm kiếm các công cụ hỗ trợ việc nấu nướng như lò nướng, nồi chiên không dầu, nồi áp suất… Cho đến các loại gia vị nêm sẵn giúp bữa ăn ngon hơn như Knorr, Aji Quick hay gia vị hoàn chỉnh Barona.

Giờ đây tôi hoàn toàn tự tin nấu ngon như Masterchef và trở nên đam mê vào bếp hơn bao giờ hết. Đây là tô hủ tiếu do chính tay tôi nấu và trình bày, tôi đã làm các con tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác trong từng bữa ngon của gia đình. Tôi thiết nghĩ, bệnh dịch này cũng là thời gian để mỗi gia đình sống chậm lại, có thời gian bên nhau nhiều hơn, hiểu nhau nhiều hơn và yêu thương nhiều hơn.”

Master chef tại gia, chuyện tưởng khó hóa dễ! - 2

Tô hủ tiếu do chị Ngôn tự nấu từ gói Gia vị hoàn chỉnh Hủ tiếu Nam Vang của nhãn hàng Barona

Hay Chị Yến, sống tại quận 3 chia sẻ: “Bình thường ở nhà có mẹ nấu ăn và đi làm về tôi chỉ việc ngồi vào bàn ăn và thưởng thức. Nay vì dịch bệnh, Công ty tôi tạm ngưng hoạt động nên ở nhà giúp mẹ nấu cơm tôi mới thấu hết nỗi khổ của người nội trợ, thường xuyên bị stress vì không biết nấu gì và nấu món gì để mọi người trong gia đình đều thích!

Tôi bèn lên các group mà chị em yêu thích nội trợ để cầu cứu và được biết ngoài việc tự tay nêm nếm cho một số món tủ thì hầu hết các chị em cũng sử dụng các loại gia vị hỗ trợ để việc nấu nướng đơn giản hơn và vị lúc nào cũng chuẩn như một chứ không như khi tự nêm nếm thì lúc vui lúc buồn vị cũng khác nhau nhiều!”

Giờ đây chị Yến đã trở thành nội trợ chính của gia đình vì nấu món nào cũng ngon, cũng chuẩn. Chị chia sẻ thêm: “Mình cũng đã thử qua nhiều loại gia vị hoàn chỉnh nhưng loại của Barona là ngon, chuẩn và dễ sử dụng nhất nên cứ lên trang web www.barona.vn mà mua, vừa tiện lại an toàn trong mùa dịch bệnh”

Có Barona – Món nhà luôn dễ!

Nhãn hàng Barona với trang web ẩm thực www.barona.vn có hàng trăm món ngon từ món nhà, món tiệc, món lẩu, món nướng cho đến món sáng…vô cùng hấp dẫn và dễ làm!

Master chef tại gia, chuyện tưởng khó hóa dễ! - 3

Hủ tiếu Nam Vang Barona cho món sáng tươi ngon tại nhà

Đúng là “Nấu cơm nhà nhớ Barona!” thì món nhà luôn dễ vì chỉ cần sử dụng gói gia vị mà không cần nêm nếm gì thêm là có món ăn ngon không thua nhà hàng hay hàng quán, vô cùng tiện lợi!

Master chef tại gia, chuyện tưởng khó hóa dễ! - 4

Món Bò kho tuy khó nấu nhưng trở nên thật dễ dàng với gói Gia vị hoàn chỉnh Barona

Hiểu được vấn đề đau đầu của người nội trợ luôn thường trực với câu hỏi “Hôm nay nấu gì?”, Barona đã nghiên cứu và cho ra đời trên 20 loại gia vị để bạn tha hồ lựa chọn đổi bữa cho gia đình.

Master chef tại gia, chuyện tưởng khó hóa dễ! - 5

Bộ gia vị hoàn chỉnh Barona – Bí quyết cho món ăn ngon

Xốt Gia Vị Hoàn Chỉnh Barona hiện đã có mặt tại các chợ và hệ thống các siêu thị toàn quốc. Hoặc bạn có thể đặt hàng online qua các hình thức sau:

– Đặt hàng trực tiếp trên website Barona.vn

– Liên hệ Hotline 1900 558856

– Đặt hàng qua Shopee tại Barona Shop

Hy vọng với sự chia sẻ trên các bạn sẽ tự tin trở thành Master chef tại gia và mỗi bữa cơm gia đình sẽ tràn ngập niềm vui và tiếng cười. Cuối cùng nhưng rất quan trọng là đừng quên tuân thủ nguyên tắc 5K, ăn uống đầy đủ để đảm bảo sức khỏe, tăng sức đề kháng để phòng chống dịch bệnh nhé.

The post Master chef tại gia, chuyện tưởng khó hóa dễ! appeared first on Ẩm Thực Việt Nam.

Ẩm Thực Việt Nam

Người đẹp bị bóc mẽ chuyện làm đẹp “ảo”

Hiện tại được xem là thời đại của mạng xã hội. Sự lên ngôi của instagram, facebook, twitter… khiến những nơi này được coi như một xã hội “ảo”, nơi quyết định nhiều mối quan hệ và cả tầm ảnh hưởng của con người đối với cộng đồng. Đó cũng là lý do tại sao từng bức ảnh khi đăng lên mạng xã hội đều được chủ nhân chỉnh sửa, chau chuốt từng ly từng tý một.  

Và cũng không cần tập luyện, cũng không cần kiêng khem khổ sở, có một cách giảm cân cực nhanh, chỉ trong vòng vài phút, đó chính là sử dụng công cụ chỉnh sửa ảnh hoặc thay đổi góc ảnh. Điều này cũng tương tự trong những “công cuộc” làm đẹp khác như tân trang da mặt, trị mụn, là sẹo…

Đằng sau những bức ảnh “tự sướng” hoặc ảnh họ tự đăng lên mạng xã hội có thể là một nguyên mẫu khác hoàn toàn. Từng có nhiều người đẹp từng bị bóc mẽ dùng “tiểu xảo” để xinh đẹp hơn trong nháy mắt!

 Người đẹp bị bóc mẽ chuyện làm đẹp "ảo" - 1

Britney Spears sử dụng góc chụp để mình trông thon gọn hơn

 Người đẹp bị bóc mẽ chuyện làm đẹp "ảo" - 2

Holly Hagan đã dùng công cụ chỉnh sửa ảnh để giảm mỡ ở bụng, hông

 Người đẹp bị bóc mẽ chuyện làm đẹp "ảo" - 3

Jennifer Lopez trong ảnh tự sướng tươi trẻ hơn ảnh chụp thông thường

 Người đẹp bị bóc mẽ chuyện làm đẹp "ảo" - 4

 Người đẹp bị bóc mẽ chuyện làm đẹp "ảo" - 5

Laura Corstan tạo múi cơ giả bằng chút “tiểu xảo”

 Người đẹp bị bóc mẽ chuyện làm đẹp "ảo" - 6

Kim Kardashian có đường cong quyến rũ trong ảnh “tự sướng”

 Người đẹp bị bóc mẽ chuyện làm đẹp "ảo" - 7

Lauren Goodger “bóp” một chút mỡ ở hông

 Người đẹp bị bóc mẽ chuyện làm đẹp "ảo" - 8

Beyonce sexy hơn nhiều so với ngoài đời

 Người đẹp bị bóc mẽ chuyện làm đẹp "ảo" - 9

Charlotte Crosby xử lý thân hình chảy xệ một cách rất điêu luyện

 Người đẹp bị bóc mẽ chuyện làm đẹp "ảo" - 10

Lauren Goodger “bóp” mặt thon nhỏ nhờ công cụ chỉnh ảnh

 Người đẹp bị bóc mẽ chuyện làm đẹp "ảo" - 11

 Người đẹp bị bóc mẽ chuyện làm đẹp "ảo" - 12

Miranda cũng từng “ngượng chín” khi bị bóc mẽ chuyện dùng công cụ chỉnh ảnh để khiến thân hình săn chắc, gọn gàng hơn

Xem thêm chủ đề: lam dep, cach lam dep, bi quyet lam dep, lam dep 24h, lam dep phu nu, dep, trang diem, tin tuc, tin tuc 24h, bao, làm đẹp, photoshop, da đẹp, dáng đẹp

Tin tuc 24h | tin nhanh bong da | the thao | thoi trang, giai tri vn | bao online

close(x)
close(x)