May 20, 2024

Thủ tướng yêu cầu tăng cường quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành công điện về tăng cường quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Những năm qua, thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Thủ tướng yêu cầu tăng cường quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng- Ảnh 1.

Mẫu thuốc lá điện tử của bệnh nhân nhập viện do ngộ độc có chứa ma túy tổng hợp

Công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá bước đầu đạt được các kết quả đáng khích lệ, tỉ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường đã giảm trung bình 0,5% mỗi năm trong nam giới.

Tuy nhiên, thời gian gần đây trên thị trường đã xuất hiện các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và việc sử dụng các sản phẩm này có nhiều diễn biến phức tạp, tỉ lệ sử dụng có xu hướng gia tăng nhanh trong cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ và có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người sử dụng.

Để tăng cường kiểm soát, ngăn chặn kịp thời tác hại của việc sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế thông tin, giáo dục, truyền thông về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đối với đơn vị, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý

Nghiên cứu, đề xuất ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành giải pháp quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Đối với Bộ Tài chính, Thủ Tướng yêu cầu chỉ đạo lực lượng hải quan kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng nhập lậu qua cửa khẩu, khu vực địa bàn kiểm soát của Hải quan, xác lập các chuyên án đấu tranh đối với các đường dây, ổ nhóm buôn lậu thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Quốc phòng chỉ đạo bộ đội biên phòng tăng cường tuần tra, kiểm soát ở khu vực biên giới, các đường mòn, lối mở để kịp thời phát hiện và xử lý các đối tượng buôn lậu, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng nhập lậu.

Bộ Công an chỉ đạo lực lượng công an các cấp tăng cường công tác điều tra, nắm tình hình, xác lập các chuyên án, tập trung đấu tranh, triệt phá các đường dây, ổ nhóm, các đối tượng đầu nậu, buôn bán, pha trộn các chất cấm vào dung dịch thuốc lá điện tử để khởi tố, truy tố trước pháp luật.

Thủ tướng yêu cầu tăng cường quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng- Ảnh 2.

Bác sĩ tư vấn cho bệnh nhân về tác hại của thuốc lá điện tử với sức khỏe

Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường quản lý thị trường nội địa, thường xuyên kiểm tra và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân buôn bán, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng nhập lậu.

Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) trực tiếp chỉ đạo Ban Chỉ đạo 389 của các Bộ, ngành, địa phương theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các lực lượng chức năng trong việc thực hiện Công điện này của Thủ tướng Chính phủ.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo chính quyền các cấp và lực lượng chức năng trên địa bàn thường xuyên thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng chưa được phép kinh doanh, sử dụng trên thị trường Việt Nam; tăng cường truyền thông về tác hại của các sản phẩm này.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Cứu người đàn ông ngưng tim do điện giật

Sáng 11-5, bác sĩ CKII Võ Tuấn Trường, Giám đốc Bệnh viện quận Bình Tân (TP HCM), cho hay nơi đây vừa cứu sống nam bệnh nhân (32 tuổi) bị tai nạn điện giật ngưng tim.

Cứu người đàn ông ngưng tim do điện giật- Ảnh 1.

Những bước sơ cứu nạn nhân ngưng tim do điện giật

Trước đó, chiều 10-5, bệnh nhân được đưa vào cấp cứu trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở. Các bác sĩ đã xử trí cấp cứu đặt nội khí quản, hỗ trợ hô hấp, sốc điện, đồng thời ấn tim, vừa lập đường truyền, truyền thuốc trợ tim, bù dịch và điện giải cho bệnh nhân.

Sau 15 phút căng thẳng giành giật sự sống, những tiếng đập của tim cũng dần trở lại với người bệnh. Tiếp tục được điều trị tích cực sau đó, bệnh nhân bắt đầu có những nhịp tự thở, phản xạ đồng tử đáp ứng.

Tuy nhiên, do tri giác người bệnh chưa có dấu hiệu hồi phục, bác sĩ đã nhanh chóng hội chẩn với bệnh viện tuyến trên để có thể đưa ra phương pháp điều trị tốt nhất. Nhận định đây là trường hợp cần can thiệp những biện pháp chuyên sâu, ê kíp trực đã nhanh chóng chuyển người bệnh đến bệnh viện tuyến trên để tiếp tục điều trị.

Bệnh viện quận Bình Tân có đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng cấp cứu ngoại viện. Khi có trường hợp cấp cứu, người dân có thể liên hệ số tổng đài 1900.633.504 hoặc số điện thoại Khoa Cấp cứu (028).37.541.784 để được hỗ trợ.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Bộ Công Thương nêu rõ quan điểm về thuốc lá điện tử

Thuốc lá điện tử (TLĐT) đang được sử dụng ngày càng nhiều, nhất là trong thanh niên, thiếu niên, lứa tuổi học sinh; và đã có nhiều hệ lụy do tác hại của sản phẩm này. Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng đã có cuộc trao đổi với Báo Người Lao Động về việc quản lý các loại hình của TLĐT.

+ Phóng viên: Ngày 4-5, Ủy ban Xã hội của Quốc hội (QH) phối hợp với Ủy ban Văn hóa Giáo dục của QH tổ chức Phiên giải trình về trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng chống tác hại của TLĐT, thuốc lá nung nóng (TLNN). Vậy hai loại hình sản phẩm này được nhận diện thế nào?

+Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng: TLNN bao gồm điếu TLNN và thiết bị nung nóng điếu thuốc lá. Điếu TLNN được sản xuất từ toàn bộ hoặc một phần nguyên liệu thuốc lá, bao gồm hỗn hợp phụ phẩm nguyên liệu thuốc lá đã qua chế biến như thuốc lá tấm… Khi sử dụng, điếu thuốc lá được nung nóng bằng thiết bị điện tử và tạo ra khí hơi (aerosol) có chứa nicotine và các hóa chất khác.

TLĐT bao gồm dung dịch TLĐT và thiết bị làm nóng dung dịch thuốc lá điện tử; cung cấp nicotine cho người sử dụng thông qua thiết bị điện tử làm bay hơi dung dịch TLĐT tạo ra khí hơi (aerosol) có chứa nicotine và các thành phần khác. TLĐT có nhiều chủng loại đa dạng trong đó có hệ thống đóng và hệ thống mở.

Bộ Công Thương nêu rõ quan điểm về thuốc lá điện tử- Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng

Hoạt động sản xuất, kinh doanh thuốc lá là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, được điều chỉnh bởi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) và được hướng dẫn chi tiết tại Nghị định số 67/2013/NĐ-CP ngày 27-6-2013 và các văn bản pháp luật khác có liên quan. Tuy nhiên, Luật PCTHTL không đề cập cụ thể và không có định nghĩa các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới (TLTHM) như TLĐT và TLNN. Vì vậy, hiện có khoảng trống pháp lý trong việc quản lý loại hình sản phẩm mới này.

Trong khi đó, tình hình buôn lậu và sử dụng sản phẩm này đang rất phức tạp, chế tài xử lý chưa đủ mạnh, chỉ xử lý hành chính và chưa có chế tài để xử lý hình sự tương tự như hành vi buôn bán, tàng trữ, vận chuyển sản phẩm thuốc lá nhập lậu là hàng cấm (hành vi buôn bán, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá điếu ngoại nhập lậu với số lượng từ 1.500 bao có thể xử phạt hình sự theo quy định của pháp luật).

Trước tình hình đó, Bộ Công Thương đã có đề xuất chính sách quản lý các loại hình sản phẩm này thế nào?

Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao “Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ, tổ chức có liên quan nghiên cứu xây dựng quy định phù hợp để quản lý các sản phẩm TLĐT, trình Thủ tướng Chính phủ” tại Nghị định số 106/2017/NĐ-CP, Bộ Công Thương đã hoàn thiện Đề tài “Nghiên cứu đề xuất giải pháp quản lý TLĐT tại thị trường Việt Nam” vào năm 2020.

Bộ Công Thương cũng đã tổ chức hội thảo giữa các cơ quan quản lý nhà nước với sự tham gia của các bộ, ngành: Tư pháp, Y tế, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Văn phòng Chính phủ và các đơn vị liên quan để trao đổi về định hướng chính sách, có tham khảo kinh nghiệm quản lý quốc tế của các nước để đề xuất chính sách quản lý sản phẩm TLTHM phù hợp với điều kiện thực tiễn tại Việt Nam.

Tại công văn số 5200/TTr-BCT ngày 26/8/2021, Bộ Công Thương đã có Tờ trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng các Phương án quản lý các loại TLTHM tại Việt Nam. Theo đó, Bộ Công Thương cũng đã rất thận trọng trong việc đề xuất chính sách quản lý các loại hình sản phẩm mới này theo hướng chỉ kiến nghị Thủ tướng cho phép thí điểm việc sản xuất, nhập khẩu và lưu thông thuốc lá làm nóng như sản phẩm thuốc lá trong thời gian 2 năm theo quy định của Luật PCTHTL và giao Bộ Công Thương xây dựng Cơ chế thí điểm quản lý thuốc lá làm nóng trên cơ sở các ý kiến đã được thống nhất giữa các bộ, ngành.

Đối với TLĐT, Bộ Công Thương đã kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Y tế thành lập Tổ công tác nghiên cứu, đề xuất chính sách quản lý thí điểm đối với TLĐT trình Thủ tướng xem xét, quyết định. Trong thời gian chưa ban hành chính sách, Bộ Công Thương kiến nghị chưa cho phép lưu hành sản phẩm TLĐT tại Việt Nam.

+Tại Phiên giải trình, Bộ Y tế đề nghị cấm TLĐT và TLNN, quan điểm của Bộ Công Thương đối với việc này thế nào?

Trong quá trình xây dựng chính sách thí điểm quản lý TLĐT và TLNN, Bộ Công Thương đã xin ý kiến các bộ, ngành liên quan. Bộ Công Thương đã tổ chức 2 cuộc làm việc giữa Lãnh đạo Bộ Công Thương và Lãnh đạo Bộ Y tế để thống nhất quan điểm về chính sách quản lý thuốc lá thế hệ mới.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã trả lời trực tiếp, công khai trước Quốc hội: “Trong quá trình xây dựng chính sách quản lý thí điểm TLTHM, Bộ Công Thương đang xây dựng phương án quản lý tiệm cận gần nhất với ý kiến của Bộ Y tế để có thể trình Chính phủ theo hướng phù hợp với Hiến pháp, Luật Đầu tư các qui định khác liên quan và chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ đảm bảo chặt chẽ, phù hợp Chiến lược Quốc gia về giảm thiểu tác hại của thuốc lá, an toàn sức khỏe người sử dụng, dung hòa quyền lợi giữa các chủ thể liên quan và phù hợp thông lệ quốc tế”.

Căn cứ sự phù hợp của sản phẩm theo định nghĩa của Luật PCTHTL, ý kiến của các Bộ, ngành, khuyến cáo của WHO và kinh nghiệm quốc tế, Bộ Công Thương đến nay mới chỉ đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm việc quản lý TLNN như sản phẩm thuốc lá trong thời gian 2 năm và chưa cho phép lưu hành sản phẩm TLĐT tại Việt Nam trong khi chưa ban hành chính sách quản lý.

Đối với quan điểm của Bộ Y tế về việc cấm TLĐT và TLNN, Bộ Công Thương cho rằng Bộ Y tế có trách nhiệm nghiên cứu và đánh giá một cách có cơ sở khoa học đối với tác hại của các loại sản phẩm này tới sức khỏe người sử dụng. Trường hợp các sản phẩm này có tác hại tới mức phải cấm lưu hành và sử dụng thì Bộ Công Thương ủng hộ quan điểm này của Bộ Y tế trên cơ sở bảo vệ sức khỏe toàn dân.

Nhiều nước mạnh tay với thuốc lá điện tử

Cục Hải quan Thái Lan sẽ phạt các công ty nhập khẩu thuốc lá điện tử mức phạt gấp đôi giá trị sản phẩm cộng thêm thuế hải quan và thuế giá trị gia tăng (VAT). Người phát ngôn Panthong Loykulnan của Cục Hải quan Thái Lan cuối tuần rồi cho biết thêm thuốc lá điện tử bị tịch thu sẽ bị xử lý tương tự các mặt hàng hạn chế nhập khẩu như rượu, thuốc lá, hàng hóa vi phạm bản quyền… Biện pháp này được triển khai trong bối cảnh ngày càng nhiều thanh thiếu niên và học sinh sử dụng thuốc lá điện tử, ông Panthong khẳng định.

Ông Warawut Yancharoen, trợ lý văn phòng Thủ tướng Srettha Thavisin, cho biết tình trạng buôn bán thuốc lá điện tử trong trường học khiến Thủ tướng Srettha lo lắng. Thủ tướng đã chỉ đạo các cơ quan liên quan giải quyết và ngăn chặn thuốc lá điện tử trong học đường – ông Warawut thông báo, đồng thời cho biết cuộc khảo sát gần đây của Viện Thanh niên Thái Lan (TYI) cho thấy thủ đô Bangkok có tổng cộng 72 cửa hàng thuốc lá điện tử, với 51 trong số này gần trường học.

Khảo sát còn phát hiện một số sản phẩm thuốc lá điện tử được điều chỉnh để gia tăng sức hấp dẫn đối với trẻ em, khi sử dụng nhân vật hoạt hình có màu sắc sặc sỡ trên bao bì và những hương vị như kẹo, trái cây, bạc hà… “Thuốc lá điện tử trong học đường là một vấn đề nghiêm trọng. Có những học sinh sử dụng thuốc lá điện tử ở tuổi 13. Đáng ngại hơn, một số học sinh còn bán thuốc lá điện tử trong trường học” – ông Warawut chia sẻ với The Bangkok Post.

Trước đó, vào tháng 3, chính phủ New Zealand quyết định cấm thuốc lá điện tử sử dụng một lần và tăng mức phạt từ 6.000 USD lên 60.000 USD đối với các nhà bán lẻ bán thuốc lá điện tử cho người dưới 18 tuổi. Lệnh cấm tương tự cũng đã được chính phủ Anh ban bố vào tháng 1. Tính đến tháng 12-2023, theo Tổ chức Y tế Thế giới, đã có 34 quốc gia cấm thuốc lá điện tử.

Cao Lực

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Bộ Y tế nêu quan điểm về thuốc lá điện tử, thuốc lá mới

Ngày 3-5, thông tin về các biện pháp phòng chống tác hại (PCTH) của thuốc lá, PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), Giám đốc Quỹ PCTH của thuốc lá, cho biết thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng là các sản phẩm mới xuất hiện trôi nổi tại Việt Nam trong gần 10 năm trở lại đây.

Hệ lụy của nó gây ra đang đe dọa những thành quả của công cuộc phòng chống tác hại của thuốc lá tại Việt Nam.

Bộ Y tế nêu quan điểm về thuốc lá điện tử, thuốc lá mới- Ảnh 1.

PGS Lương Ngọc Khuê cảnh báo tác hại của thuốc lá điện tử và các dạng thuốc lá mới

Đề xuất cấm nhập khẩu, kinh doanh thuốc lá điện tử

Bộ Y tế đang nghiên cứu đề xuất Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc mới mới khác có thể sẽ xuất hiện trong tương lai.

Về lâu dài, Bộ Y tế sẽ trình Chính phủ, Quốc hội để xem xét sửa đổi, bổ sung Luật PCTH thuốc lá để bổ sung quy định này vào Luật để bảo đảm tính ổn định trong triển khai thực hiện.

PGS Khuê cho biết theo báo cáo tổng hợp gần 700 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, chỉ tính riêng năm 2023, có 1.224 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử.

“Thực tế cho thấy thuốc lá điện tử và kể cả một số loại thuốc lá nung nóng mới phát sinh, có sử dụng nhiều hương liệu, hóa chất không phải là từ nguyên liệu lá thuốc lá điếu thông thường. Thông qua việc phối trộn, người sử dụng có thể tự ý tăng tỉ lệ nicotine quá mức hoặc thêm ma túy và các chất gây nghiện khác vào để sử dụng mà khó bị phát hiện”- PGS Khuê cảnh báo.

Bộ Y tế nêu quan điểm về thuốc lá điện tử, thuốc lá mới- Ảnh 2.

Người bệnh ngộ độc thuốc lá điện tử điều trị tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai)

Thống kê cho thấy tỉ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh ở nhóm tuổi 13-17 tăng từ 2,6% năm 2019 lên 8,1% năm 2023. Ở nhóm 13-15 tuổi, tỉ lệ đã tăng hơn gấp đôi từ 3,5% năm 2022, lên 8% năm 2023.

Ở nữ giới tuổi 11-18, cũng theo kết quả sơ bộ của điều tra 11 tỉnh thì tỉ lệ sử dụng thuốc lá điện tử là 4,3% năm 2023.

Theo PGS Khuê, tháng 10-2023, Bộ Y tế nhận được tài liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết cấm nhập khẩu, sản xuất, phân phối và bán các sản phẩm nicotine, hệ thống phân phối điện tử không chứa nicotine và các sản phẩm thuốc lá nung nóng, cũng như cấm quảng cáo, khuyến mại các sản phẩm này ở Việt Nam.

Tháng 3 vừa qua, WHO tiếp tục gửi bản Khuyến nghị Quốc hội lần 2 về việc ban hành “Nghị quyết cấm nhập khẩu, sản xuất, phân phối và bán thuốc lá điện tử hoặc “vape”, các sản phẩm nicotine khác, bao gồm cả thuốc lá điện tử không chứa nicotine và các sản phẩm thuốc lá nung nóng, cũng như quảng cáo hoặc khuyến mại các sản phẩm này tại Việt Nam”.

Bộ Y tế nêu quan điểm về thuốc lá điện tử, thuốc lá mới- Ảnh 3.

Thuốc lá điện tử đội lốt đồ chơi, thực phẩm

Theo số liệu của WHO và Tổ chức Campaign for Tobacco-Free Kids (Mỹ), số lượng các quốc gia và vùng lãnh thố áp dụng chính sách cấm sản phẩm này đang tăng lên.

Đã có ít nhất 39 quốc gia và vùng lãnh thổ quy định cấm hoàn toàn các sản phẩm thuốc lá điện tử. Ít nhất 3 quốc gia và vùng lãnh thổ chuyển từ quy định kiểm soát như dược phẩm sang quy định cấm (Hồng Kông (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), Venezuela).

Trong khu vực ASEAN, đã có 5 quốc gia quy định cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử là Thái Lan, Singapore, Lào, Brunei và Campuchia. Các báo cáo cho thấy chưa có sản phẩm thuốc lá điện tử nào được bán dưới dạng sản phẩm cai thuốc lá do không chứng minh được dữ liệu lâm sàng.

Đối với thuốc lá nung nóng, ít nhất 18 quốc gia cấm (trong đó có 5 quốc gia thuộc ASEAN gồm Capuchia, Lào, Singapore, Thái Lan, Brunei).

Nhiều mối nguy hại trong thuốc lá điện tử

Đại diện Bộ Y tế cũng cảnh báo thuốc lá điện tử và các dạng thuốc lá mới đang mở đầu cho xu hướng lạm dụng và nghiện các hóa chất nhân tạo tổng hợp.

Việc cho phép các sản phẩm thuốc lá mới đi ngược lại các nguyên tắc giảm cung, giảm cầu của Công ước khung về kiểm soát thuốc lá, Chiến lược quốc gia về PCTH của thuốc lá và Luật PCTH của thuốc lá.

Ông Khuê cũng khẳng định thuốc lá điện tử không phải là sản phẩm để cai nghiện thuốc lá điếu vì trong thành phần thuốc lá vẫn có chất gây nghiện nicotine.

Việc cho phép các sản phẩm thuốc lá mới sẽ làm tăng tỉ lệ sử dụng thuốc lá trở lại, gây khó khăn cho công tác PCTH của thuốc lá và nỗ lực của công tác cai nghiện thuốc lá, trái với nguyên tắc giảm nguồn cung và giảm tỉ lệ sử dụng thuốc lá tại Luật PCTH của thuốc lá và Chiến lược quốc gia PCTH của thuốc lá.

Bộ Y tế nêu quan điểm về thuốc lá điện tử, thuốc lá mới- Ảnh 4.

Bệnh nhân ngộ độc do hút thuốc lá điện tử có xu hướng tăng

Đề xuất Việt Nam cần khẩn cấp cấm việc sản xuất, lưu hành thuốc lá điện tử, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống Độc Bệnh viện Bạch Mai, cho biết thuốc lá điện tử sử dụng nhiều hương liệu, hóa chất nên có thể bị lợi dụng để sử dụng ma túy thông qua việc phối trộn.

Theo bác sĩ Nguyên, 2 năm qua, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận hơn 130 trường hợp nhập viện sau khi sử dụng thuốc lá điện tử. Trong đó xét nghiệm nhiều mẫu thuốc lá điện tử của bệnh nhân cho kết quả dương tính với ma túy.

Chi phí điều trị cho những ca ngộ độc thuốc lá điện tử trộn ma túy cấp tính nhẹ đến những ca nặng tiêu tốn trung bình từ trên 10 triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Một hội nghị quan trọng diễn ra tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long

Ngày 26-4, Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long tổ chức hội nghị khoa học với chủ đề “Những tiến bộ trong điều trị bệnh lý thận – Tiết niệu”. Hội nghị quy tụ hơn 150 chuyên gia, bác sĩ đang công tác tại các đơn vị y tế đến dự.

Một hội nghị quan trọng diễn ra tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long- Ảnh 1.

Một đại biểu đang trình bày tại hội nghị

Đây là dịp để các đại biểu chia sẻ, cập nhật kiến thức, kinh nghiệm cũng như những đóng góp vào việc phát triển lĩnh vực điều trị bệnh lý thận – tiết niệu tại các bệnh viện trong khu vực ĐBSCL.

Đồng thời, hội nghị còn báo cáo về các chủ đề khác nhau như: Tiểu máu vi thể và bệnh thận IGA; bệnh thận mạn ở bệnh nhân viêm gan siêu vi B, C; giá trị của sinh thiết thận trong chẩn đoán sớm bệnh thận ở người trẻ; các phương pháp điều trị sỏi đường tiết niệu; đánh giá kết quả điều trị sỏi thận bằng phẫu thuật tán sỏi qua da đường hầm nhỏ tại bệnh viện.

Đặc biệt, hội nghị có trực tiếp từ phòng mổ đối với trường hợp tán sỏi qua da do các chuyên gia, bác sĩ của bệnh viện thực hiện.

Một hội nghị quan trọng diễn ra tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long- Ảnh 2.

Hội nghị có trực tiếp từ phòng mổ

BS.CKII. Nguyễn Thị Mai Lan, Trưởng Khoa thận – Tiết niệu của Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long, chia sẻ rằng thận có chức năng vô cùng quan trọng khi lọc chất độc trong máu được sinh ra trong quá trình trao đổi chất và đào thải qua nước tiểu.

Tuy nhiên, các bệnh lý nội khoa tại thận thì khá âm thầm, dễ bị bỏ qua. Vì thế, nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể bảo tồn được chức năng của thận.

Để chẩn đoán sớm bệnh ở giai đoạn đầu phải cần đến kỹ thuật sinh thiết thận của Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long để chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời. Từ các kỹ thuật mới này, sẽ giúp người bệnh nhanh chóng loại bỏ sỏi ra khỏi cơ thể mà không cần phẫu thuật.

Còn theo bác sĩ Nguyễn Đức Duy, Phó Trưởng Khoa thận – Tiết niệu của Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long, sỏi thận có kích thước nhỏ, người bệnh có thể điều trị bằng cách uống nước nhiều và dùng thuốc tan sỏi hoặc tống xuất sỏi.

Đối với sỏi thận có kích thước lớn, không thể điều trị bằng phương pháp nội khoa, các phương pháp như tán sỏi ngoài cơ thể, tán sỏi thận qua da, phẫu thuật nội soi hay mổ mở được lựa chọn.

Một hội nghị quan trọng diễn ra tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long- Ảnh 3.

Ban tổ chức tặng hoa các diễn giả

Trong các hướng dẫn mới nhất về điều trị sỏi thận từ các Hội Tiết niệu Hoa Kỳ, Hội Tiết niệu Châu Âu không còn đề cập đến vai trò của mổ mở nữa, thay vào đó là phương pháp tán sỏi thận qua da với những ưu điểm như ít xâm lấn, an toàn và hiệu quả cao.

Phương pháp này đang được áp dụng rộng khắp tại nhiều nơi trên thế giới và đã được thực hiện thường quy tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long.

Kỹ thuật tán sỏi thận qua da được thực hiện tại đây với hệ thống máy móc hiện đại do các bác sĩ Khoa thận – Tiết niệu giàu kinh nghiệm thực hiện. Người bệnh có chỉ định điều trị bằng kỹ thuật nội soi tán sỏi thận có thể yên tâm về hiệu quả điều trị, giảm tối thiểu các biến chứng sau phẫu thuật, giúp người bệnh sớm trở lại cuộc sống bình thường.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Hoang tưởng ghen tuông, người phụ nữ điên cuồng kiểm soát chồng

Nữ bệnh nhân N.H.B., 48 tuổi, phải nhập viện điều trị do luôn có suy nghĩ chồng đang ngoại tình, hoang tưởng ghen tuông. Bệnh nhân đã có gia đình và 3 con. Các con lớn và đều đi làm, kinh tế khá giả.

Theo người nhà, trước đây bà B. không có tiền sử mắc bệnh tâm thần, tính cách vui vẻ, hòa đồng. Khoảng hơn 2 năm nay, bà bắt đầu “thay đổi tính nết”, dễ nóng nảy, cáu giận với các con và chồng.

Hoang tưởng ghen tuông, người phụ nữ điên cuồng kiểm soát chồng- Ảnh 1.

Điều trị người bệnh tại Viện sức khỏe tâm thần

Ám ảnh việc chồng ngoại tình

Không tin bất cứ ai giải thích, bà thường xuyên tìm kiếm thông tin, theo dõi, kiểm tra tin nhắn của chồng và liên tục nghi ngờ chồng ngoại tình hoặc có liên hệ với mối tình đầu.

Bệnh nhân kiểm tra xã hội, khi thấy chồng nhắn tin với kế toán của công ty nói về công việc, bà lại nghi ngờ chồng ngoại tình với kế toán. Mỗi lần chồng nói đi có công việc, bà đều yêu cầu chồng chụp ảnh để kiểm tra.

Ngoài ghen tuông vô cớ, bệnh nhân còn kèm theo tình trạng mất ngủ tăng dần, mệt mỏi, nhiều lúc cảm thấy buồn chán về mối quan hệ với chồng.

Cách đây 2-3 tháng, bệnh nhân nổi nóng, cáu gắt, chửi mắng các thành viên trong gia đình. Đỉnh điểm, bà còn đe dọa giết chồng và cả nhà.

Sau khi thăm khám tại một bệnh viện, bệnh nhân được chẩn đoán rối loạn giấc ngủ, tuy nhiên sau khi điều trị các biểu hiện không giảm mà tăng dần.

Gia đình đưa bà đi khám tại Viện sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai), kết quả bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân mắc rối loạn hoang tưởng dai dẳng, phải điều trị nội trú.

Chiều 22-4, tại buổi chia sẻ thông tin về hội chứng rối loạn hoang tưởng, bác sĩ Vương Đình Thủy, Phòng rối loạn loạn thần và y học tự sát, Viện Sức khỏe tâm thần, cho biết bệnh nhân B. bị hoang tưởng ghen tuông dai dẳng và rối loạn cảm xúc, hành vi.

Trước đây, bệnh nhân cũng có tính ghen tuông nhưng ở mức độ “chấp nhận” được, gần đây bệnh nhân ghen tuông gay gắt hơn, có nhiều hành vi bất thường.

Hoang tưởng ghen tuông, người phụ nữ điên cuồng kiểm soát chồng- Ảnh 2.

Bác sĩ giải thích về rối loạn hoang tưởng dai dẳng

Sau khi chẩn đoán, người bệnh được dùng liệu pháp hóa dược phối hợp các thuốc chống loạn thần, liệu pháp tâm lý cá nhân, gia đình. Hiện tại, sau gần 1 tháng điều trị, bệnh nhân ổn định hơn, hoang tưởng giảm, cảm xúc hành vi phù hợp hơn, ăn ngủ tốt.

Hoang tưởng dai dẳng là gì?

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Hoa, Phòng rối loạn loạn thần và y học tự sát, Viện Sức khỏe tâm thần hoang tưởng là suy nghĩ, phán đoán sai lầm, không phù hợp với thực tế do bệnh lý tâm thần gây ra, không thể giải thích, đả thông được.

Bệnh hoang tưởng có nhiều dạng bao gồm:

Hoang tưởng được yêu: Bệnh nhân tin rằng có người khác đang yêu họ. Họ thường cố gắng liên lạc với đối tượng thông qua các cuộc gọi điện thoại, thư từ hoặc tin nhắn điện tử. Hành vi này có thể là vi phạm pháp luật.

Hoang tưởng tự cao: Bệnh nhân cho rằng họ có tài năng lớn nào đó hoặc đã thực hiện được một số khám phá quan trọng.

Hoang tưởng ghen tuông: Bệnh nhân tin rằng vợ/chồng hoặc người yêu không chung thủy, thường được giải thích hoang tưởng về “bằng chứng” (quần áo xộc xệch, vết bẩn trên ga giường).

Hoang tưởng bị hại: Bệnh nhân tin rằng họ đang bị làm hại, theo dõi, đầu độc. Dạng hoang tưởng này chiếm đến 48% các trường hợp bị hoang tưởng…

Theo bác sĩ Hoa, rối loạn hoang tưởng dai dẳng là một rối loạn tâm thần hiếm. Tuổi trung bình khởi phát bệnh khoảng 40 tuổi. Các thể bệnh hoang tưởng bị hại, hoang tưởng ghen tuông phổ biến hơn ở nam giới, trong khi hoang tưởng được yêu, hoang tưởng tự cao phổ biến hơn ở nữ giới.

“Khoảng 20% trường hợp mắc rối loạn hoang tưởng tiến triển thay đổi chẩn đoán sang tâm thần phân liệt. Do đó, nếu phát hiện người thân có các dấu hiệu bất thường về hành vi, lời nói cần đưa đi khám và điều trị sớm”- bác sĩ Hoa khuyến cáo.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

1.000 người dân Điện Biên được khám bệnh miễn phí

Trong 2 ngày 19 và 20-4, đoàn công tác Bộ Y tế do Thứ trưởng Trần Văn Thuấn làm trưởng đoàn đã thực hiện nhiều hoạt động chuyên môn nhằm tri ân nhân dân, chiến sĩ Điện Biên nhân dịp 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.

1.000 người dân Điện Biên được khám bệnh miễn phí- Ảnh 1.

Đoàn công tác của Bộ Y tế trò chuyện với các em nhỏ đến khám, sàng lọc bệnh.

Tham gia các hoạt động tri ân của Bộ Y tế có 90 cán bộ, y, bác sĩ, tình nguyện viên của Cục Quản lý khám chữa bệnh, Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam và 6 bệnh viện tuyến Trung ương.

Theo đó, 1.000 đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh Điện Biên được các bác sĩ, điều dưỡng, dược sĩ và tình nguyện viên hỗ trợ, khám sàng lọc bệnh: Ung thư, tiểu đường, tăng huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và các bệnh bẩm sinh ở trẻ em.

Chia sẻ tại chương trình, GS-TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết đây không chỉ là một chương trình y tế, mà còn thể hiện ý nghĩa nhân văn, sự quan tâm, chia sẻ của toàn xã hội, một cam kết sâu sắc trong nỗ lực không ngừng nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống, sức khỏe cho những cộng đồng dân tộc thiểu số.

Với ý nghĩa đó, ngoài khám chữa bệnh miễn phí cho nhân dân, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, đoàn công tác Bộ Y tế cũng thực hiện chuyển giao kỹ thuật, nâng cao năng lực cho đội ngũ y, bác sĩ tại các bệnh viện vùng đồng bào dân tộc, giúp họ có thêm kiến thức và kỹ năng để chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng tốt nhất.

1.000 người dân Điện Biên được khám bệnh miễn phí- Ảnh 2.

1.000 người dân và các cựu chiến binh được thăm khám, cấp thuốc miễn phí

Trong hoạt động chuyển giao công nghệ khoa học kỹ thuật, Bệnh viện Việt Đức kiểm tra tính bền vững gói chuyển giao kỹ thuật “Phẫu thuật nội soi khớp gối” cho bác sĩ của Bệnh viện đa khoa tỉnh Điện Biên.

Bệnh viện Bạch Mai chuyển giao kỹ thuật nội soi tiêu hóa; Bệnh viện Phụ sản Trung ương chuyển giao kỹ thuật “soi đốt điện cổ tử cung”; Bệnh viện K tổ chức đào tạo “các phương pháp chẩn đoán và điều trị một số bệnh ung thư thường gặp”, “siêu âm trong chẩn đoán và điều trị”… cho các y, bác sĩ tại Điện Biên.

Ngoài ra, Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tặng Trung tâm Y tế huyện Điện Biên Đông và Trung tâm Y tế huyện Mường Nhé 2 hệ thống phòng họp trực tuyến phục vụ chẩn đoán bệnh từ xa trị giá 200 triệu đồng. Ban tổ chức cũng tặng quà các gia đình có hoàn cảnh khó khăn và bệnh nhân ung thư đang điều trị tại bệnh viện tỉnh…

Dịp này, lãnh đạo Bộ Y tế và UBND tỉnh Điện Biên đã đến thăm, tặng quà ông Vũ Mạnh Huyên, 90 tuổi, một cựu binh từng chiến đấu trong chiến dịch Điện Biên Phủ và đã được tặng thưởng hai Huân chương Chiến công, một Huân chương chống Mỹ cứu nước hạng Nhất.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Diễn biến mới nhất của 3 ca ghép tạng từ một người hiến ở Quảng Ninh

Ngày 5-4, GS-TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế, cho biết sức khỏe 3 bệnh nhân được ghép tim, gan và thận từ người cho chết não đã ổn định, đang dần hồi phục tốt. Hậu phẫu ngày thứ 3, tất cả họ đã được rút nội khí quản, tỉnh táo hoàn toàn, các chỉ số huyết động và sinh hóa ổn định, chức năng tạng tốt.

Diễn biến mới nhất của 3 ca ghép tạng từ một người hiến ở Quảng Ninh- Ảnh 1.

TS Hồ Văn Linh (giữa) cùng các đồng nghiệp tiến hành rửa gan trước khi ghép.

Trước đó, vào tối 31-3, họ nhận được thông tin điều phối tạng từ Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia về việc có người chết não tại Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh) hiến tặng tạng, các bệnh nhân tại BVTW Huế đủ điều kiện nhận tạng hiến gan, tim và thận.

Ngay lập tức, BVTW Huế họp khẩn, tiến hành rà soát và tính toán các phương án di chuyển hợp lý nhất, tận dụng từng giây, từng phút để tạng hiến được bảo quản đúng thời gian tối ưu. 

Diễn biến mới nhất của 3 ca ghép tạng từ một người hiến ở Quảng Ninh- Ảnh 2.

Tiến hành ghép

Bên cạnh đó, gan người hiến phân chia thành 2 phần, thùy trái ghép cho cháu bé 2,5 tuổi ở BVTW Huế, thùy phải (chiếm khoảng 60% thể tích gan) dành ghép cho một bệnh nhân ở Hà Nội. Đây cũng là lần đầu tiên triển khai ghép gan trên bệnh nhi tại BVTW Huế.

Ngày 1-4, TS Nguyễn Thanh Xuân, Phó Giám đốc BVTW Huế, dẫn theo ê-kíp y-bác sĩ bệnh viện ra Quảng Ninh để lấy tạng. 

Diễn biến mới nhất của 3 ca ghép tạng từ một người hiến ở Quảng Ninh- Ảnh 3.

Các bác sĩ tiến hành ghép tạng.

Ca phẫu thuật lấy tạng được thực hiện từ đêm 1 đến rạng sáng 2-4 với sự tham gia của khoảng 120 y – bác sĩ. Các bác sĩ BVTW Huế đã nhanh chóng mang quả tim, một phần gan và thận vào Huế bằng đường hàng không, họ đáp xuống sân bay Phú Bài vào lúc 9 giờ 23 phút ngày 2-4.

Trong thời gian đó, các ê- kip nhận tạng tại Bệnh viện Trung ương Huế tích cực chuẩn bị bệnh nhân sẵn sàng nhận 3 tạng: gan, tim, thận và đã khẩn trương phẫu thuật ngay khi tạng kịp về đến BVTW Huế lúc 9 giờ 50 phút.

Sau hơn 1 giờ phẫu thuật, trái tim đã đập lại trong lồng ngực người bệnh suy tim rất nặng; EF 18% trước đây đã từng 2 lần ngưng tim, đang được hồi sức tại thì phép màu đã đến.

Bệnh viện Trung ương Huế xác lập kỉ lục ghép tạng.

Với bệnh nhi ghép gan, được chẩn đoán xơ gan do teo đường mật bẩm sinh đã được điều trị phẫu thuật Kasai nhưng không đáp ứng điều trị, tình trạng xơ gan ngày càng nặng, nếu không được ghép gan kịp thời sẽ tử vong. Với sự chỉ đạo kịp thời của GS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cùng sự hỗ trợ của ê – kíp ghép gan Bệnh viện Trung ương Quân Đội 108 bệnh nhi này được tiến hành ghép thành công, mang lại cơ hội sống cho em.

Song song đó, trong 48 giờ, tập thể y – bác sĩ BVTW Huế đã thực hiện thành công 5 ca ghép tạng khác, trong đó một ca ghép thận tự thân cho bệnh nhân đa chấn thương dập cuống thận và 4 ca ghép tạng khác.

GS-TS Phạm Như Hiệp cho biết BVTW Huế đã lập 3 kỷ lục về ghép tạng trong vòng 48 giờ. Kỷ lục thứ nhất là bệnh viện này ghép tổng cộng 8 ca. Kỷ lục thứ hai là lần đầu tiên thực hiện ghép bộ ba tạng tim, gan, thận xuyên Việt từ người cho chết não tại bệnh tuyến tỉnh. Kỷ lục thứ ba là thời gian vận chuyển 3 tạng xuyên Việt cho cùng một đơn vị dài nhất.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Cảnh giác cúm gia cầm, bệnh dại diễn biến phức tạp

Ngày 27-3, hội nghị trực tuyến liên ngành tăng cường công tác phòng chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người năm 2024, đã đưa ra cảnh báo dịch cúm gia cầm và dại đang diễn biến phức tạp.

Theo ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT), từ đầu năm đến nay, cả nước đã có 27 ca tử vong do bệnh dại và 1 ca tử vong do cúm gia cầm. Thời tiết diễn biến thất thường, giao lưu thương mại, cùng thói quen giết mổ nhỏ lẻ… làm tăng nguy cơ dịch bệnh từ động vật sang người bùng phát.

Với bệnh dại, thói quen nuôi chó thả rông, tỉ lệ tiêm phòng vắc-xin phòng dại chó mèo đang thấp ở mức báo động, hiện chỉ đạt 30%… là yếu tố khiến bệnh dại gia tăng. Lãnh đạo Bộ NN-PTNT đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý các trường hợp vi phạm quy định pháp luật trong việc nuôi, quản lý chó, mèo; điều tra, truy tố những trường hợp không tuân thủ đúng quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Cảnh giác cúm gia cầm, bệnh dại diễn biến phức tạp- Ảnh 1.

Bộ Y tế và Bộ NN-PTNT đồng chủ trì hội nghị phòng chống dịch bệnh tại đầu cầu Hà Nội. Ảnh: DIỆU THU

Theo Cục Thú y, kết quả giám sát ngẫu nhiên mới đây ở khu vực Tây Nguyên đã phát hiện 2/10 mẫu động vật có virus dại. “Nước ta không cấm nuôi chó mèo nhưng phải thực hiện đúng quy định nuôi nhốt trong khuôn viên gia đình, bắt buộc phải đeo rọ mõm khi ra ngoài cộng đồng, tiêm phòng vắc-xin cho động vật theo quy định” – đại diện Cục Thú y nhấn mạnh.

Bộ Y tế và Bộ NN-PTNT nhận định trong thời gian tới nguy cơ các ổ dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người vẫn tiếp tục xảy ra, trong đó có cúm gia cầm và bệnh dại. Theo ông Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trong năm 2023 có gần 700.000 người tiêm vắc-xin phòng dại. Khu vực miền Nam có số lượng người tiêm phòng bệnh dại cao nhất trong 6 năm qua, lên đến 65%. Thống kê cho thấy năm 2023, 100% số ca tử vong dại do không đi tiêm vắc-xin phòng dại, tiêm muộn hoặc không đúng chỉ định. Đáng chú ý khi trong đó có đến 43,8% người không đi tiêm phòng dại là do chủ quan chó nhà cắn, tại thời điểm cắn, chó có sức khỏe bình thường; 5,5% trẻ nhỏ bị chó cắn không nói với gia đình. Bên cạnh đó, có 16,4% người không tiêm phòng dại là do dùng thuốc nam để điều trị bệnh dại.

Những năm gần đây, mỗi năm trung bình có 70 người chết vì bệnh dại dù đã có vắc-xin cho cả người và động vật. Đây cũng là căn bệnh gây tử vong nhiều nhất trong các bệnh truyền nhiễm. Từ đầu năm 2024, số ca mắc tiếp tục gia tăng đột biến với 27 trường hợp tử vong do dại, tăng 16 ca so với cùng kỳ năm ngoái (khoảng 170%). Thêm vào đó, dịch bệnh xuất hiện và tăng cao đột biến ở những tỉnh trước đây không phải là khu vực trọng điểm về dại, trong đó miền Trung ghi nhận 10 ca tử vong do dại, cao nhất cả nước.

Với dịch cúm gia cầm, tại Khánh Hòa vừa ghi nhận 1 ca tử vong 21 tuổi. Từ năm 2003 đến nay, Việt Nam ghi nhận 129 ca bệnh và 65 ca tử vong. Hiện bệnh vẫn chưa có vắc-xin và thuốc điều trị đặc hiệu, tỉ lệ tử vong rất cao, khoảng 50%. Bộ Y tế cho biết dịch cúm gia cầm vẫn ghi nhận rải rác trên đàn gia cầm ở nhiều địa phương nên luôn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người. Do nguồn gây bệnh bắt nguồn từ động vật nên các đơn vị, địa phương cần tiếp tục nâng cao kiểm soát dịch bệnh trên đàn gia cầm, phòng tránh nguy cơ dịch bệnh lây lan. 

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Cụ ông 76 tuổi ngừng tim hồi sinh sau 30 phút được bác sĩ hồi sức, sốc điện

Ngày 21-3, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP HCM) cho biết các bác sĩ tại đây vừa điều trị thành công cho ông T.B.K (76 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) bị nhồi máu cơ tim cấp, ngưng tim ngoại viện kéo dài, rối loạn nhịp thất với tiền căn đái tháo đường, tăng huyết áp.

Cụ ông 76 tuổi ngừng tim hồi sinh sau 30 phút được bác sĩ hồi sức, sốc điện- Ảnh 1.

Hiện hơn 10 ngày điều trị, sức khoẻ ông K. dần ổn định, có thể xuất viện

Bệnh sử trước khi nhập viện, ông K. xuất hiện cơn đau ngực dữ dội, khó thở, ngã gục, ngưng tim ngưng thở, toàn thân tím tái. Ông được người nhà sơ cứu tại chỗ hơn 10 phút nhưng không tỉnh nên đưa vào Bệnh viện Nhân dân Gia Định cấp cứu.

Tại đây, bác sĩ ghi nhận ông bị rối loạn nhịp thất, mạch và huyết áp đều không đo được. Ê-kip cấp cứu đã hồi sức và sốc điện chuyển nhịp liên tục, sau hơn 30 phút, ông K. được hồi sinh tim phổi thành công.

Sau phục hồi tuần hoàn, ông K. được đo điện tâm đồ, kết quả cho thấy có dấu hiệu nhồi máu cơ tim cấp do tắc động mạch vành trái, với tình trạng sốc tim và suy đa tạng sau ngưng tim kéo dài.

Ông tiếp tục được điều trị tích cực tại Khoa Tim mạch can thiệp. Bên cạnh đó, chụp động mạch vành chẩn đoán, can thiệp thành công sang thương xơ vữa gây tắc động mạch vành liên thất trước. Trong lúc người bệnh vừa được tái thông thành công động mạch vành thủ phạm, ekip ECMO của Đơn vị Hồi sức tim mạch được kích hoạt để phối hợp can thiệp oxy hoá máu màng ngoài cơ thể phương thức động – tĩnh mạch (VA-ECMO) kết hợp phương pháp hạ thân nhiệt để bảo vệ não.

BS chuyên khoa 2 Nguyễn Đỗ Anh, Trưởng khoa Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết nhồi máu cơ tim cấp là nguyên nhân ngừng tim ngoại viện thường gặp nhất ở bệnh nhân lớn tuổi. Nếu không được phối hợp liên chuyên khoa tim mạch kịp thời, người bệnh có nguy cơ tử vong rất cao do rối loạn nhịp thất và choáng tim. Việc tái tưới máu thành công động mạch vành bị tắc nghẽn đóng vai trò tiên quyết để cứu sống người bệnh.

“Đặc biệt ở người bệnh lớn tuổi, tỉ lệ tử vong có thể lên đến 80%. Khả năng phục hồi chức năng não và các tạng sau ngưng tim phụ thuộc vào thời gian ngưng tim và hiệu quả của các phương pháp hồi sức. Thông thường, các tế bào não sẽ bị tổn thương không hồi phục sau 4 phút ngưng tim. Y văn trên thế giới báo cáo phần lớn những trường hợp cao tuổi sống còn sau ngưng tim sẽ có rối loạn chức năng não hay rối loạn nhận thức, thậm chí chết não vĩnh viễn nếu thời gian ngừng tim kéo dài” – thạc sĩ, bác sĩ Võ Văn Trắng, Đơn vị Hồi sức tích cực tim mạch của bệnh viện, thông tin

Hiện hơn 10 ngày điều trị, sức khoẻ ông K. dần ổn định, chức năng gan, thận phục hồi, chức năng co bóp cơ tim cải thiện và không để lại di chứng thần kinh.

Các bác sĩ khuyến cáo người dân nên chủ động phòng ngừa bệnh là chính, phải tập thói quen ăn uống khoa học, thường xuyên tập thể dục thể thao, khám sức khoẻ định kỳ để phát hiện và kiểm soát kịp thời các yếu tố nguy cơ tim mạch, đặc biệt ở người cao tuổi. Mặt khác, khi xuất hiện những triệu chứng bất thường như tê bì, đau chi, yếu chi, khó thở, mệt nặng ngực, ngất… người bệnh không nên tự chẩn đoán, không nên tự sơ cứu, hay tự dùng thuốc, mà nên lập tức đến bệnh viện, cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và xử trí ban đầu. Tuỳ theo mức độ nặng và nguyên nhân bệnh lý, người bệnh sẽ được chuyển đến các trung tâm y tế chuyên sâu phù hợp.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Hơn 1/3 dân số thế giới đối diện vấn đề thần kinh

Theo thông cáo báo chí toàn cầu được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phát đi hôm 15-3, hơn 1/3 dân số thế giới đang bị ảnh hưởng bởi các rối loạn thần kinh, nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tàn tật trên toàn thế giới.

Con số này tương đương với hơn 3 tỉ người phải đối diện với vấn đề thời đại này.

Hơn 1/3 dân số thế giới đối diện vấn đề thần kinh- Ảnh 1.

Số người đối diện với rối loạn thần kinh tăng nhanh trong các thập kỷ qua – Ảnh minh họa từ Internet

Đó là kết quả từ một nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí y học The Lancet Neurology, mà WHO đã đóng góp vào việc phân tích dữ liệu Nghiên cứu về gánh nặng bệnh tật, thương tích và yếu tố rủi ro toàn cầu (GBD) năm 2021.

Theo WHO, tổng số trường hợp khuyết tật, bệnh tật và tử vong sớm do các vấn đề thần kinh gây ra đã tăng 18% kể từ năm 1990.

Hơn 80% số ca tử vong và mất sức khỏe do rối loạn thần kinh xảy ra ở các nước thu nhập thấp và trung bình, nơi số lượng chuyên gia thần kinh trên 100.000 dân thấp hơn tới 70 lần so với các nước thu nhập cao

TS Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc WHO cho biết: “Nghiên cứu này sẽ đóng vai trò như một lời kêu gọi hành động khẩn cấp nhằm mở rộng các biện pháp can thiệp có mục tiêu nhằm cho phép ngày càng nhiều người mắc bệnh thần kinh được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc, điều trị và phục hồi chức năng có chất lượng mà họ cần.

Mười dạng rối loạn thần kinh hàng đầu góp phần làm suy giảm sức khỏe là đột quỵ, bệnh não sơ sinh (chấn thương não), đau nửa đầu, mất trí nhớ, bệnh thần kinh do tiểu đường (tổn thương dây thần kinh), viêm màng não, động kinh, biến chứng thần kinh do sinh non, rối loạn phổ tự kỷ và vấn đề thần kinh trong bệnh ung thư.

Nhìn chung, các tình trạng thần kinh gây ra nhiều khuyết tật và suy giảm sức khỏe ở nam giới hơn so với phụ nữ. Dù vậy, một số tình trạng như chứng đau nửa đầu hoặc chứng mất trí nhớ thì phụ nữ bị ảnh hưởng nhiều hơn.

Kể từ năm 1990, số lượng những người sống chung hoặc chết vì các bệnh lý thần kinh đã tăng lên, chủ yếu được thúc đẩy bởi sự thay đổi về nhân khẩu học và việc con người sống lâu hơn.

Bệnh thần kinh tiểu đường là tình trạng thần kinh gia tăng nhanh nhất, tăng hơn gấp 3 lần trên toàn cầu kể từ năm 1990, lên tới 206 triệu trường hợp vào năm 2021.

Các tình trạng khác như biến chứng thần kinh do COVID-19 (ví dụ suy giảm nhận thức và hội chứng Guillain-Barré) trước đây không tồn tại và hiện chiếm hơn 23 triệu trường hợp.

Gánh nặng thần kinh và tổn thất sức khỏe do các tình trạng khác đã giảm trên 25% kể từ năm 1990 nhờ công tác phòng ngừa – bao gồm vắc-xin – chăm sóc và nghiên cứu được cải thiện.

Đó là các vấn đề thần kinh liên quan đến uốn ván, bệnh dại, viêm màng não, khuyết tật ống thần kinh, đột quỵ, bệnh u nang thần kinh (nhiễm ký sinh trùng ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương), viêm não và bệnh não ở trẻ sơ sinh.

Nhiều rủi ro có thể tránh được

Nghiên cứu cũng xem xét 20 yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được đối với các tình trạng thần kinh có khả năng phòng ngừa được như đột quỵ, mất trí nhớ và thiểu năng trí tuệ vô căn.

Loại bỏ các yếu tố nguy cơ chính – trong đó hàng đầu là tình trạng cao huyết áp và ô nhiễm không khí – có thể ngăn ngừa tới 84% tổng số năm mà các bệnh nhân đột quỵ trên thế giới phải sống chung với di chứng.

Tương tự, việc ngăn ngừa tiếp xúc với chì có thể giảm gánh nặng khuyết tật trí tuệ vô căn tới 63,1% và giảm mức đường huyết lúc đói cao có thể giảm gánh nặng của chứng mất trí nhớ tới 14,6%.

Hút thuốc cũng góp phần đáng kể vào nguy cơ đột quỵ, mất trí nhớ và bệnh đa xơ cứng.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Đột phá: Nhận diện ung thư nhiều năm trước khi phát bệnh

Theo Daily Mail, công nghệ mới được phát triển bởi Lucid Diagnostics (TP New York – Mỹ) là một thiết bị mang hình viên thuốc, có thể dễ dàng đưa vào cơ thể để phát hiện các tế bào tiền ung thư nhiều năm trước khi thực sự phát bệnh.

Đột phá: Nhận diện ung thư nhiều năm trước khi phát bệnh- Ảnh 1.

Cách mà thiết bị hình viên thuốc được đưa vào cơ thể để tìm kiếm tế bào tiền ung thư – Ảnh: Lucid Diagnostics

Công nghệ này nhằm tới ung thư thực quản, một dạng ung thư “sát thủ”. Bệnh nhân ung thư thực quản chỉ có khoảng 20% cơ hội sống sót trong vòng 5 năm kể từ khi chẩn đoán, giảm xuống 6% nếu chẩn đoán muộn.

Tuy nhiên, căn bệnh ung thư này có thể liên quan đến một dạng trào ngược axit đặc biệt xuất hiện nhiều năm trước đó.

Đó là nền tảng để phát triển công nghệ: Bệnh nhân khổ sở vì tình trạng trào ngược axit sẽ được đưa thiết bị vào người để kiểm tra xem có hiện hữu tế bào tiền ung thư hay không.

“Viên thuốc” này sẽ được gắn vào một ống dài mỏng, đưa xuống cổ họng và đi sâu đến dạ dày.

Sau đó, viên thuốc sẽ được thổi phồng lên như một quả bóng nhỏ đường kính vài cm để thu thập tế bào trong thực quản.

Toàn bộ quá trình mất chỉ 2 phút, sẽ đem về đủ lượng tế bào cần thiết để sau đó có thể phân tích trong phòng thí nghiệm.

Nếu phát hiện tế bào tiền ung thư, bệnh nhân sẽ được đưa đi điều trị nhằm loại bỏ các tế bào này, cũng như sàng lọc bệnh ung thư thực quản 3 năm một lần.

Tại Mỹ có khoảng 3,3 triệu người mắc chứng trào ngược dạ dày thực quản mỗi năm. Hầu hết họ sẽ không phát triển bệnh ung thư. Tuy vậy, vẫn có khoảng 22.000 ca mắc và 16.000 ca tử vong do ung thư thực quản ở nước này mỗi năm.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

WHO: 1/5 dân số thế giới đối diện bệnh ung thư

Theo báo cáo thường niên từ Cơ quan nghiên cứu Ung thư quốc tế (IRAC) trực thuộc WHO vừa công bố ngày 1-2, gánh nặng ung thư toàn cầu đang ngày một tăng.

Ước tính 1/5 người trên thế giới sẽ đối diện với ung thư trong đời. Khoảng 1/9 nam giới và 1/12 nữ giới sẽ tử vong vì căn bệnh này.

WHO: 1/5 dân số thế giới đối diện bệnh ung thư- Ảnh 1.

WHO cảnh báo 1/5 người trên thế giới sẽ đối diện với bệnh ung thư trong đời – Ảnh: REUTER

Khảo sát chi tiết theo năm mới nhất cho thấy có tổng cộng 20 triệu ca ung thư mới được ghi nhận trên toàn cầu vào năm 2022 và 9,7 triệu ca tử vong mới. Tuy nhiên, con số này có thể tăng vọt trong tương lai.

Dựa theo tình hình hiện tại, chỉ trong năm 2050 sẽ ghi nhận 35 triệu ca ung thư mới. Con số này cao hơn con số của năm 2022 đến 77%.

Trong đó, 3 loại ung thư chính được IRAC nhấn mạnh là ung thư phổi, vú và ruột (đại trực tràng). Có hàng chục loại ung thư được biết đến nhưng riêng 10 loại phổ biến nhất đã chiếm 2/3 số ca mắc và tử vong toàn cầu.

Ung thư phổi phổ biến nhất trên toàn thế giới, chiếm 12,4% số ca mắc mới. Ung thư vú chiếm 11%, ung thư ruột 9,6%, tiếp theo là ung thư tuyến tiền liệt 7,3% và ung thư dạ dày 4,9%.

Xét theo nguyên nhân tử vong, ung thư phổi chiếm hàng đầu, gây ra 18,7% số ca tử vong do ung thư. Ung thư ruột chiếm 9,3% số ca tử vong, ung thư gan 7,8%, ung thư gan 7,8%, ung thư vú 6,9% và ung thư dạ dày 6,8%.

“Sự tái xuất hiện của ung thư phổi như loại ung thư phổ biến nhất có thể liên quan đến việc sử dụng thuốc lá liên tục ở châu Á” – WHO lưu ý.

Xét về giới tính, ung thư phổi là loại ung thư phổ biến nhất ở nam giới, trong khi ở phụ nữ ung thư  phổ biến nhất là ung thư vú.

Sự gia tăng gánh nặng ung thư dự kiến cũng sẽ không đồng đều ở các quốc gia. Những quốc gia có Chỉ số phát triển con người (HDI) cao có thể có số ca mắc mới được ghi nhận tăng mạnh hơn các quốc gia HDI thấp. Tuy nhiên, nguy cơ tử vong ở các quốc gia HDI thấp đáng ngại hơn.

Điều này một phần do khả năng tiếp cận các biện pháp chẩn đoán và điều trị chênh lệnh. Các quốc gia HDI thấp là các nước nghèo hơn, nơi con số mắc mới được ghi nhận thấp một phần là do không được chẩn đoán đầy đủ.

“Tác động của sự gia tăng này sẽ không được cảm nhận đồng đều ở các quốc gia có HDI khác nhau. Những người có ít nguồn lực nhất để quản lý gánh nặng ung thư sẽ phải chịu gánh nặng ung thư toàn cầu” – TS Freddie Bray, trưởng bộ phận Giám sát ung thư tại IRAC nói.

Theo WHO, cuộc khảo sát lớn từ 115 quốc gia này cũng cho thấy phần lớn các quốc gia vẫn chưa tài trợ đầy đủ cho các dịch vụ chăm sóc giảm nhẹ và ung thư ưu tiên, như một phần của bảo hiểm y tế toàn cầu (UHC).

Các con số này không chỉ nêu bật gánh nặng đối với căn bệnh này ngày càng tăng mà còn chỉ ra tác động không cân xứng giữa các nhóm dân số và yêu cầu cấp thiết phải giải quyết sự bất bình đẳng về ung thư trên toàn thế giới.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Suy thận ở người trẻ diễn tiến âm thầm

Mới đây, một nữ TikToker nổi tiếng chia sẻ về việc 30 tuổi bị suy thận giai đoạn 3b khiến cô phải uống thuốc liên tục, nếu không sẽ dẫn đến chạy thận hoặc ghép thận. Nguyên nhân được cô tiết lộ là do lối sống không lành mạnh như thường ăn nhiều thịt và các món nhiều dầu mỡ, thức khuya…

Có thể hoàn toàn không có dấu hiệu bất thường

Lý giải nguyên nhân trên, bác sĩ chuyên khoa I Trần Doãn Minh Tuấn, Khoa Thận nhân tạo – Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức, TP HCM), cho biết các thói quen không tốt diễn ra trong khoảng thời gian dài sẽ gây tác động tiêu cực đến cơ thể, dẫn đến những hệ lụy cho sức khỏe toàn thân nói chung và chức năng thận nói riêng.

“Một số nghiên cứu đã ghi nhận việc ăn nhiều protein, nhiều dầu mỡ, thức khuya có mối liên quan đến suy giảm chức năng thận. Tuy nhiên, một số nghiên cứu khác lại cho thấy không có mối liên quan nào. Do đó, việc khẳng định các thói quen không tốt vừa nêu là nguyên nhân trực tiếp khiến bản thân bị suy thận cũng chưa chính xác” – bác sĩ Tuấn nói.

Người bị suy thận có thể hoàn toàn không có dấu hiệu bất thường nào. Bệnh thường phát hiện khi đã ở giai đoạn trễ với biểu hiện của nhiều biến chứng hoặc được phát hiện tình cờ thông qua kết quả xét nghiệm. Một số người được phát hiện suy thận khi đi khám vì các biểu hiện như phù toàn thân, tiểu ra máu, nước tiểu nhiều bọt lâu tan, mệt mỏi, xanh xao, chóng mặt…

ThS-BS Nguyễn Minh Quân, Phó trưởng Khoa Nội thận lọc máu – Bệnh viện Thống Nhất (TP HCM), cho biết trong 2 quả thận có những đơn vị nơ-ron hoạt động bù trừ nhau. Suy thận có 5 giai đoạn. Từ giai đoạn 1 đến 3, các nơ-ron này hoạt động bù trừ nên không có triệu chứng, thậm chí cả giai đoạn 4. Đến giai đoạn 5 mới xuất hiện triệu chứng do mất bù trừ, lúc này bệnh đã trở nặng.

Tuy nhiên, một số trường hợp có triệu chứng sớm nhưng không đặc hiệu như mệt mỏi, chán ăn, tiểu đêm, đau thắt lưng. Khi nặng hơn, có dấu hiệu bệnh lý cầu thận thì có thể xuất hiện thêm dấu hiệu buồn nôn, ngủ gà gật… Bên cạnh đó, trong giai đoạn sớm, có thể phát hiện dựa vào màu sắc của nước tiểu như sẫm hoặc hồng nhạt…

Suy thận ở người trẻ diễn tiến âm thầm- Ảnh 1.

Bệnh nhân chạy thận tại Khoa Thận nhân tạo – Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức, TP HCM)

Cần phát hiện sớm, điều trị kịp thời

Theo bác sĩ Nguyễn Minh Quân, tại Bệnh viện Thống Nhất, bệnh nhân trẻ mắc bệnh lý liên quan đến thận thường tập trung trong độ tuổi 20 – 40, chiếm khoảng 20% – 30%. Bệnh nhân đến khám khi tình cờ phát hiện lúc kiểm tra sức khỏe định kỳ hoặc xuất hiện các triệu chứng khi trở nặng như phù, nôn ói, khó thở, kali máu cao…

Bác sĩ Trần Doãn Minh Tuấn nhận xét các bệnh lý chuyển hóa như tăng huyết áp, đái tháo đường có xu hướng ngày càng trẻ hóa có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc trẻ hóa bệnh lý suy thận. Bên cạnh đó, thói quen tự ý sử dụng thuốc không hợp lý – như giảm đau, kháng viêm, kháng sinh, đông y, thuốc không rõ nguồn gốc, không theo chỉ định của bác sĩ, thực phẩm chức năng – cũng là nguyên nhân dẫn đến người suy thận ngày càng trẻ hóa. Đồng thời, lối sống không lành mạnh như ăn nhiều thức ăn chế biến sẵn, ăn uống thừa năng lượng, lạm dụng chất kích thích, hút thuốc lá, ít vận động… cũng góp phần làm gia tăng tình trạng trẻ hóa bệnh lý suy thận.

Theo bác sĩ Tuấn, nếu bệnh nhân phát hiện ở giai đoạn sớm, được điều trị các bệnh lý nguyên nhân kịp thời, điều trị giảm các biến chứng, thay đổi lối sống một cách tích cực thì có thể giúp ngăn ngừa diễn tiến của suy thận đến các giai đoạn nặng hơn.

“Với sự phát triển của các xét nghiệm y khoa hiện đại, việc phát hiện sớm suy thận có thể được thực hiện thông qua một số xét nghiệm tầm soát, như xét nghiệm định lượng creatinine huyết thanh; xét nghiệm nước tiểu tìm protein hoặc albumine trong nước tiểu; xét nghiệm khảo sát cặn lắng nước tiểu; siêu âm thận và hệ niệu” – bác sĩ Tuấn cho biết. 

Tránh lạm dụng thuốc

Để tránh tình trạng suy thận, bác sĩ Nguyễn Minh Quân lưu ý nên duy trì lối sống lành mạnh. Cần thường xuyên tập luyện phù hợp với bản thân; tránh lo âu, căng thẳng; uống đủ nước để cung cấp cho quá trình chuyển hóa, trao đổi chất trong cơ thể; không để thừa cân, béo phì; tránh ăn quá mặn hoặc quá ngọt; không hút thuốc, uống rượu bia.

Đặc biệt, cần tránh lạm dụng các thuốc không kê đơn, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc; kiểm soát tốt bệnh mạn tính… Bên cạnh đó, nên khám sức khỏe định kỳ và thực hiện xét nghiệm tầm soát để phát hiện sớm các trường hợp suy thận.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Lý do nam sinh lớp 12 nhét đoạn dây điện 26 cm vào “cậu nhỏ”

Ngày 13-1, bác sĩ Bùi Hoàng Thảo, Phó trưởng Khoa Khoa Ngoại tiết niệu – Đơn nguyên Nam học, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) cho biết cách đây 2 ngày bệnh viện tiếp nhận trường hợp nam sinh 17 tuổi, ở Hà Nội, nhập viện với tâm lý lo sợ, hoang mang, đau vùng hạ vị, đi tiểu ra máu.

Nam sinh này cho biết cách thời điểm nhập viện 2 ngày đã xem một video thực hiện thử thách nhét dị vật vào niệu đạo trên mạng xã hội và làm theo.

Lý do nam sinh lớp 12 nhét đoạn dây điện 26 cm vào "cậu nhỏ"- Ảnh 1.

Đoạn dây điện được lấy ra từ niệu đạo. Ảnh: Bác sĩ cung cấp

“Bệnh nhân cho biết trên mạng xã hội có nhiều thử thách khác nhau, vì muốn khám phá giới hạn của bản thân nên đã lựa chọn và thực hiện việc dùng dây điện có lõi đồ, thắt nút nhét vào niệu đạo. Một ngày sau, nam sinh này thấy đau bàng quang, đi tiểu ra máu. Lo lắng, bệnh nhân đã thú thật với bố và được đưa đến bệnh viện”- bác sĩ Thảo chia sẻ.

Hình ảnh chụp cắt lớp vi tính cho thấy một đoạn dị vật tương đối dài nằm trong bàng quang của bệnh nhân. Do dị vật đã đi vào bàng quang nên bệnh nhân không bị bí tiểu nhưng lại gây trầy xước bàng quang và niệu đạo dẫn tới tiểu máu.

Ngay sau đó, nam sinh này được đưa lên phòng mổ nội soi để gắp dị vật. Trong ca mổ, các bác sĩ phát hiện dị vật là đoạn dây điện màu đen nằm kẹt bên trong bàng quang.

Đoạn dây điện này được thắt nút nên các bác sĩ phải gỡ bỏ nút thắt trước rồi mới có thể lấy dị vật ra khỏi cơ thể. Sau khoảng 20 phút, dị vật được lấy ra là đoạn dây điện dài đến 26 cm.

Lý do nam sinh lớp 12 nhét đoạn dây điện 26 cm vào "cậu nhỏ"- Ảnh 2.

Bác sĩ đang tư vấn cho nam sinh trong quá trình điều trị. Ảnh: Nguyễn Đình

Nhiều nam sinh nhập viện sau “thử thách”

Theo bác sĩ Thảo, bệnh nhân rất may mắn vì dù đoạn dây rất cứng và dài nhưng thương tổn chỉ mới dừng ở mức trầy xước, xuất huyết và chưa gây đứt, rách niệu đạo hoặc các biến chứng nghiêm trọng hơn.

“Thử thách nhét dị vật vào niệu đạo có thể gây trầy xước niệu đạo dẫn đến chảy máu. Bên cạnh đó, đoạn dây điện bẩn sẽ khiến niệu đạo bị nhiễm trùng, nặng hơn là nhiễm trùng bàng quang, bể thận, thậm chí nhiễm khuẩn huyết gây nguy hiểm tính mạng”- bác sĩ Thảo cảnh báo.

Các bác sĩ cũng cho biết thời gian gần đây những thử thách độc hại, nguy hiểm như trên đang được lan truyền trên mạng xã hội. Nhiều bạn trẻ đã làm theo dẫn đến hậu quả đáng tiếc.

Trước đó ít ngày, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đã tiếp nhận một nam sinh 16 tuổi, nhập viện cấp cứu vì nhét một đoạn ống nhựa mềm có lỗ vào niệu đạo. Ngoài ra, bác sĩ từng lần tiếp nhận một số trường hợp nhét đũa vào niệu đạo sau khi xem các thử thách trên mạng.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Triển khai kiểm thử giấy chuyển tuyến bảo hiểm y tế điện tử từ 1-4

Bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế), cho biết Bộ Y tế vừa bổ sung thêm 2 bảng dữ liệu mới gồm bảng dữ liệu giấy chuyển tuyến BHYT và bảng dữ liệu giấy hẹn khám lại theo quy định tại Nghị định 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ.

Triển khai kiểm thử giấy chuyển tuyến bảo hiểm y tế điện tử từ 1-4- Ảnh 1.

Trong thời gian tới Bộ Y tế sẽ loại bỏ hoàn toàn giấy chuyển tuyến bản giấy

Theo lộ trình, từ ngày 1-4 tới đây, cơ quan BHXH và các bệnh viện trong cả nước sẽ bắt đầu triển khai kiểm thử việc gửi và nhận dữ liệu điện tử giấy chuyển tuyến BHYT và giấy hẹn khám lại, tiến tới triển khai chính thức trong toàn quốc từ ngày 1-7.

Cũng trong năm 2024, Bộ Y tế sẽ phối hợp cùng với Bộ Công an, BHXH Việt Nam nghiên cứu, triển khai tích hợp 2 loại giấy tờ này trên các ứng dụng VNeID, VssID.

Khi 2 loại giấy tờ này được tích hợp trên ứng dụng VNeID, VssID, người bệnh khi làm thủ tục chuyển tuyến hoặc tái khám chỉ cần xuất trình giấy chuyển tuyến điện tử hoặc giấy hẹn khám lại điện tử trên ứng dụng VNeID hoặc VssID (có tích hợp sẵn mã QR).

Việc này nhằm tiến tới loại bỏ hoàn toàn giấy chuyển tuyến và giấy hẹn khám lại bản giấy. Đồng thời, tạo một kho dữ liệu tập trung phục vụ phân tích, thống kê, kịp thời điều chỉnh chính sách BHYT sát với thực tế giúp công khai, minh bạch trong công tác chuyển tuyến đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Giúp rút ngắn thời gian, tạo thuận lợi, tiện ích cho người bệnh, cơ sở khám chữa bệnh khi tiếp nhận, làm các thủ tục chuyển tuyến/tái khám hạn chế các hành vi gian lận, giả mạo trong công tác chuyển tuyến Hỗ trợ cơ quan BHXH trong công tác giám định, thanh toán BHYT.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Điện thoại sạc qua đêm phát nổ khiến hai người bỏng nặng

Ngày 28-12, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) cho biết hai bệnh nhân được đưa vào cấp cứu tại Phòng khám đa khoa Hùng Vương (ở Tuyên Quang), trong tình trạng bỏng nặng vùng mặt, tay, chân.

Ngay lập tức các bác sĩ tại phòng khám cấp cứu xử trí vết bỏng, giảm đau, chống sốc.

Điện thoại sạc qua đêm phát nổ khiến hai người bỏng nặng- Ảnh 1.

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng bỏng nặng

Theo bác sĩ điều trị, cả hai bệnh nhân bỏng nặng vùng mặt, 2 bàn tay, mặt ngoài đùi bên trái, cẳng chân 2 bên, bàn chân bên trái, diện tích khoảng 10% đến 20%. Ngay sau khi được cấp cứu ổn định tại phòng khám, cả hai bệnh nhân được chuyển Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương tiếp tục điều trị.

Các bác sĩ cho biết hiện sức khỏe bệnh nhân ổn định, đang tiếp tục được điều trị, nhưng việc phục hồi cần rất nhiều thời gian.

Theo bệnh nhân, điện thoại được cắm sạc để qua đêm ở đầu giường, lúc sáng sớm bất ngờ phát nổ gây cháy chăn màn và cháy sang người.

Bác sĩ khuyến cáo không vừa sạc vừa sử dụng điện thoại, không sạc qua đêm, nơi sạc điện thoại nên cách xa người và vật liệu dễ cháy. Không nên dùng điện thoại khi ngồi cạnh khu vực tỏa ra lượng nhiệt lớn vì có thể khiến thiết bị có thể hấp thụ nhiệt, nóng lên và phát nổ.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Bệnh truyền nhiễm sẽ còn diễn biến phức tạp

Bệnh truyền nhiễm sẽ còn diễn biến phức tạp- Ảnh 1.

PGS-TS Nguyễn Vũ Trung, Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM, cho rằng bệnh truyền nhiễm còn diễn biến phức tạp

Thông tin trên được PGS-TS Nguyễn Vũ Trung, Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM, chia sẻ tại hội nghị tổng kết công tác phòng chống dịch bệnh khu vực phía Nam năm 2023 ngày 22-12.

Báo cáo tại hội nghị, TS-BS Nguyễn Vũ Thượng, Phó Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM, cho biết năm 2023, tại khu vực phía Nam một số dịch bệnh tăng so với năm 2022.

Bệnh truyền nhiễm sẽ còn diễn biến phức tạp- Ảnh 2.

TS-BS Nguyễn Vũ Thượng, Phó Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM, báo cáo về tình hình phòng, chống dịch bệnh tại khu vực phía Nam năm 2023

Theo đó, từ đầu năm đến nay, phía Nam có 141.293 ca mắc bệnh tay chân miệng, tăng gấp 1,75 lần so với cùng kỳ năm ngoái (89.931 ca). Số ca mắc chủ yếu là tuyp virus EV71.

Về các loại bệnh khác cũng ghi nhận sự gia tăng như thủy đậu (tăng 11,7%); tiêu chảy tăng 7%. Đặc biệt, bệnh mới nổi đậu mùa khỉ cũng được phát hiện ở 10/20 tỉnh với 117 ca mắc, 6 ca tử vong và chưa có dấu hiệu chững lại.

Về bệnh sốt xuất huyết, tính từ đầu năm đến tháng 11 đã có 62.674 ca mắc (giảm 72% so với năm 2022), trong đó có 22 ca tử vong. Tuy nhiên, bác sĩ Thượng cũng lưu ý dù số ca mắc giảm nhưng chiều hướng biến đổi khí hậu và bệnh sốt xuất huyết trên thế giới chưa ổn định nên có nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết vào thời gian tới.

Một số dịch bệnh có giảm như: COVID-19 giảm 98%; bệnh dại và HIV không có thay đổi nhiều so với năm ngoái. Tuy nhiên, cần lưu ý, tình hình bệnh dại ở miền Tây giảm nhưng lại gia tăng ở một số tỉnh miền Đông.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đánh giá cao các hoạt động trong thực hiện nhiệm vụ y tế dự phòng và phòng chống dịch năm 2023 của các đơn vị y tế khu vực phía Nam.

Bệnh truyền nhiễm sẽ còn diễn biến phức tạp- Ảnh 4.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị sở y tế các tỉnh, thành khu vực phía Nam cần đầu tư hoạt động giám sát, kiểm tra chất lượng hoạt động thống kê báo cáo…

Thứ trưởng Bộ Y tế cũng nhận định năm 2024, tình hình bệnh truyền nhiễm trên thế giới và tại Việt Nam sẽ còn diễn tiến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Do đó, đề nghị sở y tế các tỉnh, thành cần đầu tư hoạt động giám sát, kiểm tra chất lượng hoạt động thống kê báo cáo; xây dựng và phê duyệt kế hoạch ứng phó, chuẩn bị đầy đủ về nhân lực, vật lực và kinh phí; phối hợp với các đơn vị trong hệ thống y tế để thường xuyên tập huấn nâng cao năng lực cán bộ y tế tuyến bao gồm cả liên ngành thú y, quân y và y tế ngành, đặc biệt vấn đề, yếu tố mới phát sinh trong thực tế.

Nhận định về xu hướng dịch bệnh thời gian tới, PGS-TS-BS Nguyễn Vũ Trung cho rằng bệnh truyền nhiễm, bệnh mới nổi có thể tiếp tục diễn biến khó lường, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát mạnh và tác nhân gây bệnh thường xuyên biến đổi, nhất là trong bối cảnh giao thương, du lịch, di chuyển kết hợp đô thị hóa, biến đổi khí hậu diện rộng và xu hướng dịch chuyển lao động hiện nay càng làm tăng rủi ro bùng phát bệnh.

COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới với sự xuất hiện liên tục của các biến thể mới. Do đó, hội nghị lần này là dịp chia sẻ kinh nghiệm cũng như đóng góp ý kiến để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh tại khu vực phía Nam nói riêng và cả nước nói chung.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Thử hương liệu mới thuốc lá điện tử, nam thanh niên nguy kịch

Tiến sĩ – bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết tại đây đang điều trị cho 2 bệnh nhân trẻ đều bị ngộ độc nặng sau khi sử dụng thuốc lá điện tử.

Đó là nam bệnh nhân 23 tuổi (ở Hà Nội) có tiền sử hút thuốc lá điện tử 2 năm nay. Theo lời kể của người nhà, tối ngày 1-12 bệnh nhân có dùng thuốc lá điện tử được cho thêm hương liệu mới. Loại hương liệu này do người giao hàng giới thiệu. Đến sáng 2-12, bệnh nhân lên cơn co giật toàn thân, sùi bọt mép.

Nam thanh niên nguy kịch sau khi thử hương liệu mới thuốc lá điện tử- Ảnh 1.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân ngộ độc thuốc lá điện tử đang điều trị tại Trung tâm Chống độc

Bệnh nhân được đưa đi cấp cứu ở bệnh viện gần nhà nhưng không đỡ, sau đó được chuyển đến Trung tâm Chống độc vào ngày 9-12.

Xét nghiệm mẫu thuốc lá điện tử bệnh nhân mang đến phát hiện chất ma túy cần sa tổng hợp là ADB-Butinaca.

Trường hợp thứ 2 là bệnh nhân 29 tuổi, (ở Hà Nội) vào viện vì co cứng chân tay, rối loạn vận động. Bệnh nhân cũng sử dụng thuốc lá và thuốc lá điện tử nhiều năm nay. Thời gian gần đây, bệnh nhân có biểu hiện rối loạn vận động, run, vã mồ hôi, không điều khiển được động tác.

Theo bác sĩ Nguyên, hầu như ngày nào Trung tâm Chống độc cũng tiếp nhận các bệnh nhân ngộ độc thuốc lá điện tử, trong đó có nhiều ca ngộ độc ma túy trộn trong thuốc lá điện tử.

Các bệnh nhân hầu hết là thanh thiếu niên, nhập viện với biểu hiện co giật, kích thích, vật vã, ảo giác, loạn thần, hôn mê, tổn thương não và nhiều cơ quan khác, để lại di chứng nặng nề với sức khỏe.

Nguy hại gấp nhiều lần thuốc lá truyền thống 

Bác sĩ Nguyên cho biết trong thuốc lá điện tử có 3 nhóm nguy cơ gây hại cho sức khỏe là nicotine, hương liệu nhân tạo và có thể được trộn thêm ma túy tổng hợp.

Nicotine là hóa chất rất độc, trước đây được sử dụng trong thuốc trừ sâu và thuốc bảo vệ thực vật nhưng do độc tính cao nên đã bị cấm tại nhiều quốc gia và Việt Nam cũng đã cấm sử dụng.

Nam thanh niên nguy kịch sau khi thử hương liệu mới thuốc lá điện tử- Ảnh 2.

Một số mẫu thuốc lá điện tử gây ngộ độc của bệnh nhân được lưu giữ tại Trung tâm Chống độc

Độc tính của nicotine trên con người cũng tương tự hóa chất trừ sâu phospho hữu cơ. Khi dùng thuốc lá nhiều lần, nicotine gây độc nhiều với tim mạch (xơ vữa mạch máu, hẹp lòng mạch, co thắt mạch máu, gây nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp,.…), hô hấp (gây giãn phế nang, co thắt phế quản,…).

Ngoài ra, nicotine còn làm giảm miễn dịch, tác động vào não làm giảm trí nhớ, giảm tập trung, giảm khả năng học, tăng sớm thoái hóa thần kinh thị giác, tổn thương cầu thận, hẹp mạch thận, suy thận.

“Hàm lượng nicotine trong thuốc lá điện tử thậm chí cao gấp rất nhiều lần so với thuốc lá truyền thống, đây là nicotine dạng hóa chất tổng hợp, ở dạng bột nicotine hàm lượng gần như nguyên chất, được bào chế dưới dạng làm cho êm dịu khi hít, nên người dùng sẽ dễ dàng hít với lượng lớn, nhanh chóng bị ngộ độc và sớm nghiện”- bác sĩ Nguyên cảnh báo.

Nam giới hấp thụ nicotine lâu ngày có thể bị giảm hoặc mất hoặc rối loạn cương dương, giảm số lượng và chất lượng tinh trùng. Nữ giới hít phải nicotine có thể bị rối loạn kỳ kinh, ảnh hưởng buồng trứng… Nicotine cũng gây chậm phát triển ở thai nhi, thai lưu, chửa ngoài tử cung, chậm phát triển trí tuệ ở thai, tăng nguy cơ hen ở con sinh ra.

Bác sĩ Nguyên cho biết mới đây, thuốc lá điện tử đã bị phát hiện là nguyên nhân gây ra một căn bệnh cấp tính mới lần đầu tiên con người biết đến, đó là tổn thương phổi cấp do thuốc lá điện tử.

Rất nhiều hóa chất trong hơi thuốc lá điện tử được chứng minh gây hại cho sức khỏe, gây ra các bệnh ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ho, hen, nhồi máu cơ tim, tổn thương mạch máu, giảm miễn dịch, gây tổn thương AND là các phân tử di truyền, tăng nguy cơ đái đường, bệnh tim mạch…

Các hóa chất này gây nên các bệnh còn phức tạp hơn nhiều so với thuốc lá thông thường và hầu hết là các căn bệnh mới. Hiện đã có 32 quốc gia cấm thuốc lá điện tử, 79 quốc gia quy định quản lý thuốc lá điện tử rất chặt chẽ và 16 quốc gia cấm thuốc lá nung nóng.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Nhận diện rối loạn học tập

Tối nào chị Vũ Bích Th. cũng “đánh vật” với cậu con trai học lớp 4 vì con có thể đọc chữ nhưng chép qua vở thì bị sai, từ đó giảm sự hứng thú với các môn học, kém tập trung, ảnh hưởng đến kết quả học tập. “Học trước quên sau, ngồi trong lớp cứ “như trên mây”, chưa bao giờ cháu có thể viết được một đoạn văn liền mạch, khi nói chuyện thường xuyên phải dừng lại suy nghĩ từ ngữ” – chị Th. rầu rĩ.

Khó khăn trong giao tiếp, diễn đạt

Tại Viện Sức khỏe tâm thần – Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhi được chẩn đoán bị rối loạn học tập có chỉ định can thiệp điều trị thuốc và tâm lý. “Mong sao tình trạng của cháu sớm tiến triển để theo kịp bạn bè đồng trang lứa” – chị Th. chia sẻ.

Theo bác sĩ Cao Thị Ánh Tuyết, Viện Sức khỏe tâm thần, nhiều trẻ có những biểu hiện ban đầu của rối loạn học tập. Tuy nhiên, các bé không được người nhà nhìn nhận đúng mức độ nghiêm trọng của những dấu hiệu đó và chỉ được điều trị khi rối loạn đã ở mức độ nặng.

Điển hình là trường hợp nam thiếu niên 14 tuổi với chẩn đoán rối loạn học tập và rối loạn cảm xúc, hành vi, được tiếp nhận, điều trị mới đây. Từ năm 4 tuổi, em này vẫn chỉ nói được các câu ngắn, khó khăn khi kể câu chuyện một cách liền mạch, không thuộc lời được những bài hát hoặc bài thơ đơn giản. Quá trình học tiểu học, cậu bé khó khăn trong học môn tiếng Việt, hằng ngày nói chuyện không rành mạch, thường không nghĩ ra từ, phải sử dụng ngôn ngữ cơ thể để mô tả lời nói. Tình trạng này kéo dài lên đến trung học, cậu bé cũng vẫn chưa thể viết được đoạn văn liền mạch, học kém các môn đòi hỏi sự khéo léo.

Nhận diện rối loạn học tập- Ảnh 1.

Rối loạn học tập ảnh hưởng tương lai của trẻ nếu không được can thiệp sớm

Đến nay, khi đã lên lớp 9 song nam thiếu niên vẫn bị các bạn cùng lớp trêu chọc. Điều này khiến cậu ít giao tiếp với mọi người và có biểu hiện buồn chán, mệt mỏi, kém tập trung, dễ nổi nóng, cáu gắt, học lực giảm sút… Được đưa tới Viện Sức khỏe tâm thần khám, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị rối loạn học tập.

“Được can thiệp bằng liệu pháp tâm lý và dùng thuốc sau 10 ngày, tình trạng bệnh nhi có tiến triển, các triệu chứng căng thẳng, cáu gắt, buồn chán thuyên giảm. Em được xuất viện và tư vấn tiếp tục điều trị can thiệp tâm lý” – bác sĩ Tuyết thông tin.

Dễ nhầm với bệnh khác

Theo các chuyên gia, các rối loạn học tập là một trong những rối loạn phát triển và là một trong những vấn đề liên quan đến nhận thức của trẻ. Rối loạn học tập có thể gặp ở 10% – 15% trẻ trong tuổi học đường và có thể kéo dài về sau nếu không được điều trị.

Bác sĩ Nguyễn Hoàng Yến, Phòng Tâm thần nhi – Viện Sức khỏe tâm thần, cho biết trẻ bị rối loạn học tập xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có thể là các bệnh lý thực thể mắc phải cho đến các yếu tố tâm lý, xã hội, gia đình. Số trẻ được phát hiện và đưa đến bệnh viện khám rất ít trong khi đây là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến học tập kém với thể hiện ở rối loạn đọc, viết hoặc tính toán và thường gặp ở các bé trai.

“Dấu hiệu nghi ngờ có thể rối loạn học tập như: Khi đi học mầm non, trẻ sẽ có các dấu hiệu như nói muộn, khó nói, chậm học màu sắc và chữ cái. Tới độ tuổi tiểu học, trẻ sẽ có những vấn đề kiến thức kém về chữ cái, kỹ năng ghép vần hoặc âm vị kém. Ở độ tuổi trung học, các em sẽ gặp các vấn đề khó khăn về ngôn ngữ diễn đạt, từ vựng, hình ảnh hoặc chậm tính toán, khó nắm bắt quy tắc toán học…” – bác sĩ Yến chia sẻ.

Các bác sĩ ở Viện Sức khỏe tâm thần khuyến cáo tỉ lệ bệnh nhi đang gặp vấn đề rối loạn học tập dù không cao nhưng lại có dấu hiệu gia tăng trong cộng đồng. Thực tế có nhiều trường hợp dễ bị chẩn đoán nhầm với các rối loạn phát triển khác.

Bác sĩ Lê Công Thiện, Trưởng Phòng Tâm thần nhi – Viện Sức khỏe tâm thần, cho biết một trẻ em có thể có nhiều rối loạn tâm thần, rối loạn tính toán và kỹ năng đọc viết. Tuy nhiên, rối loạn học tập (rối loạn kỹ năng đọc và viết) không phải là bệnh tự kỷ. Trẻ có rối loạn học tập vẫn được chẩn đoán ít, bởi nhiều cha mẹ quan niệm rồi khi lớn trẻ sẽ hết. Nhiều cha mẹ chưa hiểu và biết đến triệu chứng rối loạn học tập nên nhận biết về căn bệnh này còn rất ít. Tiến triển của rối loạn học tập có thể kéo dài, ngoài lứa tuổi trẻ em có thể kéo dài đến tuổi vị thành niên, có người đến tuổi trưởng thành. “Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, bệnh tiến triển nặng khiến các em không chỉ chán học, ảnh hưởng tới nghề nghiệp của tương lai mà còn có thêm các rối loạn khác” – bác sĩ Thiện cảnh báo.

Theo các bác sĩ, việc điều trị, hỗ trợ bệnh nhân rối loạn học tập cần thực hiện liên tục, kéo dài và có sự phối hợp giữa bác sĩ tâm thần, điều trị viên, chuyên gia tâm lý, nhà ngôn ngữ, giáo dục… Quan trọng hơn, trẻ rất cần môi trường giáo dục hòa nhập thật sự. Để tầm soát rối loạn học tập, bên cạnh việc sử dụng các công cụ, phương pháp kiểm tra chuyên biệt, các bác sĩ chuyên khoa thần kinh còn phải khám toàn diện cho trẻ, tìm kiếm các nguyên nhân từ gia đình, khảo sát kết quả học tập ở trường, kiểm tra thời gian ngủ, thính lực, thị lực…

“Tuy nhiên, nếu các dấu hiệu trên duy trì hơn 6 tháng, dù đã được điều chỉnh, nhắc nhở, cha mẹ cần nghi ngờ khả năng trẻ bị rối loạn học tập. Nên đưa trẻ đến cơ sở chuyên khoa để được đánh giá sớm các chẩn đoán, được điều trị kịp thời. Ngoài ra, cần đánh giá, nhìn nhận trẻ rối loạn học tập khác với trẻ mang hội chứng tự kỷ hay khuyết tật trí tuệ để có những biện pháp can thiệp sớm, kịp thời” – bác sĩ Thiện lưu ý. 

49% học tập kém do rối loạn

Theo bác sĩ chuyên khoa II Trần Thị Thúy Hằng, Trưởng Khoa Tai – Mũi – Họng Bệnh viện Tâm Anh TP HCM, rối loạn tiền đình cũng là một trong những nguyên do dẫn đến học tập kém ở trẻ em. Một nghiên cứu tại Mỹ trên 103 trẻ em tuổi từ 7-12 học tại các trường công lập (gồm cả bị mắc và không bị mắc rối loạn tiền đình), kết quả cho thấy 49% có kết quả học tập kém ở trường. Nghiên cứu xem xét các biến thể tiền đình ở trẻ em cũng chỉ ra rằng 47% trẻ mắc bệnh tiền đình có liên quan đến thành tích ở trường, cụ thể là gây suy giảm khả năng học tập và vận động của trẻ.

N.Thạnh

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Trẻ học kém, bí từ, khó nhận diện mặt chữ… dễ bị rối loạn học tập

Tại buổi truyền thông về các rối loạn học tập ở trẻ em diễn ra chiều 20-11, bác sĩ Lê Công Thiện, Trưởng phòng khám tâm thần nhi, Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia (thuộc Bệnh viện Bạch Mai) cho biết tình trạng trẻ rối loạn học tập vẫn chưa được quan tâm đúng mức, thậm chí nhiều người đang lầm tưởng do con tiếp thu chậm, học kém, tăng động, tự kỷ…

Điển hình là bệnh nhi N.T.H. (14 tuổi, học sinh lớp 9). Khi là học sinh tiểu học, H. đã gặp khó khăn trong môn tiếng Việt. Bệnh nhân không hiểu nội dung của câu chữ, chép sai từ trong sách in ra vở… Cậu bé cũng khó có thể nói một câu rành mạch.

Trẻ học kém, bí từ, khó nhận diện mặt chữ… dễ bị rối loạn học tập - Ảnh 1.

Bác sĩ Viện Tâm thần Quốc gia cảnh báo về tình trạng sức khỏe tâm thần sẽ bị bỏ qua

Đọc thêm

Học cấp 2, H. vẫn học kém môn văn, có thể đọc hiểu, tuy nhiên vốn từ rất ít, khó viết được một đoạn văn liền mạch. Thậm chí, với những môn học yêu cầu sự khéo léo như: thủ công cắt tỉa giấy, lắp ráp mô hình…, bệnh nhân tỏ ra yếu kém. Hơn nữa, H. cũng ít nói, nói chuyện chậm, thường xuyên phải dừng lại để suy nghĩ từ.

6 tháng gần đây, sau khi chuyển đến học ở trường mới, H. thường xuyên bị các bạn cùng lớp trêu chọc vì cách nói chuyện. Điều này khiến cậu bé ngày càng ít giao tiếp.

Ngoài ra, H. còn có biểu hiện buồn chán, mệt mỏi, kém tập trung. Cậu bé cũng dễ nổi nóng, cáu gắt, cãi lại lời bố mẹ, có các hành vi xoa đầu, giật tóc các bạn cùng lớp. Học lực của H. cũng giảm sút nhiều và thường xuyên có cảm giác căng thẳng.

Gia đình đã đưa nam sinh đến Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia thăm khám. Tại đây, bệnh nhi được chẩn đoán rối loạn cảm xúc và hành vi khởi phát tuổi thanh thiếu niên đó là tình trạng rối loạn học tập.

Sau 10 ngày điều trị bằng liệu pháp can thiệp tâm lý và hóa dược, các triệu chứng căng thẳng, cáu gắt, buồn chán thuyên giảm. Bệnh nhi xuất viện và được tư vấn tiếp tục điều trị can thiệp tâm lý.

Bác sĩ Nguyễn Hoàng Yến, Phòng Tâm thần nhi – thanh thiếu niên, Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia, cho biết rối loạn học tập là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến thành tích học tập bị giảm sút.

Trẻ học kém, bí từ, khó nhận diện mặt chữ… dễ bị rối loạn học tập - Ảnh 3.

Rối loạn học tập khiến trẻ rơi vào khủng hoảng vì cố gắng mãi mà kết quả học tập vẫn không tốt. Ảnh minh họa

Có 3 dạng rối loạn học tập, gồm: rối loạn đọc, rối loạn viết, rối loạn tính toán. Trong đó, rối loạn đọc phổ biến nhất (chiếm 10-36% trẻ trong tuổi đi học).

Biểu hiện của rối loạn học tập bao gồm: trẻ bị chậm nói, khó nói, chậm học màu sắc và chữ cái. Ở bậc học tiểu học, trẻ nhận diện mặt chữ kém, khó ghép vần. Ở cấp trung học, bệnh nhân khó khăn về ngôn ngữ diễn đạt, diễn đạt kém, suy giảm trí nhớ… Các triệu chứng này kéo dài ít nhất 6 tháng, mặc dù đã can thiệp.

“Nhiều bệnh nhân bị rối loạn học tập nỗ lực nhiều mà không có kết quả tốt hoặc bị chế giễu, xa lánh có thể rơi vào tình trạng lo âu, trầm cảm, rối loạn cảm xúc, hành vi”- bác sĩ Yến chia sẻ.

Theo bác sĩ Yến, khi cha mẹ thấy con có các rối loạn học tập, nỗ lực nhiều mà không đạt được kết quả như công sức bỏ ra và loại trừ các khiếm khuyết khuyết tật trí tuệ, thị giác hoặc thính giác… cần nghĩ đến rối loạn học tập, đưa trẻ đi khám để được chẩn đoán và điều trị sớm.

D.Thu

NLĐO – Sức khỏe – RSS Feed

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở Hà Nội, thêm 648 ca cộng đồng

Sở Y tế Hà Nội cho biết từ 18 giờ ngày 23-1 đến 18 giờ ngày 24-1, TP Hà Nội ghi nhận 2.801 ca mắc Covid-19 mới, trong đó có 648 ca cộng đồng.

Thêm hơn 2.800 ca mắc Covid-19 ở Hà Nội, có 648 ca cộng đồng - Ảnh 1.

Các bệnh nhân phân bố tại 384 xã phường thị trấn thuộc 25/30 quận, huyện, thị xã.

Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Gia Lâm (113); Đống Đa (110); Đông Anh (98); Hoàng Mai (98); Nam Từ Liêm (91); Thanh Trì (90).

Cộng dồn số mắc Covid-19 tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29-4-2021) là 114.578 ca.

Thêm hơn 2.800 ca mắc Covid-19 ở Hà Nội, có 648 ca cộng đồng - Ảnh 2.

B.H.Thanh

NLĐO – Sức khỏe – RSS Feed

Dịch diễn biến phức tạp, Hà Nội ghi nhận thêm gần 2.900 ca mắc Covid-19

Sở Y tế Hà Nội cho biết từ 18 giờ ngày 19-1 đến 18 giờ ngày 20-1, TP Hà Nội ghi nhận 2.886 ca mắc Covid-19 mới.

Dịch diễn biến phức tạp, Hà Nội ghi nhận thêm gần 2.900 ca mắc Covid-19 - Ảnh 1.

Các bệnh nhân phân bố tại 392 xã phường thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã.

Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hoàng Mai (126); Đống Đa (103); Nam Từ Liêm (106); Gia Lâm (137), Thanh Trì (93).

Cộng dồn số mắc Covid-19 tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29-4-2021) là 103.056 ca.

Dịch diễn biến phức tạp, Hà Nội ghi nhận thêm gần 2.900 ca mắc Covid-19 - Ảnh 2.

B.H.Thanh

NLĐO – Sức khỏe – RSS Feed

Bí quyết quyến rũ của những nhan sắc “kinh điển“

Những Marilyn Moroe, Elizabeth Taylor… luôn được ca tụng là nhan sắc kinh điển trên thế giới. Để vẻ đẹp yêu kiều tỏa sáng mọi lúc mọi nơi, mỗi người đều có bí quyết của riêng mình. Chắc chắn tín đồ làm đẹp sẽ học hỏi được nhiều mẹo hay ho, thậm chí có nhiều tuyệt kỹ rất đơn giản.

 Bí quyết quyến rũ của những nhan sắc “kinh điển“ - 1

Marilyn Monroe luôn sử dụng 5 sắc thái son khác nhau tạo ra sự đa chiều làm tăng lên vẻ quyến rũ “chết người” cho đôi môi 

 Bí quyết quyến rũ của những nhan sắc “kinh điển“ - 2

Nghe có vẻ buồn cười, song Elizebeth Taylor luôn có thói quen cạo lông mặt để làm cho khuôn mặt sáng bừng

 Bí quyết quyến rũ của những nhan sắc “kinh điển“ - 3

Để có hàng mi cong dài cuốn hút, nữ diễn viên Audrey Hepburn luôn sử dụng chiếc ghim hay kim băng khéo léo tách riêng từng sợi mi

 Bí quyết quyến rũ của những nhan sắc “kinh điển“ - 4

Nhan sắc người Mỹ Carole Lombard có chiếc mũi hơi bị cong sau một tai nạn xe hơi. Để khắc phục điều này, trước khi trang điểm cô thường vẽ một đường trắng mỏng trên sống mũi vì cho rằng chúng khắc phục được nhược điểm này của mình

 Bí quyết quyến rũ của những nhan sắc “kinh điển“ - 5

Minh tinh Hollywood, công nương nổi tiếng xứ Monaco – Grace Kelly – dù không còn sống song nhan sắc của bà vẫn luôn vĩnh cửu. Khi còn sinh thời, Grace Kelly thường sử dụng màu má có nhũ trên bên dưới xương gò má và màu tối hơn trên gò má để tạo hiểu ứng gò mà ửng hồng xinh đẹp

 Bí quyết quyến rũ của những nhan sắc “kinh điển“ - 6

Vivien Leigh luôn sử dụng bút kẻ để tạo đường viền và trông đôi môi đầy đặn, quyến rũ hơn

 Bí quyết quyến rũ của những nhan sắc “kinh điển“ - 7

Diễn viên kiêm vũ công người Mỹ,, Rita Hayworth có một bí quyết khá thú vị để giữ độ bóng khỏe cho mái tóc, đó là luôn bôi dầu cho chúng sau mỗi lần gội và ủ trong vòng 15 phút. Sau đó, thì dùng nước nóng pha nước cốt chanh để xả sạch

 Bí quyết quyến rũ của những nhan sắc “kinh điển“ - 8

Dầu dừa là một nguyên liệu làm đẹp ưa thích của Mar West. Cô sử dụng chúng như một loại kem dưỡng ẩm để duy trì sự mịn màng, sáng khỏe cho làn da

 Bí quyết quyến rũ của những nhan sắc “kinh điển“ - 9

Gloria Swanson cho rằng thực phẩm sạch chính là thứ giúp cô nuôi dưỡng làn da và sắc đẹp của mình. “Bí mật làm đẹp tốt nhất của tôi chính là các loại rau. Không chỉ ăn chúng thường xuyên, tôi còn dùng đắp mặt. Theo quan niệm của tôi, không có loại sản phẩm làm đẹp nào tốt hơn rau sạch”, ngôi sao người Mỹ (sinh năm 1899, mất năm 1983) từng phát biểu trên Weekly World News

 Bí quyết quyến rũ của những nhan sắc “kinh điển“ - 10

Dầu ô liu là nguyên liệu làm đẹp không thể thiếu của Sophia Loren. Cô thường xuyên cho ít dầu vào bồn tắm và ngâm mình trong đó để giữ vẻ mịn màng, sáng khỏe cho làn da

 Bí quyết quyến rũ của những nhan sắc “kinh điển“ - 11

Ngôi sao người Mỹ, Bette Davis thường xuyên đắp dưa chuột vào buổi tối để giữ sự khỏe khoắn cho làn da, ngoài ra cô còn sử dụng chất mỡ Petroleum Jelly bôi dưới mắt để chống thâm quầng

Xem thêm chủ đề: lam dep, cach lam dep, bi quyet lam dep, lam dep 24h, lam dep phu nu, dep, trang diem, tin tuc, tin tuc 24h, bao, làm đẹp, bí quyết làm đẹp hay, làm đẹp với những bí kíp đơn giản

Tin tuc 24h | tin nhanh bong da | the thao | thoi trang, giai tri vn | bao online

close(x)
close(x)