May 20, 2024

Người đàn ông nguy kịch sau khi ăn so biển

Trước đó, sau khi ăn con so trong bữa tối, ông H.V. C. (61 tuổi, trú tại TP Hạ Long) xuất hiện tình trạng cứng hàm, tê môi, tê lưỡi, bồn chồn, khó thở khó nói, vận động khó khăn, được người nhà đưa vào Bệnh viện Bãi Cháy cấp cứu.

Người đàn ông nguy kịch sau khi ăn so biển- Ảnh 1.

Sau khi ăn so biển, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch

Ngay khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ đã khai thác thông tin bệnh lý, thăm khám lâm sàng, cận lâm sàng và xác định tình trạng bệnh nhân bị ngộ độc do ăn so biển.

Ngay sau đó, các bác sĩ đã nhanh chóng thực hiện các biện pháp xử trí cấp cứu thải độc theo phác đồ (giảm tiết, rửa dạ dày, cân bằng dịch điện giải). Sau 24 giờ điều trị tích cực, bệnh nhân tỉnh táo, các triệu chứng ngộ độc thuyên giảm.

Thông tin chia sẻ từ ông H.V.C., dù biết con so biển có độc tính nhưng bệnh nhân vẫn chủ ý ăn vì đã từng ăn so biển nhiều lần trước đây mà chưa bị ngộ độc.

Theo nghiên cứu y khoa, độc tố Tetrodotoxin có trong con so biển, tập trung chủ yếu ở buồng trứng. Đặc biệt vào mùa sinh sản, độc tố này có nồng độ càng cao. Ngoài ra, cá nóc, bạch tuộc vòng xanh, sao biển, một số loài cua, sa giông, một số loài ốc biển… cũng chứa độc tố Tetrodotoxin.

Bác sĩ Nguyễn Sỹ Mạnh – Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, Bệnh viện Bãi Cháy – cho biết: “Độc tố Tetrodotoxin có độc tính rất mạnh, bền vững với nhiệt, các biện pháp chế biến hiện nay không đảm bảo loại trừ hết nguy cơ gây ngộ độc. Độc tố gây ảnh hưởng chủ yếu trên thần kinh (đặc biệt là liệt), ngoài ra còn ảnh hưởng đến tim mạch và tiêu hóa. Chỉ với liều độc rất thấp có thể gây rối loạn cảm giác như tê môi, lưỡi, tay, chân, liệt các cơ vận động, cơ hô hấp, giãn đồng tử, nôn, đau bụng, tiêu chảy, có thể gây rối loạn nhịp tim, tụt huyết áp… khiến bệnh nhân nhanh chóng rơi vào tình trạng suy hô hấp, thiếu oxy não, tổn thương thần kinh và có thể tử vong nhanh chóng nếu không được cấp cứu kịp thời”.

Bệnh viện Bãi Cháy cũng thông tin mỗi năm đã tiếp nhận cấp cứu và điều trị cho rất nhiều trường hợp ngộ độc Tetrodotoxin có trong so biển do nhầm lẫn hoặc chủ ý ăn các món chế biến từ các loại hải sản này.

Nhiều cơ sở y tế đã ghi nhận những trường hợp bệnh nhân ngộ độc so biển tử vong trên đường vận chuyển cấp cứu do ở trên tàu thuyền, ngoài đảo, xa cơ sở y tế. Mặc dù bệnh viện đã nhiều lần cảnh báo và tích cực thông tin truyền thông liên quan đến các ca ngộ độc nhưng tình trạng người dân nhập viện do ngộ độc con so biển vẫn diễn ra.

Sức khỏe – Tổng hợp tin Sức khỏe mới nhất trong ngày

Nguy kịch do uống thuốc nam chứa chì

Bệnh viện Nhi Trung ương mới đây tiếp nhận bệnh nhi 3 tuổi (ở Thanh Hóa), bị ngộ độc chì nguy kịch do cha mẹ cho trẻ dùng thuốc nam không rõ nguồn gốc để chữa bệnh động kinh.

Gia đình cho biết trước đó 3 tháng thấy bé co giật nhiều hơn, gia đình đi mua thuốc nam dạng viên, không rõ nguồn gốc, về cho trẻ uống.

Nguy kịch do uống thuốc nam chứa chì- Ảnh 1.

Trẻ nguy kịch vì ngộ độc được chăm sóc tích cực tại Bệnh viện Nhi trung ương

Sau khi uống thuốc, tình trạng co giật có giảm, nhưng khoảng 1 tháng nay trẻ bị rối loạn hành vi, khóc buồn vô cớ, hay kêu đau đầu…

Trẻ nhập viện Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng co giật, nôn nhiều, rối loạn ý thức, da xanh tái. Kết quả xét nghiệm cho thấy trẻ bị ngộ độc chì rất nặng.

Một trường hợp khác là trẻ 9 tuổi (ở Hà Tĩnh) nhập viện trong tình trạng lơ mơ, co giật nhiều và kéo dài, giảm tri giác. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị ngộ độc chì rất nặng và có tổn thương não. Gia đình cho biết thường mua thuốc cam về cho trẻ uống và tin tưởng đây là thuốc đông y có thành phần tự nhiên, lành tính và không độc hại.

Cách đây không lâu, Bệnh viện Da liễu Trung ương đã tiếp nhận nữ bệnh nhân 60 tuổi có tiền sử uống thuốc nam trị sỏi thận.

Sau khi dùng thuốc được 10 ngày, bệnh nhân xuất hiện các dát đỏ thẫm, tổn thương bọng nước nhăn nheo, trợt da, hoại tử da rải rác khắp tay chân, thân mình. Sau đó, các tổn thương này lan ra toàn thân. 

Bệnh nhân được chẩn đoán dị ứng thuốc thể hoại tử thượng bì nhiễm độc do thuốc chứa chì.

Nguy kịch do uống thuốc nam chứa chì- Ảnh 2.

Bệnh nhân bị lở loét sau khi uống thuốc nam trị sỏi thận

Bác sĩ Đào Hữu Nam, Trưởng Khoa điều trị tích cực, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, cảnh báo ngộ độc chì vô cùng nguy hiểm, đặc biệt đối với sự phát triển của trẻ. Triệu chứng về thần kinh cấp tính là tình trạng kích thích, co giật, lơ mơ, hôn mê, liệt. Về tiêu hóa, trẻ có thể bị nôn, đau bụng, chán ăn…

Các biểu hiện lâu dài, không điển hình có thể xảy ra như: trẻ chậm phát triển nhận thức, tinh thần, giảm khả năng nghe, mất các kỹ năng học tập, thay đổi thái độ hành vi, mệt mỏi, da xanh xao, cơ thể gầy yếu.

Ngoài ra, bác sĩ cũng cảnh báo, không ít ca mẹ sử dụng loại thuốc bột màu cam (thường gọi là thuốc cam) không rõ nguồn gốc cho trẻ uống với mục đích giúp trẻ tăng cân, tưa lưỡi, chữa loét miệng và chữa lành một số bệnh thông thường. Sai lầm này khiến nhiều trẻ phải nhập viện do ngộ độc.

Theo bác sĩ Nam, chì vào cơ thể có thể tích lũy lâu trong nội tạng gây tổn thương nhiều cơ quan như thần kinh, xương, hệ huyết học, máu, gan, thận, hệ tiêu hóa, tim mạch và phải mất hàng chục năm mới có thể thải trừ ra ngoài.

Bác sĩ Nam khuyên cha mẹ không làm theo những phương pháp truyền miệng chưa được kiểm chứng, tự ý dùng các loại thuốc, nhất là thuốc cam, thuốc nam không rõ nguồn gốc, không có giấy phép lưu hành. Đối với người bệnh có bệnh mạn tính, nên tuân thủ điều trị của bác sĩ cũng như tái khám theo đúng hẹn tại cơ sở y tế uy tín.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Nữ bác sĩ Bệnh viện K gặp nạn ở quán cà phê, nguy cơ bị liệt

Những ngày qua mạng xã hội liên tục chia sẻ thông tin về trường hợp nữ bác sĩ Hoàng Minh Lý (29 tuổi, quê quán Diễn Châu, Nghệ An) có nguy cơ liệt hoàn toàn sau tai nạn nghiêm trọng ở quán cà phê.

Ngày 9-5, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đã đến thăm và động viên nữ bác sĩ nội trú Hoàng Minh Lý đang điều trị tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

Nữ bác sĩ Bệnh viện K gặp nạn ở quán cà phê, nguy cơ bị liệt- Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nghe báo cáo về sức khỏe của nữ bác sĩ nội trú Hoàng Minh Lý

Thông tin về tình trạng sức khỏe của nữ bác sĩ Hoàng Minh Lý, các thầy thuốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết sau tai nạn hy hữu xảy ra tối 20-4 vừa qua Lý nhập viện trong tình trạng đa chấn thương, vỡ nhiều thân đốt sống, tổn thương tủy sống làm hai chân liệt hoàn toàn, gãy nhiều xương sườn gây chấn thương ngực kín, tràn máu tràn khí màng phổi hai bên, chấn thương gan độ 4, chấn thương lách độ 2.

3 ngày sau khi nhập viện, các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã phẫu thuật cho Lý. Mới đây, bác sĩ Lý tiếp tục được phẫu thuật lần 2. Hiện bệnh nhân đang theo dõi sức khỏe tại phòng hậu phẫu.

Chia sẻ với bác sĩ Lý, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn động viên nữ bác sĩ cố gắng vượt qua những cơn đau thể chất, yên tâm điều trị. Ông cũng yêu cầu các bác sĩ của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội tập trung hỗ trợ tối đa, sát sao quá trình điều trị cho nữ bác sĩ.

Nữ bác sĩ nội trú Hoàng Minh Lý vừa tốt nghiệp bác sĩ nội trú ung thư, hiện đang công tác tại Bệnh viện K. 

Tối 20-4, khi cùng bạn bè uống cà phê tại phố Thái Hà (Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội). Trời đổ cơn giông, một tấm kính lớn từ tầng 2 của tòa nhà đã đổ sập xuống người cô.

Ngay lập tức, bạn bè đã đưa bác sĩ Lý vào Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.

Bố của bác sĩ Lý là ông Hoàng Văn Thành cho biết khoảng 21 giờ 45 phút, khi chuẩn bị đi ngủ, ông bất ngờ nhận được số điện thoại lạ gọi đến. Đó là giọng nói của con gái. Khi đó con gái có nói: “Bố ơi, con bị thương nặng lắm. Con sắp hôn mê rồi. Bố sắp xếp ra Hà Nội giúp con. Con cảm ơn công sinh thành, dưỡng dục của bố mẹ”.

“Nghe vậy, lúc đầu tôi tôi còn tưởng con nói đùa, vì số điện thoại lạ. Nhưng con nói thêm mình được bạn đưa vào Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cấp cứu, đây là điện thoại của bạn. Lúc này, chân tay tôi bủn rủn, hụt hẫng vô cùng. Vợ và con trai ở quê cũng điện thoại và kể về việc Lý gọi về nhà. Chúng tôi vội vàng ra Hà Nội”- ông Thành chia sẻ.

Đến nay, sau nhiều ngày điều trị, bác sĩ Lý tỉnh táo, có thể giao tiếp đơn giản với người thân. Tuy nhiên, cô bị liệt nửa thân dưới do chấn thương ở cột sống và cần quá trình hồi phục lâu dài.

Nữ bác sĩ Bệnh viện K gặp nạn ở quán cà phê, nguy cơ bị liệt- Ảnh 2.

Bác sĩ Hoàng Minh Lý và hiện trường tai nạn ở quán cà phê. Ảnh: PT

Bố của Lý cho biết từ lớp 1 đến khi tốt nghiệp bác sĩ nội trú, con gái đều đạt loại giỏi. “Lý rất tự lập, con còn ấp ủ nhiều dự định, còn muốn đi nước ngoài học tiến sĩ. Con cũng được ký hợp đồng làm việc tại Bệnh viện K cách đây không lâu”- ông nói.

Được biết, hiện mẹ của bác sĩ Lý cũng đang bị bệnh U Lympho, một thể bệnh ung thư máu tiên lượng nặng, hiện cũng đang điều trị tại bệnh viện K. Bố của chị Lý là bộ đội làm việc xa nhà từ lâu, chị Lý còn một người em trai.

Chứng kiến gia đình chật vật xoay xở viện phí để điều trị cho bác sĩ Lý, những ngày qua trên mạng xã hội, bạn bè, đồng nghiệp, đồng hương quê Nghệ An… đã có nhiều thông tin kêu gọi mọi người chung tay, góp sức hỗ trợ, chia sẻ và động viên nữ bác sĩ Hoàng Minh Lý.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Làm điều này trong bữa ăn, tăng 39% nguy cơ ung thư dạ dày

Một nghiên cứu mới vừa công bố trên tạp chí y học Gastric Cancer cho thấy nguy cơ ung thư dạ dày sẽ tăng cao ở những người thường xuyên phải rắc muối hay thêm nước chấm chứa muối vào món ăn mà đối với người khác đã đủ đậm đà.

Nhóm tác giả Đại học Vienna, Đại học Y khoa Vienna (Áo) và Đại học Queen’s Belfast (Anh), đã đưa ra kết luận này dựa trên kết quả phân tích dữ liệu hơn 470.000 người được thu thập bởi Ngân hàng dữ liệu Biobank của Anh.

Làm điều này trong bữa ăn, tăng 39% nguy cơ ung thư dạ dày- Ảnh 1.

Thói quen ăn uống quá đậm đà có thể làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày – Ảnh đồ họa AI

Tất cả những người tham gia nghiên cứu được thu thập dữ liệu chi tiết về tình hình sức khỏe trong nhiều năm, chế độ ăn, bao gồm một câu hỏi chung “Bạn có thường xuyên thêm muối vào thức ăn của mình không?”.

Sau 11 năm theo dõi, những người luôn thêm muối vào món ăn đã được nêm nếm tăng tới 41% nguy cơ mắc ung thư dạ dày khi so sánh với những người không bao giờ hoặc hiếm khi cần thêm muối.

Nghiên cứu chưa đi sâu vào phân tích cơ chế liên quan giữa việc tiêu thụ nhiều muối và ung thư dạ dày, tuy nhiên một số nghiên cứu trước đó đã đưa giả thuyết về vai trò của muối trong việc phá vỡ niêm mạc dạ dày và tạo điều kiện cho vi khuẩn HP tấn công.

Nhiễm HP được biết đến là làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày.

Muối cũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày thông qua các cơ chế độc lập với nhiễm HP, ví dụ bằng cách làm tổn thương biểu mô dạ dày khi phối hợp với các hợp chất có thể gây ung thư trong thực phẩm, đồ dùng, khói thuốc lá…

Theo dữ liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ung thư dạ dày là loại ung thư phổ biến hàng thứ 5, với tỉ lệ mắc cao nhất ở châu Á, tiếp theo là Đông Âu và châu Mỹ Latin. Đó cũng là những nơi mà người dân có thói quen ăn mặn.

Gần đây, một nghiên cứu của Nhật Bản, công bố trên tạp chí y học European Journal of Nutrition, cũng chỉ ra thói quen ăn cá khô – vốn được tẩm rất nhiều muối – của một số người dân Nhật cũng có thể làm tăng cao nguy cơ ung thư dạ dày.

Ngoài ra, việc ăn nhiều muối cũng luôn được các chuyên gia y tế cảnh báo là nguyên nhân chính dẫn đến bệnh cao huyết áp – tình trạng mạn tính có thể dẫn đến nhiều biến cố tim mạch chết người.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Một muỗng dầu ô liu, giảm nguy cơ tử vong vì căn bệnh đáng sợ

Nhà dinh dưỡng Anne-Julie Tessie từ Đại học Havard (Mỹ) phát hiện ra rằng dầu ô liu – một phần của chế độ ăn Địa Trung Hải “lành mạnh nhất thế giới” – có thể phòng ngừa và ngăn chặn sự thoái hóa thần kinh trong bệnh Alzheimer.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, Alzheimer là bệnh phổ biến nhất trong nhóm bệnh mất trí nhớ. Nhóm bệnh này hiện là nguyên nhân gây tử vong sớm đứng hàng thứ 7 thế giới và chưa có phương pháp điều trị thực sự hữu hiệu.

Một muỗng dầu ô liu, giảm nguy cơ tử vong vì căn bệnh đáng sợ- Ảnh 1.

Dầu ô liu là một phần của chế độ ăn Địa Trung Hải nổi tiếng – Ảnh đồ họa AI

Theo Healthline, nhóm nghiên cứu Havard đã phân tích bộ dữ liệu khổng lồ của hơn 92.000 người được theo dõi từ những năm 1990. Trong những năm sau đó, đã có 4.751 người lần lượt qua đời vì Alzheimer.

Kết quả phân tích mối tương quan giữa chế độ ăn và nguy cơ bệnh này cho thấy với 7g dầu ô liu mỗi ngày (một muỗng súp hoặc nửa muỗng canh) có thể giúp giảm tới 28% nguy cơ tử vong vì căn bệnh nan y này.

“Dầu ô liu có thể phát huy tác dụng chống viêm và bảo vệ thần kinh do hàm lượng axit béo không bão hòa đơn cao và các hợp chất khác có đặc tính chống oxy hóa như vitamin E và các polyphenol” – các tác giả viết trên tạp chí khoa học JAMA Network Open.

Các nghiên cứu trên động vật cũng cho thấy các loại chất béo cụ thể, chẳng hạn như axit béo không bão hòa đơn có trong dầu ô liu, có thể có lợi ích bảo vệ sức khỏe toàn diện.

Trong khi đó, các hợp chất nhóm polyphenol có thể giúp ngăn ngừa các mảng beta-amyloid liên quan đến bệnh Alzheimer.

Đây là một phát hiện quan trọng trong bối cảnh Alzheimer và các dạng sa sút trí tuệ khác không ngừng gia tăng toàn cầu và phòng ngừa vẫn là chiến lược chính.

Ngoài Alzheimer, dầu ô liu cũng được coi là một thực phẩm tốt cho hệ tim mạch, chuyển hóa… từ đó giúp phòng ngừa một loạt bệnh mạn tính khác.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Ăn món rất tốt này sai cách, tăng nguy cơ ung thư

Viết trên European Journal of Nutrition, nhóm tác giả từ Viện Kiểm soát ung thư thuộc Trung tâm Ung thư quốc gia Nhật Bản cho biết có những bằng chứng cho thấy tiêu thụ cá và động vật có vỏ được cho là yếu tố bảo vệ khỏi bệnh ung thư nói chung.

Tuy nhiên, dường như ở một số người, thói quen này lại phản tác dụng đối với bệnh ung thư dạ dày. Vì vậy, họ đã đi tìm nguyên nhân.

Ăn món rất tốt này sai cách, tăng nguy cơ ung thư - Ảnh 1.

Cá tươi tốt cho sức khỏe, nhưng cá khô chứa nhiều muối có thể gây hại – Ảnh đồ họa AI

Dữ liệu của hơn 90.000 tình nguyện viên đã được phân tích và có 2.701 trường hợp ung thư dạ dày phát sinh trong thời gian theo dõi trung bình là 15 năm.

Các món ăn được xem xét đến bao gồm cá tươi, cá muối (theo cách gọi của người Việt là khô cá) và các động vật có vỏ khác.

Các kết quả cho thấy một món duy nhất làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày là cá muối. Trong đó, nguy cơ ung thư dạ dày ở nhóm nam giới ăn nhiều cá muối nhất cao hơn đến 43% đối với người hiếm hoặc không ăn.

Đối với phụ nữ, những người ăn nhiều cá muối nhất bị tăng nguy cơ 33%.

Trái lại, những phụ nữ ăn nhiều thực phẩm chứa PUFA n-3 từ biển – một axit béo có trong cá và các loại hải sản – sẽ giảm nhẹ nguy cơ ung thư dạ dày.

Những bằng chứng khoa học trước đó cho thấy độ mặn của các món cá được ướp muối rồi phơi/sấy này có thể là nguyên nhân.

Nồng độ muối cao ở vùng trong dạ dày có thể phá hủy hàng rào niêm mạc, gây viêm và tổn thương.

Điều này sẽ dẫn đến các triệu chứng như xói mòn lan tỏa và thoái hóa niêm mạc, có thể gây ra những thay đổi tăng sinh và tăng cường tác dụng của các yếu tố gây ung thư có nguồn gốc từ thực phẩm.

Tổn thương niêm mạc cũng có thể làm tăng sự xâm nhập của vi khuẩn HP, một trong những nguyên nhân làm tăng nguy cơ dạ dày.

Trong khi đó, bản thân cá tươi – nhất là nhóm cá dầu (cá béo) – là một thực phẩm được chứng minh là tốt về nhiều mặt, nhiều chất dinh dưỡng tốt và chất chống oxy hóa, có thể giúp đẩy lùi các bệnh tim mạch, chuyển hóa, ung thư, cải thiện chức năng sinh lý….

Tuy nhiên nghiên cứu mới cho thấy việc biến nó thành món cá giàu muối có thể hủy hoại các tác dụng có lợi của siêu thực phẩm này.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Nguy cơ ngộ độc tăng do nắng nóng

Liên quan đến chùm ca ngộ độc tại TP Long Khánh, tỉnh Đồng Nai do ăn bánh mì, tính đến trưa 3-5 đã có 469 ca nhập viện, trong đó 1 ca là bé N.H.T.A (13 tuổi) điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM). 

Còn tại TP HCM, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức) cũng tiếp nhận và đang điều trị 16 ca là học sinh tại 4 trường tiểu học trên địa bàn nghi do ngộ độc thực phẩm. Đa số các em nhập viện trong tình trạng đau bụng, nôn ói, tiêu chảy sau khi ăn sushi (cơm cuộn) bày bán trước cổng trường, một số em có ăn thêm bánh mì.

Bé trai nghi ngộ độc thực phẩm đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM) hiện đã ổn định và đang được theo dõi thêm

Bé trai nghi ngộ độc thực phẩm đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM) hiện đã ổn định và đang được theo dõi thêm

PGS-TS-BS Phạm Văn Quang, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độc – Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết các triệu chứng, biểu hiện mức độ nặng hay nhẹ tùy thuộc thực phẩm bị ôi thiu chứa ít hay nhiều độc tố. Thông thường, dấu hiệu ngộ độc xuất hiện từ 6 – 12 giờ sau khi ăn với các triệu chứng như đau bụng, nôn ói, tiêu chảy, sốt…

Bác sĩ Quang nhấn mạnh thời tiết nắng nóng gay gắt, đồ ăn để bên ngoài vài giờ sẽ có nguy cơ ôi thiu, việc bảo quản cũng khó khăn và không phải thực phẩm nào cũng có thể bảo quản lạnh. Vì vậy, những thực phẩm thừa không cần thiết thì nên bỏ đi. 

Ngoài ra, với những nơi bán thức ăn số lượng lớn nếu cha mẹ mua cho con thì nên kiểm tra mùi vị, màu sắc trước khi ăn. Sau khi ăn để ý nếu trẻ xuất hiện các dấu hiệu như nôn ói, tiêu lỏng, kèm theo sốt nhiều… thì nên đến cơ sở y tế thăm khám ngay.

Với chùm ca ngộ độc tại Đồng Nai, theo bác sĩ Quang, Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã cử đoàn chuyên gia về hồi sức cấp cứu đến Bệnh viện Nhi Đồng Đồng Nai để hỗ trợ trực tiếp về chuyên môn. Bên cạnh đó, Sở Y tế TP HCM yêu cầu Bệnh viện Nhi Đồng 1 chuẩn bị sẵn sàng để tiếp nhận các trường hợp nặng từ Đồng Nai chuyển đến.

Ngày 3-5, trong Công điện số 44, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai những biện pháp ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm. Trong đó, yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các ngành chức năng tập trung cứu chữa các bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm xảy ra tại TP Long Khánh.

Công an TP Long Khánh cho biết đã phối hợp nhiều đơn vị làm việc với những người liên quan vụ ngộ độc sau khi ăn bánh mì.

Bước đầu, cơ quan chức năng xuống cơ sở bánh mì Băng, nơi các bệnh nhân từng mua bánh mì ăn trước đó để lấy mẫu thức ăn đi giám định nhằm xác định nguyên nhân. Tiệm bánh mì này không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Lực lượng chức năng đã yêu cầu cơ sở tiếp tục tạm ngưng hoạt động kinh doanh cho đến khi có kết luận của cơ quan có thẩm quyền.

Ng.Tuấn – B.T.C

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Bộ Y tế nói gì về nguy cơ đông máu khi tiêm vắc-xin COVID-19 của AstraZeneca?

Liên quan đến thông tin vắc-xin Astra Zeneca ngừa COVID-19 đang bị cáo buộc gây ra tác dụng hiếm gặp có khả năng dẫn đến đông máu, ngày 3-5, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết đây là tác dụng phụ mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) từng cảnh báo khi tổ chức tiêm vắc-xin COVID-19 của Astra Zeneca.

Bộ Y tế nói gì về nguy cơ đông máu khi tiêm vắc-xin COVID-19 của AstraZeneca?- Ảnh 1.

Vắc-xin COVID-19 của AstraZeneca

“Khi bắt đầu đưa vắc-xin và Việt Nam chúng tôi đã có cảnh báo và khi xây dựng quy trình tiêm chủng đều có có kiểm tra, giám sát sức khỏe trước và sau tiêm vắc-xin”- PGS Khuê nói.

PGS Khuê cho biết đến thời điểm này hầu hết mọi người đã tiêm vắc-xin Astra Zeneca ngừa COVID-19 đã được tổ chức vài năm.

Vắc-xin ngừa COVID-19 cũng được khuyến cáo tiêm nhắc lại như vắc-xin cúm và tiêm hàng năm nên nếu có phản ứng thì thời điểm này đã hết tác dụng, do đó người dân không nên quá lo lắng về tác dụng phụ sau tiêm vắc-xin dẫn đến đông máu.

Những ngày qua, hãng dược phẩm AstraZeneca thừa nhận vắc-xinCOVID-19 có thể gây tác dụng phụ hiếm gặp dẫn đến cục máu đông .

Trong thời gian diễn ra dịch COVID-19 (giai đoạn 2021-2022), Việt Nam đã đặt mua của AstraZeneca 30 triệu liều vắc-xin Sau đó, Việt Nam cũng rải rác tiếp nhận vắc-xin AstraZeneca qua các chương trình tài trợ.

Số vắc-xin này đã góp phần vào thành công trong chiến dịch tiêm chủng vắc-xin COVID-19 nhằm chặn đứng dịch COVID-19 trong năm 2022. Hàng trăm triệu lượng người đã được tiêm từ 2-4 liều vắc-xin COVID-19, bao gồm vắc-xin AstraZeneca, Pfizer…

Bộ Y tế nói gì về nguy cơ đông máu khi tiêm vắc-xin COVID-19 của AstraZeneca?- Ảnh 2.

Tiêm vắc-xin COVID-19 cho người dân

Đến nay, nước ta đã tiêm hơn 266,5 triệu liều vắc-xin COVUD-19. Việt Nam là một trong những quốc gia có tỉ lệ bao phủ vắc-xin COVID-19 cao nhất thế giới với tỉ lệ tiêm đủ mũi cơ bản cho người từ 12 tuổi trở lên đạt gần 100%, tỉ lệ tiêm mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên có nguy cơ cao đạt 89,6%.

Đầu năm 2024, đại diện Bộ Y tế cũng cho biết Việt Nam hiện còn hơn 400.000 liều vắc-xin ngừa COVID-19 của Pfizer hạn dùng đến tháng 9-2024.

Theo hướng dẫn mới nhất của WHO có 3 đối tượng ưu tiên tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 là người cao tuổi từ 50 tuổi trở lên có bệnh lý nền (tiêm nhắc lại vào thời điểm 9-12 tháng sau mũi cuối cùng), sau đó là phụ nữ mang thai, người chưa tiêm vắc-xin mũi nào.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Giảm cân “siêu tốc”: Nguy hiểm chực chờ!

Sau khi xem livestream bán sản phẩm được quảng cáo là detox giảm cân cực kỳ an toàn, có thể đào thải mỡ thừa qua đường bài tiết, đốt mỡ nội sinh, một cô gái 26 tuổi đã đặt một liệu trình về dùng. Sau 10 ngày thanh lọc cơ thể bằng sản phẩm có tên “Detox T.”, cô gái xuất hiện đau dây chằng.

Suýt chết vì sản phẩm trộn chất cấm

Tiếp tục dùng thêm 4 ngày, đôi mắt cô gái xuất hiện tình trạng giảm thị lực theo cơn. Được người thân đưa đến Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cấp cứu, kết quả chụp cộng hưởng từ cho thấy bệnh nhân bị tổn thương não nên chuyển sang Trung tâm Chống độc để điều trị tiếp sau khi xử trí ban đầu. Tại đây, bệnh nhân đã kể lại với bác sĩ về quá trình sử dụng, liệu trình giảm cân bằng sản phẩm “Detox T.”. Kết quả phân tích của Viện Pháp y quốc gia đối với sản phẩm được người bệnh cung cấp đã phát hiện có chứa sibutramine, đây là loại chất cấm sử dụng trong thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Ngoài trường hợp trên, Bệnh viện Bạch Mai từng tiếp nhận không ít bệnh nhân bị suy kiệt, hạ huyết áp, tiêu chảy, loét dạ dày… do việc thanh lọc cơ thể sai cách hay uống các loại sản phẩm giảm cân. Trước đó, một phụ nữ 37 tuổi cũng vì uống cà phê giảm cân đã suýt mất mạng. Sau khi uống loại cà phê này tới ngày thứ 4, chị có cảm giác khó thở, lạnh toát, khát nước, hạ thân nhiệt đột ngột. Đến khi co giật toàn thân, sùi bọt mép, tiểu tiện không tự chủ, bất tỉnh, được gia đình đưa đi cấp cứu thì não đã bị tổn thương sau kiểm tra. Kết quả giám định đã phát hiện trong loại cà phê giảm cân mà bệnh nhân sử dụng có chứa chất cấm sibutramine và phenolphtalein.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc – Bệnh viện Bạch Mai, cho biết sibutramine là hoạt chất làm giảm cảm giác thèm ăn có nhiều độc tính và tác dụng phụ, nguy cơ biến chứng về tim mạch, đặc biệt là đột quỵ và nhồi máu cơ tim. Tại Mỹ và châu Âu đã ngừng sử dụng chất này từ năm 2010. Ở nước ta, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã ngưng cấp phép nhập khẩu sibutramine từ hơn chục năm qua. Đây là một loại chất đã bị cấm sử dụng trên người vì có thể gây những tổn thương ở người, gây nguy cơ đột quỵ não, đau thắt, nhồi máu cơ tim.

Tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương (Hà Nội) cũng từng tiếp nhận bệnh nhân 19 tuổi được đưa đến cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, suy gan, suy thận. Trước đó, bị bạn bè chê “mũm mĩm”, cô gái đã mua trà giảm cân trên mạng để uống. Chỉ trong 2 tuần, cô gái đã giảm đến 5 kg nhưng cơ thể luôn mệt mỏi, khát nước, đầy bụng, người lả đi. Xét nghiệm cho thấy bệnh nhân có lượng đường huyết trong máu tăng, men gan tăng gấp 30 lần bình thường gây tổn thương, hủy hoại tế bào gan, có dấu hiệu của suy gan, suy thận.

Giảm cân "siêu tốc": Nguy hiểm chực chờ!- Ảnh 1.

Một nữ bệnh nhân nhập viện điều trị sau khi giảm cân “siêu tốc”

Chớ nôn nóng “liều mạng”

Chưa kịp vui mừng với thành quả giảm cân đúng như cam kết của người bán hàng đã có không ít trường hợp phải đi cấp cứu, tính mạng nguy kịch vì tin vào những lời quảng cáo có tác dụng giảm cân như “thần dược”.

Các chuyên gia cảnh báo người tiêu dùng nên cảnh giác với các sản phẩm quảng cáo giảm cân siêu tốc. Bởi trong các sản phẩm giảm cân ồ ạt như vậy có thể sẽ bị đưa thêm vào một số chất gây mất nước và kích thích tăng chuyển hóa của cơ thể. Vì vậy, hầu hết người dùng thuốc giảm cân thường đi tiểu nhiều và khi dừng uống thuốc thì cân nặng lại quay về như cũ.

PGS-TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, cho rằng mong muốn giảm cân mãnh liệt gặp ở rất nhiều chị em phụ nữ, thậm chí cả nam giới bị thừa cân, béo phì. Tuy nhiên, để giảm cân an toàn thì không thể quá nôn nóng, đốt cháy giai đoạn, vội vàng áp dụng các biện pháp loại bỏ mỡ thừa chưa được kiểm chứng, nhất là nghe những lời quảng cáo “có cánh” trên mạng xã hội. Đáng nói là nhiều người sử dụng sản phẩm giảm cân gặp những tác dụng phụ như hoa mắt, chóng mặt, đau thắt ngực, khát nước, nôn ói, tiêu chảy… nhưng vẫn không giảm ham muốn xuống cân mau lẹ. “Đây là sự chấp nhận khá “liều mạng”, chỉ thấy lợi trước mắt mà không để tâm đến những hậu quả về sau đối với sức khỏe. Việc giảm cân cấp tốc có thể gây tử vong, trong khi không giải quyết tận gốc “thủ phạm” mỡ trắng mà chỉ tác động vào cơ thể gây mất nước, giảm cơ, rối loạn điện giải nên rất dễ khiến cân nặng tăng trở lại” – PGS Lâm cảnh báo.

Các chuyên gia khuyên rằng tập thể dục hằng ngày là một yếu tố quan trọng trong việc duy trì cân nặng khỏe mạnh, ngăn ngừa tăng cân và cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần. Nên dành ít nhất 30 phút mỗi ngày để vận động, tập thể dục. Nếu thực hiện giảm cân từ chế độ ăn thì nên giảm 10% cân nặng hiện tại trong vòng 6 tháng và giảm cân từ chế độ tập luyện nên giảm 10% cân nặng trong vòng 6 tháng, không nên tạo áp lực cho bản thân phải gắng sức tập luyện hay nhịn ăn giảm cân.

Theo nguyên tắc năng lượng nạp vào ít hơn năng lượng tiêu hao sẽ giảm được cân nặng. Bên cạnh đó, ngủ đủ giấc, thay đổi lối sống như từ bỏ thói quen vừa ăn vừa nhìn màn hình điện thoại, tivi, giảm căng thẳng, mệt mỏi… cũng là những biện pháp giúp giảm cân an toàn, bền vững. 

Nhiều cách an toàn

Theo BS chuyên khoa I Đặng Thị Oanh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, có nhiều cách điều trị béo phì, giảm cân khác nhau, tùy vào tình trạng sức khỏe, cân nặng mà áp dụng, gồm: Phương pháp tại nhà: thay đổi khẩu phần ăn; thay đổi thói quen sinh hoạt (không bỏ bữa sáng, ăn uống điều độ, ăn nhiều trái cây, rau củ, yến mạch, bánh mì nguyên hạt, gạo lứt, mì ống, các loại đậu… chứa ít calo, chất béo, giàu chất xơ, vitamin và khoáng chất tốt cho việc giảm cân, uống nhiều nước…); tập thể dục đều đặn (một người cần đốt cháy 3.500 calo để giảm gần nửa ký chất béo, những cách tốt là đi bộ, bơi lội, đi thang bộ, làm vườn, làm việc nhà hoặc dắt thú cưng đi dạo…). Phương pháp dùng thuốc: Bác sĩ sẽ kê đơn thuốc để giúp một người giảm cân, kết hợp thay đổi chế độ ăn uống ít calo, tập thể dục để giảm cân không ảnh hưởng đến sức khỏe. Phương pháp phẫu thuật: Thay đổi một phần dạ dày hoặc ruột non để người bệnh không tiêu thụ nhiều thức ăn hoặc hấp thụ nhiều calo như trước, tùy vào nhu cầu, tình trạng sức khỏe…

N.Thạnh

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Bé trai nguy kịch vì ngã vào hồ cá koi

Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết đây là một trong số các bệnh nhi đuối nước được chuyển đến cấp cứu những ngày qua.

Với bé trai nói trên, khi được phát hiện trong hồ cá koi, bé đã trong tình trạng tím tái, ngừng tim, ngừng thở.

Bé trai nguy kịch vì ngã vào hồ cá koi- Ảnh 1.

Bệnh nhi đuối nước đang được điều trị tích cực. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Được nhân viên y tế của trạm y tế gần nhà đến sơ cứu tại chỗ, sau 10 phút, trẻ có nhịp tim trở lại và được đưa đến bệnh viện huyện cách đó 5 km.

Lúc này, trẻ có nhịp thở nhưng không tỉnh, lơ mơ. Bệnh nhi được đặt nội khí quản và chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng hôn mê sâu, ngừng tuần hoàn.

Ngày 26-4, sau 4 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân vẫn có tiên lượng khá nặng.

Hai trường hợp khác cũng bị đuối nước là bé gái 12 tuổi (ở Hà Nội) và bé trai 11 tuổi (ở Sơn La) gặp tai nạn trong lúc đi tắm ở ao, suối cùng các bạn.

Trẻ được mọi người xung quanh đưa lên bờ trong tình trạng ngừng tim, ngừng thở, được cấp cứu ngừng tuần hoàn và chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng đồng tử giãn, hôn mê sâu. Hiện 2 bệnh nhi này đã tỉnh, tự thở và có thể xuất viện trong vài ngày tới.

Bác sĩ Lê Nhật Cường, Khoa Điều trị tích cực nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết cả 3 bệnh nhi đuối nước vào viện đều suy đa tạng, do hậu quả của quá trình ngừng tuần hoàn hoặc tổn thương phổi. Kể cả khi hồi phục vẫn có thể gặp các di chứng thần kinh.

Theo bác sĩ Cường, để ngăn chặn, hạn chế tối đa đuối nước, các gia đình có trẻ nhỏ cần chú ý xô, chậu, chum chứa nước phải được đậy nắp, tránh xa tầm tay trẻ nhỏ vì nhiều em bé có thể bị đuối nước do ngã vào xô chứa nước.

Ao, hồ, giếng khơi cần có rào chắn, đảm bảo trẻ nhỏ không thể tự ý đi vào; các khu vực bơi công cộng phải thiết kế độ sâu phù hợp với lứa tuổi, có đầy đủ phương tiện cứu hộ, cấp cứu và được giám sát bởi nhân viên cứu hộ được huấn luyện về các kỹ thuật cứu hộ.

Người chăm sóc trẻ luôn để ý, quản lý, giám sát trẻ mọi lúc, mọi nơi.

Giáo dục kiến thức, kỹ năng (cho trẻ từ lớp 1) phòng chống đuối nước và dạy trẻ bơi an toàn. Hướng dẫn cho trẻ lớn nhận biết các nơi nguy hiểm có nguy cơ cao xảy ra đuối nước, không tự ý tắm, chơi đùa ở những nơi có vùng nước nguy hiểm, không đùa nhau khi bơi

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Làm được 4 điều này khi đi ngủ, giảm 34% nguy cơ đột quỵ

Một nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí y khoa danh tiếng JAMA Network Open cho thấy giấc ngủ tốt có thể là thần dược chống lại bệnh tim mạch và các biến cố liên quan, nhất là đột quỵ và ngay cả khi bạn gặp bất lợi về mặt di truyền.

Công trình được thực hiện bởi nhóm tác giả từ Trường Y tế công cộng Đại học Y khoa Đồng Tế thuộc Đại học Khoa học và kỹ thuật Hoa Trung, Trường Y tế công cộng Đại học Y khoa Quảng Châu và Bệnh viện Đa khoa Sinopharm Dongfeng (Trung Quốc).

Làm được 4 điều này khi đi ngủ, giảm 34% nguy cơ đột quỵ- Ảnh 1.

Giấc ngủ tốt được duy trì đều đặn hàng ngày giúp giảm nguy cơ đột quỵ – Ảnh minh họa AI

Dữ liệu của 15.306 người tuổi trung niên, cao niên trên khắp Trung Quốc đã được thu thập.

Tổng cộng, có 3.669 trường hợp mắc bệnh tim mạch và gặp các biến cố liên quan, bao gồm 683 trường hợp đột quỵ được ghi nhận trong vòng 5 năm.

Các tác giả đã chia nhóm tình nguyện viên này theo mức độ nguy cơ di truyền về đột quỵ ở các mức không có nguy cơ tăng thêm, nguy cơ trung bình hoặc mức cao.

Ngoài ra, họ cũng được chấm điểm chất lượng giấc ngủ.

Những người có giấc ngủ tốt bao gồm 4 tiêu chí chính: Đi ngủ từ 22 giờ đến trước 0 giờ; ngủ từ 7 đến dưới 8 giờ mỗi đêm; chất lượng giấc ngủ tốt hoặc trung bình, ngủ trưa không quá 60 phút mỗi ngày.

Kết quả cho thấy những người ngủ tốt nhất, các yếu tố di truyền bình thường thì nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành (vốn làm tăng mạnh nguy cơ nhồi máu cơ tim) giảm 16%, nguy cơ đột quỵ giảm 34%.

Nếu có nguy cơ di truyền về đột quỵ ở mức trung bình, giấc ngủ tốt giúp giảm được 36% nguy cơ đột quỵ. Lợi ích giảm nguy cơ lên tới 45% ở những người có yếu tố di truyền đem lại rủi ro đột quỵ cao.

Để đạt được hiệu quả tối đa trong mỗi trường hợp, giấc ngủ tốt cần được duy trì liên tục, đều đặn.

Trước đó, ngày càng nhiều bằng chứng khoa học cho thấy lối sống không lành mạnh, bao gồm cả thói quen ngủ kém, có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Bệnh tim mạch và các biến cố chết người có liên quan là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong trên toàn thế giới, chiếm khoảng 33% tổng số ca tử vong theo thống kê toàn cầu gần nhất vào năm 2019.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Nắng nóng tắm nhiều có nguy hiểm?

– BS chuyên khoa II NGUYỄN VIẾT HẬU, Trưởng Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, trả lời: Tắm không những làm sạch da mà còn giúp giữ lỗ chân lông thông thoáng, qua đó chất bã và mồ hôi được giải phóng trên bề mặt da. Tắm cũng có thể giúp điều chỉnh nhiệt độ cơ thể.

Tuy nhiên, việc tắm quá mức sẽ ảnh hưởng đến hệ vi sinh bề mặt của da, mất đi các vi khuẩn có lợi khi sử dụng nhiều hóa chất hay xà phòng sát khuẩn. Ngoài ra, ở một số người, các hóa chất này có thể tác động lên bề mặt da gây thay đổi độ ẩm của da, kích ứng da, khô da, rạn da, nứt da… Những người có đề kháng yếu, người bệnh về da rất dễ dẫn đến tình trạng nhiễm khuẩn.

Cơ thể đang ở ngoài nắng, nhiệt độ môi trường khá cao, về nhà tắm ngay sẽ dẫn đến sự thay đổi nhiệt độ đột ngột và khi đó trung tâm điều nhiệt cơ thể phải hoạt động liên tục.

Do vậy, khi đi ngoài nắng về cũng như khi đổ mồ hôi nhiều không được tắm ngay mà nên nghỉ ngơi, đợi khô mồ hôi khoảng 30 phút. Ngoài ra, cũng không nên tắm nhiều lần trong ngày để tránh việc cơ thể bị thay đổi nhiệt độ liên tục, không có lợi cho sức khỏe. 

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Cứu bé gái người Campuchia bị sốt xuất huyết nguy kịch

Chiều 11-4, BS CK2 Đỗ Châu Việt, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực Nhiễm và COVID-19, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP HCM), cho biết các bác sĩ tại bệnh viện vừa cứu bé gái C.C.V (4 tuổi, quốc tịch Campuchia) sốc sốt xuất huyết nguy kịch. 

Cứu bé gái người Campuchia bị sốt xuất huyết nguy kịch - Ảnh 1.

Bệnh nhi được thở máy, chống sốc với dung dịch điện giải, cao phân tử, truyền bù các chế phẩm máu, sử dụng thuốc vận mạch và trợ tim

Theo đó, gia đình cho biết trước đó 2 ngày, bé sốt cao, điều trị tại địa phương không giảm. Đến ngày thứ 3, bé mệt nhiều, ói máu, li bì nên gia đình đưa qua biên giới đến phòng khám tư tại Bình Phước. Kết quả, bé mắc sốt xuất huyết. Do tình trạng nặng, gia đình quyết định đưa bé đến Bệnh viện Nhi đồng 2 cấp cứu.

Cứu bé gái người Campuchia bị sốt xuất huyết nguy kịch - Ảnh 2.

Hiện sức khoẻ bé hồi phục tốt, dự kiến xuất viện trong vài ngày tới

Thời điểm nhập viện, bé suy hô hấp, mạch huyết áp khó đo, sốc kéo dài, suy đa cơ quan, tổn thương gan thận rất nặng và mất máu. Bệnh nhi được thở máy, chống sốc với dung dịch điện giải, cao phân tử, truyền bù các chế phẩm máu, sử dụng thuốc vận mạch và trợ tim.

Tuy nhiên, sau 24 giờ hồi sức tích cực, tình trạng huyết động vẫn chưa ổn định. Bé được tiến hành giải áp ổ bụng, lọc máu liên tục và điều trị bảo tồn gan. 5 ngày sau, bé không còn xuất huyết, huyết động cải thiện dần, chức năng gan, thận dần phục hồi. Hiện bé đã được ngưng lọc máu, cai máy thở và ra khỏi phòng hồi sức tích cực, tăng cường dinh dưỡng và sẽ xuất viện trong thời gian gần nhất.

Bác sĩ Việt cho biết dù chưa tới mùa mưa nhưng hai tuần nay, tại khoa đã tiếp nhận các trường hợp mắc sốt xuất huyết nặng từ các tỉnh lân cận.

“Phụ huynh lưu ý tình trạng trở nặng khi trẻ sốt trên 24 giờ không giảm, cần đưa trẻ đi khám nhằm xác định bệnh. Đặc biệt cần theo dõi các dấu hiệu nguy hiểm như nôn ói nhiều, xuất huyết da niêm, đau bụng, li bì, tiểu ít, tay chân lạnh” – bác sĩ Việt nhấn mạnh và khuyến cáo nếu phát hiện trẻ không khỏe, gia đình cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất tại địa phương để được xử trí ban đầu phù hợp, tránh việc di chuyển đường xa, thời gian lâu gây khó khăn cho việc điều trị sau đó.

Để phòng bệnh sốt xuất huyết, phụ huynh cần diệt muỗi, diệt lăng quăng, vệ sinh nhà cửa, tránh ao tù nước đọng, phát quang bụi rậm, không để muỗi chích (ngủ mùng, dùng kem xua muỗi, mặc quần áo dài tay…)…

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Ăn món giàu canxi giúp giảm 94% nguy cơ đột quỵ

Công trình từ Bệnh viện Severance, Đại học Y khoa Yonsei, Đại học Seoul (Hàn Quốc) và Bệnh viện Từ Dũ (TP HCM – Việt Nam) chứng minh rằng việc nạp vào cơ thể trên 800 mg canxi mỗi ngày có thể giúp một số phụ nữ chống lại đột quỵ, nhồi máu cơ tim và các vấn đề tim mạch chết người khác.

Các tác giả đã phân tích dữ liệu từ 12.348 phụ nữ Hàn Quốc từ 45-70 tuổi đã mãn kinh tự nhiên, thu thập bởi chương trình khảo sát sức khỏe và dinh dưỡng quốc gia Hàn Quốc (KNHANES).

Ăn món giàu canxi giúp giảm 94% nguy cơ đột quỵ- Ảnh 1.

Thường xuyên bổ sung thực phẩm giàu canxi rất có lợi để phòng ngừa đột quỵ, nhồi máu cơ tim đối với phụ nữ lớn tuổi – Ảnh đồ họa

Họ này được chia thành 3 nhóm dựa trên lượng canxi tiêu thụ hàng ngày: Nhóm 1 tiêu thụ dưới 400 mg/ngày, nhóm 2 tiêu thụ từ 400-800 mg/ngày, nhóm 3 tiêu thụ trên 800 mg/ngày.

Kết quả công bố trên tạp chí Nutrients cho thấy ở những phụ nữ có thời gian mãn kinh trên 10 năm và tiêu thụ trên 800 mg canxi mỗi ngày sẽ giảm được 73% nguy cơ mắc bệnh tim mạch và nhồi máu cơ tim, cũng như giảm tới 94% nguy cơ đột quỵ.

Theo các tác giả, canxi có thể giúp cải thiện tình trạng lipid máu (tăng cholesterol tốt HDL, giảm cholesterol xấu LDL), giảm nhẹ huyết áp, tăng cường độ nhạy insulin… Nhờ đó giúp chống lại các vấn đề tim mạch.

Ở phụ nữ tiền mãn kinh, estrogen đóng vai trò trong việc điều hòa cân bằng canxi và ngăn ngừa bệnh tim mạch. Với người mãn kinh đã lâu, việc thiếu hụt estrogen trong thời gian dài sau mãn kinh phá vỡ cân bằng canxi, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Đó là lý do việc bổ sung canxi tác động lớn đến nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim và các vấn đề tim mạch khác.

Các nhà nghiên cứu cho rằng cần có thêm nghiên cứu để xác nhận những phát hiện này và xác định lượng canxi tối ưu cho sức khỏe tim mạch ở phụ nữ sau mãn kinh.

Tuy nhiên, các phát hiện đã đủ cho thấy bổ sung đầy đủ canxi là có lợi đối với nhóm phụ nữ này trong việc ngăn ngừa các biến cố chết người.

Theo Healthline, các món ăn, uống giàu canxi bạn có thể dễ dàng bổ sung hàng ngày bao gồm sữa và các sản phẩm từ sữa (sữa chua, phô mai…), các loại rau màu xanh lá đậm (cải xoăn, cải bó xôi, rau dền, súp lơ xanh…), trứng, cá mòi, các loại hạt, nước cam…

Cũng có thể bổ sung canxi bằng viên uống, tuy nhiên nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng, nhất là khi bạn có bệnh nền.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Kịp thời cứu sản phụ bị tai biến sản khoa nguy hiểm

Ngày 5-4, Bệnh viện Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu) cho biết vừa phẫu thuật khẩn, cứu sống sản phụ bị vỡ tử cung, mổ lấy bé gái khỏe mạnh.

Chị Đ.T.C.T (38 tuổi, ngụ TP Vũng Tàu) mang thai lần thứ 4, trong suốt thai kỳ không khám thai.

Khoảng 1 giờ sáng 3-4, chị T. nhập viện trong tình trạng chuyển dạ, thai giai đoạn trưởng thành. Qua thăm khám, các bác sĩ nhận định sản phụ nhập viện trễ, cổ tử cung mở 3 phân, tiền sản giật…

Kịp thời cứu sản phụ bị tai biến sản khoa nguy hiểm- Ảnh 1.

Ê-kíp mổ cấp cứu, cứu thành công sản phụ cùng bé gái

Ngay lập tức sản phụ được chuyển mổ thai cấp cứu. Trong quá trình mổ các bác sĩ phát hiện sản phụ vỡ tử cung nên tiến hành cắt lọc chỗ vỡ tử cung và khâu phục hồi. Ca mổ thành công, bé gái chào đợi nặng 3,7kg.

Theo Bác sĩ Hoàng Phước Ba – Trưởng khoa Phụ sản Bệnh viện Vũng Tàu, vỡ tử cung trong chuyển dạ là một trong 5 tai biến sản khoa nguy hiểm gồm vỡ tử cung, băng huyết sau sinh, sản giật, nhiễm trùng hậu sản và uốn ván sơ sinh. 

Khi vỡ tử cung không được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời, có thể thai nhi và dịch ối trong tử cung bị tống xuất ra ngoài tử cung và tràn vào ổ bụng. Tình trạng này có thể gây mất máu ở mẹ; thiếu ô-xy, tổn thương não bộ ở thai nhi.

Để phát hiện sớm nguy cơ vỡ tử cung khi sinh, bác sĩ Ba khuyến cáo thai phụ thăm khám thai kỳ đều đặn theo chỉ dẫn của bác sĩ, luôn nói cụ thể tiền sử của bản thân hoặc các yếu tố nguy cơ từng có với bác sĩ.

Thai phụ có sẹo mổ cũ cần nhập viện đúng theo hướng dẫn của bác sĩ để được theo dõi sát sao, can thiệp đúng lúc và hiệu quả nhằm tránh các nguy cơ có thể xảy ra, tránh biến chứng nguy hiểm.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Ngã vào kệ tivi, bé trai vỡ khí quản, tính mạng nguy kịch

Ngày 4-4, tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết các bác sĩ vừa kịp thời cấp cứu và phẫu thuật thành công cho bé trai 7 tuổi, nhập viện trong tình trạng đau dữ dội vùng cổ, khó thở… do vỡ khí quản.

Ngã vào kệ tivi, bé trai vỡ khí quản, tính mạng nguy kịch- Ảnh 1.

Bệnh nhi được chăm sóc, điều trị tại Bệnh viện Nhi trung ương

Mẹ bệnh nhi cho biết trước khi vào viện, trong lúc đang chơi đùa cùng anh trai tại nhà, bé không may bị ngã đập vùng cổ, ngực vào góc của kệ tivi bằng gỗ. 

Sau tai nạn, bé trai xuất hiện khó thở, đau nhiều vùng cổ, ngực.

Ngay lập tức, bé trai 7 tuổi được gia đình đưa vào bệnh viện địa phương sơ cứu và nhanh chóng chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương.

Tiến sĩ, bác sĩ Đặng Ánh Dương, Trưởng Khoa Điều trị tích cực ngoại khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương – người trực tiếp điều trị bệnh nhi cho biết tại bệnh viện, trẻ được các bác sĩ tiến hành các xét nghiệm cận lâm sàng và chụp cắt lớp vi tính lồng ngực.

Kết quả cho thấy trẻ bị tràn khí khoang màng phổi hai bên, tràn khí trung thất, tràn khí dưới da diện rộng, gây nguy hiểm đến tính mạng.

Các bác sĩ tiến hành hội chẩn và kết luận trẻ bị vỡ khí quản, có một đường vỡ theo chiều dọc 3 cm, cần được phẫu thuật ngay lập tức, nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhi.

Sau phẫu thuật, trẻ tỉnh, không khó thở, ăn uống tốt và đã được ra viện.

Theo bác sĩ Dương, từ đầu năm 2024 đến nay, Khoa Điều trị tích cực ngoại khoa đã tiếp nhận và điều trị cho 3 trẻ nhập viện do chấn thương khí quản gây nguy hiểm tính mạng. Nguyên nhân do tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt, trẻ ngã khi đi xe đạp…

Với những chấn thương khí quản có thể gây đột tử, trường hợp tràn khí trung thất mức độ nặng có thể chèn ép tim dẫn đến tử vong.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Mối nguy từ hoại tử chỏm xương đùi

“Lúc mới khởi phát, tôi thấy cơn đau chỉ thoáng qua rồi vài ngày tự hết. Nghĩ mình chơi đá bóng nhiều bị căng cơ đau nhức nên chủ quan không đi khám. Khi đau chịu hết nổi thì bác sĩ phát hiện tôi bị hoại tử chỏm xương đùi, phải thay khớp háng mới cứu sự vận động trở lại” – anh N.C.L (32 tuổi, ở Đồng Nai) kể lại quá trình mang bệnh trước khi bước vào cuộc đại phẫu thực hiện tại Bệnh viện Quân y 175.

Bệnh diễn tiến âm thầm

Anh L. cho biết cơn đau ở đùi xuất hiện từ năm 2010 song đến năm 2013 mới phát hiện hoại tử chỏm xương đùi. Từ đó đến nay, vì không đủ kinh phí để phẫu thuật nên anh đành uống thuốc theo đơn của bác sĩ để giảm đau.

Bệnh nhân được thay khớp háng vì hoại tử chỏm xương đùi tại Bệnh viện Quân y 175 Ảnh: TRẦN CHÍNH

Bệnh nhân được thay khớp háng vì hoại tử chỏm xương đùi tại Bệnh viện Quân y 175 .Ảnh: TRẦN CHÍNH

“Khoảng 1 năm qua, cơn đau xuất hiện nhiều, ảnh hưởng đến sinh hoạt nên tôi tìm hiểu tham gia các hội nhóm có những bệnh giống mình. Cũng từ đây, mọi người chia sẻ về một số tổ chức từ thiện phẫu thuật thay khớp háng, tôi đăng ký và được xét duyệt. Nếu chờ đủ khoảng 70 triệu đồng chắc còn lâu mình mới được phẫu thuật” – anh L. nói.

Còn chị T.D.M (25 tuổi, ngụ Cà Mau) cách đây 1 năm, đột nhiên bị đau 2 đùi. Chị đến một vài bệnh viện ở địa phương và TP HCM thăm khám nhưng kết quả bình thường. Gần đây, cơn đau nhiều hơn, chị được chẩn đoán hoại tử chỏm xương đùi do một bệnh viện tại TP Cần Thơ phát hiện. “Từ khi cơn đau xuất hiện không thể đi lại bình thường nên mọi sinh hoạt của tôi đều phải nhờ mẹ chăm sóc. Sau đó, nhờ người quen giới thiệu tại Bệnh viện Quân y 175 có đoàn từ thiện hỗ trợ thay khớp háng cho người bệnh có hoàn cảnh khó khăn nên tôi đăng ký và may mắn được chọn” – chị M. nói.

TS-BS Phan Đình Mừng, Phó Giám đốc Viện Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Quân y 175, cho biết năm 2023, nhóm bệnh nhân trẻ tuổi bị hoại tử chỏm xương đùi khá cao. Khoảng 40%-50% là người trẻ, thậm chí có bệnh nhân trong độ tuổi từ 20-30 phải thay khớp háng vì căn bệnh nói trên.

Tại Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP HCM, số bệnh nhân đến khám vì hoại tử chỏm xương đùi ngày càng đông. Chỉ trong năm 2023, nơi đây đã tiếp nhận 745 ca hoại tử chỏm xương đùi, trong đó 570 trường hợp phải thay khớp háng. BS chuyên khoa II Võ Hòa Khánh, Trưởng Phòng Quản lý chất lượng Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình, cho biết giai đoạn đầu bệnh thường không có triệu chứng. Bệnh diễn tiến âm thầm khiến người bệnh khó biết và khi phát hiện đã vào giai đoạn muộn. Đặc biệt, các trường hợp liên quan chấn thương, các triệu chứng có thể bị chồng lấp.

“Triệu chứng của bệnh thường là đau khớp háng dễ nhầm lẫn các bệnh lý khác vùng háng như hội chứng phù tủy xương, gãy xương dưới sụn, đau thần kinh tọa… Để phân biệt, việc chẩn đoán cần khai thác kỹ bệnh sử, thăm khám cẩn thận và thực hiện các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh. Do đó, khi có các triệu chứng như đau vùng mông, đùi, bẹn; đau khi vận động, đứng lâu và thuyên giảm khi nghỉ ngơi; hạn chế vận động khớp háng; khó ngồi xổm…, người bệnh nên đi khám tại cơ sở y tế chuyên khoa để được phát hiện, điều trị kịp thời. Tránh tình trạng vào giai đoạn nặng khiến hạn chế vận động khớp háng, đi lại, thậm chí tàn tật” – bác sĩ Khánh khuyến cáo.

Bỏ tật xấu để phòng bệnh

Các chuyên gia cảnh báo hoại tử chỏm xương đùi là căn bệnh nguy hiểm và đang có xu hướng trẻ hóa. Vì diễn tiến âm thầm, dễ nhầm lẫn với các bệnh khác nên việc chẩn đoán sớm gặp khó khăn.

Theo BS Phan Đình Mừng, bệnh này có 3 nguyên nhân thường gặp gồm: Thói quen hút thuốc, uống rượu và sử dụng thuốc có chứa Corticoid. Người bệnh có thói quen này thường được bác sĩ khuyên chụp CT-Scan, cộng hưởng từ (MRI) khớp háng để đánh giá mức độ tưới máu của chỏm xương đùi. Nếu ảnh hưởng chưa tới mức phải thay khớp háng, bác sĩ sẽ khuyên bệnh nhân từ bỏ thói quen, sử dụng các biện pháp điều trị nhằm tăng mạch máu nuôi khớp háng.

BS chuyên khoa II Nguyễn Anh Tuấn, Khoa Chi dưới Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP HCM, cho biết việc phát hiện sớm bệnh hoại tử chỏm xương đùi sẽ giúp cải thiện và tăng tỉ lệ thành công trong điều trị. Nếu bệnh nhân chưa cần phẫu thuật thay khớp háng thì cần khám định kỳ để bác sĩ kịp thời đánh giá qua phim Xquang, MRI nhằm xử trí phù hợp từng giai đoạn. Đối với bệnh nhân phải phẫu thuật thay khớp háng bệnh sẽ không tái phát.

“Để giảm thiểu nguy cơ mắc hoại tử chỏm xương đùi, chúng ta có thể ngưng sử dụng thuốc lá, tránh lạm dụng thức uống có cồn và đặc biệt hạn chế sử dụng Corticoid. Chỉ nên dùng Corticoid trong những trường hợp thực sự cần thiết để điều trị bệnh với liều lượng và thời gian cụ thể theo hướng dẫn của bác sĩ. Bên cạnh đó, tránh té ngã làm gãy vùng cổ xương đùi, bởi nguy cơ hoại tử chỏm xương đùi sau gãy cổ xương đùi rất cao” – bác sĩ Tuấn nhấn mạnh 

Chi phí nặng nề

Theo TS-BS Phan Đình Mừng, có khoảng 95%-98% bệnh nhân thay khớp háng đều phục hồi khả năng đi lại và lao động. Tuy nhiên, vẫn có tỉ lệ nhỏ bị dị ứng, nhiễm trùng… Nếu xảy ra, các bác sĩ sẽ chẩn đoán, cho thuốc đến khi bệnh nhân được hồi phục. Chi phí phẫu thuật 1 ca thay khớp háng nếu không có BHYT sẽ khoảng 90-100 triệu đồng (tùy vào chất lượng của khớp), nếu có BHYT cũng tầm khoảng 45-50 triệu đồng. Chi phí này không hề rẻ, đặc biệt với người bệnh có hoàn cảnh khó khăn.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Nắng nóng gay gắt, Bộ Y tế cảnh báo những vấn đề sức khoẻ nguy hiểm

Trong công văn chiều 3-4 gửi sở y tế các tỉnh, thành phố trong cả nước về việc dự phòng bảo vệ sức khỏe cộng đồng, người lao động trước tác động của nắng nóng, hạn hán, Cục Quản lý Môi trường y tế (Bộ Y tế) cảnh báo thời gian tới, nắng nóng có khả năng xuất hiện nhiều đợt và gay gắt hơn.

Nắng nóng gay gắt, Bộ Y tế cảnh báo những vấn đề sức khoẻ nguy hiểm- Ảnh 1.

Nắng nóng gay gắt có thể ảnh hưởng tới sức khỏe người dân

Nguy cơ hạn hán, thiếu nước do nắng nóng

Theo Bộ Y tế, qua dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng – thủy văn Quốc gia, năm 2024 do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, từ đầu năm đến nay nắng nóng kéo dài, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn đã xảy ra ở một số địa phương, nhất là ở ĐBSCL và miền Trung, Tây Nguyên.

Nắng nóng có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, người lao động.

Để chủ động bảo vệ sức khỏe người dân và phòng chống dịch, bệnh trong mùa nắng nóng, Bộ Y tế đã xây dựng các tài liệu hướng dẫn chăm sóc sức khỏe mùa nắng nóng cho cộng đồng và người lao động.

Theo Bộ Y tế, vào mùa nắng nóng, có thể gặp phải một số vấn đề sức khỏe thường gặp là: Say nắng, say nóng hoặc đột quỵ do nóng.

Nguyên nhân chủ yếu là do phải tiếp xúc quá lâu hoặc làm việc trong môi trường nắng nóng, nhiệt độ cao hoặc cũng có thể do thay đổi nhiệt độ môi trường đột ngột.

Một số đối tượng có nguy cơ cao gồm: Người già, trẻ nhỏ và phụ nữ có thai.

Những người làm việc, luyện tập với cường độ cao ở ngoài trời nắng lâu hoặc trong môi trường nóng bức: Người lao động nông nghiệp, công nhân làm việc ở các lò gạch, lò luyện gang thép…

Những người mắc các bệnh mạn tính: Tăng huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, đái tháo đường…

Biểu hiện của các vấn đề sức khỏe thường gặp trong mùa nắng nóng phụ thuộc vào thời gian tiếp xúc với nắng nóng, mức độ tăng thân nhiệt của cơ thể.

Mức độ nhẹ: Mệt mỏi, khát nước, hoa mắt, chóng mặt, tăng nhịp tim, tăng nhịp thở, hồi hộp đánh trống ngực, chuột rút.

Mức độ nặng: Đau đầu dữ dội, khó thở tăng dần, cảm giác buồn nôn hoặc nôn, yếu hoặc liệt nửa người, co giật, ngất xỉu hoặc hôn mê, trụy tim mạch (tim đập nhanh, huyết áp tụt, …) và có thể tử vong.

Nếu nạn nhân có các biểu hiện ở mức độ nặng, cần gọi ngay cấp cứu 115 hoặc nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Lưu ý trong quá trình vận chuyển thường xuyên chườm mát cho nạn nhân.

Nên uống ít nhất 1,5-2 lít nước/ngày

Cục Quản lý Môi trường y tế khuyến cáo người dân cần hạn chế đi ra ngoài trời nắng trong những ngày nắng nóng, đặc biệt trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều.

Nắng nóng gay gắt, Bộ Y tế cảnh báo những vấn đề sức khoẻ nguy hiểm- Ảnh 2.

Công nhân làm việc tại các công trường phải quấn khăn ướt trên đầu. Ảnh: TTXVN

Những người đang ở trong phòng điều hòa nhiệt độ thấp không nên đi ra ngoài trời nắng đột ngột mà cần có một khoảng thời gian để cơ thể thích nghi với môi trường bên ngoài bằng cách tăng nhiệt độ điều hòa trong phòng hoặc ngồi nghỉ trong bóng mát trước khi đi ra ngoài trời.

Mặc quần áo sáng màu, thoáng mát, thấm mồ hôi. Cần uống ít nhất 1,5-2 lít nước/ngày. Nên uống thành nhiều lần trong ngày, không nên uống quá nhiều nước trong một lần.

Hạn chế tối đa diện tích tiếp xúc của ánh nắng lên cơ thể đặc biệt là vùng vai gáy. Sử dụng phương tiện bảo hộ cá nhân phù hợp khi làm việc ngoài trời nắng như quần áo bảo hộ lao động, mũ, nón, kính. Mặc quần áo rộng, thoáng mát và thấm mồ hôi. Có thể sử dụng thêm các loại kem chống nắng.

Không sử dụng các loại đồ uống có cồn. Cần uống nước đều đặn trong suốt thời gian làm việc. Đặc biệt, cần uống thêm các loại nước có bổ sung thêm muối và khoáng chất như Oresol đối với những người bị mất nhiều mồ hôi trong quá trình làm việc.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Một phụ nữ nguy kịch vì ngạnh cá trê đâm vào tay

Ngày 30-3, thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết nữ bệnh nhân 57 tuổi (ở Hưng Yên) được chuyển từ bệnh viện tuyến dưới trong tình trạng rất nặng sau khi bị ngạnh cá trê đâm vào tay.

Bệnh nhân có tiền sử viêm khớp dạng thấp nhiều năm, uống thuốc nam thường xuyên, làm nghề bán cá.

Một phụ nữ nguy kịch vì ngạnh cá trê đâm vào tay- Ảnh 1.

Bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương

Một tuần trước đó nữ bệnh nhân bị ngạnh cá trê đâm vào mu bàn tay, 1 ngày sau xuất hiện sốt, phỏng nước vàng tại vùng tổn thương ở mu tay, đau nhiều, lan nhanh chóng lên vùng cánh cẳng bàn tay phải.

Gia đình đã đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhà khám nhưng sau 5 ngày điều trị, bệnh nhân không cải thiện tình hình và được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết đường vào da và mô mềm, theo dõi sốc nhiễm khuẩn. 

Bác sĩ Trần Văn Bắc, Phó Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết với bệnh nhân có cơ địa suy giảm miễn dịch như: xơ gan, tiểu đường, viêm khớp dạng thấp…, đặc biệt bệnh nhân đang sử dụng thuốc ức chế miễn dịch, thuốc nam không rõ nguồn gốc, nguy cơ làm cho tình trạng suy giảm miễn dịch nặng hơn.

Những bệnh nhân này rất dễ bị nhiễm trùng các chủng vi khuẩn từ nước vào. Khi nhiễm trùng trực khuẩn sẽ gây hoại tử tổ chức rất nghiêm trọng, đe dọa tính mạng.

Bác sĩ Bắc lưu ý những người suy giảm miễn dịch, khi có vết thương phải xử lý đúng cách, không chủ quan. Người làm nghề tiếp xúc với cá, chăm sóc động vật… tiếp xúc với môi trường nước phải đeo găng tay dày để tránh trầy xước lây nhiễm vi khuẩn.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

4 tách cà phê hoặc 2 tách trà, giảm mạnh nguy cơ đột quỵ, ung thư

Nhóm khoa học gia từ Đại học Miami và Đại học Columbia (Mỹ) đã xem xét dữ liệu của gần 2.500 người với độ tuổi trung bình là 68,3 để xem tác động của số tách cà phê và trà họ uống lên cơ hội sống sót 11 năm sau đó.

Các tình nguyện viên đều có sức khỏe ổn định, chưa từng bị đột quỵ, nhồi máu cơ tim hay ung thư.

Kết quả cho thấy cả cà phê và trà đều có thể trở thành một phần của “bí quyết trường sinh”, thông qua việc giúp giảm mạnh nguy cơ xảy ra các biến cố sức khỏe nguy hiểm.

4 tách cà phê hoặc 2 tách trà, giảm mạnh nguy cơ đột quỵ, ung thư- Ảnh 1.

Cà phê và trà có thể giúp người cao tuổi kéo dài tuổi thọ nhờ tránh được một loạt bệnh nguy hiểm – Ảnh minh họa từ Internet

Có 863 người đã tử vong trong 11 năm theo dõi, với các nguyên nhân phổ biến nhất bao gồm đột quỵ, nhồi máu cơ tim, ung thư… Trong đó số người uống cà phê và trà tử vong ít hơn hẳn những người không uống.

Theo kết quả công bố trên The Journal of Nutrition, đối với mỗi tách cà phê được uống trong một ngày, nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân trong 11 năm đó giảm 7%.

Sự bảo vệ mạnh mẽ nhất ghi nhận ở những người “ghiền” cà phê, uống từ 4 tách trở lên mỗi ngày.

Đối với trà, cứ uống 1 tách mỗi ngày, nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân giảm được 9%.

Cà phê và trà được nhiều nghiên cứu trước đó chứng minh là có lợi ích nổi bật nhất ở nhóm bệnh tim mạch, do đó các tác giả cũng xem xét riêng tác động của các thức uống này lên những trường hợp tử vong do các bệnh khác ngoài bệnh mạch máu.

Kết quả cho thấy với 4 tách cà phê trở lên mỗi ngày, nguy cơ tử vong không phải do bệnh mạch máu thấp hơn tận 43%.

Bên cạnh đó, tiêu thụ 2 tách trà trở lên mỗi ngày giúp giảm nguy cơ 37%. Riêng với nguy cơ tử vong do bệnh ung thư giảm tận 67% với số ly trà này.

Theo các tác giả, tuy một số thứ trong cà phê và trà gây nghi ngại cho người lớn tuổi, nhưng những thứ có lợi lại vượt trội.

Ví dụ caffeine có thể gây tăng huyết áp ở người có sẵn bệnh, nhưng tác động này lại không xảy ra ở người uống thường xuyên, hàng ngày. Điều này có thể do cơ thể quen dần, chưa kể tác động của các hợp chất chống oxy hóa lấn át tác động có hại này.

Một tách cà phê pha trung bình có 396 mg polyohenol, bao gồm 100 mg axit chlorogen. Trà chứa nhiều polyphenol khác như catechin, theaflavin… Chúng đều là những chất chống oxy hóa đặc biệt tốt cho sức khỏe, bên cạnh caffeine.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

3 người Việt hiến máu cực hiếm cứu 1 người nước ngoài nguy cấp

Bệnh nhân là ông P. B. (64 tuổi, quốc tịch Anh), mang máu hiếm, được đưa vào cấp cứu trong tình trạng chảy máu răng, máu mũi, bầm da dạng chấm, xuất huyết hai chân. Các bác sĩ xác định bệnh nhân bị giảm tiểu cầu miễn dịch trên nền bệnh tăng huyết áp và có nguy cơ xuất huyết não cần được truyền tiểu cầu khẩn cấp.

3 người Việt hiến máu cực hiếm cứu 1 người nước ngoài nguy cấp- Ảnh 1.

Chỉ có 3 người có máu hiếm để cứu kịp người người đàn ông nước ngoài

Do bệnh nhân có nhóm máu O – Rhesus âm nên việc lựa chọn tiểu cầu phù hợp truyền là cực kỳ khó khăn vì nhóm máu này chiếm khoảng 0,1% dân số Việt Nam, đồng thời trong kho dự trữ máu của bệnh viện lúc này vừa hết chế phẩm tiểu cầu O-Rhesus âm.

Trước tình trạng nguy cấp của bệnh nhân, Trung tâm Truyền máu – Bệnh viện Chợ Rẫy đã khởi động quy trình khẩn cấp, nhanh chóng liên lạc với 2 đơn vị là Câu lạc bộ máu hiếm TP HCM (thuộc Trung tâm Hiến máu nhân đạo TP HCM) và Câu lạc bộ nhóm máu hiếm miền Nam để huy động nguồn hiến tiểu cầu.

May mắn, có 6 thành viên trong 2 câu lạc bộ đã đến Bệnh viện Chợ Rẫy tham gia vào quá trình chung tay cứu người. Qua sàng lọc, có 3 người phù hợp để hiến.

Với sự hội chẩn chuyên sâu, lựa chọn phương án điều trị phù hợp, các bác sĩ kịp thời truyền tiểu cầu hiếm cứu ông P. qua nguy cấp.

Hồi phục sức khỏe, ông B. đã gửi lời tri ân đến những người đã nỗ lực cứu sống mình. “Cảm ơn những người hiến tiểu cầu cũng như đội ngũ nhân viên y tế đã kịp thời cứu giúp tôi qua nguy cấp và khỏe mạnh như hôm nay” – ông P. xúc động. 

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Cúm A/H5 gây tử vong cho thanh niên 21 tuổi, nguy hiểm thế nào?

Liên quan đến nam bệnh nhân nam (21 tuổi, sinh viên Trường Đại học Nha Trang) bị mắc cúm A/H5, tử vong sau nhiều ngày thở máy, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết đã có văn bản gửi Giám đốc Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa về việc tăng cường công tác phòng, chống cúm gia cầm lây sang người.

Cúm A/H5 gây tử vong cho thanh niên 21 tuổi, nguy hiểm thế nào?- Ảnh 1.

Điều trị bệnh nhân cúm A tại cơ sở y tế. Ảnh: TTXVN

Ghi nhận dịch cúm trên gia cầm

Theo thông tin từ Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), dịch cúm gia cầm vẫn được ghi nhận rải rác trên đàn gia cầm ở nhiều địa phương trên cả nước.

Bên cạnh đó, thời điểm này hiện đang là giai đoạn chuyển mùa và thời tiết có nhiều thay đổi bất ngờ có lợi cho virus cúm gia cầm phát triển. Vì vậy luôn tiềm ẩn nguy cơ lan cúm gia cầm sang người.

Để chủ động phòng chống cúm gia cầm lây nhiễm sang người, Cục Y tế dự phòng đề nghị Giám đốc Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị trực thuộc điều tra nguồn lây, xử lý triệt để ổ dịch.

Tăng cường giám sát phát hiện trường hợp mắc mới, sẵn sàng thu dung, cách ly, điều trị theo quy định của Bộ Y tế và chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.

Phối hợp với ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương giám sát phát hiện sớm các ổ dịch cúm trên gia cầm.

Tăng cường tuyên truyền pháp luật phòng lây nhiễm cúm gia cầm lan sang người, đặc biệt tại khu vực có gia cầm chết và những vùng có nguy cơ cao.

Sẵn sàng thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện đáp ứng cho địa phương phát triển các biện pháp xử lý ổ dịch.

Cúm A/H5 gây tử vong cho thanh niên 21 tuổi, nguy hiểm thế nào?- Ảnh 2.

Dịch cúm gia cầm vẫn được ghi nhận rải rác trên đàn gia cầm

Như Báo Người Lao Động đưa tin, ngày 23-3, ông Nguyễn Đông, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa, cho biết bệnh nhân dương tính với cúm A/H5 đã tử vong vào sáng cùng ngày.

Trước đó, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa đã hội chẩn với các bệnh viện lớn nhưng không thể cứu được bệnh nhân này vì tình trạng bệnh đã diễn biến nặng, phổi đã bị xơ.

Bệnh nhân là nam sinh viên 21 tuổi, ở tại ký túc xá Trường ĐH Nha Trang, khởi phát triệu chứng từ ngày 11-3.

Bốn ngày sau, sinh viên này về nhà ở thị xã Ninh Hòa, tiếp xúc với mẹ và em gái; đi khám tại cơ sở 2 Trung tâm Y tế thị xã Ninh Hòa.

Sau thời gian điều trị tại đây nhưng không bớt, bệnh nhân được chuyển vào Bệnh viện Đa khoa khu vực Ninh Hòa.

Ngày 17-3, bệnh nhân diễn biến nặng, được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa. Kết quả xét nghiệm tại Viện Pasteur Nha Trang cho thấy bệnh nhân dương tính với cúm A/H5

Bệnh nhân được cách ly điều trị trong tình trạng hôn mê, huyết áp gần bằng không, thở máy và tử vong.

Cúm A/H5 (còn được gọi là cúm A/H5N1, cúm gia cầm) là bệnh truyền nhiễm cấp tính rất nguy hiểm ở người và động vật, do virus cúm tuýp A, chủng H5N1 gây ra. Cúm A/H5 là một dạng cúm do virus cúm A/H5N1 gây ra. Đây là một loại virus cúm gây ra dịch bệnh cúm gia cầm, có khả năng lây lan từ gia cầm sang người và gây ra các biến chứng nghiêm trọng.

Biểu hiện của bệnh cúm gia cầm cũng giống như bệnh cúm mùa, tuy nhiên, mức độ nghiêm trọng và tỉ lệ tử vong có xu hướng cao hơn, mặc dù còn tùy thuộc vào chủng virus.

Người nhiễm cúm gia cầm có thể không có triệu chứng đến có các biểu hiện nhẹ của triệu chứng cúm (sốt, ho, chảy mũi, nghẹt mũi, đau họng, đau mỏi cơ, đau đầu, viêm kết mạc). Các dấu hiệu ít phổ biến hơn bao gồm tiêu chảy, buồn nôn, nôn hoặc co giật.

Các biểu hiện nặng hơn có thể gặp như: Khó thở hoặc viêm phổi, tiến triển suy hô hấp với tỉ lệ tử vong cao.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

17 ca mắc ho gà, căn bệnh nguy hiểm dễ chẩn đoán nhầm

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết từ đầu năm 2024 đến nay, TP Hà Nội đã có 17 trường hợp mắc ho gà, trong khi cả năm 2023 chỉ có 1 ca và năm 2022 không có ca bệnh.

17 ca mắc ho gà, căn bệnh nguy hiểm dễ chẩn đoán nhầm- Ảnh 1.

Tiêm vắc xin phòng ho gà cho trẻ tại Hệ thống tiêm chủng VNVC

Chỉ tính từ ngày 8 đến 15-3, Hà Nội đã ghi nhận thêm 2 trường hợp mắc ho gà. Cả hai đều là trẻ mới 1 tháng tuổi, chưa đến tuổi tiêm vắc-xin ngừa ho gà. Trẻ khởi phát bệnh với các triệu chứng ho, sốt, thở khò khè…

Nhiều trẻ mắc ho gà chưa đến tuổi tiêm vắc-xin

Theo CDC Hà Nội, hầu hết các trường hợp mắc ho gà là trẻ nhỏ chưa đến tuổi tiêm chủng vắc-xin hoặc chưa được tiêm đầy đủ.

Các chuyên gia y tế cho biết ho gà là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính đường hô hấp do vi khuẩn Bordetella pertussis gây nên, bệnh thường xảy ra ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Đây là bệnh đặc biệt nguy hiểm với trẻ sơ sinh.

Ho gà lây lan nhanh hơn virus cúm, 1 người có thể lây cho 12-17 người. Trẻ em chưa được tiêm chủng vắc-xin ho gà đầy đủ là đối tượng có nguy cơ cao nhất bị nhiễm bệnh và thường có diễn biến nặng.

Ho gà có biểu hiện và triệu chứng dễ nhầm với các bệnh hô hấp khác, đặc biệt ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Cụ thể, đối với trẻ ho do cảm lạnh, bởi nhiễm trùng đường hô hấp trên thường bắt đầu với các triệu chứng cảm lạnh, chảy mũi, ngạt mũi và ho.

Đối với trẻ mắc ho gà, các biểu hiện điển hình là trẻ ho rũ rượi, ho từng cơn, mỗi cơn từ 15-20 tiếng ho liên tiếp, càng về sau càng yếu và giảm dần.

Đặc biệt, những cơn ho xuất hiện nhiều làm trẻ yếu dần như ngừng thở do thiếu ôxy, mặt tím tái, mặt đỏ, tĩnh mạch cổ nổi, chảy nước mắt nước mũi.

Nhiều biến chứng nguy hiểm

Đây là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có thời gian ủ bệnh kéo dài từ 6-20 ngày (trung bình 9-10 ngày). 

17 ca mắc ho gà, căn bệnh nguy hiểm dễ chẩn đoán nhầm- Ảnh 2.

Trẻ nhỏ là đối tượng nguy cơ cao mắc bệnh ho gà

Một số biến chứng nguy hiểm có thể gặp phải trong trường hợp trẻ mắc bệnh ho gà như: Viêm phổi nặng, là biến chứng hô hấp hay gặp, nhất là ở trẻ sơ sinh và trẻ suy dinh dưỡng; biến chứng viêm não với tỉ lệ tử vong cao…

Do đó, bác sĩ khuyến cáo khi thấy trẻ nghi ngờ mắc bệnh, cần cách ly trẻ với những trẻ khác (kể cả trẻ đã được tiêm phòng) và đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám, điều trị càng sớm càng tốt.

Cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh ho gà ở trẻ sơ sinh, trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn là tiêm vắc-xin theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Đó là các vắc-xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván – DTP hoặc vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, virus viêm gan B và Haemophilus influenzae type b (vắc-xin 5 trong 1).

Các bà mẹ mang thai trên 20 tuần nên chủ động đến các điểm tiêm chủng để được tư vấn tiêm vắc-xin phòng bệnh trước khi trẻ chào đời để có hệ miễn dịch cho các bé từ sớm.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Mỗi ngày 3 tách cà phê hoặc 4 tách trà, ngừa 4 bệnh nguy hiểm

Các nhà khoa học từ Trung tâm Nghiên cứu lâm sàng về bệnh mắt tỉnh Quảng Đông, Viện khoa học Y tế Quảng Đông (Trung Quốc), Đại học Melbourne và Bệnh viện Tai và mắt Hoàng gia Victoria (Úc) vừa chứng minh thêm tác dụng bảo vệ thần kinh bất ngờ của cà phê và trà.

Mỗi ngày 3 tách cà phê hoặc 4 tách trà, ngừa 4 bệnh nguy hiểm- Ảnh 1.

Cà phê và trà có thể giúp ngừa một loạt bệnh nan y liên quan đến thoái hóa thần kinh – Ảnh minh họa từ Internet

Viết trong bài công bố trên tạp chí khoa học Nutrients, các tác giả cho biết họ đã phân tích dữ liệu của hơn 35.500 người từ Biobank (ngân hàng dữ liệu sinh học của Anh) và chia các tình nguyện viên này thành nhiều nhóm xét theo thói quen tiêu thụ độ uống.

Họ gồm những người không uống cà phê và trà, uống trung bình 0,5-1 tách/ngày, 2-3 tách/ngày, trên 4 tách/ngày.

Kết quả cho thấy độ dày của lớp sợi thần kinh võng mạc tăng lên ở những người uống cà phê và trà thường xuyên. Đối với cà phê, lợi ích cao nhất đạt được ở mốc 2-3 tách. Còn đối với trà, lợi ích lớn nhất đạt được khi uống từ 4 tách trở lên.

Võng mạc vốn là một mô kéo dài từ hệ thống thần kinh trung ương và độ dày của lớp sợi thần kinh võng mạc thể hiện đáng kể sự khỏe mạnh của hệ thống thần kinh.

Lớp sợi thần kinh võng mạc mỏng đi từ lâu đã được chứng minh liên quan đến 4 dạng thoái hóa thần kinh khác nhau: Bệnh tăng nhãn áp, bệnh Parkinson, bệnh Alzheimer và suy giảm nhận thức nhẹ.

Cả 4 vấn đề sức khỏe này đều đang rất được quan tâm ngày nay, khi dân số khắp thế giới già hóa. Vì vậy, tìm ra một phương án hỗ trợ ngăn ngừa các bệnh này là rất quan trọng.

Trong khi đó, tác động bảo vệ khỏi sự thoái hóa thần kinh của cà phê và trà có thể đến từ các hợp chất hoạt tính sinh học bên trong chúng.

Ví dụ caffeine có thể ức chế tình trạng viêm thần kinh quá mức, axit chlorogen và polyphenol catechin làm giảm tổn thương oxy hóa ở các mô liên quan.

Một số hợp chất hoạt tính sinh học khác trong các thức uống này giúp ức chế xơ vữa động mạch, điều hòa lipid máu, ngăn tình trạng kháng insulin… từ đó bảo vệ nguồn máu nuôi đến võng mạc và các cấu trúc khác của hệ thần kinh.

Thú vị hơn hết là tác động này có thể có được chỉ nhờ việc uống cà phê và trà, những thức uống phổ biến ở hầu hết các nơi trên thế giới.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

close(x)
close(x)