May 20, 2024

Bộ Y tế: Người đã tiêm vắc-xin COVID-19 AstraZeneca không cần xét nghiệm đông máu

Khuyến cáo trên được Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đưa ra ngày 10-5, sau khi không ít người lo ngại về phản ứng sau tiêm vắc-xin COVID-19 AstraZeneca.

Bộ Y tế: Người đã tiêm vắc-xin COVID-19 AstraZeneca không cần xét nghiệm đông máu- Ảnh 1.

Vắc-xin AstraZeneca là 1 trong 14 loại vắc-xin COVID-19 được cấp phép

Bộ Y tế cũng cho biết đánh giá phản ứng huyết khối kèm hội chứng giảm tiểu cầu liên quan đến vắc-xin AstraZeneca là tác dụng phụ rất hiếm gặp và thường chỉ xuất hiện trong khoảng thời gian ngắn sau tiêm. Kể từ tháng 7-2023, Việt Nam đã sử dụng hết loại vắc-xin này.

Vắc-xin của AstraZeneca là 1 trong 14 loại vắc-xin COVID-19 được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cấp phép sử dụng khẩn cấp. Vắc-xin này hiện là một trong những vắc-xin được sử dụng phổ biến nhất trên thế giới, với hơn 170 quốc gia đã cấp phép sử dụng khẩn cấp và hơn 2 tỉ liều được tiêm chủng toàn cầu.

Vắc-xin AstraZeneca đã được chứng minh qua thực tiễn sử dụng rộng rãi là rất hiệu quả trong việc ngăn ngừa các triệu chứng nghiêm trọng và giảm tử vong do COVID-19.

WHO khuyến cáo sử dụng vắc-xin AstraZeneca là an toàn và hiệu quả cho tất cả mọi người từ 18 tuổi trở lên.

Tác dụng phụ hiếm gặp như tình trạng huyết khối kèm hội chứng giảm tiểu cầu ước tính là 1 trên 100.000 người lớn được tiêm và xảy ra trong khoảng 3-21 ngày, một số ít trường hợp xảy ra sau 42 ngày. Một thống kê khác của GAVI cho thấy tỉ lệ ghi nhận tại Anh là 4/1.000.000 người (tương đương 0,4/100.000 người).

Các nghiên cứu cũng cho biết tỉ lệ huyết khối giảm tiểu cầu sau tiêm vắc-xin thấp hơn nhiều so với tỉ lệ mắc phải hội chứng này sau khi mắc COVID-19.

Với tỉ lệ rất hiếm gặp của huyết khối kèm giảm tiểu cầu, WHO và Cơ quan Dược phẩm Châu Âu – EMA đều khẳng định lợi ích của việc tiêm chủng vắc-xin này trong việc bảo vệ chống lại COVID-19 vượt xa so với rủi ro.

Bộ Y tế cũng nhấn mạnh những người đã tiêm vắc-xin này không cần thực hiện xét nghiệm D-dimer hay bất kỳ xét nghiệm đông máu do không còn nguy cơ gây huyết khối và giảm tiểu cầu ở những người đã tiêm vắc-xin AstraZeneca từ gần 1 năm trước.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

AstraZeneca thu hồi vắc-xin COVID-19 trên toàn cầu: Việt Nam còn bao nhiêu liều?

Hãng dược AstraZeneca đang thực hiện quy trình xin rút giấy phép vắc-xin COVID-19 tại các khu vực, quốc gia còn lại trên toàn thế giới.

AstraZeneca thu hồi vắc-xin COVID-19 trên toàn cầu: Việt Nam còn bao nhiêu liều?- Ảnh 1.

Vắc-xin COVID-19 của AstraZeneca.

AstraZeneca cho biết họ đã bắt đầu thu hồi vắc-xin ngừa COVID-19 trên toàn thế giới do “dư thừa các loại vắc-xin cập nhật sẵn có” kể từ sau đại dịch.

Tại Việt Nam, trong thời gian diễn ra dịch COVID-19, ngoài 30 triệu liều vắc-xin COVID-19 đã đặt mua của AstraZeneca, sau đó nước ta đã tiếp nhận vắc-xin AstraZeneca qua các chương trình tài trợ. Đã có hàng chục triệu liều vắc-xin của AstraZeneca được tiêm chủng tại Việt Nam

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, PGS-TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho biết hiện Việt Nam đã không còn vắc-xin COVID-19 của AstraZeneca. Những liều vắc-xin cuối cùng đã sử dụng tiêm chủng trước tháng 7-2023.

Trước đó, tháng 2-2023, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã phân bổ hơn 800.000 liều vắc-xin AstraZeneca có hạn dùng đến tháng 7-2023 cho các địa phương để triển khai tiêm chủng mũi nhắc lại cho người từ 18 tuổi trở lên.

Hiện, Việt Nam chỉ còn một lượng nhỏ vắc-xin COVID-19 của Pfizer có hạn dùng đến cuối tháng 9-2024 để dự phòng tiêm chủng cho đối tượng nguy cơ cao.

Vắc-xin COVID-19 của hãng AstraZeneca vào Việt Nam từ tháng 2-2021 và là vắc-xin phòng COVID-19 đầu tiên được phê duyệt nhập khẩu có điều kiện vào Việt Nam từ tháng 2-2021.

Đây cũng là loại vắc-xin được Tổ chức Y tế thế giới đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Thời điểm tiêm mũi vắc-xin AstraZeneca cuối cùng ở Việt Nam là khi nào?

Thông tin AstraZeneca mới đây thừa nhận vắc-xin COVID-19 có thể gây cục máu đông (còn gọi là huyết khối) kèm hội chứng giảm tiểu cầu khiến nhiều người dân hoang mang và lo lắng, dù hãng dược này khẳng định đây là trường hợp “rất hiếm gặp”.

Thời điểm tiêm mũi vắc-xin AstraZeneca cuối cùng ở Việt Nam là khi nào?- Ảnh 1.

Vắc-xin ngừa COVID-19 của AstraZeneca.

Phản ứng phụ của vắc-xin AstraZeneca từng được cảnh báo

PGS-TS Phạm Quang Thái, Phó trưởng Khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho biết thực tế trong thời gian đầu loại vắc-xin này được triển khai tiêm chủng ở các nước châu Âu, người ta đã nhận thấy một tỉ lệ nhất định người sau tiêm có hiện tượng xuất hiện cục máu đông.

Do đó, Ủy ban Dược phẩm châu Âu (EMA) đã ngừng tiêm chủng để tiến hành kiểm tra. Tuy nhiên, sau kiểm tra nhận thấy tỉ lệ này rất thấp và gần như không có khác biệt có ý nghĩa thống kê khi so với tỉ lệ mắc trước khi tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 (số liệu 2019 trở về trước).

Cũng theo PGS Thái, vấn đề huyết khối ghi nhận cơ bản chỉ xảy ra trong vòng 1 tháng sau khi tiêm và hầu hết sau mũi vắc-xin đầu tiên.

“Đến nay, phần lớn người dân đã tiêm vắc-xin AstraZeneca COVID-19 cách đây 2-3 năm, chỉ một số rất nhỏ gặp hiện tượng huyết khối và cũng được điều trị ổn. Do đó, cũng không cần lo ngại bị tác dụng phụ dẫn đến hình thành cục máu đông và không nên tự ý làm các xét nghiệm đông máu”- PGS Thái nói.

PGS Thái cho biết thuyên tắc huyết khối kèm theo giảm tiểu cầu hay hội chứng giảm tiểu cầu, huyết khối là bệnh lý hiếm gặp với tỉ lệ trung bình khoảng 5,6-10,7 trường hợp/1 triệu dân (cứ mỗi 21 ngày – số liệu trước 2019) và có tỉ lệ cao hơn ở các nước Châu Âu.

Sau khi vắc-xin COVID-19 AstraZeneca được triển khai tại châu Âu, trường hợp đầu tiên được phát hiện vào tháng 3-2021. Một số trường hợp tiếp theo sau đó được báo cáo và Nhóm chuyên gia tư vấn chiến lược về tiêm chủng của WHO đã nghiên cứu, đánh giá.

Thời điểm tiêm mũi vắc-xin AstraZeneca cuối cùng ở Việt Nam là khi nào?- Ảnh 2.

Tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 cho người dân

Trên cơ sở đó, ngày 21-4-2021, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra khuyến cáo đây là phản ứng hiếm gặp sau tiêm vắc-xin AstraZeneca. Cụ thể, tình trạng giảm tiểu cầu, huyết khối miễn dịch, đông máu rải rác trong lòng mạch xuất hiện từ 3 – 21 ngày sau tiêm vắc-xin và thường sau liều vắc-xin đầu tiên. Phần lớn các trường hợp gặp ở khu vực châu Âu.

Vì vậy, WHO khuyến cáo tại các quốc gia xuất hiện sự lây truyền của virus SARS-CoV-2, lợi ích của việc tiêm chủng vắc-xin COVID-19 trong phòng chống các biến chứng nghiêm trọng của bệnh là vượt trội hơn rủi ro phản ứng sau tiêm, trong đó có hội chứng giảm tiểu cầu, huyết khối liên quan đến vắc-xin.

PGS Thái cho biết ngay sau khi nhận được các thông tin về trường hợp thuyên tắc huyết khối kèm theo giảm tiểu cầu sau khi tiêm vắc-xin COVID-19 AstraZeneca, Bộ Y tế đã xây dựng và ban hành hướng dẫn chẩn đoán và điều trị hội chứng giảm tiểu cầu, huyết khối sau tiêm vắc-xin COVID-19. Bộ Y tế cũng nêu trong hướng dẫn là biểu hiện lâm sàng này thường xảy ra 4 đến 28 ngày sau khi tiêm.

Vắc-xin AstraZeneca là một trong những vắc-xin COVID-19 được sử dụng rộng rãi tại Việt Nam và nhiều quốc gia. Đến nay, Việt Nam đã triển khai an toàn 74,3 triệu mũi tiêm vắc-xin AstraZeneca trên toàn quốc cho đối tượng từ 18 tuổi trở lên. Các mũi tiêm vắc-xin AstraZeneca cuối cùng tiêm cho người dân được thực hiện trước tháng 7-2023.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Bộ Y tế nói gì về nguy cơ đông máu khi tiêm vắc-xin COVID-19 của AstraZeneca?

Liên quan đến thông tin vắc-xin Astra Zeneca ngừa COVID-19 đang bị cáo buộc gây ra tác dụng hiếm gặp có khả năng dẫn đến đông máu, ngày 3-5, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết đây là tác dụng phụ mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) từng cảnh báo khi tổ chức tiêm vắc-xin COVID-19 của Astra Zeneca.

Bộ Y tế nói gì về nguy cơ đông máu khi tiêm vắc-xin COVID-19 của AstraZeneca?- Ảnh 1.

Vắc-xin COVID-19 của AstraZeneca

“Khi bắt đầu đưa vắc-xin và Việt Nam chúng tôi đã có cảnh báo và khi xây dựng quy trình tiêm chủng đều có có kiểm tra, giám sát sức khỏe trước và sau tiêm vắc-xin”- PGS Khuê nói.

PGS Khuê cho biết đến thời điểm này hầu hết mọi người đã tiêm vắc-xin Astra Zeneca ngừa COVID-19 đã được tổ chức vài năm.

Vắc-xin ngừa COVID-19 cũng được khuyến cáo tiêm nhắc lại như vắc-xin cúm và tiêm hàng năm nên nếu có phản ứng thì thời điểm này đã hết tác dụng, do đó người dân không nên quá lo lắng về tác dụng phụ sau tiêm vắc-xin dẫn đến đông máu.

Những ngày qua, hãng dược phẩm AstraZeneca thừa nhận vắc-xinCOVID-19 có thể gây tác dụng phụ hiếm gặp dẫn đến cục máu đông .

Trong thời gian diễn ra dịch COVID-19 (giai đoạn 2021-2022), Việt Nam đã đặt mua của AstraZeneca 30 triệu liều vắc-xin Sau đó, Việt Nam cũng rải rác tiếp nhận vắc-xin AstraZeneca qua các chương trình tài trợ.

Số vắc-xin này đã góp phần vào thành công trong chiến dịch tiêm chủng vắc-xin COVID-19 nhằm chặn đứng dịch COVID-19 trong năm 2022. Hàng trăm triệu lượng người đã được tiêm từ 2-4 liều vắc-xin COVID-19, bao gồm vắc-xin AstraZeneca, Pfizer…

Bộ Y tế nói gì về nguy cơ đông máu khi tiêm vắc-xin COVID-19 của AstraZeneca?- Ảnh 2.

Tiêm vắc-xin COVID-19 cho người dân

Đến nay, nước ta đã tiêm hơn 266,5 triệu liều vắc-xin COVUD-19. Việt Nam là một trong những quốc gia có tỉ lệ bao phủ vắc-xin COVID-19 cao nhất thế giới với tỉ lệ tiêm đủ mũi cơ bản cho người từ 12 tuổi trở lên đạt gần 100%, tỉ lệ tiêm mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên có nguy cơ cao đạt 89,6%.

Đầu năm 2024, đại diện Bộ Y tế cũng cho biết Việt Nam hiện còn hơn 400.000 liều vắc-xin ngừa COVID-19 của Pfizer hạn dùng đến tháng 9-2024.

Theo hướng dẫn mới nhất của WHO có 3 đối tượng ưu tiên tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 là người cao tuổi từ 50 tuổi trở lên có bệnh lý nền (tiêm nhắc lại vào thời điểm 9-12 tháng sau mũi cuối cùng), sau đó là phụ nữ mang thai, người chưa tiêm vắc-xin mũi nào.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

close(x)
close(x)