May 20, 2024

Cách bất ngờ để ăn những món “dễ mập” mà không sợ tăng cân

Lý thuyết “ai cũng biết” là những món giàu chất béo bão hòa như các loại thức ăn nhanh hấp dẫn, một thanh chocolate sữa ngọt ngào hay món ăn từ sữa, kem sữa béo ngậy dễ làm tăng cân.

Nhưng một số người có vẻ như ăn các món trên thoải mái hơn người khác mà vẫn “mình dây”, chỉ số mỡ máu, đường huyết… ít bị ảnh hưởng. Các nhà khoa học Anh đã chỉ ra lý do.

Cách bất ngờ để ăn những món

Các món ăn giàu chất béo bão hòa thường gắn liền với nỗi ám ảnh tăng cân – Ảnh: AI

Theo Daily Mail, nhóm nghiên cứu từ Đại học Aberdeen (Scotland – Anh) đã tiến hành thí nghiệm trên 2 nhóm tình nguyện viên.

Một nhóm là các vận động viên nam khỏe mạnh, một nhóm là bệnh nhân tiểu đường type 2.

Trong vòng 2 tuần, nhóm vận động viên nam – trước đây tập luyện mạnh mẽ trung bình 9,5 giờ/tuần – được yêu cầu không tập gì nữa.

Trong khi đó, các bệnh nhân tiểu đường nỗ lực rèn luyện lên đến 5 giờ/tuần.

Trước và sau khi thay đổi lối sống, các tình nguyện viên nhận được một lượng nhỏ chất béo khác nhau thông qua một mũi tiêm và chụp MRI để xem chất béo hoạt động như thế nào bên trong tế bào cơ của họ.

Sau 2 tuần, những bệnh nhân tiểu đường type 2 này đã giảm giảm cân, giảm đường huyết, cải thiện độ nhạy insulin và các chỉ số mỡ máu như cholesterol, chất béo trung tính.

Tất cả là nhờ cơ thể của họ đã chuyển sang ưu tiên sử dụng chất béo bão hòa làm nguồn năng lượng ưa thích cho các hoạt động sống.

Đối với các vận động viên, cơ thể họ vốn đã ưa chuộng sử dụng chất béo bão hòa từ trước, nhưng 2 tuần không tập luyện đã kéo giảm cơ chế này về mức bằng với những bệnh nhân tiểu đường type 2 tập luyện siêng năng trong 2 tuần.

Nhìn chung, nghiên cứu chỉ ra việc giữ hình thể đẹp mà vẫn ăn uống khá thoải mái các món “dễ mập” không phải là “huyền thoại”.

Hầu hết các khuyến nghị sức khỏe từ các cơ quan y tế hàng đầu trên thế giới khuyến nghị khoảng 150 phút hoạt động thể chất trung bình hoặc 75 phút hoạt động thể chất mạnh mẽ mỗi tuần để giữ sức khỏe.

Tuy nhiên rõ ràng để khỏe, đẹp dễ dàng hơn người khác, bạn sẽ cần siêng năng hơn ở mức tối thiếu 5 giờ tập/tuần.

Sức khỏe – Tổng hợp tin Sức khỏe mới nhất trong ngày

Ăn món rất tốt này sai cách, tăng nguy cơ ung thư

Viết trên European Journal of Nutrition, nhóm tác giả từ Viện Kiểm soát ung thư thuộc Trung tâm Ung thư quốc gia Nhật Bản cho biết có những bằng chứng cho thấy tiêu thụ cá và động vật có vỏ được cho là yếu tố bảo vệ khỏi bệnh ung thư nói chung.

Tuy nhiên, dường như ở một số người, thói quen này lại phản tác dụng đối với bệnh ung thư dạ dày. Vì vậy, họ đã đi tìm nguyên nhân.

Ăn món rất tốt này sai cách, tăng nguy cơ ung thư - Ảnh 1.

Cá tươi tốt cho sức khỏe, nhưng cá khô chứa nhiều muối có thể gây hại – Ảnh đồ họa AI

Dữ liệu của hơn 90.000 tình nguyện viên đã được phân tích và có 2.701 trường hợp ung thư dạ dày phát sinh trong thời gian theo dõi trung bình là 15 năm.

Các món ăn được xem xét đến bao gồm cá tươi, cá muối (theo cách gọi của người Việt là khô cá) và các động vật có vỏ khác.

Các kết quả cho thấy một món duy nhất làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày là cá muối. Trong đó, nguy cơ ung thư dạ dày ở nhóm nam giới ăn nhiều cá muối nhất cao hơn đến 43% đối với người hiếm hoặc không ăn.

Đối với phụ nữ, những người ăn nhiều cá muối nhất bị tăng nguy cơ 33%.

Trái lại, những phụ nữ ăn nhiều thực phẩm chứa PUFA n-3 từ biển – một axit béo có trong cá và các loại hải sản – sẽ giảm nhẹ nguy cơ ung thư dạ dày.

Những bằng chứng khoa học trước đó cho thấy độ mặn của các món cá được ướp muối rồi phơi/sấy này có thể là nguyên nhân.

Nồng độ muối cao ở vùng trong dạ dày có thể phá hủy hàng rào niêm mạc, gây viêm và tổn thương.

Điều này sẽ dẫn đến các triệu chứng như xói mòn lan tỏa và thoái hóa niêm mạc, có thể gây ra những thay đổi tăng sinh và tăng cường tác dụng của các yếu tố gây ung thư có nguồn gốc từ thực phẩm.

Tổn thương niêm mạc cũng có thể làm tăng sự xâm nhập của vi khuẩn HP, một trong những nguyên nhân làm tăng nguy cơ dạ dày.

Trong khi đó, bản thân cá tươi – nhất là nhóm cá dầu (cá béo) – là một thực phẩm được chứng minh là tốt về nhiều mặt, nhiều chất dinh dưỡng tốt và chất chống oxy hóa, có thể giúp đẩy lùi các bệnh tim mạch, chuyển hóa, ung thư, cải thiện chức năng sinh lý….

Tuy nhiên nghiên cứu mới cho thấy việc biến nó thành món cá giàu muối có thể hủy hoại các tác dụng có lợi của siêu thực phẩm này.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Cách đơn giản giúp ngừa đột quỵ, đau tim

Theo một nghiên cứu vừa được trình bày tại ESC Tim mạch dự phòng 2024 – một hội nghị khoa học của Hiệp hội Tim mạch Châu Âu (ESC) – leo cầu thang có liên quan đến việc kéo dài tuổi thọ, phòng ngừa nhồi máu cơ tim (đau tim), suy tim, đột quỵ tốt đến không ngờ.

Cách đơn giản giúp ngừa đột quỵ, đau tim- Ảnh 1.

Đi thang bộ mỗi khi có thể sẽ giúp bạn “bù đắp” việc thiếu vận động – Ảnh đồ họa AI

Bệnh tim mạch phần lớn có thể phòng ngừa được thông qua các hoạt động như tập thể dục. Tuy nhiên, hơn một phần tư người lớn trên toàn thế giới không đáp ứng được mức độ hoạt động thể chất được khuyến nghị.

Leo cầu thang là một hình thức hoạt động thể chất thiết thực và dễ tiếp cận nhưng thường bị bỏ qua.

“Ngay cả những đợt hoạt động thể chất ngắn cũng có những tác động có lợi cho sức khỏe và những đợt leo cầu thang ngắn sẽ là mục tiêu có thể đạt được” – TS Sophie Paddock, từ Đại học East Anglia và Norfolk và Tổ chức Bệnh viện Đại học Norwich (Anh), tác giả chính, cho biết.

Dữ liệu của hơn 480.000 người từ 35 đến 84 tuổi đã được nhóm của TS Paddock đưa vào phân tích để tìm ra liệu việc leo cầu thang tác động như thế nào đến nguy cơ tử vong sớm.

So với việc không leo cầu thang, leo cầu thang có liên quan đến việc giảm 24% nguy cơ tử vong do bất kỳ nguyên nhân nào

Riêng nguy cơ tử vong vì bệnh tim mạch thấp hơn đến 39% – bao gồm tử vong vì các biến cố chết người hàng đầu như nhồi máu cơ tim, suy tim, đột quỵ.

Leo cầu thang cũng có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch nói chung.

Dựa trên những kết quả này, các tác giả khuyến khích mọi người kết hợp việc leo cầu thang vào cuộc sống hàng ngày của họ.

Nghiên cứu cũng cho thấy rằng càng leo nhiều cầu thang thì lợi ích càng lớn, đo đó TS Paddock khuyên rằng bạn nên tận dụng mọi chiếc cầu thang bạn gặp trong ngày: Ở nhà, tại cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại… thay vì dùng thang máy.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Hai cách tập thể dục “lạ” nhưng rất hiệu quả để khống chế tiểu đường

Trong một nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Nutrients, các tác giả từ Đại học Foro Italico ở Rome – Ý chỉ ra tập thể dục trước và sau bữa ăn một khoảng thời gian nhất định sẽ rất hiệu quả để hạn chế tình trạng đường huyết biến động.

Điều này đặc biệt quan trọng đối với bệnh nhân tiểu đường type 2, một vấn đề đang ảnh hưởng đến 463 triệu người trưởng thành toàn cầu, theo thống kê từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào năm 2021.

Hai cách tập thể dục "lạ" nhưng rất hiệu quả để khống chế tiểu đường- Ảnh 1.

Tập thể dục một chút sau bữa ăn chừng 15-30 phút sẽ đem đến tác dụng đặc biệt lên đường huyết – Ảnh đồ họa AI

Theo các tác giả, tập thể dục cải thiện lưu lượng máu trong các cơ hoạt động và huy động vi mạch, do đó làm tăng sự hấp thu glucose và giảm mức độ của nó trong máu.

Tuy nhiên, tình trạng dinh dưỡng tại thời điểm tập luyện là yếu tố quyết định sự biến động của lượng đường trong máu.

Hiệu quả của việc tập thể dục, đặc biệt là khi thực hiện 12-16 giờ trước khi ăn, sẽ ít hơn đáng kể đối với việc kiểm soát đường huyết cấp tính.

Vì vậy, tập thể dục nhịp điệu hoặc tập sức đề kháng cường độ vừa phải 20-45 phút trước bữa ăn là tốt nhất ngừa tăng đường huyết quá cao sau bữa ăn.

Tập thể dục trước bữa ăn gây ra sự nhạy cảm với insulin và quá trình oxy hóa chất béo bằng cách thúc đẩy quá trình phân giải glycogen, sau đó ổn định lượng đường trong máu và ngăn ngừa được hạ đường huyết mà người mắc tiểu đường cũng thường gặp.

Trong khi đó, các hướng dẫn hoạt động thể chất gần đây dành cho người mắc bệnh tiểu đường type 2 khuyến nghị nên tập thể dục sau bữa ăn để kiểm soát hiệu quả lượng đường huyết sau bữa ăn.

Đối với người khỏe mạnh, nồng độ glucose đạt đỉnh 30-60 phút sau khi ăn. Tuy nhiên, mức glucose đạt đỉnh 60-120 phút sau bữa ăn ở những người mắc bệnh tiểu đường.

Ít phút đi bộ với cường độ vừa phải hay đạp xe vào thời điểm khoảng 15-30 phút sau khi ăn rất có lợi với người bệnh tiểu đường lẫn người khỏe mạnh.

Như vậy, tập thể dục vào bất cứ thời điểm nào tương đối gần bữa ăn đều đem lại lợi ích tốt hơn cho người bệnh tiểu đường.

Cũng theo phân tích mới này, các buổi tập nên kéo dài khoảng 30-60 phút để đạt được hiệu quả.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Bảy cách đơn giản để bạn sống lâu thêm 4-10 năm

Tờ Daily Mail đã tổng hợp các biện pháp được chứng minh là giúp con người sống lâu hơn, thông qua các nghiên cứu khoa học đã được công bố chính thức.

1. Ăn nhiều trái cây, đậu, hạt và ngũ cốc nguyên cám: +10,8 năm

Nếu xét theo giới tính, tuổi thọ được cộng thêm nhờ chế độ ăn uống lành mạnh này lên đến 10,9 năm đối với nam giới, trong khi với nữ giới là 10,4 năm.

Bảy cách đơn giản để bạn sống lâu thêm 4-10 năm- Ảnh 1.

Các loại đậu – hạt, trái cây, ngũ cốc nguyên cám… rất tốt cho sức khỏe – Ảnh đồ họa AI

Đó là kết quả từ một nghiên cứu đa quốc gia, công bố trên tạp chí khoa học Nature vào năm 2023, sử dụng bộ dữ liệu khổng lồ từ Biobank (ngân hàng dữ liệu sinh học của Anh).

Để đạt được hiệu quả, ngoài ăn nhiều trái cây, đậu, hạt và ngũ cốc nguyên cám, bạn cũng cần cắt giảm thịt đỏ và thịt chế biến sẵn.

2. Bỏ thuốc lá: + 10 năm

Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, sau 5-10 năm bỏ thuốc lá, nguy cơ ung thư vốn rất cao ở những người hút thuốc sẽ giảm một nửa. Đến 20 năm sau, nguy cơ ung thư của họ sẽ trở lại bằng với người không hút thuốc.

Do vậy, họ sẽ lấy lại 10 năm tuổi thọ có thể đã mất vì hút thuốc.

3. Giữ vòng eo nhỏ: + 5 năm

Một nghiên cứu công bố trên tạp chí Mayo Clinical Proceeedings cho thấy nam giới có vòng eo trên 109 cm và nữ giới có vòng eo trên 94 cm sẽ mất đi lần lượt 3 và 5 năm sống. Vì vậy, giữ vòng eo nhỏ cũng là cách để sống lâu.

Bảy cách đơn giản để bạn sống lâu thêm 4-10 năm- Ảnh 2.

Thể dục bằng cách chạy bộ, đi bộ… giúp tăng tuổi thọ theo nhiều cách – Ảnh đồ họa AI

4. Tham gia các trò chơi “hack não”: + 10 năm

Một nghiên cứu từ Đại học Exeter và Đại học King’s London (Anh) trên 20.000 người trên 50 tuổi cho thấy rèn luyện bộ não nhạy bén bằng các trò chơi đố chữ, đố số, xếp hình… sẽ giúp chống lại Alzheimer và các vấn đề não bộ khác, từ đó giúp bạn sống lâu thêm 10 năm.

5. Ngủ ngon: + 4,7 năm

Một nghiên cứu từ Trường Y khoa Havard (Mỹ) cho thấy ngủ đủ 7-9 giờ mỗi đêm có thể giúp bảo vệ sức khỏe tim mạch, hệ nội tiết, miễn dịch, thần kinh, giảm nguy cơ trầm cảm và ung thư… Từ đó, tuổi thọ của nam giới có thể tăng 4,7 năm, phụ nữ tăng 2,4 năm.

6. “Yêu” thường xuyên: + 7 năm

Một phân tích tổng hợp của TS David Weeks từ Bệnh viện Hoàng gia Edinburgh cho thấy quan hệ tình dục thường xuyên có thể giúp bạn sống lâu thêm 4-7 năm.

Bảy cách đơn giản để bạn sống lâu thêm 4-10 năm- Ảnh 3.

“Giữ lửa” chăn gối là một cách giúp các cặp đôi sống lâu hơn – Ảnh đồ họa AI

7. Bước ít nhất 4.000 bước/ngày: + 4,4 năm

Một nghiên cứu từ Ba Lan công bố trên tạp chí Jornal of Aging Reasearch cho thấy với ít nhất 4.000 bước mỗi ngày hoặc các hoạt động thể chất tương đương, bạ có thể cộng thêm từ 3,9-4,4 năm sống.

8. Uống đủ nước: + 15 năm?

Một số thí nghiệm trên chuột cho thấy tình trạng mất nước nhẹ cũng đủ làm chúng giảm tuổi thọ khoảng 6 tháng, tương đương 15 năm sống với con người.

Tất nhiên, cần thêm các nghiên cứu lâm sàng để đưa ra con số chính xác, nhưng về cơ bản thiếu nước đã được chứng minh là liên quan đến nhiều tình trạng sức khỏe đáng ngại, bao gồm dễ sốc nhiệt trong mùa nắng nóng, điều có thể dẫn đến trụy tim.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Nhìn mọi vật theo cách này, 12 năm sau coi chừng bệnh nan y

Một nghiên cứu dựa trên 8.623 người khỏe mạnh ở hạt Norfolk nước Anh đã chỉ ra phương pháp sàng lọc mới nhắm vào nhóm bệnh nan y đang khiến cả thế giới lo ngại: Mất trí nhớ.

Nhìn mọi vật theo cách này, 12 năm sau coi chừng bệnh nan y- Ảnh 1.

Khả năng “nhanh mắt” kém hơn người khác có thể là một trong các dấu hiệu dự báo nguy cơ khởi phát các bệnh mất trí nhớ, một nhóm bệnh nan y, chưa có thuốc điều trị thực sự hiệu quả – Ảnh đồ họa AI

Viết trên chuyên san khoa học The Conversation, nhóm tác giả từ Đại học Loughborough (Anh) cho biết khi bắt đầu cuộc nghiên cứu, họ đã yêu cầu các tình nguyện viên thực hiện bài kiểm tra khả năng “nhanh mắt”.

Cụ thể, các tình nguyện viên được yêu cầu nhấn nút ngay khi một hình tam giác hình thành trong một trường có các chấm chuyển động.

Những người phản ứng chậm với nhiệm vụ này nhất có nguy cơ rơi vào nhóm mắc bệnh mất trí nhớ 12 năm sau đó, khi cuộc nghiên cứu kết thúc.

Theo các tác giả, các vấn đề về thị giác có thể là dấu hiệu sớm của sự suy giảm nhận thức vì các mảng amyloid độc hại liên quan đến bệnh Alzheimer có thể tác động đến vùng não liên quan đến thị giác trước tiên, sau đó mới đến phần não liên quan đến trí nhớ.

Một số khía cạnh của quá trình xử lý hình ảnh được biết đến là bị ảnh hưởng bởi bệnh Alzheimer, chẳng hạn như khả năng nhìn thấy các đường viền của vật thể hoặc khả năng phân biệt giữa một số màu nhất định.

Những điều này có thể ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày từ lâu mà người bệnh không nhận thấy.

Một dấu hiệu ban đầu khác của bệnh Alzheimer là sự thiếu hụt khả năng kiểm soát ức chế chuyển động mắt, do đó người có dấu hiệu bệnh này thường gặp vấn đề trong việc bỏ qua các kích thích gây mất tập trung.

Ngoài ra, một số người sẽ có xu hướng gặp rắc rối trong quá trình nhận diện khuôn mặt.

Tuy vậy, có một tin vui một số bằng chứng cũng cho thấy việc làm cho mắt chuyển động cũng góp phần giả nguy cơ mất trí nhớ, ví dụ việc đọc nhiều hơn hoặc xem ti vi một cách tập trung.

Mất trí nhớ – trong đó Alzheimer chiếm phần đa số – là nhóm bệnh nan y, hiện vẫn chưa có phương pháp điều trị thực sự hiệu quả. Chỉ mới có vài loại thuốc được Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) của Mỹ phê duyệt năm 2023, tuy nhiên hiệu quả còn rất hạn chế.

Trong khi đó, Alzheimer và các loại mất trí nhớ khác hiện đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp hàng thứ 7 trong 10 nguyên nhân gây tử vong sớm phổ biến nhất toàn cầu và dự báo sẽ sớm “thăng hạng” trong vài thập kỷ tới.

Một số biện pháp phòng ngừa được các nghiên cứu khoa học chỉ ra bao gồm giữ cho đầu óc bạn hoạt động trơn tru bằng cách đọc sách, chơi cờ, làm các nhiệm vụ trí óc khác, duy trì các mối quan hệ xã hội, tập định hướng trên những cung đường lạ, ăn uống lành mạnh…

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Cảnh báo rối loạn nhân cách ở trẻ

Là con lớn trong gia đình, từ nhỏ T.L.L đã có tính cách bướng bỉnh và được bố mẹ rất chiều chuộng. Khoảng 3 năm nay, do áp lực trong học tập, bố mẹ thường hay mâu thuẫn về việc học của con khiến L. luôn cảm thấy căng thẳng, bức bối, khó kiềm chế cảm xúc, dễ nổi nóng, cáu gắt với mọi người.

Ngược đãi bản thân để được chú ý

Lên lớp 9, L. thiếu tập trung, sao nhãng trong học tập nên học lực dần sa sút. L. thường tự gây sự vô cớ với bạn bè trên lớp, cáu gắt, mắng chửi em gái. Người mẹ cho biết gần đây thấy con ăn ngủ thất thường, lấy dao rọc giấy rạch vào cẳng tay tự làm tổn thương bản thân. Các vết rạch ngày càng sâu, tổn thương nhiều hơn. Bất lực khi con quá bướng bỉnh, lì lợm, thậm chí người mẹ đã dùng đủ các biện pháp từ nhẹ nhàng đến “thiết quân luật” nhưng vẫn không có tác dụng. Gần đây, thấy con có nhiều biểu hiện bất thương nên đã đưa đến Viện Sức khỏe tâm thần – Bệnh viện Bạch Mai điều trị.

Trao đổi với bác sĩ, bệnh nhân cho biết luôn có cảm giác lo sợ bản thân mình sẽ bị bỏ rơi, sợ bố mẹ không yêu thương mình như trước, nhiều lúc có cảm giác trống rỗng, bị bỏ rơi nên sống thu mình, ít giao tiếp với người thân, bạn bè. Bệnh nhân cũng cho biết trước đó đã lên mạng lập nhiều nhóm nhằm chia sẻ những tiêu cực và hướng dẫn cách giải tỏa cảm xúc bằng việc tự gây thương tích.

Cảnh báo rối loạn nhân cách ở trẻ- Ảnh 1.

Theo các bác sĩ, nên can thiệp sớm khi phát hiện người thân có dấu hiệu rối loạn nhân cách ranh giới

Bác sĩ Nguyễn Hoàng Yến, Phòng Tâm thần nhi – vị thành niên – Viện Sức khỏe Tâm thần, cho biết sau khi thăm khám, bệnh nhân được chẩn đoán mắc rối loạn nhân cách ranh giới có hành vi tự sát, tự hủy hoại bản thân. Sau 2 tuần điều trị nội trú, cảm xúc ổn định hơn, hợp tác hơn, không có hành vi bất thường. Bác sĩ đã nhận thấy sự lúng túng của bố mẹ trong việc phân biệt bướng bỉnh do sinh lý tuổi vị thành niên với sự bướng bỉnh do bệnh lý.

Đáng chú ý, những trường hợp trẻ ở tuổi “ẩm ương” có những tính cách nổi loạn, tự hủy hoại bản thân như trường hợp bệnh nhân L. đang xảy ra khá nhiều. Đôi khi cha mẹ thiếu để ý đến tâm sinh lý của con mình dẫn đến việc điều trị muộn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tương lai của con, thậm chí trẻ tự hủy hoại bản thân mất kiểm soát gây thương tích nặng hay có những hành vi tự tử.

Theo bác sĩ Yến, nếu trẻ bướng bỉnh do sinh lý thì khi qua tuổi nổi loạn trẻ sẽ hết bướng. Tuy nhiên, nếu là vấn đề bệnh lý, tâm lý bướng bỉnh sẽ xuất hiện trong thời gian dài và trẻ sẽ có những hành vi bất thường như tự làm tổn thương chính mình. Mệt mỏi, căng thẳng, thậm chí bế tắc vì sự lì lợm, ương bướng của con nhưng nhiều cha mẹ chỉ cho rằng đó chỉ là sự “nổi loạn” tuổi dậy thì, không nghĩ đó là tình trạng rối loạn tâm thần.

Bệnh phát hiện muộn, dễ nhầm lẫn

Bác sĩ Lê Công Thiện, Phó trưởng Bộ môn Tâm thần Trường Đại học Y Hà Nội, cho biết rối loạn nhân cách ranh giới thường gặp ở trẻ vị thành niên nhiều hơn người trưởng thành và dễ nhầm lẫn với trầm cảm bởi người bệnh cũng có những triệu chứng liên quan đến trầm cảm.

Khi bị tình trạng này, người bệnh thường thay đổi hành vi, cảm xúc rất nhanh, có thể đang vui nhưng buồn ngay và ngược lại. Ngoài ra, người bệnh có tính cách bốc đồng, hành vi tự hủy hoại xuất hiện bộc phát, nghĩ đến làm ngay. Trong khi đó, người trầm cảm dù cũng có hành vi tự sát nhưng trước đó họ luôn tìm cách để lý giải sau đó mới xuất hiện hành vi.

Ngoài các yếu tố di truyền, sử dụng thuốc thì môi trường cũng là yếu tố nguy cơ khiến trẻ dễ bị rối loạn nhân cách ranh giới. Điển hình như việc bị ngược đãi trong gia đình, cha mẹ thường xuyên xung đột với nhau hoặc xung đột với con cái. Tất cả những điều này đều âm thầm tác động đến tâm lý trẻ, nhất là trong lứa tuổi vị thành niên có nhiều thay đổi cả về thể chất và tâm lý.

Theo bác sĩ Thiện, rối loạn nhân cách ranh giới thường được phát hiện muộn, dễ nhầm lẫn với bệnh khác. Nhiều trường hợp đưa đến bệnh viện vì những lý do, triệu chứng khác nhau nhưng khi khai thác sâu mới hướng đến chẩn đoán bị rối loạn nhân cách ranh giới. Do không nhận biết được sớm nên triệu chứng tồn tại âm ỉ, từ đó ảnh hưởng rất lớn đến kết quả học tập cũng như sự hình thành nhân cách, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng của người bệnh khi họ có hành vi tự hủy hoại bản thân.

Các bác sĩ cũng cho biết người bệnh rối loạn nhân cách ranh giới nếu đáp ứng tốt điều trị có thể khỏi bệnh. Phương pháp điều trị phổ biến nhất cho người mắc chứng rối loạn này là liệu pháp tâm lý. Ngoài ra, thuốc chống loạn thần, trầm cảm, chống lo âu cũng được dùng để giảm một số triệu chứng của bệnh. Ở một số trường hợp, người mắc rối loạn nhân cách ranh giới có thể phải nhập viện để điều trị chuyên sâu, nhằm ngăn họ tự gây thương tích hoặc thực hiện hành vi tự tử. Trong trường hợp này, cha mẹ nên theo dõi con thật sát, chú ý xem trẻ có đang gặp vấn đề gì không, trải qua biến cố như chuyển cấp, chuyển trường, gia đình có biến cố… Sau đó, cha mẹ nên chia sẻ với trẻ, nhận biết mức độ mà con đang gặp phải, nhờ đến sự tư vấn của bác sĩ.

“Chúng tôi khuyến cáo cha mẹ phải là người được tư vấn trước, bởi nhiều cha mẹ sẽ không nhận biết được rõ hoặc làm trầm trọng vấn đề hơn thực tế. Không ít trường hợp chúng tôi phải tư vấn, giải quyết vấn đề tâm lý của cha mẹ trước khi tư vấn cho trẻ” – bác sĩ Thiện lưu ý. 

Phổ biến ở thanh thiếu niên

Theo Viện Sức khỏe tâm thần, rối loạn nhân cách ranh giới là một rối loạn tâm thần ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng điều chỉnh cảm xúc. Bệnh này phổ biến ở thanh thiếu niên, chiếm 11% ở bệnh nhân tâm thần ngoại trú và lên đến 50% ở bệnh nhân nội trú. Nguyên nhân mắc chứng bệnh này là do di truyền; thay đổi dẫn truyền thần kinh; rối loạn phát triển não bộ hoặc do môi trường sống.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Bác sĩ chỉ cách sơ, cấp cứu ai cũng có thể làm được

Bác sĩ chỉ cách sơ, cấp cứu ai cũng có thể làm được- Ảnh 1.

Bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai hướng dẫn kỹ năng sơ cứu, cấp cứu tai nạn

Mới đây, hình ảnh nữ điều dưỡng của Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai cứu mạng một du khách nước ngoài tại TP Đà Nẵng nhờ hồi sinh tim phổi đúng cách, kịp thời, đã nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân.

Ngoài lời khen, cảm ơn, nhiều người cho rằng việc cấp cứu ban đầu đúng cách để hồi sinh tim phổi là vô cùng cần thiết.

Cấp cứu đúng cách người gặp nạn

Ngày 5-4, Bệnh viện Bạch Mai tổ chức chương trình tuyền thông giáo dục sức khỏe chủ đề Hướng dẫn kỹ năng cấp cứu ngừng tuần hoàn tại cộng đồng.

Tại đây, bác sĩ Ngô Đức Hùng, Trung tâm Cấp cứu A9, đã hướng dẫn cách hồi sinh tim phổi cho người không may gặp nạn.

Theo bác sĩ Hùng, hồi sinh tim phổi gồm 2 giai đoạn là cơ bản và nâng cao. Hồi sinh tim phổi cơ bản dành cho cộng đồng và ngoài bệnh viện, còn hồi sinh tim phổi nâng cao dành cho các nhân viên y tế và bệnh viện có đầy đủ trang thiết bị hỗ trợ.

Vai trò của hồi sinh tim phổi cơ bản và hồi sinh tim phổi nâng cao là quan trọng như nhau.

Bác sĩ chỉ cách sơ, cấp cứu ai cũng có thể làm được- Ảnh 2.

Sơ cứu đúng sẽ giảm nguy cơ tàn phế, tử vong cho người bị nạn

Hồi sinh tim phổi cơ bản là bước đầu tiên trong cấp cứu ngừng tuần hoàn cho bệnh nhân. Việc này cần được thực hiện ngay lập tức bởi người chứng kiến, nhằm duy trì tuần hoàn và ôxy cho não và các cơ quan khác cho đến khi hồi sức tim phổi nâng cao hoặc các can thiệp khác được tiến hành bởi đội cấp cứu ngoại viện và nhân viên y tế.

Mục đích của sơ cấp cứu là nhằm giảm thiểu các trường hợp tử vong, hạn chế tổn thương thứ phát và tạo điều kiện cho nạn nhân hồi phục.

Để hỗ trợ cấp cứu cho người không may gặp nạn, cần tuân thủ theo các bước: Đánh giá hiện trường – Đánh giá ban đầu – Gọi trợ giúp – Thực hiện sơ cứu và vận chuyển.

Đầu tiên cần đảm bảo hiện trường an toàn cho bạn để tiến hành cấp cứu cho nạn nhân (cần quan sát nhanh tìm các yếu tố có thể nguy hiểm như: cháy nổ, nguồn điện, khí độc…).

Đánh giá sự thức tỉnh của nạn nhân: Kích thích và hỏi to xem liệu nạn nhân có ổn không. Nhìn vào lồng ngực và toàn thân để xem nạn nhân có cử động hoặc thở bình thường không?

“Đây là những bước đầu tiên sau khi tiếp cận cấp cứu cho người không may gặp nạn” – bác sĩ Hùng nói.

Bác sĩ chỉ cách sơ, cấp cứu ai cũng có thể làm được- Ảnh 3.

Ép tim để hồi sinh tim phổi cơ bản đối với nạn nhân bất tỉnh, không phát hiện nhịp thở và mạch

Sau khi đảm bảo an toàn, cần chú ý 3 trường hợp: Nạn nhân vẫn còn ý thức; nạn nhân bất tỉnh nhưng vẫn còn nhịp thở và bắt được mạch; nạn nhân bất tỉnh, ngừng thở và không có mạch.

Với từng trường hợp sẽ có cách cấp cứu cơ bản khác nhau:

– Đối với nạn nhân vẫn còn ý thức, tỉnh táo cần đưa về tư thế khiến người bị nạn cảm thấy dễ chịu nhất để hồi phục.

– Đối với nạn nhân bất tỉnh nhưng vẫn còn nhịp thở và mạch cần đưa về tư thế nằm nghiêng an toàn nếu như không có chấn thương về cột sống, nhằm bảo vệ nhịp thở.

– Với trường hợp nạn nhân có dấu hiệu ngừng tuần hoàn như thở ngáp hoặc không thở; không sờ thấy mạch ở cổ và bẹn; tím tái… cần phải tiến hành cấp cứu ngừng tuần hoàn ngay lập tức.

Đầu tiên cần gọi cấp cứu và đặt nạn nhân trên mặt phẳng cứng, để nạn nhân nằm ngửa. Khi ép tim cần lưu ý về vị trí, tốc độ cũng như cường độ ép.

Sau đó cứ 3 phút một lần dừng lại 5 giây bắt mạch. Nếu tim chưa đập lại, cần duy trì ép tim và hô hấp nhân tạo. Nếu tim đập lại vẫn tiếp tục hô hấp nhân tạo.

Sơ cấp cứu người bệnh trong trường hợp ngừng tuần hoàn và ngất xỉu

Tần số ép tim sẽ là 100-120 lần/phút, lực ép mạnh để lồng ngực lún xuống 5 cm. Vị trí ép đúng là nửa dưới xương ức hoặc giữa hai núm vú. Tư thế người ép là chân quỳ, trục cánh tay vuông góc với thân mình người bệnh.

Cứ 30 lần ép tim thì thực hiện 2 lần thổi ngạt. Đối với nhũ nhi cần điều chỉnh lực ép bằng cách dùng 2 ngón tay cái để ép.

“Tế bào não chỉ chịu đựng được trong khoảng thời gian khoảng 3-4 phút, sau đó sẽ tổn thương vĩnh viễn không có khả năng hồi phục. Lúc này phải nhanh chóng thực hiện kỹ thuật hồi sức tim phổi. Nếu thiếu máu quá lâu tế bào não sẽ tổn thương vĩnh viễn, nếu có thể sống thì người bệnh cũng sẽ chỉ sống một đời sống thực vật”- bác sĩ Hùng lưu ý.

Khi sơ cấp cứu cần chú ý kiểm soát đường thở của người bệnh. Cụ thể, cần tìm hiểu xem người bệnh có bị mắc dị vật, răng giả hay đờm dãi… hay không. Nếu có, cần làm thông thoáng đường thở cho người bệnh.

Bác sĩ chỉ cách sơ, cấp cứu ai cũng có thể làm được- Ảnh 4.

Tư thế nằm nghiêng an toàn của nạn nhân nếu như không có chấn thương về cột sống

Song song với việc sơ cấp cứu, cần gọi cấp cứu 115 bằng cách hô to yêu cầu mọi người xung quanh giúp đỡ. Nếu chỉ có một mình, cần bật chế độ loa ngoài để trao đổi thông tin và được hướng dẫn liên tục khi đang hỗ trợ nạn nhân.

Bác sĩ Hùng cũng lưu ý khi có người bị ngưng tim, tuyệt đối không được đổ nước, xoa dầu, cạo gió, không đâm kim, chích máu đầu ngón tay, ngón chân… làm trì hoãn quá trình sơ cứu. Khi nạn nhân chưa tỉnh táo hoàn toàn cũng không cho bệnh nhân ăn, uống, tránh đồ ăn, thức uống sặc vào đường thở.

Trong các vụ tai nạn lao động hay tai nạn giao thông, phải luôn chú ý tới cột sống cổ, để tránh trường hợp kể trên khiến bệnh nhân bị liệt hoàn toàn do sơ cứu sai cách.

“Đề phòng họ bị gãy đốt sống cổ, nên giữ cho họ nằm yên và cố định cổ bằng vật cứng như nẹp, mảnh gỗ, thậm chí bằng 2 viên gạch 2 bên, trước khi nhân viên y tế đến”- bác sĩ Hùng lưu ý.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Bé 2 tháng tuổi tổn thương thần kinh do bế bồng sai cách

Ngày 19-3, thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết trẻ nhập viện trong tình trạng tăng trương lực cơ liên tục, tím môi, thóp trước căng phồng, co giật, có dấu hiệu tăng áp lực nội sọ, nguy cơ tử vong cao.

Gia đình cho biết trước đó, trẻ không bị té ngã, chấn thương, chưa từng co giật.

Bé 2 tháng tuổi tổn thương thần kinh do bế bồng sai cách- Ảnh 1.

Trẻ bị tổn thương thần kinh do thói quen bế con đung đưa. Ảnh: Ngô Anh

Trẻ nguy kịch vì thói quen của người lớn

Bệnh nhi được chụp cộng hưởng từ sọ não, soi đáy mắt, kết quả cho thấy trẻ tụ máu dưới nhện lều tiểu não hai bên và liềm đại não, phù não lan tỏa các bán cầu não 2 bên, kèm xuất huyết võng mạc…, nghi do hội chứng rung lắc.

Trẻ được chuyển đến Khoa Điều trị tích cực nội khoa, được thở máy, cắt cơn co giật và điều trị tăng áp lực nội sọ, sử dụng nhiều thuốc khác.

Gia đình cho biết trước nhập viện 3 ngày, trẻ thường xuyên quấy khóc, được chăm sóc bế đung đưa để dỗ. Khi thấy trẻ có triệu chứng bú ít, kém linh hoạt, gia đình đưa trẻ vào bệnh viện cấp cứu.

Sau 7 ngày điều trị, dấu hiệu sinh tồn ổn định tuy nhiên, vẫn còn di chứng tăng trương lực cơ, giảm ý thức, nguy cơ cao để lại di chứng thần kinh lâu dài. Điều này gây ảnh hưởng nặng nề đến sự phát triển não bộ, tương tác xã hội của trẻ.

Bác sĩ Ngô Tiến Đông, Khoa Điều trị tích cực nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết hội chứng rung lắc là chấn thương não nghiêm trọng xảy ra ở trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ khi bị rung lắc mạnh.

Hội chứng này xảy ra phổ biến ở trẻ nhỏ dưới 1 tuổi, đặc biệt trong giai đoạn từ 2-4 tháng tuổi. Đó là thời điểm trẻ có xu hướng quấy khóc thường xuyên và kéo dài. Trẻ dưới 5 tuổi cũng có thể bị ảnh hưởng.

Theo thống kê tại Mỹ, ước tính ở quốc gia này mỗi năm ghi nhận từ 1.000-1.300 trường hợp bị hội chứng này. Trong số này, 25% số trẻ tử vong, 80% trẻ sống sót bị tổn thường vĩnh viễn như bại não, liệt, mất thị lực, thiểu năng trí tuệ, động kinh.

Nguy cơ từ việc đung đưa khi bế trẻ nhỏ

“Nguyên nhân dẫn đến hội chứng này thường là thói quen bế con rung lắc, đung đưa để dỗ con bớt quấy khóc. Thói quen đưa võng, lắc nôi ru trẻ ngủ, hoặc những động tác làm thay đổi đột ngột tư thế như: Bế trẻ lên cao, bế thốc dậy, tung cao trẻ… cũng có thể dẫn đến hội chứng này. Trẻ sơ sinh có thể gặp nguy hiểm dù chỉ với 5 giây rung lắc”- bác sĩ Đông cảnh báo.

Bác sĩ Đông cho biết ở trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, trọng lượng đầu chiếm khoảng 10-15% trọng lượng cơ thể. Trẻ có cơ cổ rất yếu, không đủ sức nâng đỡ đầu, não bộ chưa phát triển nhiều, nằm “trôi nổi” trong môi trường dịch não tủy bao bọc xung quanh.

Rung lắc mạnh gây ra sự tăng – giảm tốc nhanh chóng của não, tác động va đập vào bề mặt cứng bên trong hộp sọ, làm tổn thương não và các mạch máu não, phù não và tăng áp lực nội sọ.

Biểu hiện của hội chứng này rất đa dạng, thường khó phát hiện, dễ nhầm lẫn. Thời gian khởi phát có thể ngay sau khi rung lắc hoặc sau một thời gian: Trẻ quấy khóc, nôn nhiều, bú kém, nhịp thở bất thường, lì bì, co giật hoặc hôn mê.

Một số trường hợp nhẹ có thể không biểu hiện triệu chứng ngay, nhưng thời gian sau có thể gặp phải những vấn đề liên quan đến chậm phát triển tinh thần vận động.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Năm cách kết hợp thực phẩm tuyệt vời cho dinh dưỡng lành mạnh

Hãy coi nó như một phương pháp dinh dưỡng áp dụng công thức “một cộng một bằng ba”.

Làm thế nào để có được dinh dưỡng tốt hơn khi kết hợp thực phẩm

Rau củ nhiều màu sắc và ít béo. Nhiều loại trái cây và rau quả chứa các hợp chất gọi là carotenoid. Đây là những sắc tố tự nhiên giúp các loại thực phẩm như cà chua, cà rốt và rau bina có được màu sắc đẹp mắt. Các sắc tố cụ thể lần lượt được gọi là lycopene, beta – carotene và lutein. Carotenoid hoạt động như là một chất chống oxy hóa trong cơ thể, đó là một trong các lý do tại sao trái cây và rau quả lại là một phần rất quan trọng trong một chế độ ăn uống lành mạnh. Những hợp chất quan trọng này có khả năng hòa tan trong chất béo, có nghĩa là khi bạn ăn rau cùng với một ít chất béo, cơ thể bạn sẽ hấp thụ nhiều carotenoid hơn. Vì vậy, bổ sung thêm một số chất béo lành mạnh từ quả bơ hoặc dầu ô liu vào các món salad sẽ giúp bạn hấp thụ tốt các carotenoid có trong rau diếp romaine, cà rốt và cà chua. 

Năm cách kết hợp thực phẩm tuyệt vời cho dinh dưỡng lành mạnh- Ảnh 1.

Vitamin C trong các loại rau và ngũ cốc chứa sắt. Sắt tồn tại dưới hai dạng khác nhau. Một dạng gọi là sắt “heme” được tìm thấy trong cá, thịt và gia cầm đồng thời được cơ thể hấp thụ dễ dàng hơn so với loại sắt “non-heme” có trong thực phẩm có nguồn gốc thực vật. Khi bạn tiêu thụ Vitamin C cùng với nguồn sắt không phải heme, cơ thể bạn sẽ hấp thụ chất sắt tốt hơn nhiều. Và không cần nhiều: Lượng Vitamin C trong một quả cam hoặc một quả cà chua có thể giúp tăng hấp thụ sắt gần gấp ba lần. Vì vậy, việc kết hợp cho cà chua vào món Chili sẽ giúp bạn hấp thụ chất sắt có trong các hạt đậu. Dâu tây sẽ có thể giúp bạn hấp thụ tốt hơn chất sắt trong ngũ cốc. Và chất sắt trong rau bina sẽ được hấp thụ tốt hơn nếu bạn cho một ít cam hoặc bưởi vào món salad rau bina. 

Chanh và trà xanh. Các chất dinh dưỡng trong trà xanh, có nguồn gốc tự nhiên và chứa một số chất chống oxy hóa độc đáo và có lợi được gọi là catechin, có tác dụng giúp bảo vệ các tế bào và mô của cơ thể khỏi tổn thương do sự oxy hóa. Khi bạn thêm chanh vào trà xanh, Vitamin C có thể giúp cơ thể bạn hấp thụ các hợp chất có lợi này tốt hơn. Nếu bạn không thích cho chanh vào trà của mình, hãy dùng trà cùng một loại trái cây giàu Vitamin C, chẳng hạn như một chén quả mọng hoặc một lát cam.

Năm cách kết hợp thực phẩm tuyệt vời cho dinh dưỡng lành mạnh- Ảnh 2.

Cá và rau lá xanh. Khi bạn uống sữa được bổ sung Vitamin D (hầu như tất cả các loại sữa bò được bán ở Hoa Kỳ đều thế), Vitamin D sẽ giúp cơ thể bạn tăng khả năng hấp thụ canxi trong sữa. Nhưng có một cách tuyệt vời khác để kết hợp hai chất dinh dưỡng này là cá và rau. Các loại cá béo như cá hồi và cá thu cung cấp lượng lớn Vitamin D, và các loại rau lá xanh như củ cải xanh, cải xanh và cải xoăn cung cấp canxi. Việc kết hợp cả hai sẽ giúp cơ thể bạn hấp thụ canxi trong rau một cách tốt nhất. 

Kết hợp thức ăn có nguồn gốc thực vật. Thực phẩm thực vật – bao gồm trái cây, rau và đậu – là một trong những nguồn cung cấp chất chống oxy hóa tốt nhất. Lợi ích chống oxy hóa được tăng cường khi bạn ăn kết hợp nhiều loại thực phẩm, thay vì ăn riêng lẻ chúng. Sự kết hợp cùng lúc của cam, táo, nho và quả việt quất đã được chứng minh là có khả năng chống oxy hóa cao hơn so với việc tiêu thụ riêng lẻ từng loại trái cây.

Tác giả: Susan Bowerman – Giám đốc Cấp cao Giáo dục và Đào tạo Dinh dưỡng Toàn cầu- Herbalife

Năm cách kết hợp thực phẩm tuyệt vời cho dinh dưỡng lành mạnh- Ảnh 3.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Bốn cách để tinh gọn chế độ ăn uống của bạn

Cụm từ “ăn sạch” ngày nay khá phổ biến nhưng khái niệm này không thực sự mới. Nói chung, ăn sạch có nghĩa là ăn những thực phẩm khá gần với trạng thái tự nhiên của chúng – có nghĩa là hạn chế tối thiểu việc chế biến – và loại bỏ sự “dư thừa” dưới dạng các chất béo, đường, muối và các chất phụ gia không cần thiết. Tự nấu thức ăn ở nhà và tìm nguồn nguyên liệu tươi sống, có sẵn ở địa phương cũng thường là một phần của việc ăn sạch. Nhìn chung, ăn sạch để chúng ta quan tâm hơn về những gì chúng ta đang đưa vào cơ thể.

Bốn cách để tinh gọn chế độ ăn uống của bạn- Ảnh 1.

Đó là một khái niệm tuyệt vời, nhưng cũng đừng quá phấn khích. Trước hết, không ai có thể phủ nhận rằng thực phẩm nguyên chất, chưa qua chế biến, không có bao bì hoặc nhãn mác là lựa chọn tốt. Nhưng việc tạo ra một chế độ ăn uống hàng ngày chỉ bao gồm những thực phẩm đó có thể là điều khó khăn đối với những người chỉ cần có một bữa ăn trên bàn vào cuối một ngày bận rộn. Bên cạnh đó, có rất nhiều thực phẩm lành mạnh, bổ dưỡng – và dĩ liên là bao gồm cả thực phẩm ‘sạch’ – được đóng gói sẵn; có thể kể đến một số như: rau và trái cây đóng gói đông lạnh, cá ngừ đóng hộp, cá hồi hoặc đậu, gạo lứt hoặc mì ống nguyên hạt.

Một số người đưa khái niệm ăn sạch đi xa hơn nữa và quyết định bắt đầu chế độ ăn kiêng của mình bằng việc nhịn ăn trong một thời gian ngắn. Một số người nói rằng việc này tạo cảm giác như họ đang tạo cho cơ thể của mình một khởi đầu mới – giống như việc dọn gọn gàng tủ quần áo hoặc thay dầu cho xe hơi của bạn.

Nhưng hãy nhớ rằng cơ thể chúng ta có khả năng tự nhiên để làm sạch và giải độc cho bản thân mỗi ngày. Chúng ta loại bỏ và trung hòa không chỉ qua đường tiêu hóa mà cả gan, thận, phổi và da cũng tham gia vào quá trình này. Chỉ cần bạn chăm sóc tốt cơ thể của mình và cung cấp cho nó nhiều thực phẩm bổ dưỡng, nó sẽ chăm sóc lại bạn.

Vì vậy, nếu bạn đã ăn nhiều trái cây và rau quả (kể cả đã được đông lạnh), ngũ cốc nguyên hạt (tất nhiên kể cả những loại được đóng gói trong túi nhựa) và protein nạc (ngay cả những loại được đóng hộp), chế độ ăn uống của bạn có thể đã khá sạch rồi. Và ngay cả khi bạn không ăn theo cách này, có thể bạn cũng không cần phải “quét sạch” toàn bộ – chỉ cần “dọn dẹp” một chút là đủ.

Làm thế nào để tinh gọn chế độ ăn uống của bạn

Đọc nhãn thực phẩm để giúp loại bỏ đường, muối và chất béo dư thừa. Bạn đã từng nghe điều này trước đây và điều này khá chính xác – danh sách thành phần ngắn hơn thường đồng nghĩa là ít chất phụ gia hơn và sản phẩm lành mạnh hơn. Kiểm tra nhãn để biết lượng chất béo, muối và đường dư thừa và hãy cố gắng chọn những loại thực phẩm có lượng bổ sung các chất trên tối thiểu. Ví dụ, chọn sữa chua nguyên chất thay vì sữa chua có đường, chọn rau đông lạnh đơn thuần thay vì những loại thêm sẵn nước sốt, dùng bánh mì nguyên hạt hoặc ngũ cốc có ít hoặc không đường. 

Giảm lượng tinh bột tinh chế và tăng cường ăn trái cây và rau củ. Điều này nghe có vẻ đơn giản nhưng đó là một trong những điều tốt nhất bạn có thể làm để cải thiện chất lượng tổng thể chế độ ăn uống của mình. Khi bạn quyết định bao gồm trái cây hoặc rau quả trong mỗi bữa ăn, chúng sẽ “chiếm chỗ” của nhiều loại thực phẩm và nguyên liệu không mong muốn mà bạn có thể ăn. Thay thế kem béo có đường bằng một bát quả mọng thơm ngon, ăn salad với bánh mì sandwich thay vì khoai tây chiên, hoặc thử ăn vặt với cà rốt và sốt hummus thay vì khoai tây chiên. 

Loại bỏ lượng calo dư thừa trong đồ uống của bạn. Khi nói đến lượng calo dư thừa, đồ uống – đối với nhiều người – là nguyên nhân chính. Với soda có đường, nước ép trái cây (Đúng vậy, thậm chí nước ép tươi và hoàn toàn hữu cơ 100%!), đồ uống có cồn và món cà phê bạn thích, không khó để nạp hàng trăm calo mỗi ngày chỉ từ đồ uống. Trà nguyên chất là một lựa chọn thay thế tuyệt vời vì nó có thể uống kể cả nóng hoặc lạnh, không chứa calo và có các hợp chất tự nhiên có thể mang lại một số lợi ích cho sức khỏe. 

Dọn dẹp những thứ bừa bộn trong tủ lạnh, tủ đông và tủ đựng thức ăn của bạn. Một chút ‘dọn dẹp nhà bếp’ thực sự có thể giúp bạn tinh gọn lại chế độ ăn uống của mình. Chứa đầy tủ đựng thức ăn của bạn bằng các loại ngũ cốc nguyên hạt giàu chất xơ (như mì ống, bánh mì, ngũ cốc và bột mì nguyên hạt 100%, cũng như các loại thực phẩm như hạt diêm mạch, hạt kê và gạo lứt) thay vì những thực phẩm đã qua tinh chế. Hãy dự trữ đậu và cà chua đóng hộp thay vì nước sốt spaghetti đã chế biến sẵn hoặc súp có nhiều muối. Dự trữ trái cây và rau củ trong tủ lạnh và tủ đông của bạn thay vì những loại si-rô có đường hoặc nước sốt mặn, béo. Dự trữ sẵn một ít cá ngừ hoặc cá hồi đóng hộp trong tủ đựng thức ăn, hoặc phi lê cá hoặc ức gà đông lạnh trong tủ đông để có những bữa ăn nhanh chóng, lành mạnh (và sạch!) thay vì gà viên đông lạnh hoặc cá tẩm bột.

Tác giả: Susan Bowerman – Giám đốc Cấp cao Giáo dục và Đào tạo Dinh dưỡng Toàn cầu – Herbalife

Bốn cách để tinh gọn chế độ ăn uống của bạn- Ảnh 2.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Nguyên nhân gây ngộ độc botulinum, cách phòng ngừa ra sao?

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) cho biết độc tố botulinum được tạo ra bởi vi khuẩn Clostridium botulinum và đôi khi bởi những dòng vi khuẩn Clostridium butyricum và Clostridium baratii. Vi khuẩn được tìm thấy tự nhiên ở nhiều nơi, nhưng chúng hiếm khi gây bệnh cho người. 

Những vi khuẩn này tạo ra bào tử giúp chúng tồn tại trong môi trường, ngay cả trong điều kiện khắc nghiệt. Các bào tử này thường không gây bệnh cho người nhưng trong những điều kiện nhất định, chúng có thể phát triển và tạo ra chất độc rất nguy hiểm.

Nguyên nhân gây ngộ độc botulinum, cách phòng ngừa ra sao?- Ảnh 1.

Những vi khuẩn này tạo ra bào tử giúp chúng tồn tại trong môi trường, ngay cả trong điều kiện khắc nghiệt. Các bào tử này thường không gây bệnh cho người nhưng trong những điều kiện nhất định, chúng có thể phát triển và tạo ra chất độc rất nguy hiểm. (Ảnh minh hoạ internet)

Điều kiện để bào tử phát triển và sinh độc tố là: Môi trường ít hoặc không có oxy; lượng axit thấp, đường, muối thấp, ở một nhiệt độ, lượng nước nhất định. Do đó, những thực phẩm đóng hộp, bảo quản hoặc lên men tại nhà không đúng cách có thể tạo điều kiện thích hợp cho các bào tử phát triển, tạo ra độc tố botulinum. Khi ăn những thực phẩm này có thể dẫn đến tình trạng ngộ độc.

Trước đó, nhiều trường hợp đã bị ngộ độc botulinum. Không phải bệnh nhân ngộ độc botulinum nào cũng cần thuốc giải độc Botulism antitoxin heptavalent (BAT). Một số ca nhẹ vẫn có thể tự điều hòa, phục hồi. Tuy nhiên, trường hợp ngộ độc nặng cần phải có thuốc giải đặc hiệu. Thuốc này có tác dụng giải độc tố do vi khuẩn Clostridium botulinum gây ra và có giá 8.000 USD (khoảng 190 triệu đồng), do Canada sản xuất, hạn sử dụng 8 năm. Đây là loại thuốc rất hiếm, do bệnh lý này ít khi xảy ra nhưng đã xảy ra thì thường bệnh cảnh rất nặng.

Ngoài ngộ độc thực phẩm, botulinum còn gây ra các loại ngộ độc khác như: Ngộ độc ở trẻ sơ sinh (khi bào tử của vi khuẩn xâm nhập, phát triển vào ruột của trẻ và sinh ra độc tố gây bệnh); ngộ độc vết thương (khi bào tử xâm nhập vết thương từ tiêm chích ma túy, tai nạn xe… và tạo ra độc tố); ngộ độc do điều trị (khi tiêm quá nhiều độc tố botulinum, ví dụ thẩm mỹ); ngộ độc ruột ở người trưởng thành (tương tự ngộ độc ở trẻ sơ sinh).

Tất cả các triệu chứng của ngộ độc botulinum đều do tê liệt cơ gây ra bởi độc tố. Nếu không được điều trị, bệnh có thể tiến triển xấu, dẫn đến tê liệt hoàn toàn một số cơ như cơ hô hấp, các cơ ở cánh tay, chân và thân. Trong ngộ độc thực phẩm, các triệu chứng thường bắt đầu từ 18 đến 36 giờ sau khi ăn thực phẩm ô nhiễm.

Các dấu hiệu và triệu chứng của ngộ độc botulinum có thể gồm: Khó nuốt, yếu cơ, nhìn đôi, sụp mí mắt, mờ mắt, nói lắp, khó thở, khó cử động mắt, nôn mửa, buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy…

Lưu ý, người bị ngộ độc botulinum có thể không có tất cả các triệu chứng này cùng lúc. Nếu có các triệu chứng ngộ độc, nên đến ngay cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.

Để phòng chống ngộ độc do botulinum, ngành y tế khuyến cáo: Thứ nhất, trong sản xuất, chế biến phải dùng những nguyên liệu bảo đảm an toàn thực phẩm, tuân thủ theo đúng yêu cầu quy định về vệ sinh trong quy trình sản xuất. Trong sản xuất đồ hộp, phải chấp hành chế độ khử khuẩn một cách nghiêm ngặt.

Thứ 2, chỉ sử dụng các sản phẩm thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm đóng hộp đã hết hạn sử dụng, bị phồng, bẹp, biến dạng, hoen gỉ, không còn nguyên vẹn hoặc có mùi vị, màu sắc thay đổi khác thường. Thực hiện ăn chín, uống sôi. Ưu tiên ăn các thực phẩm mới chế biến, mới nấu chín.

Không nên tự đóng gói kín các thực phẩm và để kéo dài trong điều kiện không phải đông đá. Với thực phẩm lên men, đóng gói hoặc che đậy kín theo cách truyền thống (như dưa muối, măng, cà muối…), cần đảm bảo phải chua, mặn. Khi thực phẩm hết chua thì không nên ăn.

Thứ 3, khi xuất hiện các triệu chứng ngộ độc botulinum, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Bác sĩ chỉ cách “đối phó” với rượu, bia ngày Tết bằng y học cổ truyền

Tuy nhiên, nếu uống lâu dài thì khí, huyết đều bị nhiễm độc tổn hại đến các tạng như: tâm, can, tỳ, vị, thận và sinh ra các bệnh khó lường.

BS CK2 Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện ĐH Y dược TP HCM (cơ sở 3), cho biết một ly rượu có thể gây ra di chứng say rượu với người này trong khi một số người có thể dung nạp được cả lít rượu. 

Bác sĩ chỉ cách "đối phó" với rượu, bia ngày Tết bằng y học cổ truyền- Ảnh 1.

Trong y học cổ truyền, rượu uống với lượng vừa phải có tác dụng thông huyết mạch làm cho ruột và dạ dày nhuận lên, nhuận làn da, trừ hàn khí

Mức độ say rượu phụ thuộc nhiều yếu tố như đối tượng dễ say (nữ giới, trẻ em nhẹ cân, có bệnh yếu mệt, đang đói, uống lần đầu, ít khi uống, không hợp hệ số oxy hoá cồn thấp); cách uống (rượu pha trộn nước ngọt, nước có ga hấp thu nhanh hơn); rượu mạnh (độ cồn cao); rượu “rởm” (chứa chất độc hóa học); uống nhiều; uống suông…

Theo bác sĩ Vũ, trong y học cổ truyền, rượu uống với lượng vừa phải có tác dụng thông huyết mạch làm cho ruột và dạ dày nhuận lên, nhuận làn da, trừ hàn khí. Bên trong giúp cho trung khí (khí ở tỳ vị) khống chế được ngoại tà xâm nhập vào cơ thể. Nếu uống nhiều vô độ, nhẹ thì làm tổn hại tỳ vị, nặng thì làm kiệt thần khí, làm mất tính người. Nếu uống lâu dài thì khí, huyết đều bi nhiễm độc gây hại đến các tạng như: tâm, can, tỳ, vị, thận và sinh ra các bệnh khó lường.

Nếu có các di chứng say rượu, bác sĩ Vũ khuyến cáo uống nhiều nước rượu khiến cơ thể tăng bài tiết nước tiểu dẫn đến tình trạng mất nước. Đây là biện pháp đơn giản nhưng khiến bạn cảm thấy dễ chịu và đỡ mệt mỏi hơn. 

Bên cạnh đó, ngủ đủ giấc là biện pháp giúp khôi phục cơ thể và giảm nhẹ các biểu hiện khó chịu của say rượu. Ngoài ra, ăn uống đầy đủ, rượu khiến lượng đường trong máu giảm vì vậy những người sử dụng rượu cần ăn uống đủ để phòng tránh biến chứng hạ đường huyết. Đồng thời, khi đó lớp thức ăn lót dạ dày giúp bảo vệ niêm mạc, tránh kích ứng và giảm tốc độ hấp thu rượu vào cơ thể.

Tuy nhiên, những người gặp phải các triệu chứng say rượu nên đến cơ sở y tế gần nhất nếu xuất hiện các dấu hiệu nguy hiểm sau: Khó thở hoặc rối loạn nhịp thở; da, niêm mạc nhợt nhạt, tím; rối loạn nhịp tim; lơ mơ, hôn mê gọi hỏi không trả lời đúng; co giật, động kinh; nôn mửa nhiều lần.

Để tránh nguy cơ say rượu, ngộ độc rượu, bác sĩ Vũ lưu ý để giảm nguy cơ ngộ độc và say rượu, nên uống rượu một cách từ từ, chậm rãi để giảm kích ứng niêm mạc miệng và dạ dày, đồng thời có thời gian để gan kịp oxy hóa. Bên cạnh đó, những đối tượng đang dùng aspirin, không nên uống rượu bởi có thể gây chảy máu dạ dày khi đói, nồng độ cồn trong máu sẽ tăng nhanh. 

Trường hợp nếu phải điều trị bằng thuốc aspirin thì không uống rượu và cafein. Rượu làm giảm hoạt động của não, giảm huyết áp, giảm khả năng phán đoán. Cafein gây kích thích tăng huyết áp, và nhịp tim. Khi kết hợp cả 2, không có sự trung hòa giữa chất gây ức chế và chất kích thích, có thể làm tăng nguy cơ tử vong do bị ngộ độc.

Khi uống rượu nên ăn rau xanh để làm loãng nồng độ cồn trong rượu. Nên uống nước lọc trước khi uống rượu. Đồ ăn có nhiều protein sẽ làm chậm quá trình hấp thụ rượu vào máu.

Một số cách giải rượu giúp làm giảm các triệu chứng khó chịu khi say rượu theo kinh nghiệm của y học cổ truyền:

Giải rượu với trái cây như ăn một vài trái quýt hoặc ép trái quýt lấy nước uống sẽ giúp thanh nhiệt, giải độc, giải bia rượu, giảm say; ăn thịt trái dưa hấu, đồng thời, dùng vỏ trái dưa hấu xay lấy nước uống sẽ giúp giải rượu rất nhanh

Giải rượu với lá dong, lá dong có khả năng chữa say rượu nhanh chóng; có công dụng làm mát gan, giải độc, hạ men gan. Cách dùng, lấy một nắm lá dong, khoảng từ 100g – 200g rửa sạch để ráo nước, sau đó đem giã ra vắt lấy nước cốt cho người đang trong tình trạng say uống, cơn say sẽ biến mất chỉ trong vòng 20 phút, sau khi uống nước lá dong.

Rau má tươi 100g, 2 trái chanh, 1g muối ăn. Rau má tươi rửa sạch, giã nhỏ, ép lấy nước cốt, vắt thêm nước chanh trộn đều thêm muối, uống 1-2 cốc (150 – 300ml). Hoặc chỉ dùng rau má, rửa sạch, giã nhỏ ép lấy nước cốt, hoà thêm nước chín nguội, uống 2-3 cốc (200 – 300ml).

Chanh tươi 1 quả, vắt lấy nước cho uống hoặc thái mỏng cho ăn luôn cả quả càng tốt.

Vỏ quýt phơi khô (vị thuốc trần bì) 30g sao thơm tán vụn, mơ chua 2 quả bỏ hạt thái vụn. Hai vị đem sắc nhỏ lửa với 360 ml nước, sau 30 phút, lọc bỏ bã lấy nước cho uống. Nếu có thêm một chút nước gừng tươi hoặc trà thì càng hay.

Trà búp 5g, trái quất hoặc mứt quất 16g thái vụn. Hai thứ đem hãm với nước sôi, uống đặc. Hoặc trà búp 9g, cà rốt tươi 60g, vỏ bí xanh 15g. Ba vị sắc uống.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Cách chống say tàu xe

– Bác sĩ chuyên khoa II HUỲNH TẤN VŨ, Bệnh viện ĐH Y Dược TP HCM (cơ sở 3), trả lời: Say tàu xe là một rối loạn của tai trong, gây ra bởi sự chuyển động. Não cảm nhận sự chuyển động thông qua 3 con đường khác nhau của hệ thần kinh gửi tín hiệu đến từ tai trong và cơ thể. Khi đi tàu, xe, máy bay, do có sự chuyển động, bộ phận tai trong – gồm ốc tai, tiền đình – ở một số người nhạy cảm bị kích thích, không tương hợp với mắt nhìn sự chuyển động (mắt thấy được sự chuyển động nhưng tai trong truyền tín hiệu cho bộ não rằng không có chuyển động) rồi tác động đến dạ dày khiến tình trạng say tàu, xe xảy ra.

Dưới đây là một số mẹo giúp giảm triệu chứng khó chịu khi say tàu, xe:

Trước khi lên tàu, xe khoảng 30 phút, bạn có thể day ấn các huyệt: Hợp cốc (khép 2 ngón cái và ngón trỏ thì huyệt nằm ở khe giữa khối cơ nằm giữa 2 xương bàn tay I và II), phong trì (chỗ lõm của bờ trong cơ ức đòn chũm và bờ ngoài cơ thang bám vào đáy hộp sọ); thần môn (ở trên lằn cổ tay, chỗ lõm giữa xương trụ và xương đậu); nội quan (từ lằn cổ tay đo lên 2 thốn giữa gân cơ gan tay lớn và gan tay bé); thái dương (giao điểm đuôi mắt và cung chân mày). Day huyệt có tác dụng làm tăng tuần hoàn máu, tăng trao đổi chất cục bộ và giúp cho người khỏe mạnh, đầu óc tỉnh táo, sáng mắt, hết mệt mỏi.

Bên cạnh đó, bạn nên mang theo một số loại thực phẩm có tinh dầu như: quýt, chanh, khi dùng sẽ giúp đỡ say và cảm thấy dễ chịu hơn. Khi ăn quýt hoặc chanh, vị chua sẽ kích thích thần kinh tỉnh táo hơn… 

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Cách ăn sáng và tối đơn giản giúp chống đột quỵ

Công trình dẫn đầu bởi Viện Nghiên cứu quốc gia về nông nghiệp, thực phẩm và môi trường (INRAE) của Pháp, cho thấy nguy cơ bệnh tim mạch, nhất là bệnh về mạch máu não bao gồm đột quỵ, bị tác động mạnh mẽ bởi thời gian ăn uống.

Cách ăn sáng và tối đơn giản giúp chống đột quỵ- Ảnh 1.

Việc ăn sáng và ăn tối có thể tác động mạnh mẽ lên nguy cơ bệnh tim mạch, bao gồm đột quỵ – Ảnh minh họa: VIỆN Y TẾ QUỐC GIA MỸ

Tóm tắt nghiên cứu, tờ Medical Xpress cho biết các nhà khoa học đã phân tích trên bộ dữ liệu khổng lồ của hơn 103.000 người ở độ tuổi trung bình là 42, bao gồm cả nam giới và phụ nữ.

Kết quả cho thấy việc bắt đầu bữa ăn đầu tiên quá muộn, bao gồm cả việc bỏ luôn bữa ăn sáng, có thể khiến nguy cơ bệnh tim mạch nói chung tăng 6% cho mỗi giờ chậm trễ.

Đối với bữa ăn cuối cùng trong ngày, nếu nó xảy ra sau 21 giờ tối, nguy cơ mắc riêng nhóm bệnh mạch máu não bao gồm đột quỵ tăng thêm tận 28%, chưa kể các nguy cơ bệnh tim mạch khác. Điều này tác động mạnh nhất đối với phụ nữ.

Ngoài ra, thời gian nhịn ăn vào ban đêm dài hơn – tức khoảng cách giữa bữa ăn cuối cùng trong ngày và bữa ăn đầu tiên của ngày hôm sau – càng lớn thì nguy cơ đột quỵ và các vấn đề mạch máu não khác càng giảm.

Điều này gợi ý rằng phương án tốt nhất để ăn uống vẫn là kéo dài thời gian nhịn ăn ban đêm bằng cách ăn tối sớm, thay vì ăn sáng muộn.

Theo các tác giả, những phát hiện này cần được nhân rộng trong các nghiên cứu đối với các nhóm khác, cũng như các nghiên cứu khoa học bổ sung nhằm giải thích cơ chế mà thời gian ăn uống ảnh hưởng đến nguy cơ bệnh tim mạch.

Bệnh tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới theo Nghiên cứu gánh nặng bệnh tật toàn cầu. Thống kê gần nhất vào năm 2019 cho thấy chỉ trong vòng 1 năm có tới 18,7 triệu ca tử vong sớm cho bệnh tim mạch.

Trong đó, thói quen ăn uống được cho là có vai trò rất lớn cả đối với nguy cơ mắc, diễn tiến bệnh cũng như nguy cơ tử vong do các biến chứng của bệnh.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Nấu cà chua theo cách này, ngừa được cục máu đông gây đột quỵ

Nghiên cứu mới vừa công bố trên tạp chí khoa học Nutrients chỉ ra một cách nấu cà chua cực kỳ đơn giản có tác động ngoạn mục lên hoạt động của tiểu cầu, ngăn ngừa việc hình thành các cục máu đông.

Cục máu đông, tức huyết khối, thường gặp ở người thừa cân, béo phì. Huyết khối luôn đe dọa gây tắc nghẽn mạch máu, điều có thể dẫn đến đột quỵ hay nhồi máu cơ tim.

Một món xào chứa cà chua soffritto của Tây Ban Nha - Ảnh minh họa từ Internet

Một món xào chứa cà chua soffritto của Tây Ban Nha – Ảnh minh họa từ Internet

Nhóm tác giả từ các cơ sở nghiên cứu lớn ở Tây Ban Nha bao gồm Viện Nghiên cứu Y sinh Sant Pau, Viện Salud Carlos III, Đại học Barcelona… đã thí nghiệm trên hai nhóm tình nguyện viên được ăn chế độ ăn có bổ sung 100 g cà chua soffritto mỗi ngày hoặc không.

Sau 42 này, các chỉ số liên quan đến tiểu cầu, chức năng nội mô mạch máu, mỡ máu… được ghi nhận, cho thấy khác biệt rõ rệt giữa hai nhóm.

Soffritto là một cách nấu rau củ khá phổ biến ở Tây Ban Nha và nhiều nước trên thế giới, sử dụng cà chua là phổ biến nhất, có thể thêm vào ớt chuông, hành tây….

Các nguyên liệu sẽ được xắt nhỏ sau đó đem xào hoặc om, có thể kèm gia vị, tạo nên một loại sốt sệt, khá giống cách người Việt tự làm sốt cà tại nhà.

Cà chua được chọn không chỉ vì nó phổ biến trong chế độ ăn Địa Trung Hải – và cả chế độ ăn của các quốc gia nhiệt đới như chúng ta – mà còn là nguồn cung cấp các hợp chất hoạt tính sinh học có khả năng chống oxy hóa, chống viêm.

Các hợp chất hoạt tính sinh học từ rau củ, trái cây từ lâu đã được chứng minh là giúp hệ mạch máu khỏe mạnh, ngừa đột quỵ… thông qua các nghiên cứu dạng thống kê, quan sát.

Cũng đã có các bằng chứng cho thấy việc nấu cà chua nói chung giúp tăng hiệu quả hoạt động các hợp chất tốt này, bao gồm nhóm carotenoid và phenolic; trong khi nếu chọn phương pháp xào, bạn còn giúp tăng hàm lượng polyphenol.

Trong nghiên cứu này, món cà chua xào thành sốt kiểu Tây Ban Nha đã chứng minh khả năng năng ngừa bệnh tim mạch nguyên phát bằng cách giảm kích hoạt tiểu cầu, điều có thể góp phần làm giảm tình trạng huyết khối chết người ở người thừa cân, béo phì.

Theo Tổ chức Lương nông Liên Hiệp Quốc (FAO), thừa cân và béo phì là nguy cơ hang đầu gây tử vong toàn cầu. Đó cũng là nguyên nhân gây ra 44% gánh nặng bệnh tiểu đường, 23% gánh nặng bệnh tim thiếu máu cục bộ và 7-41% gánh nặng ung thư.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Quý ông khỏe hơn bất ngờ nếu uống bia theo cách này

Nghiên cứu mới do Hiệp hội Hóa học Mỹ (ACS) vừa công bố trên Journal of Agricultural and Food Chemistry – một chuyên san của hiệp hội – cho thấy uống bia lager với một lượng vùa phải sẽ tốt cho sức khỏe quý ông theo cách tác động tích cực đến hệ vi sinh vật đường ruột để chống lại nhiều bệnh tật.

Bia lager là bia lên men lạnh phổ biến trên thị trường, thường có nồng độ cồn thấp (khoảng 5% trở xuống), sau này còn có các loại không cồn.

Quý ông khỏe hơn bất ngờ nếu uống bia theo cách này - Ảnh 1.

Uống 1 ly bia vào bữa tối có thể là lựa chọn lành mạnh, dù nó có cồn – Ảnh minh họa từ Internet

Trước đó, một nghiên cứu cũng do ACS chủ trì đã cho thấy việc uống bia lager không cồn hàng ngày có khả năng cải thiện hệ vi sinh vật đường ruột của cả nam giới và phụ nữ, nhưng kết quả lại không tốt như vậy khi thử nghiệm với bia có cồn.

Tuy nhiên, trong nghiên cứu mù đôi mới – chỉ tuyển chọn tình nguyện viên là nam giới – các nhà khoa học đã chứng minh việc dùng một lượng bia nhỏ khoảng 324 ml trong bữa ăn tối hàng ngày trong vòng 4 tuần đã tác động tốt đến hệ vi sinh vật đường ruột.

Các nhà khoa học chưa lý giải được khác biệt này, nhưng nhiều nghiên cứu về đồ uống có cồn trước đây cũng cho thấy sự khác biệt về giới, dường như tác động sức khỏe của đồ uống có cồn – dù điều độ – rất hạn chế ở phụ nữ, thậm chí gây hại.

Sức khỏe đường ruột từ lâu đã được chứng minh liên kết mật thiết với sức khỏe của một loạt hệ thống khác của cơ thể, từ tim, não… cho đến các quá trình chuyển hóa.

Anh Thư

NLĐO – Sức khỏe – RSS Feed

Tập thể dục cách này, góp phần chống lại ung thư tốt hơn 175%

Theo Daily Mail, bước nghiên cứu đầu tiên trên chuột đã giúp các nhà khoa học phát hiện ra rằng các protein do cơ thể tiết ra khi tập thể dục, vốn có tác dụng sửa chữa các cơ bị hao mòn do tập thể dục, cũng có tác dụng tấn công tác tế bào ung thư.

Tập thể dục cách này, chống lại ung thư tốt hơn 175% - Ảnh 1.

Tập thể dục dù nhẹ nhàng cũng đủ làm thay đổi sâu sắc môi trường cơ thể, tăng tỉ lệ sống sót và khuếch đại tác dụng của thuốc điều trị ung thư một cách ngoạn mục – Ảnh minh họa từ Internet

Nhóm khoa học gia tiếp tục thử nghiệm lâm sàng trên 75 bệnh nhân bị ung thư tuyến tụy. Một nhóm được lựa chọn ngẫu nhiên được yêu cầu thực hiện các bài tập rèn luyện sức bền, sức cơ với tổng thời lượng 1 giờ/tuần, cộng với 1,5 giờ/tuần cho các bài tập aerobic/cardio. Chế độ này được thực hiện 6 tuần một thời gian trước khi họ bước vào cuộc phẫu thuật khối u.

Cụ thể họ được yêu cầu dành 2 lần/tuần cho các bài tập tạ, tập gym có lực cản hoặc yoga; cộng với đi bộ nhanh 3 lần/tuần; với thời lượng mỗi buổi tập là 30 phút.

Kết quả đối chiếu giữa nhóm tập thể dục nói trên và nhóm không tập cho thấy 2,5 giờ luyện tập mỗi tuần đã giúp họ cải thiện tỉ lệ sống sót trong 5 năm thêm tận 50%.

Các thí nghiệm tiếp nối trên chuột đã lý giải nguyên nhân. Với mỗi tuần 5 lần tập thể dục, mỗi lần 30 phút, tỉ lệ hình thành khối u được giảm bởi tới 50%. Với một chế độ siêng năng hơn – chạy bộ hàng ngày trên máy, các con chuột thậm chí giảm được 25% trọng lượng khối u so với nhóm không tập, dù nhận được thuốc điều trị ung thư như nhau.

Các tác giả lý giải rằng adrenaline tiết ra thông qua việc tập thể dục đã kích thích cơ thể sản xuất một loại protein tên là interleukin-15. Protein này làm tăng sức mạnh tế bào T CD8 của hệ thống miễn dịch, giúp chúng tiêu diệt các tế bào ung thư mạnh mẽ hơn.

Lượng tế bào T CD8 dồi dào cũng được tìm thấy ở các bệnh nhân có tập thể dục trong thử nghiệm lâm sàng.

Nhóm nghiên cứu cũng nghiên cứu mối liên hệ giữa người được điều trị ung thư bằng thuốc dựa trên liệu pháp miễn dịch với việc tập thể dục. Kết quả cho thấy chế độ tập như trên có thể giúp tăng hiệu quả của thuốc ung thư lên tới 175%.

”Việc tập thể dục dù nhẹ nhàng cũng là thay đổi sâu sắc môi trường khối u, cho thấy tiềm năng của phương pháp điều trị kết hợp này” – Giáo sư Dafna Bar-Sagi từ Đại học New York, một trong các tác giả chủ chốt của nghiên cứu, cho biết.

Anh Thư

NLĐO – Sức khỏe – RSS Feed

Bệnh đậu mùa khỉ: Bỉ ban hành lệnh cách ly, Mỹ hỏa tốc mua vắc-xin

Cơ quan An ninh Y tế Anh (UKHSA) cho biết số liệu mới sẽ được công bố vào ngày 23-5 (giờ địa phương) sau khi họ ghi nhận 20 trường hợp nhiễm virus đậu mùa khỉ hôm 21-5.

Khi được hỏi liệu đây có phải là những ca lây nhiễm trong cộng đồng ở Anh hay không, Cố vấn y tế trưởng UKHSA Susan Hopkins đáp “chắc chắn”.

“Chúng tôi đang phát hiện những ca nhiễm không có lịch sử tiếp xúc với một cá nhân đến từ Tây Phi…Chúng tôi đang phát hiện thêm số ca nhiễm mới mỗi ngày” – bà Hopkins cho biết, đồng thời bác thông tin nói rằng một ca nhiễm đang được điều trị trong đơn vị chăm sóc đặc biệt.

Cũng theo bà Hopkins, những ca nhiễm được phát hiện chủ yếu tại các khu vực thành thị, ở những người đàn ông đồng tính hoặc lưỡng tính.

“Hiện tại, rủi ro lây nhiễm trong dân số chung vẫn ở mức cực thấp nhưng tôi nghĩ người dân cần cảnh giác” – bà Hopkins khẳng định, đồng thời cho biết thêm với phần lớn người trưởng thành, triệu chứng sẽ “tương đối nhẹ”.

Anh thông báo ca nhiễm virus đậu mùa khỉ đầu tiên vào ngày 7-5 ở một bệnh nhân vừa trở về từ Nigeria. Căn bệnh này cũng đang lây lan ở châu Âu và Bắc Mỹ.

Bệnh đậu mùa khỉ: Bỉ ban hành lệnh cách ly, Mỹ hỏa tốc mua vắc-xin - Ảnh 1.

Ca nhiễm virus đậu mùa khỉ đầu tiên tại Anh được phát hiện từ một bệnh nhân vừa trở về từ Nigeria. Ảnh: Reuters

Tại Bỉ, Cơ quan Đánh giá Rủi ro tuần rồi đã thông báo quy định cách ly 21 ngày đối với những trường hợp nhiễm virus đậu mùa khỉ. Quyết định này được triển khai sau khi Bỉ phát hiện 3 ca nhiễm.

Ca nhiễm thứ 4 được phát hiện vào ngày 22-5, nhà virus học người Bỉ Marc Van Ranst cho biết trên mạng xã hội. Cũng giống 3 ca nhiễm trước đó, ca nhiễm này liên quan đến Darklands, lễ hội dành cho đồng tính nam được tổ chức hồi đầu tháng 5 tại TP Antwerp – Bỉ.

Đậu mùa khỉ là một căn bệnh chưa có thuốc điều trị nhưng thường tự khỏi trong vài tuần. Theo Tổ chức Y tế Thế Giới (WHO), đây không phải là một căn bệnh dễ lây lan giữa người với người, đòi hỏi quá trình tiếp xúc gần và lâu với dịch cơ thể, vết thương và giọt bắn đường hô hấp hoặc những vật dụng bị nhiễm virus, như chăn, gối và nệm.

Bệnh đậu mùa khỉ đã được phát hiện ở hơn 12 quốc gia vào tuần rồi, trong đó có Hà Lan, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Mỹ.

Sau khi phát hiện một ca bệnh vào tuần trước, Mỹ nhanh chóng mua 13 triệu liều vắc-xin đậu mùa Jynneos, sản phẩm được phê duyệt để chống lại loại virus này vào năm 2019.

Bệnh đậu mùa khỉ: Bỉ ban hành lệnh cách ly, Mỹ hỏa tốc mua vắc-xin - Ảnh 2.

Bệnh đậu mùa khỉ hiện chưa có thuốc chữa nhưng thường tự khỏi sau vài tuần. Ảnh: Reuters

Cao Lực

NLĐO – Sức khỏe – RSS Feed

SEA Games 31: Các trưởng, phó đoàn nhập cảnh không cần phải xét nghiệm, cách ly

Bộ Y tế vừa ban hành hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19 phục vụ SEA Games 31 nhằm đảm bảo thực hiện phòng, chống và ngăn ngừa khả năng lây lan của dịch Covid-19, phục vụ an toàn cho SEA Games 31, đồng thời, chủ động ứng phó có hiệu quả với các tình huống dịch Covid-19 có thể xảy ra trong quá trình tổ chức, nhất là bảo vệ sức khỏe cho vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài tham gia điều hành thi đấu tại SEA Games 31.

Bên cạnh đó tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động của SEA Games 31 diễn ra thông suốt, an toàn và thực hiện theo đúng yêu cầu.

SEA Games 31: Các trưởng, phó đoàn nhập cảnh không cần phải xét nghiệm, cách ly - Ảnh 1.

Các vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài sẽ được lấy mẫu xét nghiệm virus SARS-CoV-2 trong vòng 24 giờ trước khi thi đấu- Ảnh: TTXVN.

Theo đó, về điều kiện đối với người nhập cảnh: Riêng đối với khách mời cấp Thứ trưởng hoặc tương đương trở lên, trưởng, phó trưởng đoàn thể thao tham dự SEA Games 31 không bắt buộc phải có giấy xác nhận xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính khi nhập cảnh, cũng không phải xét nghiệm sau khi nhập cảnh, đồng thời không yêu cầu phải cách ly.

Đối với quan chức, trọng tài, vận động viên, thành viên của các đoàn thể thao tham dự SEA Games 31 cần có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP trong vòng 72 giờ hoặc xét nghiệm kháng nguyên nhanh trong vòng 24 giờ trước khi nhập cảnh vào Việt Nam và có chứng nhận xét nghiệm do cơ quan có thẩm quyền của quốc gia thực hiện xét nghiệm cấp; thực hiện khai báo y tế tại tokhaiyte.vn, không yêu cầu phải cách ly, tự theo dõi sức khỏe và thực hiện khai báo cho trưởng đoàn thể thao và đầu mối của Ban Tổ chức để tổng hợp, theo dõi…

Về công tác xét nghiệm SARS-CoV-2, các vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài được lấy mẫu xét nghiệm kháng nguyên nhanh trong vòng 24 giờ trước khi thi đấu.

Đối với các trường hợp khác chỉ lấy mẫu xét nghiệm kháng nguyên nhanh SARS-CoV-2 cho người có dấu hiệu, triệu chứng nghi ngờ mắc Covid-19 hoặc có tiếp xúc gần với người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Khán giả tham dự theo dõi trực tiếp thi đấu không phải lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2…. Về công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại nơi lưu trú, Bộ Y tế cũng lưu ý một số điểm quan trọng như: Thiết lập các kênh liên lạc với Ban Tổ chức hoặc cơ quan y tế theo quy định của địa phương; Đảm bảo tách riêng từng khu vực hoặc từng khách sạn để hạn chế tiếp xúc giữa các đoàn thể thao và người lạ; có phân chia khu vực nhà ăn riêng hoặc bố trí chỗ ngồi ăn hợp lý, giữ khoảng cách an toàn trong trường hợp cần thiết, nên bố trí đường di chuyển một chiều.

Cung cấp đủ khẩu trang y tế, dung dịch sát khuẩn tay cho đoàn thể thao, đội thi đấu, đại biểu, khách mời, nhân viên phục vụ, người lao động…. thường xuyên đeo khẩu trang khi ra vào và khi làm việc, tham dự.

Khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19 phải bố trí phòng cách ly y tế tạm thời trong khi chờ lấy mẫu xét nghiệm kháng nguyên nhanh… bố trí khu vực xét nghiệm SARS-CoV-2 tại nơi lưu trú theo quy định.

Bố trí phòng trực cấp cứu, phòng an toàn thực phẩm và phòng phòng, chống dịch Covid-19. Tại các địa điểm lưu trú cũng cần thiết lập phòng cách ly, điều trị cho các trường hợp có xét nghiệm SARS-CoV-2 dương tính không có dấu hiệu, triệu chứng hoặc trường hợp mắc COVID-19 có triệu chứng nhẹ vẫn tự phục vụ được…

Về vấn đề đưa đón các đoàn thể thao, các đội thi đấu, Bộ Y tế cũng hướng dẫn thực hiện hoạt động theo cơ chế “khép kín” trong quá trình tham dự thi đấu tại SEA Games 31: Di chuyển từ nơi lưu trú – sân tập, điểm tập luyện, nơi thi đấu, sân vận động – nơi lưu trú; lái xe, người trên xe phải đeo khẩu trang trong suốt quá trình di chuyển, bố trí dung dịch sát khuẩn tay trên xe, tiến hành khử khuẩn toàn bộ xe 1 lần trước khi đưa vào sử dụng để đưa đón các đoàn…

Tại lễ khai mạc, bế mạc cần chia khu vực sân vận động và kiểm soát ra vào, bố trí lối đi riêng cho khách mời, đại biểu, đoàn thể thao, tổ chức vệ sinh, khử khuẩn bên trong khu vực sân vận động trước ngày tổ chức, đồng thời phải bố trí khẩu trang, dung dịch sát khuẩn ở vị trí thuận lợi, bố trí tổ phòng, chống dịch hoặc tổ y tế, phòng trực cấp cứu và phòng, chống dịch, phòng cách ly tạm thời khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19… và chỉ lấy mẫu xét nghiệm kháng nguyên nhanh cho các trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19.

Đối với các địa điểm thi đấu, ngoài việc bố trí các đơn vị phục vụ như ở lễ khai mạc, bế mạc thì cũng cần đảm bảo phân chia khu vực và kiểm soát ra vào nghiêm túc để giảm thiểu tối đa việc tiếp xúc giữa các nhóm khác nhau; bố trí lối đi riêng cho vận động viên, ban huấn luyện, trọng tài, ban tổ chức…

Tổ chức khử khuẩn bên trong khu vực thi đấu một ngày trước khi diễn ra thi đấu, trong thời gian diễn ra các nội dung thi đấu, bố trí nhân viên vệ sinh khử khuẩn vị trí tiếp xúc thường xuyên 2 lần/ngày, khử khuẩn các dụng cụ thi đấu trước và sau mỗi ca sử dụng….

Trong khi thi đấu, ngoài vận động viên, trọng tài không phải đeo khẩu trang thì các thành phần khác buộc phải thực hiện đeo khẩu trang liên tục…. khi kết thúc thi đấu các vận động viên, thành viên đoàn cũng phải thực hiện đeo khẩu trang trừ trường hợp tham gia họp báo và phỏng vấn, trao nhận huy chương…

Các trận đấu sẽ được tổ chức theo các hình thức: Trận đấu kín hoàn toàn, trận đấu giới hạn số lượng khán giả và trận đấu đầy đủ khán giả tùy vào tình hình diễn biến dịch Covid-19 tại địa phương tại thời điểm tổ chức.

Nếu phát hiện trường hợp nghi mắc Covid-19 tại nơi lưu trú cần thông báo ngay cho tổ phòng, chống dịch Covid-19 hoặc tổ y tế trực tại nơi lưu trú để được hướng dẫn xử lý. Nếu cho kết quả âm tính thì hướng dẫn đối tượng trở về phòng tự theo dõi sức khỏe.

Nếu có kết quả dương tính cần triển khai tổ chức cách ly tại nơi lưu trú đối với các trường hợp không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ vẫn tự phục vụ được, đồng thời thực hiện lấy mẫu xét nghiệm hàng ngày cho đến khi có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.

Đối với các trường hợp nặng và chuyển nặng thì phải chuyển tới cơ sở điều trị Covid-19 theo chỉ định của địa phương. Nếu trong quá trình tham dự, tham gia các hoạt động tại SEA Games 31 xác định trường hợp nghi mắc Covid-19 cần báo ngay tới tổ phòng, chống dịch tại nơi tổ chức để được hướng dẫn xử lý, hạn chế tiếp xúc với người xung quanh và đưa đến phòng cách ly tạm thời để lấy mẫu xét nghiệm kháng nguyên nhanh virus SARS-CoV-2.

Đối với các vận động viên, nếu kết quả xét nghiệm âm tính, ban huấn luyện, vận động viên thảo luận với Ban Tổ chức trận đấu, nội dung thi đấu tại chỗ về tình trạng sức khỏe để quyết định việc có tiếp tục thi đấu hay không. 

Đối với ban huấn luyện, trọng tài, Ban tổ chức, người phục vụ tiếp tục tham gia chỉ đạo, phục vụ nếu tình trạng sức khỏe đảm bảo, thực hiện đeo khẩu trang nghiêm túc, tự theo dõi sức khỏe…

Nếu cho kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 cần đưa về nơi lưu trú để tổ chức cách ly tại nơi lưu trú đối với các trường hợp không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, thực hiện lấy mẫu xét nghiệm kháng nguyên nhanh hàng ngày cho đến khi có kết quả xét nghiệm âm tính. Đối với trường hợp nặng hoặc chuyển nặng cần chuyển đến cơ sở điều trị Covid-19 theo chỉ định của địa phương.

D.Thu

NLĐO – Sức khỏe – RSS Feed

Bộ Y tế hướng dẫn xử trí ca mắc Covid-19 và cách ly F1 là học sinh khi học trực tiếp

Bộ Y tế vừa hướng dẫn công tác phòng, chống dịch Covid-19 khi tổ chức dạy, học trực tiếp gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT).

Theo Bộ Y tế thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, căn cứ tình hình dịch bệnh hiện nay trên thế giới và tại Việt Nam, tỷ lệ bao phủ vắc-xin Covid-19 cao trên toàn quốc, Bộ Y tế đã xây dựng, bổ sung một số nội dung hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19 trong trường học để tạo điều kiện thuận lợi cho cơ sở giáo dục khi tổ chức dạy, học trực tiếp, cụ thể như sau:

Bộ Y tế hướng dẫn xử trí ca mắc Covid-19 và cách ly F1 là học sinh khi học trực tiếp - Ảnh 1.

Tiêm vắc-xin Covid-19 cho học sinh

Quy trình xử trí khi phát hiện trường hợp mắc Covid-19 trong cơ sở giáo dục

Bước 1: Khi có trường hợp F0, báo ngay Hiệu trưởng/Ban chỉ đạo/Tổ an toàn phòng, chống dịch Covid-19 của nhà trường. Cán bộ y tế trường học hoặc Ban chỉ đạo/Tổ an toàn phòng, chống dịch Covid-19 của nhà trường chuyển ngay trường hợp F0 xuống phòng cách ly tạm thời của trường học theo lối đi riêng đã được phân luồng.

Bước 2: Hiệu trưởng/Ban chỉ đạo/Tổ an toàn phòng, chống dịch Covid-19 của nhà trường thông báo đồng thời ngay cho trạm y tế cấp xã hoặc cơ sở y tế đã được giao nhiệm vụ phân công hỗ trợ trường học trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 để ngay lập tức đến xử lý cùng.

Bước 3: Đối với lớp học có học sinh F0:

Giáo viên chủ nhiệm cho học sinh ngồi yên tại chỗ. Cán bộ y tế trường học và Ban chỉ đạo/Tổ an toàn phòng, chống dịch Covid-19 của nhà trường, cán bộ y tế cấp xã tổ chức điều tra xác định các trường hợp F1 theo hướng dẫn của ngành y tế (việc xác định trường hợp là F1 thực hiện theo Công văn số 11042/BYT-DP ngày 29/12/2021 của Bộ Y tế về việc điều chỉnh định nghĩa ca bệnh Covid-19).

Cán bộ y tế trường học và Ban chỉ đạo/Tổ an toàn phòng, chống dịch Covid-19 của nhà trường, cán bộ y tế cấp xã tổ chức xét nghiệm kháng nguyên nhanh ngay cho toàn bộ học sinh của lớp đó, nếu trường hợp có kết quả xét nghiệm kháng nguyên nhanh dương tính với virus SARS-CoV-2 thì được xác định là F0 và xử lý theo qui định.

Nếu không phải là F1 và kết quả xét nghiệm kháng nguyên nhanh âm tính: cho những học sinh này đi học trở lại bình thường.

Nếu là F1 và kết quả xét nghiệm kháng nguyên nhanh âm tính:

Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú 5 ngày và xét nghiệm (RT-PCR hoặc kháng nguyên nhanh) ngày thứ 5 đối với những học sinh là F1 và đã tiêm đủ ít nhất 2 liều vắc-xin phòng Covid-19 (được ghi trên giấy xác nhận đã tiêm vắc-xin Covid-19, phần mềm ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử hoặc PC-Covid) theo qui định, liều cuối cùng tiêm trong thời gian ít nhất 14 ngày;

Hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 3 tháng tính đến thời điểm được xác định là đối tượng F1 (có giấy ra viện/giấy xác nhận khỏi bệnh Covid-19).

Các trường hợp có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 vào ngày thứ 5 được đi học trực tiếp trở lại, nhà trường và phụ huynh học sinh tiếp tục theo dõi sức khỏe cho học sinh trong 5 ngày tiếp theo và hướng dẫn học sinh thực hiện Thông điệp 5K.

Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú 7 ngày và xét nghiệm (RT-PCR hoặc kháng nguyên nhanh) ngày thứ 7 đối với những học sinh là F1 và chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vắc-xin Covid-19; các trường hợp có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 vào ngày thứ 7 được đi học trực tiếp trở lại, nhà trường và phụ huynh học sinh tiếp tục theo dõi sức khỏe cho học sinh trong 3 ngày tiếp theo và hướng dẫn học sinh thực hiện Thông điệp 5K.

Bộ Y tế lưu ý trong quá trình cách ly, theo dõi sức khỏe, nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như ho, sốt, khó thở, đau rát họng, mất vị giác, … hoặc triệu chứng nghi ngờ khác, thì thông báo ngay cho Trạm Y tế cấp xã, Nhà trường để theo dõi và xử trí theo qui định.

Riêng đối với khối mầm non, nhà trẻ, nhóm trẻ: Nếu trong lớp học có 1 ca xét nghiệm kháng nguyên nhanh dương tính với virus SARS-CoV-2 (F0) thì cho toàn bộ trẻ trong lớp đó cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú 7 ngày và xét nghiệm (RT-PCR hoặc kháng nguyên nhanh) vào ngày thứ 7.

Các trường hợp có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 vào ngày thứ 7 được đi học trực tiếp trở lại, phụ huynh và giáo viên chủ nhiệm tiếp tục theo dõi sức khỏe cho trẻ trong 3 ngày tiếp theo.

Nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như ho, sốt, khó thở, đau rát họng, mất vị giác,…hoặc triệu chứng nghi ngờ khác, thì phụ huynh/giáo viên chủ nhiệm thông báo ngay cho Trạm Y tế cấp xã, Hiệu trưởng/Ban chỉ đạo/Tổ an toàn phòng, chống dịch Covid-19 của nhà trường để theo dõi và xử trí theo qui định.

Bước 4:

– Đối với lớp có học sinh F0: Sau khi xác định đối tượng là F1, cho học sinh không phải là F1 di chuyển sang lớp học dự phòng và khử khuẩn toàn bộ lớp học.

– Đối với học sinh các lớp học khác:

+ Nếu không có sự giao lưu tiếp xúc với F0 thì cho đi học bình thường.

+ Nếu xác định có học sinh tiếp xúc gần (F1) với trường hợp F0 thì tiến hành xét nghiệm kháng nguyên nhanh với trường hợp là F1 đó và xử lý F1 như bước 3.

Không bắt buộc tất cả học sinh xét nghiệm Covid-19 trước khi trở lại trường

Bộ Y tế lưu ý, trường hợp phát hiện học sinh là F0 đang ở tại nhà, phụ huynh cho học sinh nghỉ học, báo ngay với nhà trường và trạm y tế cấp xã. Nhà trường, Trạm Y tế cấp xã tiến hành truy vết các trường hợp học sinh là F1 liên quan và xử lý các trường hợp F1 như trên.

Yêu cầu cơ sở giáo dục không bắt buộc tất cả các học sinh phải xét nghiệm trước khi trở lại trường để học trực tiếp, chỉ xét nghiệm đối với các trường hợp nghi ngờ (sốt, ho, khó thở, … hoặc có triệu chứng nghi ngờ khác) hoặc có tiền sử tiếp xúc với F0.

Học bán trú thế nào?

Theo Bộ Y tế, nếu tổ chức cho trẻ học bán trú, nhà trường phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của ngành Y tế và ngành Giáo dục và Đào tạo, trong đó bảo đảm theo nguyên tắc hạn chế giao lưu, tiếp xúc giữa các học sinh trong cùng lớp và giữa các lớp.

– Ưu tiên tổ chức ăn, ngủ, nghỉ ngay tại lớp học; học sinh lớp nào ăn, ngủ riêng theo lớp đó, không chung với các lớp khác.

– Học sinh ăn theo suất ăn riêng, không dùng chung các đồ dùng cá nhân, rửa tay với nước sạch và xà phòng trước và sau khi ăn.

– Vệ sinh, khử khuẩn nhà ăn sau mỗi lượt tổ chức cho học sinh ăn (nếu tổ chức ăn ở nhà ăn chung của nhà trường).

– Bảo đảm an toàn thực phẩm, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm.

Bộ Y tế đề nghị Bộ GD-ĐT căn cứ vào các nội dung hướng dẫn nêu trên để chỉnh sửa, bổ sung vào Sổ tay bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong trường học và các văn bản hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19 khác của Bộ GD-ĐT.

Bộ Y tế hướng dẫn xử trí ca mắc Covid-19 và cách ly F1 là học sinh khi học trực tiếp - Ảnh 2.

N.Dung

NLĐO – Sức khỏe – RSS Feed

Bác sĩ hướng dẫn sinh viên lần đầu nhập học cách tránh bị kẻ xấu dụ dỗ, khống chế

Mới đây, sự việc nam sinh viên quê Bình Định vào TP HCM nhập học mất tích rồi tử vong khiến ai nghe cũng bàng hoàng, đau xót. Bác sĩ Huỳnh Bá Tản, Trung tâm Cấp cứu 115, TP HCM đã chia sẻ 10 cách để phòng tránh nguy cơ bị kẻ xấu, người lạ dụ dỗ khống chế dành cho các em học sinh, sinh viên các tỉnh lần đầu đến TP HCM nhập học. Cụ thể:

Bác sĩ hướng dẫn sinh viên lần đầu nhập học cách tránh bị kẻ xấu dụ dỗ, khống chế - Ảnh 1.

Bác sĩ Huỳnh Bá Tản, Trung tâm Cấp cứu 115, TP HCM đang hồi sức cấp cứu cho bệnh nhân bị tai nạn giao thông. (Ảnh do bác sĩ cung cấp)

Về bản thân các em:

1. Nhờ người quen biết đến bến xe đưa đón là tốt nhất

2. Nếu không rành đường và không có người quen đón rước chỉ nên đi xe taxi hoặc xe công nghệ có tổng đài, số tài và tên người chạy xe. Lưu ý, hãy bước ra ngoài đường khỏi khu vực cát cứ bến xe chừng trăm mét rồi mới nên lấy điện thoại ra đặt ứng dụng xe công nghệ.

3. Chỉ đi xe ôm hoặc xe taxi dù, nếu rành đường và đủ bản lĩnh tự tin để tự bảo vệ mình. Tuy nhiên, nên điện thoại báo cho gia đình hoặc người quen biết trước khi lên xe là mình đi xe gì và biển số xe để phòng hờ bất trắc

Về gia đình của các em:

4. Chủ động thu xếp để tự đưa con em mình đến TP HCM nhập học và lo việc ăn ở

5. Nếu không thể tự đưa các em đến TP thì nên nhờ người thân, họ hàng hoặc người quen ra bến xe đưa đón giúp

6. Nếu hoàn toàn xa lạ tại TP thì nên chủ động liên hệ nhờ nhà trường, Trung tâm trợ giúp sinh viên hoặc dặn dò chỉ dạy cho con em mình thật chi tiết cụ thể và cẩn trọng

Về phía nhà trường:

7. Nếu có thể nhà trường chủ động giao đoàn trường phụ trách tổ chức việc đưa đón các bạn tân sinh viên khi có yêu cầu trợ giúp, phân công các anh chị sinh viên đang học khóa trên hoặc tình nguyện viên để giúp đỡ các bạn mình

8. Thiết lập đường dây nóng để các bạn tân sinh viên hỏi đường, nhờ trợ giúp hoặc báo hỗ trợ khẩn cấp khi cần thiết

9. Gửi bản chỉ dẫn đi đường (có thể chụp lại từ bản đồ Google map) đường đi từ các bến xe như miền Đông, miền Tây … đến trường của mình hoặc ký túc xá để các tân sinh viên nắm rõ

Về phía chính quyền:

10. Cần thiết phải đóng chốt, tổ chức và kiểm soát tốt các bến xe giúp người dân an tâm sử dụng các phương tiện vận chuyển công cộng và xã hội hóa.

Hải Yến

NLĐO – Sức khỏe – RSS Feed

Bộ Y tế đề nghị các địa phương không cách ly người về quê đón Tết Nguyên đán

Ngày 22-1, Bộ Y tế đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong nước về quê nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Theo Bộ Y tế, hiện nay, tiêm chủng vắc-xin Covid-19 tại các tỉnh, thành phố đã đạt tỉ lệ cao: người từ 18 tuổi trở lên được tiêm 1 mũi đạt 100%, tiêm đủ 2 mũi đạt 95,6%, tiêm mũi 3 đạt 18,6%; trẻ em (12-17 tuổi) tiêm mũi 1 đạt 94,1%, tiêm đủ 2 mũi đạt 82,2%.

Bộ Y tế đề nghị các địa phương không cách ly người về quê đón Tết Nguyên đán - Ảnh 1.

Gần 30 hộ dân ở xã Thiệu Phú, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa, bị chính quyền khóa cổng khi có người về quê ăn Tết

Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong nước về quê nhân dịp Tết Nguyên đán năm 2022 và đảm bảo công tác phòng, chống dịch, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo triển khai các nội dung, cụ thể:

Hướng dẫn người dân về quê nhân dịp Tết Nguyên đán thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 gồm thực hiện 5K, tự theo dõi sức khỏe, không phải cách ly y tế; nếu có biểu hiện nghi ngờ mắc Covid-19 như sốt, ho, khó thở… thì hạn chế tiếp xúc và hạn chế đi lại, thông báo ngay cho y tế địa phương để được hướng dẫn, xét nghiệm SARS-CoV-2 và xử trí theo quy định.

Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng quy định; kịp thời chấn chỉnh việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch không phù hợp.

Trước đó, Bộ Y tế cũng đã có công văn gửi Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố về việc chấn chỉnh các biện pháp phòng chống dịch không phù hợp.

Tại văn bản này, Bộ Y tế đề nghị các địa phương kịp thời chấn chỉnh việc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch không phù hợp, kiên quyết không để xảy ra các hành vi vi phạm trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Để phòng chống dịch Covid-19, một số địa phương yêu cầu người dân về từ vùng dịch thực hiện xét nghiệm, cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà trong 7 ngày… Thậm chí, một số nơi còn khóa trái cổng người về từ vùng cam, đỏ gây bức xúc cho người dân.

Bộ Y tế đề nghị các địa phương không cách ly người về quê đón Tết Nguyên đán - Ảnh 2.

N.Dung

NLĐO – Sức khỏe – RSS Feed

TP HCM rút ngắn thời gian F0 cách ly tại nhà

Sở Y tế TP HCM vừa điều chỉnh đối tượng và rút ngắn thời gian cách ly F0 tại nhà, bổ sung thuốc kháng virus đường uống Favipiravir vào toa thuốc cho F0 tại nhà.

Theo hướng dẫn này, người mắc Covid-19 (F0) mới được cách ly tại nhà là người có kết quả xét nghiệm RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 dương tính theo hướng dẫn của Bộ Y tế ngày 29-12-2021 và đủ điều kiện cách ly tại nhà.

TP HCM rút ngắn thời gian F0 cách ly tại nhà - Ảnh 1.

TP HCM rút ngắn thời gian cách ly F0 tại nhà

Theo đó, người bệnh Covid-19 được cách ly tại nhà khi không triệu chứng hoặc triệu chứng lâm sàng ở mức độ nhẹ (không có dấu hiệu suy hô hấp SpO2 ≥ 97% khi thở khí trời, nhịp thở ≤ 20 lần/phút) và trong độ tuổi từ 3 tháng – 64 tuổi, không có bệnh nền, không mang thai, không béo phì, đã tiêm đủ liều vắc-xin (độ tuổi cách ly tại nhà trong hướng dẫn gần nhất là từ 1-50 tuổi).

Nếu không thỏa điều kiện trên, cũng có thể xem xét cách ly tại nhà nếu người bệnh có bệnh nền ổn định, sức khỏe chưa có dấu hiệu bất thường, bảo đảm tiêm đủ liều vắc-xin hoặc sau 14 ngày kể từ ngày tiêm mũi vắc-xin Covid-19 đầu tiên và F0 có nguyện vọng cách ly tại nhà.

Trường hợp F0 là trẻ em hoặc người không tự chăm sóc được thì cần phải có người hỗ trợ chăm sóc.

Hướng dẫn còn lưu ý: nếu F0 hội đủ 2 tiêu chí trên nhưng hộ gia đình có người thuộc nhóm nguy cơ, sở khuyến khích F0 cách ly nơi khác (không có người thuộc nhóm nguy cơ hoặc cách ly tập trung) để giảm nguy cơ lây lan, nhất là người thuộc nhóm nguy cơ.

Việc xem xét cho người F0 thuộc nhóm nguy cơ cách ly, theo dõi tại nhà hay tại cơ sở điều trị có thể được xem xét dựa trên cơ sở: tình trạng, mức độ bệnh; điều kiện chăm sóc, điều trị tại nhà; sự hỗ trợ của cán bộ y tế; nguyện vọng của F0 hay gia đình.

Sở Y tế đề nghị trạm y tế phường, xã, thị trấn chịu trách nhiệm tiếp nhận, cập nhật danh sách người F0 trên địa bàn. Trong trường hợp chưa đủ chứng cứ để xác định là F0, trạm y tế, trạm y tế lưu động xét nghiệm cho người bệnh bằng test nhanh do Bộ Y tế cấp phép.

Việc xét nghiệm này nhân viên y tế trực tiếp thực hiện hoặc yêu cầu người bệnh thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên y tế bằng hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp qua các phương tiện từ xa.

Trong trường hợp F0 đủ điều kiện cách ly tại nhà, trạm y tế hướng dẫn những điều F0 cần tuân thủ, tự chăm sóc và theo dõi sức khỏe tại nhà. Bên cạnh các vật dụng cần thiết (nhiệt kế, máy đo SpO2…), người bệnh cần chuẩn bị thuốc điều trị Covid-19 được cấp phát và thuốc đang điều trị bệnh nền, đủ sử dụng 1 tháng.

Cũng theo hướng dẫn này, một trong 11 điều F0 cần làm khi cách ly tại nhà là khai báo y tế mỗi ngày ít nhất 1 lần hoặc khi có triệu chứng bất thường qua ứng dụng “Y tế HCM” hoặc qua phiếu tự theo dõi sức khỏe.

Trong vòng 24 giờ sau khi nhận được danh sách F0, cơ sở quản lý người nhiễm Covid -19 tại nhà được phân công quản lý F0 phải cấp phát thuốc điều trị Covid-19 theo quy định (cấp ngay gói thuốc A nếu F0 không có triệu chứng; cấp ngay gói thuốc A, C nếu F0 có triệu chứng nhẹ).

Đối với F0 thuộc nhóm nguy cơ, ưu tiên cấp ngay gói thuốc C khi có kết quả xét nghiệm dương tính, hướng dẫn người bệnh uống ngay thuốc kháng virus trước khi xem xét cho người bệnh cách ly tại nhà hay cơ sở điều trị.

Trong trường hợp người bệnh được chuyển đến cơ sở điều trị, hướng dẫn người bệnh tiếp tục sử dụng thuốc kháng virus đã được cấp phát, ghi rõ thông tin sử dụng thuốc vào phiếu chuyển viện hoặc thông báo cho cơ sở tiếp nhận biết để tiếp tục theo dõi.

Việc cấp phát thuốc điều trị Covid-19 có thể cấp tại nhà hoặc người nhà F0 liên hệ trạm y tế, trạm y tế lưu động để nhận thuốc.

Các thuốc điều trị Covid-19 tại nhà cũng gồm 3 gói A, B và C. Trong đó, các thuốc chống đông dạng uống (Rivaroxaban, Apixaban, Dabigatran) và thuốc kháng virus (Molnupiravir, Favipiravir) đã được đưa vào Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 mới nhất của Bộ Y tế.

Khi F0 cảm thấy khó thở phải liên hệ ngay với cơ sở đang quản lý để được tư vấn, hỗ trợ. Bác sĩ đánh giá tình trạng bệnh, nếu có chỉ định nhập viện sẽ cho người bệnh sử dụng 1 liều duy nhất (gói thuốc B) trước khi chuyển viện.

Theo hướng dẫn, F0 sẽ được dỡ bỏ cách ly, điều trị tại nhà khi đã đủ 10 ngày và có kết quả xét nghiệm kháng nguyên âm tính do nhân viên y tế thực hiện hoặc người bệnh tự thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên y tế bằng ít nhất một trong các hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp qua các phương tiện từ xa.

Các đơn vị lập danh sách xác nhận F0 khỏi bệnh và giấy xác nhận hoàn thành thời gian cách ly theo quy định. Đồng thời cấp giấy nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội cho người lao động theo hướng dẫn của Sở Y tế tại công văn số 9000 ngày 2-12.

Bên cạnh đó, làm xét nghiệm cho người chăm sóc hoặc người ở cùng nhà với F0 khi có triệu chứng nghi ngờ mắc Covid-19.

NGUYỄN THẠNH

NLĐO – Sức khỏe – RSS Feed

close(x)
close(x)