May 20, 2024

Thị trường dược phẩm Việt Nam đạt 7 tỉ USD năm 2023

Tại lễ trao danh hiệu “Ngôi sao thuốc Việt” lần thứ 2, diễn ra tối 17-5, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết những năm qua, sản xuất trong nước đã đáp ứng khoảng 60% nhu cầu thuốc cho phòng và chữa bệnh.

Thị trường dược phẩm Việt Nam đạt 7 tỉ USD năm 2023- Ảnh 1.

Bà Đào Hồng Lan, Bộ trưởng Bộ Y tế và ông Trần Hồng Thái, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ trao danh hiệu “Ngôi sao thuốc Việt” cho 18 đơn vị, doanh nghiệp – Ảnh: Trần Minh

Hiện cả nước có hơn 62.000 cơ sở bán lẻ, hơn 5.000 cơ sở bán buôn thuốc, 238 nhà máy sản xuất thuốc dược phẩm đạt tiêu chuẩn WHO-GMP, 17 nhà máy thuốc đạt tiêu chuẩn EU-GMP (thực hành sản xuất tốt theo tiêu chuẩn châu Âu) và tương đương…

Chất lượng thuốc nội ngày càng được nâng cao, trong khi giá thành rẻ hơn so với thuốc cùng loại nhập khẩu.

Thống kê của Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho biết Việt Nam được xếp vào nhóm quốc gia có giá trị dược phẩm và tốc độ phát triển nghành dược nhanh trên thế giới. Thị trường dược phẩm Việt Nam đang trên đà tăng trưởng với tổng giá trị ước tính tăng từ khoảng 2,7 tỉ USD trong năm 2015 lên hơn 7 tỉ USD vào năm 2023, dự báo đạt hơn 10 tỉ USD vào năm 2026.

Giá thuốc của nhóm thuốc biệt dược gốc và thuốc generic đối với các thuốc sử dụng nhiều nhất của Việt Nam đều ở mức thấp nhất so với các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, lễ trao danh hiệu “Ngôi sao thuốc Việt” được Bộ Y tế tổ chức lần đầu vào năm 2015. Đến nay, đây là danh hiệu danh giá và duy nhất dành cho các doanh nghiệp và sản phẩm trong lĩnh vực dược.

Bà cũng kỳ vọng các sản phẩm thuốc đạt danh hiệu này sẽ góp phần lan tỏa đến cộng đồng, củng cố sự tin tưởng, tín nhiệm của người Việt đối với thuốc Việt, góp phần cổ vũ mạnh mẽ phong trào người Việt dùng thuốc Việt.

Theo chiến lược phát triển của ngành dược, Việt Nam phấn đấu trở thành trung tâm sản xuất dược phẩm giá trị cao trong khu vực. Đến năm 2030, 100% thuốc được cung ứng chủ động, kịp thời cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh.

Thuốc sản xuất trong nước phấn đấu đáp ứng khoảng 80% nhu cầu sử dụng và 70% giá trị thị trường. Tiếp tục phấn đấu đạt mục tiêu sản xuất được 20% nhu cầu nguyên liệu cho sản xuất thuốc trong nước.

Sức khỏe – Tổng hợp tin Sức khỏe mới nhất trong ngày

TP HCM: Điều tra dịch tễ vụ 2 trẻ nghi ngộ độc sau khi ăn mì Ý tại trường

Chiều 7-5, Sở Y tế TP HCM cho biết liên quan đến 2 trường hợp là học sinh tại Trường Tiểu học Linh Chiểu (TP Thủ Đức) và Trường Tiểu học Đặng Trần Côn (quận 4) nghi ngộ độc thực phẩm sau khi ăn mì Ý tại trường phải nhập Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP HCM) điều trị, ngành y tế TP đã điều tra dịch tễ và đánh giá nguy cơ tại cộng đồng.

Theo đó, ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) phối hợp với các trung tâm y tế địa phương tiến hành điều tra dịch tễ. 

Kết quả, tổ công tác ghi nhận tại cả 2 trường học không ghi nhận dấu hiệu của ngộ độc thực phẩm tập thể. Bên cạnh đó, bữa trưa bán trú của 2 trường được cung cấp bởi 2 công ty khác nhau. Tuy nhiên, đáng chú ý, trong ngày 4-5 là thời điểm trẻ xuất hiện triệu chứng nghi ngộ độc có sự trùng hợp ngẫu nhiên tại Trường Tiểu học Linh Chiểu có 82 trẻ nghỉ học.

Qua tìm hiểu, nhà trường cho biết nguyên nhân nghỉ học của trẻ, có đến hơn 50 trẻ nghỉ học vì lý do không liên quan đến sức khỏe (như đi thi tiếng Anh, đi du lịch cùng gia đình, do việc nhà…), số còn lại thì nghỉ học vì các lý do thông thường như ho, cảm, mệt (không có triệu chứng rối loạn tiêu hoá)… Đây cũng là số tương đương với số trường hợp nghỉ học trung bình hàng ngày của trường. 

Ngoài 2 học sinh nhập viện tại Bệnh viện Nhi đồng 2, nhà trường khẳng định không ghi nhận thêm học sinh nào đi khám bệnh hoặc nhập viện vì nhiễm trùng tiêu hóa.

Trước đó, Bệnh viện Nhi đồng 2 tiếp nhận điều trị 2 bệnh nhi là học sinh của 2 trường tiểu học trên nhập viện trong tình trạng tiêu chảy, sốt, ói… Tuy nhiên, khi xét nghiệm tìm nguyên nhân, cơ quan chức năng không phát hiện tác nhân gây bệnh. 

Sở Y tế lưu ý tình hình thời tiết nắng nóng hiện nay là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh, nguy cơ nhiễm trùng đường tiêu hóa do ngộ độc thực phẩm tăng cao, không chỉ từ các bữa ăn tập thể mà còn ở từng gia đình.

Sở Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện nghiêm các biện pháp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt, trong kỳ nghỉ hè sắp tới, các bậc phụ huynh cần quan tâm hướng dẫn cho trẻ ăn uống hợp vệ sinh, không tự ý mua và sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

TP HCM: Sau khi ăn mì Ý sốt cà ở trường, 2 trẻ nhập viện

Sáng 7-5, nguồn tin của Báo Người Lao Động cho biết Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP HCM) vừa có báo cáo nhanh gửi Sở Y tế TP HCM về việc đang điều trị nội trú cho 2 trường hợp trẻ có triệu chứng về đường tiêu hóa sau khi ăn mì Ý sốt cà tại trường dù cả 2 trẻ học 2 trường khác nhau.

Theo đó, trường hợp thứ nhất là bé trai (9 tuổi) học sinh Trường Tiểu học Đặng Trần Côn, quận 4, TP HCM. Bệnh nhi nhập viện với chẩn đoán nhiễm trùng đường ruột do vi khuẩn, viêm họng cấp, theo dõi ngộ độc. Sau khi nhập viện bệnh nhân tỉnh nhưng tiêu lỏng thêm 10 lần, không nhầy mái, CRP tăng nhẹ, siêu âm quai ruột nhiều dịch, tăng nhu động, soi phân đại thể không bất thường. Bé được điều trị kháng sinh, bù nước.

Khai thác bệnh sử, ngày 3-5, bé sốt cao, ói 8 lần, tiêu lỏng, không đau bụng. Người nhà cho biết thêm trong trường cũng có 6 bé bị sốt, ói sau ăn trưa cùng ngày với mì Ý sốt cà ở trường.

Trường hợp thứ 2 là bé gái (11 tuổi) học sinh Trường Tiểu học Linh Chiểu, TP Thủ Đức. Bé gái được chẩn đoán lúc nhập viện ói cấp, theo dõi viêm dạ dày ruột, theo dõi ngộ độc thực phẩm. Bệnh sử, tối 3-5, bé đau bụng quanh rốn, ói ra thức ăn cũ từ trưa 3 lần, không sốt, không tiêu lỏng. Đáng chú ý, người nhà cho biết trưa cùng ngày bé có ăn mì Ý sốt cà ở trường. Đến hôm sau (ngày 4-5), bé ói ra thức ăn và dịch xanh 5 lần nên được đưa đến Bệnh viện Nhi đồng 2 cấp cứu.

Sau nhập viện, bé không sốt, không ói, không đau bụng thêm, không dấu mất nước, xét nghiệm có CRP tăng nhẹ 53.3 mg/L, siêu âm các quai ruột nhiều dịch và hơi, xét nghiệm bệnh phẩm tìm tác nhân chưa có kết quả.

Cả 2 bệnh nhi được điều trị kháng sinh, bù nước và lấy mẫu phân xét nghiệm. Ngày 6-5, kết quả xét nghiệm không phát hiện tác nhân gây bệnh.

Liên quan đến vụ 15 học sinh tại 4 trường tiểu học trên địa bàn TP Thủ Đức nhập viện vì nghi ngộ độc thực phẩm, sáng 7-5, lãnh đạo Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức, TP HCM) cho biết kết quả xét nghiệm phân và máu của các bệnh nhi nghi ngộ độc thực phẩm sau khi sushi, bánh mì… mua trước cổng trường cũng không tìm ra vi khuẩn gây bệnh.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Đồng Nai: Khẩn trương điều tra vụ ngộ độc nghiêm trọng sau ăn bánh mì

Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban ngành, UBND các địa phương và các cơ sở y tế cần khẩn trương khắc phục hậu quả vụ ngộ độc thực phẩm đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại thành phố Long Khánh.

Đồng Nai: Khẩn trương điều tra vụ ngộ độc nghiêm trọng sau ăn bánh mì- Ảnh 1.

Lãnh đạo TP Long Khánh thăm, động viên gia đình và các bệnh nhân vụ ngộ độc sau khi ăn bánh mì tại cơ sơ bánh mì Băng

Cụ thể, UBND tỉnh yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo các bệnh viện như: Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Đồng Nai, BVĐK Thống Nhất, Bệnh viện Nhi Đồng Nai, BVĐK Cao su Đồng Nai, BVĐK khu vực Long Khánh và các đơn vị liên quan tập trung tối đa lực lượng y, bác sĩ, thuốc, thiết bị, vật tư y tế để cứu chữa kịp thời các bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm, không để ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người dân.

Đồng thời, chỉ đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm phối hợp Công an tỉnh, các đơn vị liên quan thực hiện kiểm tra, làm rõ nguyên nhân vụ việc, công khai kết quả để kịp thời cảnh cáo cho cộng đồng; hướng dẫn những cơ sở dịch vụ ăn uống đảm bảo vệ sinh, điều kiện an toàn thực phẩm, thực hiện nghiêm việc quản lý nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm; tuyên truyền, giáo dục cho người dân thay đổi hành vi, thói quen không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ…

Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai yêu cầu Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo công an các đơn vị phối hợp Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Quản lý thị trường Đồng Nai khẩn trương điều tra làm rõ nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm.

Chủ tịch UBND các huyện, thành phố cần phối hợp các sở, ngành chức năng để tiến hành rà soát những cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tiềm ẩn nhiều nguy cơ ngộ độc, nhất là cơ sở kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không để xảy ra các vụ việc tương tự.

Theo Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, tính đến 7 giờ sáng 3-5, các bệnh viện tại TP Long Khánh đã tiếp nhận cấp cứu 469 ca ngộ độc sau khi ăn bánh mì tại cơ sở bánh mì Băng.

Theo đó, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh đang điều trị cho 321 ca, xuất viện 19 ca, chuyển viện 11 ca, điều trị tại nhà 96 ca.

Các bệnh nhân điều trị tại bệnh viện đều ổn định. Hiện bệnh viện đang tiếp tục tiếp nhận bệnh nhân vào viện.

Còn tại Bệnh viện Đa khoa Cao su Đồng Nai tiếp nhận chữa trị 22 ca, trong đó có 9 trẻ em và không có ca nặng.

Riêng tại Bệnh viện Nhi Đồng Nai đang chữa trị cho 12 bé bi ngộ độc. Trong đó, có 5 ca bệnh nặng.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

15 học sinh 4 trường ở Thủ Đức nhập viện, nghi ngộ độc thực phẩm

Tối 2-5, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức) cho biết vừa có báo cáo gửi Sở Y tế, Sở An toàn thực phẩm TP HCM, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và Trung tâm Y tế TP Thủ Đức liên quan vụ việc 15 học sinh nghi ngộ độc thực phẩm vừa xảy ra tại 4 trường tiểu học trên địa bàn.

Theo đó, 9 giờ cùng ngày, 15 học sinh của 4 trường tiểu học: Thạnh Mỹ Lợi (8 em), Bình Trưng Đông (3 em), Nguyễn Văn Trỗi (1 em), Nguyễn Thế Vinh (1 em) và 2 em chưa rõ học trường nào đã được đưa đến nhập viện.

Trước khi nhập viện, các em đã ăn sushi, một số em ăn bánh mì. Sau khi ăn, các em đều xuất hiện triệu chứng ói, sốt nên được nhập viện cấp cứu.

Các học sinh được chẩn đoán nhiễm trùng đường tiêu hóa, nghi ngờ ngộ độc thực phẩm. 

Các bác sĩ đã xử trí truyền dịch, kháng sinh. Hiện tại, hầu hết các em đều có sinh hiệu ổn, giảm ói nhưng vẫn cần phải nằm viện theo dõi.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Thứ trưởng Bộ Y tế nhảy flashmob truyền cảm hứng tập luyện cho mọi người

Ngày 6-4, Bộ Y tế phối hợp cùng Báo Sức Khỏe và Đời Sống tổ chức Ngày Dinh dưỡng cộng đồng Việt Nam (lần 2) tại Công viên Tao Đàn (TP HCM).

Phát biểu tại ngày hội, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết áp lực công việc, guồng quay cuộc sống ngày nay đôi khi cản trở, ngắt nhịp những nỗ lực rèn luyện nâng cao sức khỏe. Rất nhiều người đã bỏ dở một lộ trình ăn uống khoa học, hoặc đầu hàng sau vài buổi tập căng sức, mỏi cơ.

Thứ trưởng Bộ Y tế nhảy flashmob truyền cảm hứng tập luyện cho mọi người- Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn phát biểu tại ngày hội

Theo Thứ trưởng, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết hiện có hơn 1 tỉ người mắc bệnh béo phì. Tình trạng này đang tăng nhanh trên quy mô toàn cầu và nếu không có những giải pháp ngăn ngừa hiệu quả, thì đến năm 2035, thế giới sẽ có khoảng 1,9 tỉ người phải sống chung với bệnh béo phì, kéo theo đó là rất nhiều hệ lụy về sức khỏe, chất lượng sống, cũng như những áp lực gia tăng lên hệ thống y tế.

CLIP: Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn tham gia phần nhảy flashmob khởi động cùng với 250 người nhằm cổ vũ và truyền cảm hứng tinh thần tập luyện cho mọi người

Thứ trưởng Bộ Y tế nhảy flashmob truyền cảm hứng tập luyện cho mọi người- Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ Y tế cùng tham gia các hoạt động tại ngày hội cùng người dân tại Công viên Tao Đàn, TP HCM

Tại Việt Nam, theo thông tin từ Viện Dinh dưỡng, tỷ lệ thừa cân béo phì và các bệnh mạn tính không lây nhiễm liên quan đến thừa cân béo phì đang gia tăng nhanh. Cụ thể, tỉ lệ béo phì ở Việt Nam tăng gấp hơn 2 lần trong 10 năm qua, từ 8,5% năm 2010 lên 19,% năm 2020.

Những người thừa cân, béo phì có nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, ung thư, đái tháo đường… cao gấp 5-7 lần so với những người có chỉ số cơ thể chuẩn.

Do đó, việc thực hành dinh dưỡng khoa học và vận động hợp lý sẽ cải thiện sức khỏe bản thân, góp phần tạo nên một cộng đồng khỏe mạnh không chỉ có giá trị với từng cá nhân mà đóng vai trò rất lớn trong việc phòng bệnh, nâng cao tầm vóc người Việt và giúp giảm áp lực lên hệ thống y tế.

Thứ trưởng Bộ Y tế nhảy flashmob truyền cảm hứng tập luyện cho mọi người- Ảnh 3.

Bác sĩ tư vấn và hướng dẫn chế độ dinh dưỡng miễn phí cho người dân tham gia ngày hội

“Ngày hội là dịp để cộng đồng kết nối, lan tỏa thông điệp thực hành dinh dưỡng khoa học và vận động hợp lý tới đông đảo người dân. Bộ Y tế cũng kêu gọi người dân tiếp tục thực hiện dinh dưỡng khoa học và vận động hợp lý. Tập luyện không cứ phải vào giờ nào cụ thể, có thể buổi sáng, giờ nghỉ, hay buổi tối, và chúng ta đều có thể tập luyện mỗi ngày. Chúng ta có thể chạy bộ, đi bộ, tập yoga hay bất cứ môn vận động nào theo sở thích và điều kiện, hoàn cảnh, quan trọng là vận động mỗi ngày, và ngày qua ngày, chúng ta sẽ dần thấy cơ thể mình biến chuyển tích cực” – Thứ trưởng nhấn mạnh.

Tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Y tế đã tham gia phần nhảy flashmob khởi động cùng với 250 người nhằm cổ vũ và truyền cảm hứng tinh thần tập luyện cho mọi người.

Ngoài ra, sự kiện còn có nhiều hoạt động hưởng ứng như cuộc thi về dinh dưỡng, thi các môn thi vận động. Bên cạnh đó là 10 gian hàng để khách tham quan, có các chuyên gia về dinh dưỡng tư vấn sức khỏe.

Là một trong hàng trăm người dân được hướng dẫn, tư vấn dinh dưỡng và tập luyện, bà Đinh Thủy Tiên (67 tuổi, ngụ quận 1, TP HCM) cho biết tuổi cao nên bà thường hạn chế các bữa ăn nhưng vẫn duy trì tập luyện phù hợp với thể trạng. Tuy nhiên, sau khi được bác sĩ tư vấn bà đã nhận thức rõ hơn về dinh dưỡng.

“Nhờ bác sĩ dinh dưỡng hướng dẫn chế độ ăn cùng với duy trì tập luyện giúp tôi tăng cường sức khỏe tổng thể, tăng cường sức đề kháng và giảm nguy cơ mắc bệnh mãn tính” – bà Tiên nói

Ông Trần Tuấn Linh, Tổng biên tập Báo Sức Khỏe và Đời Sống, Trưởng ban Tổ chức ngày hội, cho biết với thông điệp dinh dưỡng khoa học, vận động hợp lý sẽ cổ vũ người dân cả nước hưởng ứng phong trào rèn luyện thể lực nâng cao sức khỏe và thực hành dinh dưỡng. Chương trình đã lan tỏa mạnh mẽ và có sức hấp dẫn đối với cộng đồng. Không chỉ tại Hà Nội hay TP HCM, phong trào cùng nhau tập luyện, cùng nhau thực hành dinh dưỡng theo các hội, nhóm đang ngày càng phổ biến hơn ở nhiều tỉnh, thành.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Nghiên cứu Mỹ: Ăn 1 trái bơ mỗi ngày để “trường sinh bất lão”

Theo Medical Xpress, nghiên cứu mới được thực hiện bởi các nhà khoa học dinh dưỡng từ Đại học Bang Pennsylvania (Mỹ) chỉ ra trái bơ là một “siêu thực phẩm” thực sự.

Cuộc khảo sát dựa trên hơn 1.000 tình nguyện viên cho thấy chỉ cần ăn 1 trái bơ mỗi ngày, bạn có thể nhận được một loạt chất dinh dưỡng thiết yếu ở mức đủ để cải thiện chất lượng chế độ ăn uống tổng thể chỉ trong vòng 26 tuần.

Nghiên cứu Mỹ: Ăn 1 trái bơ mỗi ngày để

Có rất nhiều cách để đưa trái bơ vào khẩu phần ăn hàng ngày – Ảnh minh họa từ Internet

Chất lượng chế độ ăn uống tổng thế được các nhà dinh dưỡng coi như một thước đo sức khỏe.

Chất lượng chế độ ăn uống kém là yếu tố nguy cơ của một loạt bệnh và nhóm bệnh chết người, bao gồm bệnh tim, bệnh tiểu đường type 2, bệnh thận và nhiều bệnh có thể phòng ngừa khác.

Nói cách khác, điểm số chất lượng chế độ ăn uống tổng thể càng cao, bạn càng có cơ hội kéo dài “tuổi thọ khỏe mạnh”, một thuật ngữ hay được đề cập trong thời kỳ già hóa dân số.

Kéo dài tuổi thọ khỏe mạnh có thể hiểu như một dạng “trường sinh bất lão”, tức không chỉ sống lâu hơn mà phải sống khỏe trong tuổi già.

Điều này đòi hỏi các biện pháp ăn uống, thay đổi lối sống nhằm làm chậm tiến trình lão hóa, duy trì “tuổi sinh học” trẻ trung, ngăn chặn hoặc kiểm soát các bệnh lý mạn tính để chúng không làm suy giảm chất lượng sống.

Một trái bơ có thể giúp bạn làm được điều đó, các kết quả vừa được công bố trên tạp chí khoa học Current Developments in Nutrion khẳng định.

Phân tích loại siêu thực phẩm này, các nhà khoa học chỉ ra trái bơ giàu chất xơ và các chất dinh dưỡng quan trọng. Nó cũng là loại thực phẩm từng được chứng minh giàu chất chống oxy hóa, giúp cài thiện một loạt chức năng trong cơ thể.

Nhiều nghiên cứu trước đây cũng chỉ ra trái bơ là thực phẩm có thể giúp cải thiện các vấn đề về tim mạch, giúp chống lại tình trạng máu nhiễm mỡ và các vấn đề về chuyển hóa khác.

Đây cũng là một thực phẩm chứa nhiều vitamin bao gồm vitamin K, C, E, một số vitamin nhóm B.

Bơ cũng được sử dụng phổ biến trong nền ẩm thực nhiều quốc gia và khá dễ chế biến. Có thể ăn trực tiếp, xay sinh tố, trộn salad, nghiền hoặc xắt lát để ăn kèm các món mặn…

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Bệnh dại tăng đột biến, 22 trường hợp tử vong

Ngày 13-3, thông tin từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết từ năm 2022 đến nay, bệnh dại có xu hướng gia tăng tại nhiều tỉnh, thành.

Hiện một số địa phương ghi nhận số ca tử vong do bệnh dại cao, như: Gia Lai (14 ca), Nghệ An (7 ca), Bình Phước (7 ca), Điện Biên (6 ca), Bến Tre (5 ca), Đắk Lắk và Bình Thuận (4 ca).

Bệnh dại tăng đột biến, 22 trường hợp tử vong- Ảnh 1.

Một trẻ nhỏ bị có cắn được cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Trung ương

Nhiều ca tử vong do bệnh dại không tiêm vắc-xin

Đầu năm 2024, ca mắc bệnh dại tăng đột biến. Chỉ 2 tháng đầu năm 2024 đã ghi nhận 22 trường hợp tử vong, cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023 (10 trường hợp). Khu vực Tây Nguyên hiện là điểm nóng với 2/4 tỉnh có ca tử vong (Đắk Lắk 4 ca, Gia Lai 1 ca).

Theo Cục Y tế dự phòng, gần đây, xuất hiện các trường hợp mắc bệnh có thời gian ủ bệnh ngắn, từ 10-15 ngày, trong đó nhiều trường hợp là trẻ em dưới 5 tuổi bị chó, mèo cắn ở vùng đầu, mặt, gây thương tích nặng.

Nguyên nhân chủ yếu gây tử vong do bệnh dại là người bị động vật nghi bị dại cắn không tiêm phòng huyết thanh kháng dại và không tiêm vắc-xin phòng dại hoặc tiêm muộn, tiêm không đủ liều, không đúng chỉ định.

Bên cạnh đó, tỉ lệ tiêm vắc-xin phòng dại trên động vật còn thấp, chỉ đạt gần 50% tổng đàn chó, mèo; có nơi mới đạt khoảng 10%, thấp hơn nhiều so với quy định.

Bộ Y tế nhận định thời gian tới, nguy cơ lây nhiễm bệnh dại từ động vật sang người có thể tiếp tục tăng do tỉ lệ tiêm vắc-xin dại trên tổng đàn chó, mèo còn thấp, công tác quản lý đàn chó, mèo còn hạn chế.

Bộ Y tế khuyến cáo người dân tiêm vắc-xin phòng dại đầy đủ và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y; chó phải xích, nhốt, mang rọ mõm khi ra đường; không đùa nghịch, chọc phá chó, mèo.

Bệnh dại tăng đột biến, 22 trường hợp tử vong- Ảnh 2.

Tiêm vắc-xin phòng bệnh dại là biện pháp duy nhất để tránh tử vong sau khi bị chó, mèo dại cắn

Khi bị chó, mèo cắn, cần rửa vết thương bằng xà phòng dưới vòi nước chảy ngay lập tức liên tục 15 phút; nếu không có xà phòng có thể rửa vết thương bằng nước thông thường. Sau đó, rửa sạch vết thương bằng cồn 70% hoặc cồn iod. Hạn chế làm dập vết thương và không băng kín vết thương.

Cần đến cơ sở y tế để khám, tư vấn và tiêm vắc-xin phòng dại, huyết thanh kháng dại kịp thời; tuyệt đối không tự chữa trị hoặc nhờ thầy lang chữa trị.

Theo Cục Y tế dự phòng, khi đã lên cơn dại, kể cả động vật và người đều dẫn đến tử vong. Giai đoạn tiền triệu chứng thường diễn ra từ 1- 4 ngày với biểu hiện cảm giác sợ hãi, đau đầu, sốt, mệt mỏi, khó chịu, cảm giác tê và đau tại vết thương nơi virus xâm nhập.

Giai đoạn viêm não thường biểu hiện mất ngủ, tăng cảm giác kích thích như: sợ ánh sáng, tiếng động và gió nhẹ. Ngoài ra, còn có rối loạn hệ thần kinh thực vật như: giãn đồng tử, tăng tiết nước bọt, vã mồ hôi, hạ huyết áp, đôi khi có biểu hiện xuất tinh tự nhiên.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Kiên Giang ghi nhận 3 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ

Chiều 6-3, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kiên Giang cho biết trên địa bàn tỉnh ghi nhận 3 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ.

Trong đó, 1 trường hợp ở huyện An Biên, 1 ở huyện Giồng Riềng và 1 ở TP Phú Quốc.

Bác sĩ Trần Thế Vinh, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kiên Giang, cho biết trường hợp bệnh nhân ở An Biên đã khỏi bệnh nhưng đã tử vong vào ngày 5-2 do dương tính với HIV. 2 trường hợp còn lại được cách ly điều trị, sức khỏe ổn định.

Cũng theo bác sĩ Trần Thế Vinh, hiện tại, không phát hiện chùm ca lây nhiễm ở cộng đồng và tất cả được tham mưu xử lý ổ dịch đúng quy định.

“Trung tâm y tế các huyện An Biên, Giồng Riềng và TP Phú Quốc phối hợp với trạm y tế các xã liên quan đến nhà của ca bệnh để xác minh và tiến hành điều tra dịch tễ, lập danh sách và theo dõi các đối tượng tiếp xúc gần. Đồng thời tiến hành phun hóa chất khử khuẩn nhà ca bệnh và các hộ xung quanh”- bác sĩ Trần Thế Vinh thông tin.

Trước đó, ngày 29-2, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ tại xã Định Bình, TP Cà Mau.

Ngành y tế tỉnh Cà Mau đã tiến hành truy vết và giám sát những người tiếp xúc gần với bệnh nhân; khử khuẩn và xử lý môi trường ổ dịch khu vực nhà ở của người bệnh…

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cũng đã có văn bản hỏa tốc về việc tăng cường phòng chống bệnh đậu mùa khỉ trên địa bàn.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Cà Mau ghi nhận trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ

Ngày 29-2, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau cho biết trường hợp nghi mắc bệnh đậu mùa khỉ tại xã Định Bình, TP Cà Mau đã được Viện Pasteur TP HCM thông báo kết quả xét nghiệm dương tính.

Ngành y tế tỉnh Cà Mau đã tiến hành truy vết và giám sát những người tiếp xúc gần với bệnh nhân; khử khuẩn và xử lý môi trường ổ dịch khu vực nhà ở của người bệnh tại khu vực xã Định Bình…

Như Báo Người Lao Động đã thông tin, trước đó, Sở Y tế tỉnh Cà Mau đã có báo cáo về trường hợp nghi mắc bệnh đậu mùa khỉ là bệnh nhân C.V.B. (36 tuổi; ngụ xã Định Bình).

Cụ thể, ngày 19-2, bệnh nhân B. xuất hiện các triệu chứng đau rát vùng quy đầu dương vật và một số mụn mủ nên đến phòng khám tư nhân để điều trị.

Sau 3 ngày uống thuốc, bệnh tình không thuyên giảm mà còn xuất hiện nhiều bóng mủ tại bàn tay, cánh tay… nên B. đến Bệnh viện Đa khoa Cà Mau thăm khám.

Tại đây, bệnh nhân được tư vấn đến Bệnh viện Da liễu Cần Thơ để thăm khám và điều trị. Sau đó, B. được chẩn đoán nghi mắc bệnh đậu mùa khỉ.

Về dịch tễ, gia đình bệnh nhân này có 5 người, gồm: cha mẹ (mới đi nước ngoài về) và 2 người em đang sinh sống tại xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau. Trước đó, B. từng nhậu với D. ở cạnh nhà và một số người đi làm từ địa phương khác trở về…

Mới đây, UBND tỉnh Cà Mau đã có văn bản hỏa tốc về việc tăng cường phòng chống bệnh đậu mùa khỉ trên địa bàn.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Thứ trưởng Bộ Y tế lý giải “tăng giá dịch vụ để người bệnh hưởng lợi”

Đổi mới cơ chế tài chính, thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế là một trong những nội dung trọng tâm đang được Bộ Y tế triển khai. Phóng viên Báo Người Lao Động đã đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận xung quanh vấn đề này.

Thứ trưởng Bộ Y tế lý giải

Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận. Ảnh: Trần Minh

– Phóng viên: Thưa thứ trưởng, dự kiến năm 2024 Bộ Y tế sẽ phối hợp với các bộ ngành kết cấu thêm các chi phí còn lại vào giá dịch vụ khám chữa bệnh. Vậy giá dịch vụ y tế tới đây sẽ được điều chỉnh như thế nào?

Giá dịch vụ y tế được tính phí sao?

+ Thứ trưởng Lê Đức Luận: Theo quy định của Chính phủ, giá dịch vụ y tế công nói chung và giá dịch vụ y tế nói riêng bao gồm 4 yếu tố chi phí: (1) chi phí trực tiếp; (2) tiền lương; (3) chi phí quản lý và (4) khấu hao tài sản.

Giá dịch vụ y tế hiện nay (thực hiện theo Thông tư 21, 22/2023/TT-BYT ngày 17/11/2023) đã tính 2 yếu tố, (1) chi phí trực tiếp và (2) tiền lương theo mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng; chưa tính yếu tố (3) chi phí quản lý và (4) khấu hao tài sản cố định, chi phí khác.

Căn cứ lộ trình giá dịch vụ sự nghiệp công quy định tại Nghị định 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về lộ trình giá dịch vụ khám bệnh chữa bệnh, hiện Bộ Y tế đang triển khai việc rà soát, sắp xếp danh mục dịch vụ kỹ thuật và xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật theo danh mục dịch vụ kỹ thuật mới đồng thời đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Ban Chỉ đạo Điều hành giá cho phép thực hiện lộ trình giá (tính tiếp 2 yếu tố chi phí quản lý và khấu hao vào giá) theo hướng phù hợp với mức đóng, khả năng cân đối quỹ BHYT; dự kiến năm 2024 sẽ tính tiếp chi phí quản lý vào giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh;

Từ năm 2025 trở đi, sau khi đánh giá tác động cụ thể Bộ Y tế sẽ đề xuất từng bước kết cấu chi phí khấu hao vào giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

Thứ trưởng Bộ Y tế lý giải

Giá dịch vụ y tế sẽ được điều chỉnh tính đúng, tính đủ

Tuy vậy, việc thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh cần thận trọng, có lộ trình, phải đánh giá chỉ số CPI để vừa điều chỉnh được giá nhưng vẫn thực hiện được mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, không gây xáo trộn, thúc đẩy lộ trình BHYT toàn dân.

Việc điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh cũng cần căn cứ khả năng chi trả của người dân, khả năng cân đối quỹ BHYT. Vì vậy, quá trình thực hiện Bộ Y tế sẽ phối hợp với các bộ/ngành để báo cáo Chính phủ việc triển khai thực hiện và đề xuất thời điểm điều chỉnh giá dịch vụ y tế cho phù hợp.

Việc tính đúng tính đủ giá dịch vụ khám chữa bệnh thì viện phí dự tính sẽ tăng khoảng bao nhiêu phần trăm?

+ Bộ Y tế đã khảo sát sơ bộ và tính toán, dự kiến nếu tính tiếp chi phí quản lý vào giá thì tỉ lệ tăng bình quân của giá dịch vụ khám bệnh chữa bệnh là 4%, chi quỹ BHYT tăng khoảng 2.180 tỉ đồng/năm.

Quỹ BHYT có khả năng cân đối (do có kết dư từ các năm trước và số thu tăng do điều chỉnh lương cơ sở 1,8 triệu đồng).

Nếu tính tiếp khấu hao vào giá theo số liệu 2022 về cơ cấu tài sản cố định tại các cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế, nếu tính khấu hao vào giá dịch vụ khám bệnh chữa bệnh thì tỉ lệ tăng bình quân của giá dịch vụ tăng khoảng 22,8%, chi quỹ BHYT tăng khoảng 12.066 tỉ đồng.

Thứ trưởng Bộ Y tế lý giải

Bệnh nhân nộp viện phí tại quầy thu viện phí của bệnh viện. Ảnh: Thùy Linh

Theo số liệu quyết toán chi BHYT, cơ cấu thanh toán chi phí khám chữa bệnh có tỉ lệ như sau: thanh toán theo giá dịch vụ khoảng 45% (tiền chi trả cho khám bệnh, ngày giường, chiếu chụp, xét nghiệm, phẫu thuật, thủ thuật) còn lại là chi phí về thuốc, máu vật tư y tế sử dụng trực tiếp không tính trong giá dịch vụ khám chữa bệnh.

Do vậy, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế chỉ tác động đến 45% trong tổng phần thanh toán chi phí khám chữa bệnh (do tiền thuốc máu, vật tư thanh toán theo thực tế sử dụng thì không bị thay đổi).

Hiện nay, tỉ lệ dân số tham gia BHYT đã là 93,35% nên dù viện phí tăng thì chi phí tăng ở phần đồng chi trả cũng không quá cao.

Tăng giá dịch y tế để giảm chi tiền túi

Tại sao việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo hướng tính đúng, tính đủ sẽ từng bước giảm chi tiền túi của người dân cũng như đảm bảo quyền lợi của bệnh nhân, thưa thứ trưởng?

+ Việc thực hiện lộ trình tính đủ các yếu tố chi phí vào giá là một đòi hỏi thực tế, khách quan. Không phải là tăng chi phí để thực hiện các dịch vụ y tế mà là chuyển các khoản chi trước đây nhà nước bao cấp trực tiếp cho các bệnh viện vào giá, chuyển phần ngân sách này sang hỗ trợ người dân tham gia BHYT.

Việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo hướng tính đúng, tính đủ cùng với các cơ chế thanh toán của chính sách BHYT thời gian qua góp phần từng bước giảm chi tiền túi của người dân cũng như đảm bảo quyền lợi của bệnh nhân, bệnh viện và cán bộ y tế.

Thứ trưởng Bộ Y tế lý giải

Việc điều chỉnh giá cũng góp phần đảm bảo nguồn thu cho các cơ sở y tế,

Đối với người dân, giá tính đủ chi phí sẽ khuyến khích các bệnh viện triển khai, phát triển các kỹ thuật y tế, người dân sẽ được thụ hưởng các dịch vụ này ngay trên địa bàn và được BHXH thanh toán, làm tăng quyền lợi của người có thẻ BHYT, đảm bảo công khai, minh bạch, giảm phiền hà cho người bệnh.

Đối với các bệnh viện, việc điều chỉnh giá cũng góp phần đảm bảo nguồn thu cho các cơ sở y tế, các bệnh viện có điều kiện mua các loại thuốc, vật tư, hóa chất, test, kit xét nghiệm với chất lượng cao hơn, làm tăng chất lượng của dịch vụ y tế.

Cùng đó, bệnh viện sử dụng có hiệu quả cơ sở hạ tầng, trang thiết bị đã được đầu tư trong thời gian vừa qua; bệnh viện có nguồn kinh phí để triển khai, phát triển các kỹ thuật y tế và trả lương, thu nhập cho cán bộ y tế. Khi thu nhập được cải thiện, các cán bộ y tế sẽ phục vụ tốt và gắn bó hơn với nghề.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Đối phó với 3 rắc rối sau Tết

Sau Tết, nhiều phụ huynh đau đầu vì con nít trong nhà tự dưng bỏ ăn hoặc không chịu ăn những thứ mà trước đó trẻ vẫn thường ăn.

Điều này có thể bắt nguồn từ những ngày nghỉ Tết, do trẻ thường xuyên được ăn không đúng bữa, ăn những thứ không phải thứ trẻ ăn thường ngày. Ví dụ thay vì ăn sữa, cháo với lượng bình thường thì ăn bánh, mứt, đồ ăn vặt nhiều.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Đối phó với 3 rắc rối sau Tết- Ảnh 1.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh

Đừng tưởng chỉ vài ngày thôi thì không sao. Vài ngày nữa đủ để con nít cứ theo cái đà đó mà bỏ ăn hoặc ghiền ăn ngọt.

Nếu đã lỡ rơi vào tình trạng đó thì điều đầu tiên là phải kiên quyết để trẻ lấy lại thói quen cũ.  Có người sợ con đói nên không ăn cơm thì mềm lòng cho ăn vài cái bánh. Thực ra bỏ một bữa thì cũng chẳng đến nỗi đâu. Chứ để trẻ ghiền đồ ngọt luôn thì sẽ dễ béo phì và nhiều bệnh khác, sau này càng khó sửa.

Lần này vất vả vì chuyện ăn của con sau Tết thì lần sau ráng rút kinh nghiệm; nghỉ Tết, nghỉ lễ cũng ráng giữ cho trẻ thói quen ăn uống điều độ nhất có thể, đừng cho ăn ngọt trừ cơm.

Trong khi con nít như vậy thì người lớn rất nhiều người gặp phải tình trạng… oải, không làm gì nổi dù mới trải qua kỳ nghỉ. Điều đó là do bạn không thực sự để cơ thể được nghỉ ngơi trong các ngày nghỉ.

Đầu tiên là thiếu ngủ. Ngoài việc giờ giấc thất thường, nam giới còn thiếu ngủ vì… nhậu liên miên ngày Tết. Đi nhậu về có thể lăn ra ngủ mê mệt thì nghĩ là mình ngủ nhiều, nhưng lúc đó thật ra mình ngủ không sâu.

Chưa kể nhậu nhiều hay mất nước, nhất là uống bia: Cứ tưởng uống nhiều là đủ nước, không phải vậy, vì tốc độ thải nhanh hơn tốc độ uống. Mất nước làm người mệt mỏi, khó chịu hoài.

Cách giải quyết cho điều này không gì khác hơn là phải ngủ thêm, ngủ đủ, ăn uống điều độ trở lại những ngày sau đó.

Sau Tết, một đợt nóng đang tràn về nhiều khu vực, mà mùa nóng cũng là mùa dễ phát sinh ngộ độc thực phẩm. Có thể do ăn trúng thứ không hợp vệ sinh ở bên ngoài. Có thể do thực phẩm để lâu, hâm đi hâm lại mà hâm không đúng cách.

Có 3 con vi khuẩn có thể gây ngộ độc thực phẩm nặng cần chú ý nhất là salmonella, E.coli, tụ cầu.

Mấy con này thì nấu lên là nó chết. Tuy nhiên đồ nấu rồi cũng có thể bị nhiễm bẩn từ bên ngoài, ví dụ như từ tay người chuẩn bị thực phẩm, các dụng cụ sử dụng trong nhà bếp, bàn ăn.

Cách để phòng ngừa là rửa tay trước khi ăn, khi chuẩn bị thức ăn, nếu ăn ở nhà thì bảo đảm đồ dùng nhà bếp sạch sẽ, đừng để dây vi khuẩn từ đồ sống sang đồ chín.

Mùa nóng đồ ăn mau hư, mau bị vi khuẩn tấn công hơn. Nên với đồ ăn cất trong tủ lạnh hâm lại, đầu tiên phải… ngửi kỹ, nhìn kỹ. Hâm phải hâm kỹ, đủ thời gian, đủ nóng chứ không phải chỉ hâm sơ cho đồ ăn hết lạnh là được!

Cái gì nhắm ăn một lần không hết thì lúc múc ra múc vừa đủ thôi, ví dụ như mấy nồi thịt kho hột vịt hâm đi hâm lại nhiều lần. Phần chưa ăn thì cất mau vào tủ lạnh.

Đồ ăn chế biến sẵn như giò chả thì ăn phần nào cắt phần đó ra thôi. Đã hơi lâu ngày thì tốt nhất đem chế biến lại thay vì ăn trực tiếp. Mà tốt nhất là rút kinh nghiệm lần sau, đừng trữ hay nấu quá nhiều, bởi chắc chắn ăn đồ để lâu, hâm lại không tốt như đồ tươi, mới.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Biện pháp “cứu mạng” khi gặp họa vì món ăn vặt ngày Tết

Mọi độ tuổi đều có thể gặp phải tình trạng hóc dị vật này, đặc biệt là những lúc vừa nhâm nhi các loại hạt ngày Tết, vừa nói chuyện, cười giỡn với bạn bè hay làm gì khác. Con nít càng dễ bị, nhất là các bé nhỏ.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Biện pháp "cứu mạng" khi gặp họa vì món ăn vặt ngày Tết- Ảnh 1.

Tai nạn hóc hạt thường gia tăng những ngày Tết, đặc biệt là ở trẻ nhỏ – Ảnh minh họa từ Internet

Lúc mình nuốt thức ăn khi lưỡi gà trong họng đóng lại để ngăn thức ăn rơi vào đường thở, cùng một số cơ chế tự nhiên khác để ngăn mình bị sặc. Nhưng vừa ăn vừa nói, vừa giỡn thì hoạt động này “rối loạn”, dẫn đến hóc, sặc thức ăn.

Hoạt động của lưỡi gà cũng như phản xạ chống sặc ở trẻ em chưa được nhạy như người lớn, nên thường dễ bị hóc, sặc thức ăn hơn. Hạt dưa, hạt hướng dương là hai “thủ phạm” chính của các trường hợp hóc dị vật ở trẻ nhỏ mùa Tết.

Nguy hiểm hơn, một số đứa bé không biết ăn hạt, nhưng lại thích ngậm trong miệng, hoặc ngậm một viên kẹo hay thức ăn gì khác, rồi chạy đi chơi. Khi giỡn và bị sặc, trẻ lại khuất tầm mắt người lớn.

Do đó nếu nhà có trẻ nhỏ, phải để mắt tới trẻ khi ăn những thứ này.

Dấu hiệu nhận biết một người đang bị hóc dị vật chặn đường thở – cả người lớn và trẻ nhỏ – bao gồm ho sặc sụa, tím tái.

Còn ho sặc sụa xong rồi tự hết, nhưng lại ho kéo dài không rõ nguyên nhân nhiều ngày sau đó, coi chừng “dị vật bỏ quên”, xảy ra khi hạt hay thức ăn chỉ chặn một phần đường thở. Dị vật bỏ quên có thể gây ra viêm phổi tái đi tái lại.

Cách xử trí đối với trường hợp ho sặc sụa, tím tái ngay tại chỗ tùy vào độ tuổi, kích cỡ em bé.

Với các trẻ có thân hình nhỏ, thường là dưới 3 tuổi, sử dụng phương pháp vỗ lưng – ấn ngực.

Đầu tiên, cho trẻ nằm sấp, dốc xuống trên cánh tay mình – hoặc có thể là đùi tùy theo kích thước em bé – rồi dùng lòng bàn tay còn lại đánh mạnh, dứt khoát vào khu vực lưng giữa bả vai của trẻ.

Nếu dị vật vẫn chưa rơi ra sau 5 cú đánh, lật trẻ ngửa lên – chú ý giữ chắc phần cổ ở những em bé nhỏ – đặt 2 ngón tay giữa xương ức ngay dưới núm vú, ép mạnh xuống 5 lần.

Thực hiện lặp lại động tác này cho đến khi dị vật rơi ra.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Biện pháp "cứu mạng" khi gặp họa vì món ăn vặt ngày Tết- Ảnh 3.

Thao tác vỗ lưng ở trẻ nhỏ trong trường hợp bị hóc dị vật

Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Biện pháp "cứu mạng" khi gặp họa vì món ăn vặt ngày Tết- Ảnh 4.

Thao tác ấn ngực ở trẻ nhỏ

Với trẻ lớn, người lớn, dùng phương pháp Heimlich cơ bản: Đứng hoặc quỳ phía sau lưng tùy chiều cao của nạn nhân, nắm một tay thành quả đấm đặt ngay vùng thượng vị của nạn nhân, tay còn lại đặt lên trên quả đấm để hỗ trợ, dùng lực ép mạnh vào nhiều lần cho dị vật rơi ra.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Biện pháp "cứu mạng" khi gặp họa vì món ăn vặt ngày Tết- Ảnh 5.

Động tác Heimlich căn bản dành cho người lớn và trẻ lớn

Đối với trường hợp “dị vật bỏ quên”, thường rất khó phát hiện. Nên đưa trẻ/người thân đi bệnh viện kiểm tra nếu cứ ho kéo dài không rõ nguyên nhân, viêm phổi tái đi tái lại. Bởi đã bị như vậy thì dù là do dị vật hay do cái gì khác thì đều phải giải quyết.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Có nên kiêng khem những món này trong dịp Tết?

Trong Tết, có nhiều món ăn không thể thiếu như bánh, mứt, kẹo, thịt kho, bánh chưng, bánh tét, củ kiệu, dưa hành; các loại thực phẩm chế biến sẵn (xúc xích, thịt nguội…). Do đó, không thể nào tránh khỏi việc ăn uống những loại thực phẩm trên, kiêng khem quá mức cũng khiến tinh thần đón xuân không thoải mái. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý sử dụng vừa phải, tùy thuộc vào sức khỏe của mỗi người.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Có nên kiêng khem những món này trong dịp Tết?- Ảnh 1.

Bánh chưng là món ăn không thể thiếu của mỗi gia đình trong dịp Tết

Bên cạnh đó, việc ăn nhiều thực phẩm giàu năng lượng, thiếu vitamin, khoáng chất trong rau xanh, trái cây sẽ dẫn đến mất cân bằng dinh dưỡng, hậu quả là dễ tăng cân, đặc biệt tác động tiêu cực đến nhiều bệnh mạn tính như tiểu đường, tăng huyết áp, bệnh thận…

Nhiều loại thực phẩm như bánh, kẹo, thực phẩm chế biến sẵn như thịt nguội, xúc xích… được nhiều trẻ ưa thích, đặc biệt, dễ sử dụng, có thể ăn liền. Vì vậy, nếu cho trẻ ăn thì cần tính số lượng, không cho ăn quá nhiều. Ví dụ, cho trẻ ăn ít, 1 vài bữa, không nên ngày nào cũng cho trẻ ăn điều này mất cân bằng dinh dưỡng. Nếu có thể nên nấu ăn để đảm bảo dinh dưỡng và sức khỏe cho trẻ. Chế độ ăn cần đảm bảo 4 thành phần dinh dưỡng đạm, tinh bột, dầu mỡ, vitamin và khoáng chất. Tăng cường cho trẻ uống nước, sữa và ăn nhiều rau xanh để bổ sung chất xơ. Kích thích trẻ vận động để tiêu hao năng lượng. Bên cạnh đó, không cho trẻ ăn bánh kẹo vì sẽ khiến trẻ đầy bụng và bỏ bữa ăn chính.

Đối với người lớn, trong đó, các trường hợp mắc bệnh nền (tiểu đường, huyết áp, tim mạch,…) cần chú ý độ mặn, ngọt của các loại thực phẩm như củ kiệu, dưa hành, bánh chưng… Tránh để tăng đường huyết bằng cách cân bằng từng bữa ăn với lượng vừa phải, không ăn quá nhiều. Ví dụ, bữa trưa đã ăn thì các bữa còn lại không ăn nữa. Khi đã ăn bánh chưng thì không nên ăn thêm cơm hoặc các loại tinh bột khác như bún, phở… Trong các bữa ăn chỉ nên ăn vừa đủ, không nên cố gắng ăn quá nhiều, quá no, dễ gây quá tải cho hệ tiêu hoá.

Lưu ý, khi lựa chọn thực phẩm đóng gói như giò, chả… cần chọn các loại uy tín, có cơ sở sản xuất rõ ràng. Nếu khi cắt ăn thì ăn đến đâu cắt đến đó. Đặc biệt, khi xuất hiện mùi lạ thì tuyệt đối không nên ăn.

Việc tích trữ và bảo quản thực phẩm không đúng cách có thể khiến thức ăn bị hư hỏng, khi ăn vào dễ gây bệnh. Ngoài ra, thực phẩm tích trữ lâu dễ bị mất chất, mùi vị bị biến đổi so với thực phẩm tươi mới gây mất cảm giác ngon miệng.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Đầy bụng, khó tiêu, táo bón, cảm cúm dịp Tết – phải làm sao?

Không chỉ trong dịp Tết, ngay cả ngày bình thường, nếu mất cân bằng trong sinh hoạt, ăn uống cũng sẽ tác động tiêu cực đến sức khoẻ. Trong đó, phổ biến là đầy bụng, khó tiêu, táo bón, cảm cúm.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Đầy bụng, khó tiêu, táo bón, cảm cúm dịp Tết - phải làm sao?- Ảnh 1.

Mâm cơm ngày Tết không thể thiếu bánh chưng, bánh tét. Khi ăn uống, cần lưu ý tránh ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ, nhất là những trường hợp mắc bệnh nền như tiểu đường, huyết áp

Thông thường, các chứng đầy bụng, khó tiêu, táo bón nhẹ sẽ tự hết hoặc chỉ cần bổ sung men tiêu hóa và điều chỉnh lại bữa ăn như hạn chế dầu mỡ, nước ngọt… Khi bị tiêu chảy, nôn ói thì cần sử dụng thuốc chống nôn, chống tiêu chảy. Tuy nhiên, nếu triệu chứng ngày càng nặng, uống thuốc không giảm thì nên đến cơ sở y tế để được thăm khám kịp thời.

Lưu ý, với những trường hợp có bệnh nền như tiểu đường, huyết áp, tim mạch…, không nên phá vỡ sinh hoạt thường ngày, ăn uống thả ga vì sẽ khiến bệnh nặng thêm.

Đối với người bệnh tiểu đường, huyết áp, khi ăn bánh chưng, bánh tét thì có thể bỏ nếp, ăn ít nhân. Đối với trẻ nhỏ, không nên uống các loại nước ngọt, nước có ga vì sẽ khiến trẻ đầy bụng, không nạp được năng lượng.

Mọi đối tượng nói chung đều nên ăn đủ 3 bữa chính với thực phẩm đa dạng, tăng cường rau củ, trái cây; hạn chế ăn mặn, thức ăn nhiều dầu mỡ, đồ ngọt; uống nước lọc thay cho nước ngọt, hạn chế rượu bia…

Dịp Tết cũng là thời điểm mọi người đi lại nhiều nên việc di chuyển đến nơi có khí hậu khác biệt có thể gây ra các vấn đề sức khỏe như say nắng, cảm lạnh. Nếu bị sốt thì có thể uống paracetamol để giảm sốt và đặc biệt không để thiếu nước.

Ngoài ra, chúng ta nên tăng cường sức đề kháng bằng cách bổ sung vitamin D, ngủ đủ giấc, duy trì tập luyện thể thao trong những ngày Tết – có thể tập ít hơn nhưng đừng bỏ – bởi vận động giúp kích thích tiêu hóa. Lưu ý, sau khi ăn no, không nên vận động mạnh.

Tết chỉ kéo dài vài ngày nhưng chúng ta vẫn nên chú ý chăm sóc sức khoẻ, chú ý đến ăn uống, sinh hoạt để đón năm mới mạnh khoẻ.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Giữ sức khỏe khi đi du lịch dịp Tết

Trước khi bắt đầu những chuyến du lịch, dù ngắn ngày hay dài ngày, trong nước hay ngoài nước thì bạn cũng cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đặc biệt là bảo đảm sức khỏe để tận hưởng được trọn vẹn kỳ nghỉ của mình.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Giữ sức khỏe khi đi du lịch dịp Tết- Ảnh 1.

Trước bắt đầu chuyến du lịch ngắn ngày hay dài ngày, trong nước hay nước ngoài bạn cần phải tìm hiểu địa điểm định tham quan

Trước bắt đầu chuyến du lịch ngắn ngày hay dài ngày, trong nước hay nước ngoài bạn cần phải tìm hiểu địa điểm định tham quan như khí hậu nóng hay lạnh, thời tiết ra sao, phù hợp với sức khỏe của mình hay không; ẩm thực, đặc sản địa phương, bệnh viện, phòng khám, nhà thuốc…

Nếu du lịch ở nước ngoài thì nên tra cứu xem nơi đó có dịch bệnh gì khác thường hay không và những yêu cầu về tiêm chủng.

Di chuyển đến nơi thời tiết khác biệt cũng lưu ý có ảnh hưởng sức khỏe, bệnh nền đang có hay không. Trường hợp trở bệnh giữa chừng thì di chuyển đến cơ sở y tế nào gần nhất để điều trị

Bên cạnh đó, nếu trong chuyến đi có người mắc phải những bệnh lý mạn tính như tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, hen suyễn, động kinh, viêm khớp… thì nên tái khám trước chuyến đi. Lúc này, nhớ hỏi bác sĩ về những việc cần làm cũng như những việc cần tránh khi đi du lịch để không ảnh hưởng đến sức khỏe.

Ví dụ như người bị huyết áp thấp không nên xách đồ quá nặng khi đi chơi, không đứng lâu một chỗ và nếu cảm thấy chóng mặt thì tìm chỗ ngồi nghỉ ngơi, hít thở sâu; người có bệnh tim thì không nên đi những khu vực có núi đồi, những nơi có độ cao vì nồng độ oxy thấp có thể gây khó thở, đau thắt ngực… Ngoài ra, nhớ nhờ bác sĩ kê đơn thuốc đủ dùng cho chuyến đi; mang theo dụng cụ như máy đo huyết áp để đo mỗi ngày.

Dù chuyến du lịch ngắn ngày hay dài ngày hãy cố gắng duy trì sự dặn dò của bác sĩ đừng phá vỡ vì sẽ khiến bệnh nặng hơn nếu không tuân thủ.

Ngoài những thuốc theo đơn dùng để điều trị tình trạng sức khỏe hiện tại của bạn thì một số thuốc không kê đơn cần thiết khác cũng cần được chuẩn bị đầy đủ. Cụ thể như: thuốc chống say tàu xe; thuốc hạ sốt, giảm đau; men tiêu hóa. Cùng với đó là các vật dụng sơ cứu cơ bản như bông, gạc, thuốc sát trùng, băng keo cá nhân…

Trong trường hợp có trẻ nhỏ bên cạnh, cần mang theo cặp nhiệt độ. Đồng thời, cho trẻ ăn uống, ngủ nghỉ hợp lý tránh ảnh hưởng đến giờ giấc sinh hoạt của trẻ so với bình thường.

Một lưu ý nữa là nên thử trước các món ăn đặc sản địa phương. Nếu có hợp khẩu vị cũng không nên ăn quá nhiều vì thực phẩm lạ có thể khiến đầy đụng, khó tiêu.

Trong chuyến đi cũng cần uống đủ nước; cố gắng nghỉ ngơi hợp lý để có chuyến du lịch an toàn, vui vẻ và bảo đảm sức khỏe.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Sự thật về tin đồn “phổi trắng”, “khô phổi”

Trong y khoa chỉ có bệnh viêm phổi. Một lá phổi khỏe mạnh khi chụp phim X-quang, thì sẽ thấy phổi trong, tức hiển thị máu đen. Đôi khi có thể hiện lên vùng màu trắng bất thường, có thể là do viêm phổi.

Viêm phổi đến mức trắng toàn bộ thì rất nặng, không có chuyện mua cái này cái kia uống mà khỏi. Mà hiện tại cũng không có dịch bệnh nào mà mới nhiễm vào là phổi trắng hết như người ta dọa.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Sự thật về tin đồn "phổi trắng", "khô phổi"- Ảnh 1.

Các tin đồn về bệnh “phổi trắng”, “khô phổi” là sai sự thật – Ảnh minh họa từ Internet

Viêm phổi gia tăng vào dịp cuối năm – đầu năm, khi thời tiết thay đổi, lạnh hơn là chuyện hết sức bình thường, nhất là ở những địa phương có khí hậu lạnh.

Nguyên nhân gây viêm phổi rất đa dạng, từ những virus cúm, adeno, RSV (virus hợp bào hô hấp), sởi… đến các loại vi khuẩn.

Tuy nhiên, thường chúng chỉ gây ra bệnh nhẹ là viêm hô hấp trên. Chỉ một số rất ít có thể viêm phổi.

Mà viêm phổi đến mức rất nặng, diễn tiến nhanh thì cũng rất là hiếm, chỉ xảy ra ở những người có cơ địa đặc biệt: Ví dụ như người suy giảm miễn dịch, người tiểu đường nặng (kể cả trẻ em bị tiểu đường type 1)… Tất nhiên nói hiếm cũng có nghĩa là không phải ai có cơ địa đặc biệt cũng bị vậy.

Viêm phổi vi khuẩn Mycoplasma pneumoniae được nhắc đến gần đây cũng không phải do nó là cái gì lạ, mà nhắc là để chú ý đến nó, đừng bỏ sót. Viêm phổi do vi khuẩn này cũng không phải là quá khó chữa, mà đơn giản phải nhận biết nó để chữa đúng, vì dùng những thuốc riêng, không phải các loại kháng sinh thông thường.

Vì vậy, đó không phải là điều nên quá lo, cho dù bạn có đi về quê hay đi du lịch dịp Tết ở những nơi có khí hậu lạnh hơn nơi mình đang sinh sống.

Điều duy nhất cần chú ý là theo dõi bệnh hô hấp khi lỡ mắc để nếu có dấu hiệu viêm phổi thì đi viện chữa sớm, nhất là người già, trẻ nhỏ.

Dấu hiệu dễ thấy nhất là khó thở, diễn tiến nhanh. Dù khó thở vì viêm phổi hay vì bất cứ lý do gì thì cũng phải đi khám ngay.

Với các em bé quá nhỏ, chỉ cần bỏ bú là phải đi khám. Đó có thể là viêm phổi hay một bệnh nặng nào khác. Không cần cố gắng phân biệt, vì đã bỏ bú là bệnh nặng, chắc chắn không chần chừ theo dõi được.

Còn để phòng xa hơn thì tiêm phòng những bệnh đã có vắc-xin. Ví dụ vắc-xin cúm tiêm mỗi năm một lần, nhất là người có cơ địa đặc biệt, người lớn tuổi.

Đặc biệt vắc-xin sởi nhất thiết phải tiêm cho trẻ đúng lịch bởi sởi là một bệnh rất nặng, rất nguy hiểm và các vấn đề nó gây ra không chỉ có viêm phổi.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

BS Trương Hữu Khanh: Không có thuốc nào gọi là giải độc cơ thể

Nhiều người cho rằng Tết là dịp gặp gỡ, giao lưu, có thể ăn uống thả ga sau đó sẽ tìm đến những phương pháp, các sản phẩm giải độc cơ thể. Quan niệm trên không đúng bởi thực tế không có loại thuốc nào có thể giải độc cơ thể.

BS Trương Hữu Khanh: Không có thuốc nào gọi là giải độc cơ thể- Ảnh 1.

Những ngày Tết ăn không đúng bữa, ăn nhiều đồ ngọt, tinh bột, các loại đồ ăn mặn, dư năng lượng, thiếu vi chất

Trong những ngày Tết có rất nhiều đồ ăn, thức uống nên có thể khiến bạn ăn uống nhiều hơn bình thường, ăn không đúng bữa, ăn nhiều đồ ngọt, tinh bột, các loại đồ ăn mặn, dư năng lượng, thiếu vi chất. Vì vậy, cách giải độc tốt nhất cho cơ thể là duy trì chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh. Đầu tiên, chúng ta phải điều chỉnh chế độ dinh dưỡng hàng ngày, bổ sung các thực phẩm lành mạnh tốt cho sức khỏe. 

Nếu cơ thể dư cân, béo phì cần hạn chế ăn ngọt, chất béo. Việc dung nạp quá nhiều đường có thể gây nhiều hệ lụy, ở mức độ nhẹ thì làm suy giảm hệ miễn dịch, nặng hơn thì dẫn đến các bệnh béo phì, tiểu đường, tim mạch,… 

Tương tự như đường, chất béo cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa năng lượng. Tuy nhiên, cơ thể chỉ nên dung nạp một lượng chất béo vừa đủ, khoảng 600g/tháng cho một người trưởng thành. Nên tuân thủ nguyên tắc ăn béo vừa phải, ưu tiên cho chất béo từ thực vật và hạn chế chất béo từ động vật. Điều này sẽ giúp cơ thể phòng tránh được các bệnh béo phì, tim mạch, tăng huyết áp và một số bệnh lý khác. Bên cạnh đó, còn giúp kiểm soát cân nặng hiệu quả, tránh béo phì.

Khẩu phần ăn hằng ngày nên ưu tiên hoa quả và rau xanh, món hấp và luộc; hạn chế đồ chiên xào, thức ăn nhanh

Đáng lưu ý, với những trường hợp mắc bệnh nền như tiểu đường, huyết áp, tim mạch… cần kiểm soát khẩu phần ăn tránh những thực phẩm làm tăng đường huyết, gây béo phì,… thì cần điều chỉnh hoặc nếu vô tình sau khi ăn xuất hiện tình trạng trên thì cần đến cơ sở y tế thăm khám để điều chỉnh chế độ ăn phù hợp. Ngoài ra, cần uống đủ nước giúp cơ thể luôn khỏe mạnh và tràn đầy năng lượng.

Tóm lại, dù là lễ – Tết thì vẫn cố gắng duy trì lối sống, thói quen sinh hoạt tốt để giúp cơ thể thảo độc tự nhiên thay vì phụ thuộc và các sản phẩm thải độc có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Bác sĩ Trương Hữu Khanh: “Bí kíp” ăn tiệc ngày Tết khi có bệnh

Thông thường những vấn đề về sức khỏe hay gặp ngày Tết gồm có hai nhóm: Nhóm tai nạn và nhóm bệnh. 

Trong nhóm bệnh, cả trẻ em và người lớn đều có thể gặp vấn đề do chế độ ăn không phù hợp, không ăn những thứ mà mình ăn thường ngày, mà ăn tiệc với nhiều món lạ, ăn bánh, ăn mứt…

Bác sĩ Trương Hữu Khanh: "Bí kíp" ăn tiệc ngày Tết khi có bệnh- Ảnh 1.

Một chút lưu ý khi ăn tiệc sẽ giúp bạn tận hưởng trọn vẹn ngày Tết mà bệnh nền không “trở chứng” – Ảnh minh họa từ Internet

Nếu như trẻ con thường rơi vào tình trạng không ăn cháo, uống sữa đủ mà lại ăn quá nhiều bánh, kẹo; thì người lớn lại hay gặp rắc rối do các bữa tiệc liên miên ngày Tết. 

Người dễ bị ảnh hưởng nhất là người có bệnh nền. Trong đó, tôi thấy có người bệnh cao huyết áp và người bệnh tiểu đường là hay gặp rắc rối nhất trong ngày Tết.

Duy trì việc uống thuốc đều đặn là điều tất nhiên phải làm, cho dù là về quê ăn Tết, đi du lịch hay chọn ăn Tết ngay tại nơi mình đang sinh sống, làm việc.

Ngoài ra, Tết thì có những buổi tiệc, mà tiệc thì người ta có thể nấu mặn hơn, ngọt hơn, nhiều tinh bột hơn… cách mình hay ăn hàng ngày.

Nhiều khi cả nể nhau mà ăn cho vui lòng gia chủ, dù có hơi lo. Hoặc việc đi ra ngoài ăn làm mình thấy thoải mái, ăn nhiều. Thật ra, cũng có cách để hạn chế nguy cơ bệnh “trở chứng”.

Ví dụ nếu mình là người có bệnh cao huyết áp, khi ăn phải coi xem cái nước người ta nấu có mặn hay không. Mặn thì mình bỏ bớt nước, mình ăn phần cái thôi, vì thường muối tập trung trong phần nước ở các món có nước. Các món khác thì hạn chế nước chấm.

Ăn tiệc về, nếu sáng hôm sau mà bàn tay có cảm giác căng căng, giống như bị ứ nước trong đó, thì coi chừng là do hôm qua ăn quá nhiều muối, ăn mạnh hơn bình thường. Khi đó, phải kiểm tra huyết áp.

Còn nếu mình là người bị bệnh tiểu đường thì ngược lại: Phải biết bỏ bớt các món chứa nhiều tinh bột trong phần cái.

Với căn bệnh này, sau một bữa tiệc lớn, nên kiểm tra đường huyết bởi căn bệnh này còn nguy hiểm ở chỗ khi đường huyết tăng một chút, triệu chứng thường không rõ ràng. Đến khi đường lên cao lắm mới biết, mà khi đó thì nguy hiểm rồi.

Nếu kết quả kiểm tra huyết áp, đường huyết có vấn đề, cho dù chỉ là một chút, cũng nên cẩn thận “bớt bớt” lại.

Tương tự, những người có những vấn đề sức khỏe nhỏ hơn nhưng thuộc nhóm phải điều chỉnh chế độ ăn lâu dài – ví dụ như người bị mỡ trong máu – thì cũng phải biết tiết chế. Trên bàn tiệc có nhiều món, món gì bác sĩ nói mình nên hạn chế, thì mình hạn chế.

Những thói quen đó rất là quan trọng để quyết định bạn có thể vui vẻ tham gia các buổi tiệc mà không gặp rắc rối vì bệnh nền của mình hay không.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Bác sĩ Trương Hữu Khanh lưu ý những thuốc cần có trong nhà dịp Tết

Không chỉ dịp lễ, Tết mà theo tôi những loại thuốc sau đây trong gia đình nên chuẩn bị sẵn để phòng những tình huống bị bệnh vào ban đêm hoặc không thể tiếp cận ngay với dịch vụ y tế.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh lưu ý những thuốc cần có trong nhà dịp Tết- Ảnh 1.

Men tiêu hóa là một trong những loại thuốc cần có trong tủ thuốc mỗi gia đình

Đầu tiên nhóm thuốc không thể thiếu trong tủ thuốc gia đình là thuốc hạ sốt. Đối với gia đình có trẻ em, người lớn tuổi thì thuốc này càng cần thiết.

Khi sử dụng các loại thuốc hạ sốt cần tuân thủ theo liều dùng khuyến cáo. Ví dụ với thuốc hạ sốt chứa Paracetamol sử dụng khi đau nhiều (đau răng, đau đầu…), nhiệt độ 38,5 độ C, liều dùng là 10-15mg/kg/lần, sử dụng cách mỗi 4-6 giờ nếu còn sốt. Trường hợp nhiệt độ thấp hơn ngưỡng trên có thể lau mát và theo dõi nhiệt độ thường xuyên.

Nhóm thuốc thứ 2 không thể thiếu là thuốc tiêu hóa. Ngày Tết thường ăn uống nhiều chất đạm, dầu mỡ, giàu tinh bột, chất béo, thiếu chất xơ… có thể bị rối loạn tiêu hoá, đầy bụng. Do đó, phải chuẩn bị sẵn các loại thuốc có như men tiêu hoá, thuốc chống nôn, ói, thuốc tiêu chảy….

Bên cạnh đó, cần có gói oresol bù nước ngừa trường hợp bị tiêu chảy mất nước. Lưu ý, khi pha oresol phải theo đúng tỉ lệ hướng dẫn, tránh pha đặc hay loãng làm mất tác dụng của thuốc, hoặc gây ngộ độc, nguy hiểm đến sức khoẻ.

Nhóm thuốc thứ 3 là thuốc sát trùng, cùng bông, băng gạc, oxy già… để rửa và sát trùng vết thương nhỏ. Bên cạnh đó, nên có một vài miếng dán urgo để băng cầm máu khi cần.

Nhóm thuốc thứ 4 là thuốc cảm. Thời tiết những ngày Tết có thể thay đổi thất thường, nên khiến dễ mắc bệnh cảm cúm, đặc biệt là trẻ nhỏ và người lớn tuổi. Do đó, cần mua dự trữ một vài loại thuốc cảm cúm thông thường.

Lưu ý là những thuốc này có khả năng kết hợp với paracetamol nên cần đọc kỹ thành phần thuốc để tránh quá liều. Bên cạnh đó, cần thêm một số loại thuốc ho thảo dược. Đối với các loại tân dược thì khi sử dụng cần phải có sự tham vấn của dược sĩ hoặc bác sĩ điều trị.

Nhóm thuốc thứ 5 là những loại thuốc cho các trường hợp mắc bệnh nền như tiểu đường, huyết áp, tim mạch… Tránh tình trạng thiếu thuốc gây tăng nguy cơ bệnh trầm trọng hơn.

Lưu ý, tất cả những nhóm thuốc trên cần có để trị rối loạn nhẹ vài ngày hoặc tạm thời. Nếu triệu chứng không đỡ hoặc kéo dài bạn cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế để được thăm khám kịp thời.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

BS Trương Hữu Khanh: Mùa Tết năm nay, cần lưu ý những bệnh gì?

Hiện tại, mùa bệnh viêm hô hấp vẫn còn nhưng theo tôi, không nên quá lo lắng. Nguyên nhân gây bệnh đường hô hấp thời điểm này xoay quanh các mầm bệnh quen thuộc như RSV (virus hợp bào hô hấp), virus adeno, cúm mùa, COVID-19 – vốn đã diễn tiến như một bệnh truyền nhiễm theo mùa thông thường.

BS Trương Hữu Khanh: Mùa Tết năm nay, cần lưu ý những bệnh gì?- Ảnh 1.

Nên đeo khẩu trang nếu bạn “sụt sịt” trong mùa Tết nhưng đừng quá lo lắng bởi các mầm bệnh hô hấp hiện tại đều là các mầm bệnh thông thường – Ảnh minh họa từ internet

Với COVID-19, biến chủng mới JN.1 đang được nhiều người quan tâm và được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp vào loại “đáng quan tâm”. Đáng quan tâm không có nghĩa là nó gây bệnh nặng mà chỉ có nghĩa là người ta đang theo dõi nó thôi!

Ngay khi phát hiện có biến thể mới ở TP HCM thông qua giám sát thì cũng có nghĩa là nó đã bắt đầu lây bệnh. Không chỉ ở Việt Nam, các nước xung quanh cũng như vậy. Do đó, không có gì phải sợ việc về quê ăn Tết, đi du lịch đón Tết… gây lây lan bệnh thêm. Thực tế, thời gian qua, không hề có sự gia tăng đột biến nào liên quan dòng COVID-19 mới này. Ở khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM) cũng không ghi nhận trẻ nào bị nặng vì biến chủng mới.

Vì vậy, biến chủng mới khả năng cũng chỉ là một dòng gây ra bệnh nhẹ như các dòng khác gần đây, nhất là khi chúng ta đã có miễn dịch cộng đồng.

Các mầm bệnh hô hấp khác cũng vậy, đa số gây bệnh nhẹ. Tất nhiên, một số người thuộc nhóm đối tượng nguy cơ vẫn có thể diễn tiến nặng hơn, ví dụ người già, người bị suy giảm miễn dịch, có bệnh mạn tính nặng. Cúm là một trong những mầm bệnh đáng ngại với nhóm này nhưng đã có vắc-xin.

Vắc-xin cúm bắt đầu có tác dụng trong vòng 10 ngày sau tiêm song cũng cần nhiều thời gian hơn để đạt được miễn dịch đầy đủ. Đó là loại vắc-xin tiêm mỗi năm một lần nên nếu một năm qua chưa tiêm thì nên đi tiêm, đặc biệt là các đối tượng nói trên.

Mùa này, cần lưu ý nhất là bệnh thủy đậu, nên tiêm ngừa vắc-xin. Thủy đậu là bệnh khó tránh trong đời, khi lớn mới bị thường sẽ nặng hơn lúc nhỏ. Khi bị thủy đậu, các bóng nước gây khó chịu, có thể để lại sẹo nếu bội nhiễm…

Chưa kể, thủy đậu còn có tầm lây kéo dài. Một bệnh nhân bị thủy đậu có thể lây cho người khác từ 2 ngày trước khi xuất hiện bóng nước và sau khi xuất hiện bóng nước 21 ngày. Cách ly hơn 3 tuần là rất khó khăn, nhất là với trẻ em.

Chính vì bắt đầu lây khi chưa có bóng nước và tầm lây quá xa như vậy mà thủy đậu dễ lây. Nhiều người đã khỏe sau 1-2 tuần vẫn có thể lây cho người khác.

Nếu đã lỡ tiếp xúc với người thủy đậu mà đi tiêm ngay, cũng có thể giảm nguy cơ bị bệnh nặng. Vắc-xin này bắt đầu có tác dụng sau 10 ngày trong khi thời gian ủ bệnh kéo dài khoảng 14 ngày.

Nếu lỡ mắc thủy đậu, nên đưa trẻ đi khám và chăm sóc theo hướng dẫn. Tuyệt đối không kiêng tắm bởi chỉ làm trẻ ngứa ngáy thêm, lại dễ gây bội nhiễm. Đặc biệt, không được chọc vỡ các bóng nước, bôi thuốc hoặc những thứ khác không theo chỉ định của bác sĩ.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

BS Trương Hữu Khanh: 3 lưu ý khi đưa trẻ đi máy bay, tàu xe về quê

Một số phụ huynh có con từ vài tuần đến một vài tháng tuổi lo lắng khi lựa chọn phương tiện để đưa trẻ về quê xa: Đi máy bay thì sợ trẻ bị ảnh hưởng sức khỏe cho dù hãng hàng không đồng ý vận chuyển trẻ ở độ tuổi đó; đi tàu, xe thì sợ trẻ không chịu được chặng đường dài… 

Không cần quá lo lắng như thế.

BS Trương Hữu Khanh: 3 lưu ý khi đưa trẻ đi máy bay, tàu xe về quê- Ảnh 1.

Việc trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ quấy khóc khi máy bay cất cánh, hạ cánh chủ yếu là do ù tai mà không biết cách để tự giải quyết như người lớn – Ảnh minh họa từ Internet

Việc thóp trẻ sơ sinh chưa đóng kín hẳn không ảnh hưởng gì đến việc đi trên không, không làm trẻ bị nhức đầu, khó chịu như nhiều người lầm tưởng. Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ hay quấy khóc khi đi máy bay – nhất là giai đoạn cất cánh, hạ cánh – là do bị ù tai.

Hiện tượng này người lớn cũng gặp, do sự thay đổi áp suất. Tuy nhiên người lớn thì biết nuốt xuống sau khi máy bay đã ổn định để giải quyết tình trạng này, trẻ nhỏ thì không, vì vậy bị ù tai kéo dài, khó chịu và khóc.

Lưu ý thứ nhất là hãy cho bé bú khi gặp tình trạng này, việc nuốt sữa sẽ giải quyết tình trạng ù tai, bé sẽ hết khó chịu, hết quấy khóc. Có thể chuẩn bị sẵn sữa trong hành lý xách tay, nếu không tiện cho bú cũng có thể dùng núm vú giả.

Với các chặng đường xa, đúng là mang theo một đứa trẻ nhỏ đi tàu, xe với thời gian dài rất vất vả, nếu có thể đi máy bay vẫn tốt hơn. Tất nhiên không ai đem đứa trẻ quá nhỏ đi máy bay liên tục, nhưng khi cần thiết, cứ bình tĩnh đưa trẻ theo cùng. 

Trong quá trình di chuyển chỉ cần chú ý bế trẻ đúng cách, giữ chắc phần cổ của trẻ bởi cổ của trẻ sơ sinh rất yếu.

Ngoài ra, nhiều bậc cha mẹ cũng lo lắng việc trẻ bị say máy bay, say tàu xe.

Lưu ý thứ hai là vấn đề dùng thuốc chống say tàu xe, máy bay: Khi quyết định dùng thuốc say xe, phải chắc chắn thuốc đó đúng với lứa tuổi của trẻ. 

Nếu trẻ dưới 12 tuổi mà cho dùng các loại thuốc chống say xe người lớn hay dùng, trẻ sẽ dễ bị ngộ độc, có thể bị rối loạn vận động, sảng, la hét… Các trẻ từ 2 tuổi đến dưới 12 tuổi thường có loại riêng, còn dưới 2 tuổi thì gần như không có.

Vì vậy, lưu ý thứ ba là đừng bắt trẻ nhịn hoặc ăn quá no trước khi lên máy bay, tàu, xe. Điều này vừa giúp hạn chế nguy cơ bị say, nôn ói, khó chịu; lại không khiến trẻ quấy khóc vì bị đói, mệt. 

Với trẻ quá nhỏ mà nhu cầu dinh dưỡng phụ thuộc và sữa, không dám cho trẻ uống sữa trước đó không có tác dụng gì, chỉ làm trẻ mệt thêm.

Ngoài ra, một số trẻ cũng có thể khóc đơn giản chỉ vì sợ khi được đưa vào một không gian đông đúc, xa lạ.

Vì vậy, lưu ý thứ ba là hãy cố gắng giúp trẻ cảm thấy thoải mái bằng cách trò chuyện với trẻ, chỉ cho trẻ cảnh vật xung quanh thay vì chỉ nhìn về một hướng. Đặc biệt là không bàn về chuyện say tàu, xe với trẻ hoặc trước mặt trẻ.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Bộ trưởng Bộ Y tế tiễn bệnh nhân về quê đón Tết trên chuyến xe “0 đồng”

Cùng tiễn bệnh nhân về quê trên chuyến xe yêu thương với Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan có bà Angela Pratt, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam và ban giám đốc Bệnh viện K.

Bộ trưởng Bộ Y tế tiễn bệnh nhân về quê đón Tết trên chuyến xe "0 đồng"- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trò chuyện, tiễn bệnh nhân về quê đón Tết

Chuyến xe “0 đồng” lan tỏa yêu thương

Tại đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã lên các chuyến xe, trao tặng lì xì, nhắn nhủ người bệnh vui xuân nhưng không quên lời dặn dò của thầy thuốc để đảm bảo sức khỏe và hiệu quả điều trị.

Bộ trưởng đánh giá những chuyến xe yêu thương rất nghĩa tình, giúp người bệnh thuận lợi trở về nhà đón Tết.

GS-TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K, cho biết đây là năm thứ 8 bệnh viện phối hợp với Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư – Ngày mai tươi sáng cùng các đơn vị khác tổ chức chuyến xe yêu thương “0 đồng”, đưa người bệnh về tận quê ăn Tết để họ không còn phải lo lắng trước tình hình quá tải bến xe trong dịp Tết.

Nhiều bệnh nhân xúc động trước sự quan tâm của bệnh viện trước khi về quê đón Tết

Đón Tết Giáp Thìn 2024, bệnh viện chia làm 2 đợt, đợt 1 diễn ra vào chiều 1-2, với 360 người bệnh được xe đưa về tận nhà. Tiếp đến, sáng 6-2, tức 27 tháng Chạp, những bệnh nhân còn lại sẽ được các chuyến xe yêu thương đưa về nhà.

Các chuyến xe miễn phí được sắp xếp hợp lý đưa người bệnh về quê ăn Tết theo các tuyến: Hải Dương – Hải Phòng; Thái Bình – Nam Định; Phú Thọ – Tuyên Quang; Thái Nguyên – Bắc Kạn; Hòa Bình – Sơn La; Yên Bái – Lào Cai; Bắc Ninh – Bắc Giang – Lạng Sơn; Ninh Bình – Thanh Hóa – Nghệ An – Hà Tĩnh.

Bộ trưởng Bộ Y tế tiễn bệnh nhân về quê đón Tết trên chuyến xe "0 đồng"- Ảnh 2.

Các y bác sĩ chào tạm biệt bệnh nhân về quê đón Tết nguyên đán

Trưa cùng ngày, Bệnh viện K cũng tổ chức bữa cơm tất niên sớm, với những món ăn cổ truyền ngày Tết như: bánh chưng, nem, giò… cho 2.000 người bệnh, thân nhân người bệnh ở bệnh viện.

“Nhiều gia đình vợ chăm chồng, mẹ chăm con, anh trai chăm em sau những ngày chiến đấu với bệnh tật, được bình dị ngồi ăn cơm cùng nhau, khi Tết đến thật gần. Những người bệnh cùng phòng dặn dò nhau về quê ăn Tết giữ sức khỏe, đón một năm mới bình an để cùng nhau chiến thắng bệnh tật”- GS Quảng nói.

Bộ trưởng Bộ Y tế tiễn bệnh nhân về quê đón Tết trên chuyến xe "0 đồng"- Ảnh 3.

Người bệnh tham gia bữa cơm tất niên sớm trước khi được trở về nhà đón Tết

Sau bữa cơm tất niên, người bệnh và gia đình được trở về quê đón Tết trên hành trình những chuyến xe yêu thương miễn phí với nhiều niềm vui hân hoan.

Với các bệnh nhân không đủ sức khỏe để tham dự chương trình, đại diện bệnh viện đã tới từng giường bệnh thăm hỏi, động viên và trao các phần quà và 600 suất cơm cho người bệnh.

Bộ trưởng Bộ Y tế tiễn bệnh nhân về quê đón Tết trên chuyến xe "0 đồng"- Ảnh 4.

GS-TS Lê Văn Quảng tặng quà bệnh nhân ung thư

GS Quảng chia dịp Tết Nguyên đán, bệnh viện sẽ chuẩn bị những phần cơm cho người bệnh ở lại điều trị, để người bệnh yên tâm, ấm lòng hơn dù phải xa nhà trong những ngày xuân mới sang.

Dịp này, Quỹ Ngày mai tươi sáng cũng khởi động chương trình xuân yêu thương dành cho bệnh nhi ung thư nhân dịp xuân Giáp Thìn. Chương trình nhằm mang lại niềm vui và hy vọng đến cho các chiến binh ung thư nhỏ tuổi tại Bệnh viện K, Bệnh viện Ung bướu TP HCM và Bệnh viện Trung ương Huế.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Nghiên cứu từ Trung Quốc: 3 thức uống giúp “trường sinh bất lão”

Ba thức uống quen thuộc từ lá trà là trà đen, trà xanh, trà ô long vẫn thường được đem ra “cân đo” về các lợi ích sức khỏe. Tuy nhiên, một nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí y học The Lancet Reigonal Healh – Western Pacific cho thấy dù uống loại nào, bạn vẫn đạt được lợi ích cực lớn ở mức 3 tách/ngày.

Nghiên cứu từ Trung Quốc: 3 thức uống giúp “trường sinh bất lão”- Ảnh 1.

Các thức uống dạng trà hầu hết đều có lợi cho sức khỏe, trong đó 3 thức uống từ lá trà (chè xanh) là trà đen – trà xanh – trà ô long có thể giúp bạn sống lâu và khỏe mạnh hơn – Ảnh minh họa từ Internet

Công trình được thực hiện bởi nhóm khoa học gia đến từ Đại học Tứ Xuyên, Đại học Y Côn Minh, Đại học Y Quý Châu… và nhiều trung tâm, trường y khoa khác của Trung Quốc.

Các tác giả đã phân tích chi tiết dữ liệu của gần 14.000 người được thu thập bởi ngân hàng dữ liệu sinh học uy tín hàng đầu thế giới Biobank của Anh.

Các tình nguyện viên này được tham gia các khảo sát cơ bản lẫn chi tiết về tình hình sức khỏe và chế độ ăn uống.

Họ được tính toán gia tốc tuổi sinh học (BA), có thể hiểu nôm na là sự tăng tốc dần của quá trình lão hóa theo tuổi tác, thông qua nhiều thông số sức khỏe, bao gồm 15 dấu ấn sinh học như huyết áp tâm thu, tỉ lệ eo – hông, các chỉ số cholesterol, các chỉ số phản ánh sức khỏe gan…

Kết quả cho thấy những người có thói quen uống trà hàng ngày – bất kể loại trà nào – thể hiện gia tốc tuổi sinh học chậm hơn những người không uống.

Điều này có nghĩa là so với người cùng độ tuổi, họ có tốc độ suy giảm sức khỏe nói chung thấp hơn, giúp họ cao tuổi nhưng vẫn khỏe mạnh hơn người. Chưa kể, việc khỏe hơn, ít bệnh tật cũng làm tăng tuổi thọ.

So sánh nhiều mức uống trà khác nhau, các tác giả chỉ ra liều lượng 3 tách/ngày, tương đương khoảng 6-8g trà, sẽ cho tác dụng bảo vệ cao nhất.

Tác dụng có lợi được ghi nhận ở cả 3 thức uống quen thuộc nhất trong nhóm trà: Trà đen, trà xanh, trà ô long.

Ba thức uống này đều làm từ lá trà nhưng có độ lên men khác nhau, dẫn đến thành phẩm trông khác nhau, hương vị và các hợp chất có lợi bên trong cũng nhiều phần khác nhau.

Tuy nhiên, dù được chế biến cách nào, các thức uống làm từ lá trà vẫn giữ được các hợp chất chống oxy hóa có lợi, chưa kể có thêm một số hợp chất khác là kết quả của quá trình lên men.

Theo nhóm tác giả, phát hiện này đem lại một phương án hữu ích để giữ gìn sức khỏe trong bối cảnh áp lực “già vẫn phải khỏe” ngày một gia tăng.

Từ năm 2020 đến 2050, số người từ 60 tuổi trở lên dự kiến sẽ tăng gấp đôi, đạt 2,1 tỉ người, tương đương 22% dân số thế giới. Vì vậy, già hóa dân số trở thành một trong những thách thức toàn cầu quan trọng, đòi hỏi các phương thức nhằm duy trì sức khỏe ở người cao tuổi.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

close(x)
close(x)