May 20, 2024

Ăn món rất tốt này sai cách, tăng nguy cơ ung thư

Viết trên European Journal of Nutrition, nhóm tác giả từ Viện Kiểm soát ung thư thuộc Trung tâm Ung thư quốc gia Nhật Bản cho biết có những bằng chứng cho thấy tiêu thụ cá và động vật có vỏ được cho là yếu tố bảo vệ khỏi bệnh ung thư nói chung.

Tuy nhiên, dường như ở một số người, thói quen này lại phản tác dụng đối với bệnh ung thư dạ dày. Vì vậy, họ đã đi tìm nguyên nhân.

Ăn món rất tốt này sai cách, tăng nguy cơ ung thư - Ảnh 1.

Cá tươi tốt cho sức khỏe, nhưng cá khô chứa nhiều muối có thể gây hại – Ảnh đồ họa AI

Dữ liệu của hơn 90.000 tình nguyện viên đã được phân tích và có 2.701 trường hợp ung thư dạ dày phát sinh trong thời gian theo dõi trung bình là 15 năm.

Các món ăn được xem xét đến bao gồm cá tươi, cá muối (theo cách gọi của người Việt là khô cá) và các động vật có vỏ khác.

Các kết quả cho thấy một món duy nhất làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày là cá muối. Trong đó, nguy cơ ung thư dạ dày ở nhóm nam giới ăn nhiều cá muối nhất cao hơn đến 43% đối với người hiếm hoặc không ăn.

Đối với phụ nữ, những người ăn nhiều cá muối nhất bị tăng nguy cơ 33%.

Trái lại, những phụ nữ ăn nhiều thực phẩm chứa PUFA n-3 từ biển – một axit béo có trong cá và các loại hải sản – sẽ giảm nhẹ nguy cơ ung thư dạ dày.

Những bằng chứng khoa học trước đó cho thấy độ mặn của các món cá được ướp muối rồi phơi/sấy này có thể là nguyên nhân.

Nồng độ muối cao ở vùng trong dạ dày có thể phá hủy hàng rào niêm mạc, gây viêm và tổn thương.

Điều này sẽ dẫn đến các triệu chứng như xói mòn lan tỏa và thoái hóa niêm mạc, có thể gây ra những thay đổi tăng sinh và tăng cường tác dụng của các yếu tố gây ung thư có nguồn gốc từ thực phẩm.

Tổn thương niêm mạc cũng có thể làm tăng sự xâm nhập của vi khuẩn HP, một trong những nguyên nhân làm tăng nguy cơ dạ dày.

Trong khi đó, bản thân cá tươi – nhất là nhóm cá dầu (cá béo) – là một thực phẩm được chứng minh là tốt về nhiều mặt, nhiều chất dinh dưỡng tốt và chất chống oxy hóa, có thể giúp đẩy lùi các bệnh tim mạch, chuyển hóa, ung thư, cải thiện chức năng sinh lý….

Tuy nhiên nghiên cứu mới cho thấy việc biến nó thành món cá giàu muối có thể hủy hoại các tác dụng có lợi của siêu thực phẩm này.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Sở Y tế TP HCM: Xuất hiện cục máu đông sau tiêm vắc-xin COVID-19 là rất hiếm gặp

Trước các thông tin về cục máu đông (huyết khối), kèm giảm tiểu cầu sau tiêm vắc-xin COVID-19 của AstraZeneca, sáng 5-5, Sở Y tế TP HCM cho biết TP đã tiêm hơn 9 triệu liều vắc-xin AstraZeneca và không ghi nhận trường hợp nào xuất hiện cục máu đông sau tiêm chủng.

Sở Y tế TP HCM: Xuất hiện cục máu đông sau tiêm vắc-xin COVID-19 là rất hiếm gặp- Ảnh 1.

Tác dụng phụ gây cục máu đông sau tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 của AstraZeneca chỉ xảy ra trong vòng 42 ngày sau khi tiêm ngừa và đặc biệt đây là sự cố rất hiếm gặp.

Theo Sở Y tế, tình trạng xuất hiện cục máu đông (huyết khối) sau tiêm vắc-xin COVID-19 của AstraZeneca từng được ghi nhận từ nhiều nguồn dữ liệu và đều có tỉ lệ rất thấp. 

Sở Y tế TP HCM khuyến cáo tiêm chủng vắc-xin COVID-19 nói riêng và tiêm chủng phòng bệnh nói chung vẫn là biện pháp hiệu quả để bảo vệ cá nhân và cộng đồng trước các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Việc tuân thủ các quy định về an toàn tiêm chủng và giám sát chặt chẽ sự cố bất lợi sau tiêm chủng có vai trò quan trọng trong phòng ngừa, phát hiện, xử trí các sự cố bất lợi sau tiêm chủng.

Theo công bố dữ liệu an toàn của nhà sản xuất, hội chứng huyết khối kèm giảm tiểu cầu nghiêm trọng và rất hiếm gặp đã ghi nhận ở một số trường hợp sau khi lưu hành. Nhà sản xuất cũng đã khuyến cáo thận trọng khi sử dụng vắc-xin, nếu sau tiêm chủng có xuất hiện cục máu đông thì sẽ không chỉ định tiêm cho những lần tiếp theo.

Ngày 22-3-2021, theo báo cáo trong cơ sở dữ liệu an toàn thuốc của EU (EudraVigilance). trong tổng số khoảng 25 triệu người đã được tiêm vắc-xin thì có hơn 80 trường hợp xuất hiện cục máu đông. Tháng 4-2021, Cơ quan quản lý dược phẩm Châu Âu EMA (European Medicines Agency) đã phân tích chuyên sâu các trường hợp có rối loạn đông máu sau khi tiêm vắc-xin COVID-19 tại Châu Âu.

EMA đã kết luận rằng biến chứng rối loạn đông máu phải được liệt kê là sự cố bất lợi rất hiếm gặp sau tiêm chủng vắc-xin AstraZeneca.

Một báo cáo của Bộ Y tế Australia công bố ngày 12-1-2024, tỉ lệ xuất hiện cục máu đông kèm theo hội chứng giảm tiểu cầu sau tiêm vắc-xin AstraZeneca từ 4 đến 42 ngày sau liều đầu tiên với tỉ lệ là 2/100.000 người được tiêm chủng; sau liều thứ hai là 0,3 /100.000 người được tiêm chủng; và cũng được nhận định đây là sự cố rất hiếm gặp.

Sở Y tế cho biết thêm tình trạng xuất hiện cục máu đông kèm theo giảm tiểu cầu sau khi tiêm vắc-xin phòng COVID-19 của AstraZeneca và Johnson & Johnson được ghi nhận trong các báo cáo của các cơ quan quản lý dược và tổ chức giám sát an toàn vắc-xin tại nhiều quốc gia.

Tổ chức Y tế thế giới đã yêu cầu cảnh giác những biến cố hiếm gặp ở người sau tiêm vắc-xin COVID-19. Biểu hiện lâm sàng thường xảy ra 4 đến 42 ngày sau khi tiêm vắc-xin COVID-19. Tỉ lệ đông máu sau tiêm ở người trẻ cao hơn so với người lớn tuổi, đặc biệt lứa tuổi 20-29 tuổi. Sau tiêm vắc-xin AstraZeneca tỉ lệ đông máu dường như ít xảy ra ở người trên 60 tuổi, chỉ khoảng 0,2/1 triệu liều tiêm đầu. Biến chứng đông máu sau tiêm vắc-xin AstraZeneca phụ thuộc vào yếu tố di truyền, bệnh nền, lối sống, thuốc đang dùng.

Sở Y tế cho biết thêm, không chỉ sau tiêm chủng, tình trạng xuất hiện cục máu đông có thể gặp ở nhiều tình huống lâm sàng khác. Cụ thể: Bệnh COVID-19 cũng gây rối loạn đông máu nặng, xuất hiện những cục máu đông; biến chứng thuyên tắc phổi nặng khi đi máy bay đường dài (trên 12 giờ) tỉ lệ 5/1 triệu người ngồi máy bay.

“Như vậy, tình trạng xuất hiện cục máu đông là một sự cố bất lợi hiếm gặp sau khi tiêm vắc-xin COVID-19, phần lớn xảy ra trong 28 ngày và có một số ít trường hợp xảy ra sau 42 ngày (theo Bộ Y tế Australia). Tình trạng này hoàn toàn có thể điều trị. Do đó, việc lo lắng bị rối loạn đông máu do đã từng tiêm vắc-xin COVID-19 là không có cơ sở” – Sở Y tế TP HCM khẳng định.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Hai cách tập thể dục “lạ” nhưng rất hiệu quả để khống chế tiểu đường

Trong một nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Nutrients, các tác giả từ Đại học Foro Italico ở Rome – Ý chỉ ra tập thể dục trước và sau bữa ăn một khoảng thời gian nhất định sẽ rất hiệu quả để hạn chế tình trạng đường huyết biến động.

Điều này đặc biệt quan trọng đối với bệnh nhân tiểu đường type 2, một vấn đề đang ảnh hưởng đến 463 triệu người trưởng thành toàn cầu, theo thống kê từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào năm 2021.

Hai cách tập thể dục "lạ" nhưng rất hiệu quả để khống chế tiểu đường- Ảnh 1.

Tập thể dục một chút sau bữa ăn chừng 15-30 phút sẽ đem đến tác dụng đặc biệt lên đường huyết – Ảnh đồ họa AI

Theo các tác giả, tập thể dục cải thiện lưu lượng máu trong các cơ hoạt động và huy động vi mạch, do đó làm tăng sự hấp thu glucose và giảm mức độ của nó trong máu.

Tuy nhiên, tình trạng dinh dưỡng tại thời điểm tập luyện là yếu tố quyết định sự biến động của lượng đường trong máu.

Hiệu quả của việc tập thể dục, đặc biệt là khi thực hiện 12-16 giờ trước khi ăn, sẽ ít hơn đáng kể đối với việc kiểm soát đường huyết cấp tính.

Vì vậy, tập thể dục nhịp điệu hoặc tập sức đề kháng cường độ vừa phải 20-45 phút trước bữa ăn là tốt nhất ngừa tăng đường huyết quá cao sau bữa ăn.

Tập thể dục trước bữa ăn gây ra sự nhạy cảm với insulin và quá trình oxy hóa chất béo bằng cách thúc đẩy quá trình phân giải glycogen, sau đó ổn định lượng đường trong máu và ngăn ngừa được hạ đường huyết mà người mắc tiểu đường cũng thường gặp.

Trong khi đó, các hướng dẫn hoạt động thể chất gần đây dành cho người mắc bệnh tiểu đường type 2 khuyến nghị nên tập thể dục sau bữa ăn để kiểm soát hiệu quả lượng đường huyết sau bữa ăn.

Đối với người khỏe mạnh, nồng độ glucose đạt đỉnh 30-60 phút sau khi ăn. Tuy nhiên, mức glucose đạt đỉnh 60-120 phút sau bữa ăn ở những người mắc bệnh tiểu đường.

Ít phút đi bộ với cường độ vừa phải hay đạp xe vào thời điểm khoảng 15-30 phút sau khi ăn rất có lợi với người bệnh tiểu đường lẫn người khỏe mạnh.

Như vậy, tập thể dục vào bất cứ thời điểm nào tương đối gần bữa ăn đều đem lại lợi ích tốt hơn cho người bệnh tiểu đường.

Cũng theo phân tích mới này, các buổi tập nên kéo dài khoảng 30-60 phút để đạt được hiệu quả.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Nhiều trẻ bị chó cắn rất thương tâm

Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết các trường hợp này nhập viện trong thời điểm Tết Nguyên đán vừa qua. Trẻ được gia đình đưa đến bệnh viện trong tình trạng đa vết thương toàn thân do động vật là chó, mèo, khỉ, chuột, thỏ… cắn hoặc cào, trong đó có nhiều trường hợp bị chó cắn.

Đó là bé trai 7 tuổi (ở Bắc Giang), đi chúc Tết nhà bà ngoại bị chó nhà nuôi bất ngờ lao ra cắn tới tấp vào vùng lưng, bụng, đùi, đến mức lộ ruột ra ngoài cơ thể và thủng ruột.

Nhiều trẻ bị chó cắn rất thương tâm- Ảnh 1.

Bệnh nhi bị chó cắn được các bác sĩ xử lý vết thương

Bé trai 7 tuổi bị chó cắn thủng ruột

Khi chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương, trẻ được cấp cứu, phẫu thuật cắt bỏ một đoạn ruột, sau đó được tiêm huyết thanh và vắc-xin phòng dại.

Một trường hợp khác là bé gái 6 tuổi (ở Hà Nội) cũng bị chó nhà nuôi (chưa tiêm phòng bệnh dại) cắn vào đầu, mặt khiến lộ vùng xương sọ hai bên đỉnh đầu.

Sau khi được sơ cấp cứu tại bệnh viện gần nhà trẻ được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương để tiếp tục theo dõi, điều trị và tiêm huyết thanh, vắc-xin phòng bệnh dại.

Tiến sĩ-bác sĩ Lê Kiến Ngãi, Trưởng Khoa dự phòng và Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do virus, lây truyền từ động vật sang người chủ yếu qua vết cắn hoặc vết cào, liếm của động vật bị dại lên trên da bị tổn thương.

Ngoài ra, virus dại còn có thể lây truyền từ người sang người qua cấy ghép mô, phủ tạng; vết cắn hoặc tiếp xúc với chất tiết của người bị dại.

Thời gian ủ bệnh dại ở người thông thường là từ 1-3 tháng sau phơi nhiễm, hiếm khi có trường hợp thời gian ủ bệnh ngắn dưới 9 ngày hoặc dài tới một vài năm.

Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào tình trạng nặng nhẹ của vết cắn, vị trí của vết cắn có liên quan đến nơi có nhiều dây thần kinh, khoảng cách từ vết cắn đến não, số lượng virus xâm nhập. Vết cắn càng nặng và gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn.

Không còn cơ hội sống khi phát bệnh

Bác sĩ Ngãi cho biết bệnh dại chủ yếu lưu hành ở các nước nhiệt đới. Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới mỗi năm có trên 10 triệu người bị súc vật dại hoặc nghi dại cắn phải đi điều trị dự phòng bằng vắc-xin dại, có khoảng 60.000-70.000 người bị chết do bệnh dại.

Tại Việt Nam, bệnh dại lưu hành ở nhiều địa phương, chủ yếu là ở các tỉnh miền núi với nguồn truyền bệnh chính là chó, mèo. Các biểu hiện lâm sàng của bệnh dại trên người là sợ nước, sợ gió, co giật, liệt và dẫn đến tử vong. Khi đã lên cơn dại, tỉ lệ tử vong gần như 100% (đối với cả người và động vật).

Tuy vậy, bệnh dại trên người có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vắc-xin và huyết thanh kháng dại.

Nhiều trẻ bị chó cắn rất thương tâm- Ảnh 2.

Bệnh nhi nhập viện với nhiều vết thương vùng mặt và đầu do chó cắn

Bác sĩ Ngãi khuyến cáo khi bị chó, mèo hoặc động vật hoang dại cắn hoặc gây tổn thương, mọi người cần nhanh chóng tới các cơ sở y tế để được tư vấn, hướng dẫn dự phòng. Cần tuân thủ các biện pháp dự phòng để có hiệu quả tốt nhất.

Đặc biệt những vết cắn vào các vùng nguy hiểm như đầu, mặt, cổ cần phải hết sức lưu ý. Dự phòng dại bằng huyết thanh và vắc-xin là giải pháp duy nhất và hiệu quả nhất để bảo vệ tính mạng của người bệnh bị phơi nhiễm.

“Việc tự ý điều trị bằng thuốc nam, hoặc đi lấy nọc, đắp lá cây,… chưa được chứng minh có hiệu quả phòng bệnh, ngược lại có thể gây nguy hiểm, tạo điều kiện cho virus xâm nhập vào cơ thể nhanh chóng hơn hoặc gây ra các tình trạng nhiễm trùng cơ hội”- bác sĩ Ngãi nhấn mạnh.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, huyết thanh kháng dại được tiêm càng sớm càng tốt vào ngày đầu sau khi bị cắn. Trường hợp không thể tiêm vào ngày đầu sau khi bị cắn thì tiêm trong vòng 7 ngày sau mũi vắc-xin đầu tiên. Tiêm vắc-xin phòng dại sớm với số liều tùy thuộc miễn dịch với virus dại đã có trước đó, tình trạng vết cắn và tình trạng con vật theo dõi được.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Lần đầu tại miền Tây thực hiện ca phẫu thuật khớp gối rất khó

Tối 1-2, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết các bác sĩ của Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình của bệnh viện này đã phẫu thuật thành công trường hợp bướu đầu trên xương chày có kích thước lớn, xâm lấn mô mềm bằng phương pháp thay khớp gối chuôi dài. Đây là kỹ thuật đầu tiên được thực hiện tại khu vực miền Tây Nam Bộ.

Lần đầu tại miền Tây thực hiện ca phẫu thuật khớp gối rất khó- Ảnh 1.

Các bác sĩ miệt mài phẫu thuật cho bệnh nhân

Bệnh nhân nữ tên L.T.B.N (59 tuổi; ngụ TP Cần Thơ), được người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ trong tình trạng đau nhiều khớp gối trái, hạn chế vận động.

Tiền sử bệnh nhân có chấn thương gối trái do tai nạn giao thông khoảng 6 tháng, sau đó khớp gối trái thường xuyên sưng, đau nhiều khi đứng, vận động, sinh hoạt rất khó khăn.

Kết quả chụp cộng hưởng từ khớp gối trái ghi nhận tổn thương hủy xương đầu trên xương chày trái, xâm lấn, hủy vỏ xương, lan ra mặt khớp, kích thước 5.5×5.7×6.7cm, phù mô mềm xung quanh.

Bệnh nhân đã được mổ sinh thiết lấy mô bướu đầu trên xương chày làm giải phẫu bệnh, kết quả chẩn đoán là bướu đại bào.

Xác định đây là một trường hợp khó vì bướu đại thực bào kích thước lớn, xâm lấn gần như toàn bộ mô mềm và mặt khớp gối trái, liên quan với các mạch máu, thần kinh lớn vùng khoeo chân trái, nên các bác sĩ hội chẩn quyết định phẫu thuật sớm hạn chế nguy cơ gây hủy xương.

Lần đầu tại miền Tây thực hiện ca phẫu thuật khớp gối rất khó- Ảnh 2.

Bệnh nhân đang tập đi lại sau ca phẫu thuật

Sau 5 giờ với hơn 10 y, bác sĩ thực hiện thay khớp gối trái toàn phần có bản lề chuôi dài, đồng thời xoay vạt cơ bụng chân che phủ phần xương đã khuyết, ca phẫu thuật diễn ra thành công.

Hiện tại, bệnh nhân tỉnh, vết mổ khô, cử động cổ chân và các ngón chân tốt, tập đi lại bằng khung…

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Những trái cây dễ tìm, rất tốt cho người tiểu đường

Trái cây là nhóm thực phẩm cần thiết cho tất cả mọi người, bao gồm cả người bệnh tiểu đường. Tuy nhiên một số loại trái cây lại chứa nhiều đường và ảnh hưởng đến sự cân bằng đường huyết.

Liên đoàn đái tháo đường quốc tế (IDF) đưa ra lời khuyên về một chế độ ăn lành mạnh cho người tiểu đường sẽ chứa tối đa 3 phần (30%) trái cây. Dựa vào chỉ số đường huyết (GI) và tải lượng đường huyết (GL) của trái cây mà người ta xác định được những loại trái cây có lợi cho người bệnh tiểu đường. Những loại trái cây có chỉ số GI > 70 là ở mức cao (xấu), GI từ 55-70 là ở mức trung bình, và GI < 55 là ở mức thấp (tốt). Vậy những loại trái cây nào người bệnh tiểu đường nên ăn?

Những trái cây dễ tìm, rất tốt cho người tiểu đường- Ảnh 1.

Ăn một số loại trái cây ít đường một cách hợp lý có thể giúp ổn định lượng đường trong máu

Người bị bệnh tiểu đường nên ăn những loại trái cây như: Bưởi, quýt, cam, nho, táo, lê, đào, mơ, mận, dâu tây… Đây đều là những loại trái cây có lượng GI thấp. Mỗi ngày ăn khoảng 200 g sẽ không gây ảnh hưởng tới lượng đường huyết trong cơ thể.

Bưởi

Bưởi là 1 trong những hoa quả được đánh giá tốt nhất với bệnh tiểu đường. Với thành phần có tới 91% là nước, rất giàu vitamin C, có lượng chất xơ hòa tan cao, trong khi chỉ số đường huyết GI là 25. Bên cạnh đó bưởi còn chứa naringenin – một loại flavonoid có vị đắng tự nhiên. Có tác dụng làm tăng độ nhạy insulin, giúp cải thiện đáng kể tình trạng kháng insulin ở người bệnh tiểu đường tuýp 2.

Ăn nửa quả bưởi mỗi ngày sẽ giúp người bệnh tiểu đường tăng khả năng kiểm soát glucose trong máu.

Cam

Trong 1 quả cam chứa 87% nước và lượng lớn các chất xơ, vitamin C, vitamin B1 trong khi rất ít đường. Cam rất tốt cho hệ miễn dịch, nâng cao sức đề kháng và giúp kiểm soát tốt lượng đường trong máu. Trong khi chỉ số đường huyết GI chỉ ở mức 44. 1 quả cam hay nước ép từ 1 quả cam mỗi ngày là thực đơn lý tưởng dành cho người tiểu đường.

Những trái cây dễ tìm, rất tốt cho người tiểu đường- Ảnh 2.

Bưởi rất tốt cho người bệnh tiểu đường

Dây tây

Dâu tây chứa một lượng đáng kể chất xơ, vitamin, axit folic, khoáng chất và chất chống ôxy hóa. Bên cạnh đó loại quả này chỉ có chỉ số GI ở mức 41, rất ít carbohydrate. Vì vậy dâu tây được đánh giá là loại quả dành cho người bệnh tiểu đường. Dâu tây giúp giảm cảm giác đói và cung cấp năng lượng cho người bệnh tiểu đường. Cùng với khả năng ổn định chỉ số đường huyết tuyệt vời.

Cherry

Quả cherry hay còn gọi quả anh đào, là một món ăn vặt khoái khẩu và bổ dưỡng. Các đánh giá cho thấy cherry có chỉ số đường huyết là 22 và chứa rất ít carbohydrate cực kì có lợi cho bệnh tiểu đường. Theo các chuyên gia, mỗi người bệnh tiểu đường nên sử dụng khoảng 50 g cherry mỗi ngày.

Táo

Táo chứa rất nhiều chất xơ, các loại vitamin, khoáng chất… cùng với tỉ lệ nước lên tới 85,56%. Các nghiên cứu chỉ ra rằng trong táo có chứa pectin giúp đào thải độc tố và giảm nhu cầu insulin ở người bệnh tiểu đường lên đến 35%. Là loại trái cây tốt cho bệnh tiểu đường, đặc biệt tiểu đường tuýp 1. Táo có chỉ số đường huyết GI ở mức 38, mức thấp. Một chế độ ăn với 1-2 quả táo mỗi ngày là lựa chọn vô cùng tuyệt vời.

Tương tự với táo, lê có chỉ số đường huyết ở mức 38 cùng với hàm lượng nước lên đến 84%. Lê còn cung cấp một lượng tương đối chất xơ, vitamin và khoáng chất tốt cho người tiểu đường. Ăn 1 quả mỗi ngày để tăng cường độ nhạy insulin.

Những trái cây dễ tìm, rất tốt cho người tiểu đường- Ảnh 3.

Quả lê có hàm lượng đường khá thấp

Mận

Mận là loại quả phổ biến vào mùa hè. Nó chứa rất ít calo và có chỉ số đường huyết GI ở mức rất thấp chỉ 24. Bên cạnh đó, mận chứa rất nhiều chất xơ, được đánh giá cao đối với bệnh nhân tim và tiểu đường. Bên cạnh đó mận còn giúp cải thiện tiêu hóa và giảm tình trạng táo bón thường gặp ở bệnh nhân tiểu đường.

Đào

Có chỉ số đường huyết GI ở mức 28, cao hơn mận và mơ một chút là quả đào. Ngoài ra đào cũng là nguồn cung chất xơ, các chất oxy hóa và vitamin đáng kể. Vì vậy, đào cũng được đánh giá là loại trái cây tốt cho người tiểu đường.

Ổi

Đây là một món ăn nhẹ lí tưởng cho bệnh nhân tiểu đường do có chỉ số đường huyết thấp. Ổi giàu chất xơ, vitamin C, kali và các chất chống oxy hóa. Ngoài ra, ổi cũng có tốt cho hệ tiêu hóa.

Trong quả bơ chứa lượng carbohydrate thấp (khoảng 5,9 g) trong khi hàm lượng chất xơ tương đối cao (4,6 g). Vì vậy, bơ có chỉ số đường huyết GI cực thấp (15). Hầu như không có khả năng ảnh hưởng tới đường huyết và là lựa chọn tốt cho bệnh nhân tiểu đường.

Những loại trái cây người bị tiểu đường nên hạn chế

Các loại trái cây như dưa hấu, xoài, kiwi, đu đủ và dứa tuy có hàm lượng đường thấp nhưng chỉ số GI lại cao. Vì vậy, tuy người bị tiểu đường có thể ăn nhưng nên ăn với số lượng ít để có thể kiểm soát tốt lượng đường trong máu. Tốt nhất chỉ nên ăn những loại hoa quả trên khoảng 100 g mỗi ngày.

Những trái cây dễ tìm, rất tốt cho người tiểu đường- Ảnh 4.

Chỉ số GI của quả đu đủ ở mức trung bình

Đu đủ

Chỉ số GI của quả đu đủ ở mức trung bình. Bên cạnh đó, theo một số báo cáo đu đủ có khả năng làm giảm đường huyết. Ngoài ra, các hợp chất flavonoid – các chất chống ôxy hóa tự nhiên có trong đu đủ cũng có khả năng điều hòa đường huyết trong cơ thể trong một số nghiên cứu.

Chuối

Người bệnh đái tháo đường nên chọn chuối xanh, chuối ương hoặc chuối gần chín, không nên ăn chuối chín quá. Mỗi lần chỉ nên ăn 1 quả nhỏ – trung bình hoặc 1/2 quả lớn, không nên ăn quá nhiều một lúc.

Những trái cây dễ tìm, rất tốt cho người tiểu đường- Ảnh 5.

Người bệnh tiểu đường không nên ăn quá nhiều chuối một lúc

Nên ăn chuối vào bữa ăn phụ, cách xa bữa chính khoảng 2 giờ. Không nên kết hợp chuối với bữa tối hay trong một bữa ăn giàu tinh bột (carbohydrate).

Những loại trái cây người tiểu đường không nên ăn

Quả chà là tươi, chà là đỏ khô, chuối, chuối ngự, nho khô, long nhãn, … có hàm lượng đường và chỉ số GI rất cao, vì vậy tốt nhất những người bị bệnh tiểu đường không nên ăn.

Những trái cây dễ tìm, rất tốt cho người tiểu đường- Ảnh 6.

Chà là khô có hàm lượng đường rất cao

Các chuyên gia cũng khuyến cáo bệnh nhân tiểu đường nên kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên. Tình trạng của mỗi bệnh nhân tiểu đường là khác nhau nên lượng đường trong máu cũng khác nhau. Dựa trên chỉ số đường huyết trong máu mà người bệnh có thể lựa chọn những loại trái cây thích hợp để ăn, dựa trên lượng GI của thực phẩm.

Thời điểm tốt nhất để ăn trái cây là vào giữa hai bữa ăn, không nên ăn trái cây ngay sau bữa ăn, hoặc ăn cách bữa chính 2 giờ. Thời gian tốt nhất là vào khoảng 9 giờ – 9 giờ 30 sáng, 15 giờ – 16 giờ chiều, hoặc khoảng 21 giờ tối trước khi đi ngủ. Ăn trái cây như một bữa ăn nhẹ có thể giúp ổn định lượng đường trong máu.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

close(x)
close(x)