May 20, 2024

Lần đầu tiên bệnh viện tuyến huyện thay được khớp háng người lớn tuổi

Sáng 15-5, Bệnh viện huyện Bình Chánh (TP HCM) cho hay lần đầu tiên bệnh viện thay khớp háng thành công cho một trường hợp lớn tuổi, nguy cơ rủi ro cao.

Lần đầu tiên bệnh viện tuyến huyện thay được khớp háng người lớn tuổi- Ảnh 1.

Các bác sĩ Bệnh viện huyện Bình Chánh phẫu thuật thay khớp háng cho bà H.

Bệnh nhân là bà N.T.H (70 tuổi, huyện Bình Chánh) bị tai nạn té ngã gãy cổ xương đùi phải, háng trái sưng đau, mất vận động, sinh hoạt phụ thuộc vào người nhà.

Theo bác sĩ Nguyễn Hoàng Vũ, Trưởng Khoa Chấn thương Chỉnh hình Bệnh viện huyện Bình Chánh, phẫu thuật thay khớp háng cho bệnh nhân lớn tuổi là một thách thức lớn do nhiều rủi ro biến chứng. Tuy nhiên, nếu không phẫu thuật thì chắc chắn người bệnh phải nằm một chỗ chịu đau và phải có người chăm sóc thường xuyên. Ngoài ra, do nằm lâu nên gây loét các vùng tỳ đè, viêm phổi ứ đọng. Điều này khiến cơ thể dần suy kiệt, dẫn đến nguy cơ tử vong cao.

Bà H. được chỉ định mổ thay khớp háng nhân tạo. Sau 1 giờ phẫu thuật, các bác sĩ rạch da bộc lộ ổ gãy cổ xương đùi, loại bỏ chỏm xương đùi, các bác sĩ làm sạch ổ khớp, lắp chỏm nhân tạo cùng chuôi và nắn chỉnh kiểm tra vận động khớp háng tốt cho bệnh nhân.

Theo ThS.BSCKII Võ Ngọc Cường, Giám đốc Bệnh viện huyện Bình Chánh, phẫu thuật thay khớp háng là kỹ thuật khó, được triển khai chủ yếu tại các bệnh viện lớn, trang thiết bị hiện đại. “Hiện nhờ sự hỗ trợ chuyên môn của Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP HCM, Bệnh viện huyện Bình Chánh đã thực hiện được kỹ thuật này, đồng thời còn thực hiện được nội soi tái tạo dây chằng khớp gối và phẫu thuật kết hợp xương khó” – bác sĩ Cường thông tin.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Lời khai ban đầu của đối tượng nhiều lần đánh thuốc mê cướp của trong bệnh viện

Trưa 1-5, Bệnh viện Chợ Rẫy cho hay vừa phối hợp cùng Công an quận 5, TP HCM để nghi can của vụ án thực nghiệm lại hành vi phạm tội khi dùng thuốc hướng thần chiếm đoạt tài sản tại bệnh viện.

Lời khai ban đầu của đối tượng nhiều lần đánh thuốc mê cướp của trong bệnh viện- Ảnh 1.

Kẻ gian nhiều lần cướp tài sản trong Bệnh viện Chợ Rẫy bị công an bắt được

Theo điều tra, ngày 22-4, Công an phường 12, quận 5 tiếp nhận tin báo mất tài sản của chị P.T.T (36 tuổi, ngụ Long An). Theo trình báo, khi chị T. đang ngồi tại khu vực chờ thông tin của Khoa Cấp cứu – Bệnh viện Chợ Rẫy thì có 1 phụ nữ tiếp cận, trò chuyện. Sau đó, đối tượng mời chị T. uống một ly nước khiến chị không làm chủ được bản thân. Khi tỉnh dậy, chị T. mới biết mình bị chiếm đoạt tài sản.

Dù vụ việc xảy ra ngày 10-4 nhưng do bận chăm sóc người thân đang điều trị nên đến ngày 22-4, nạn nhân mới đến cơ quan công an trình báo. Tuy nhiên, thời điểm này, việc thu thập chứng cứ, điều tra gặp rất nhiều khó khăn do vụ án đã xảy ra hơn 10 ngày.

Lời khai ban đầu của đối tượng nhiều lần đánh thuốc mê cướp của trong bệnh viện- Ảnh 2.

Tài sản bị đối tượng đánh thuốc mê cướp được trong Bệnh viện Chợ Rẫy

Trong lúc công tác điều tra đang rơi vào khó khăn thì lúc 6 giờ 30 ngày 24-4, Công an phường 12, quận 5 tiếp tục tiếp nhận thông tin trình báo của bà H.T.N.H (48 tuổi, ở Tiền Giang) về việc bị mất tài sản vào khoảng 17 giờ ngày 23-4 với cùng thủ đoạn tương tự như chị T. gặp phải.

Nhận định 2 vụ án do cùng một đối tượng thực hiện, Ban Chỉ huy Công an quận 5 đã chỉ đạo Đội Cảnh sát hình sự phối hợp các đội nghiệp vụ, tập trung toàn bộ lực lượng truy xét nhanh, không để đối tượng tiếp tục gây án.

Khẩn trương triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, cùng sự phối hợp chặt chẽ của bệnh viện, đến 11 giờ ngày 25-4, công an đã bắt giữ đối tượng gây án là Huỳnh Ngọc Trâm (33 tuổi, hộ khẩu thường trú huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre; nơi ở hiện nay tại phường 15, quận Tân Bình) đưa về trụ sở để đấu tranh, làm rõ.

Tại cơ quan công an, Huỳnh Ngọc Trâm đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Theo đó, do không có tiền tiêu xài nên Trâm đã nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản của người dân. Trâm tiếp cận những phụ nữ ngồi một mình trong bệnh viện, sau đó trò chuyện để tạo lòng tin rồi đưa nạn nhân uống 1 ly nước có pha thuốc an thần.

Sau khi nạn nhân mê man, tê liệt ý chí thì Trâm cướp tài sản và tẩu thoát. Với thủ đoạn như trên, Trâm đã thực hiện 3 vụ cướp tài sản của chị P.T.T, bà H.T.N.H và 1 người phụ nữ chưa rõ lai lịch.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Lần đầu tiên tổ chức, 1 lễ hội ở TP HCM thu hút 10.000 người tham gia

Ngày 29-4, UBND quận 10, TP HCM, cho biết Lễ hội Sống khỏe 2024 đã khép lại sau 3 ngày tổ chức.

Ông Bùi Thế Hải, Phó Chủ tịch UBND quận 10, cho biết Lễ hội Sống khỏe năm 2024 được tổ chức trang trọng, sôi nổi, thu hút khoảng 10.000 người dân và du khách đến tham quan, trải nghiệm.

Lần đầu tiên tổ chức, 1 lễ hội ở TP HCM thu hút 10.000 người tham gia- Ảnh 1.

Ngày chạy Olympic Vì sức khỏe toàn dân thu hút gần 1.000 người tham gia

“Chương trình đã thành công tốt đẹp và để lại ấn tượng sâu sắc với đại biểu, người dân và du khách khi tới tham dự chuỗi các sự kiện trong lễ hội” – ông Hải nhìn nhận.

Lễ hội Sống khỏe đã mang lại kiến thức, kỹ năng và trải nghiệm, giúp mỗi người thấu cảm giá trị của sống khỏe và sống đẹp để cùng thực hiện và lan tỏa đến cộng đồng giá trị cốt lõi “Khỏe thể chất và tinh thần – Đẹp ngoại hình và tâm hồn”.

Lần đầu tiên tổ chức, 1 lễ hội ở TP HCM thu hút 10.000 người tham gia- Ảnh 2.

Cuộc thi “Vũ điệu tuổi hồng” với sự tham gia của hơn 100 em thiếu nhi

Là ca sĩ góp mặt trình diễn trong chương trình nghệ thuật thuộc khuôn khổ Lễ hội Sống khỏe 2024, ca sĩ Bùi Công Nam bày tỏ: “Được biết đây là lần đầu tiên Lễ hội Sống khỏe được tổ chức tại quận 10. Tôi cảm thấy ý tưởng lồng ghép yếu tố chăm sóc sức khỏe vào mô hình “Lễ hội văn hóa” khá sáng tạo và thu hút”.

Ca sĩ Bùi Công Nam mong một sự kiện ý nghĩa, truyền cảm hứng để người dân có thêm kiến thức, kinh nghiệm cải thiện, nâng cao sức khỏe thể chất lẫn tinh thần như Lễ hội Sống khỏe sẽ được nhân rộng và tổ chức thường kỳ.

UBND quận 10 cho hay lễ hội đã thu hút hơn 80 gian hàng của các doanh nghiệp hoạt động trên các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, giải trí, thẩm mỹ, dược phẩm, nha khoa, làm đẹp trú đóng trên địa bàn quận và khu vực lân cận.

Trong khuôn khổ của Lễ hội Sống khỏe còn diễn ra nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa, lan tỏa, hướng tới cộng đồng như: Cuộc thi “Bước nhảy sống khỏe” với sự tham gia của gần 100 người cao tuổi, Cuộc thi “Vũ điệu tuổi hồng” với sự tham gia của hơn 100 em thiếu nhi, Ngày chạy Olympic Vì sức khỏe toàn dân thu hút gần 1.000 người tham gia; hội nghị chuyên đề “Nâng cao chất lượng dịch vụ thẩm mỹ nhằm đẩy lùi hoạt động thẩm mỹ không phép”…

Các hoạt động đã thu hút hàng trăm chuyên gia, người hoạt động trong lĩnh vực y tế, sức khỏe, dinh dưỡng, thực phẩm và người dân, du khách tham gia.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Ca mắc sởi tăng gần 3 lần, bệnh sởi có dễ lây?

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết đến nay cả nước ghi nhận 203 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, số mắc tăng 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2023.

Tuần qua, TP Hà Nội cũng đã ghi nhận ca mắc bệnh sởi đầu tiên trong năm 2024 là một bé gái 10 tuổi, đã được tiêm vắc-xin ngừa sởi.

Ca mắc sởi tăng gần 3 lần, bệnh sởi có dễ lây?- Ảnh 1.

Số ca mắc bệnh sởi tăng nhanh ở Việt Nam

Trước đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra cảnh báo về việc gia tăng số ca mắc bệnh sởi và nguy cơ bùng phát dịch sởi tại nhiều khu vực trên toàn thế giới.

Theo dữ liệu của WHO, tại khu vực châu Âu, số ca mắc bệnh năm 2023 là hơn 300.000 ca, tăng hơn 30 lần so với năm 2022. Tại khu vực Tây Thái Bình Dương, số ca mắc bệnh sởi tăng 255% từ năm 2022 đến năm 2023. Từ đầu năm 2024 đến nay, số ca mắc sởi tăng cao.

Tại Việt Nam, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và việc gián đoạn cung ứng các vắc-xin trong Chương trinh tiêm chủng mớ rộng năm 2023 đã tác động đến tỉ lệ tiêm chủng các vắc-xin cho trẻ em. Nhiều trẻ chưa được tiêm chủng đúng lịch là yếu tố nguy cơ gây bùng phát dịch bệnh, bao gồm bệnh sởi.

WHO cảnh báo thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận các ca mắc, các ổ dịch mới, nhất là những nơi có tỉ lệ tiêm chủng thấp.

Các chuyên gia khẳng định vắc-xin vẫn được coi là “lá chắn” hiệu quả trong việc ngăn ngừa bệnh sởi. Việc tiêm đủ hai liều vắc-xin có thể đạt hiệu quả ngăn chặn tới 97%. Những người đã được tiêm phòng có thể vẫn mắc bệnh, song chỉ bị nhẹ.

Mới đây, Bộ Y tế đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị tiếp tục chỉ đạo các hoạt động phòng, chống dịch bệnh.

Bộ Y tế lưu ý đối với các bệnh được dự phòng bằng vắc-xin (sởi, ho gà, bạch hầu…), các địa phương cần đẩy mạnh triển khai kế hoạch tiêm chủng năm 2024, thực hiện tốt tiêm chủng thường xuyên cho các đối tượng thuộc Chương trình Tiêm chủng mở rộng; tổ chức tiêm bổ sung cho các trường hợp chưa được tiêm chủng đầy đủ.

Ca mắc sởi tăng gần 3 lần, bệnh sởi có dễ lây?- Ảnh 2.

Tiêm vắc-xin phòng bệnh cho trẻ tại Hà Nội

Theo Cục Y tế dự phòng, bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm gây dịch lây qua đường hô hấp do virus sởi gây nên. Người mắc bệnh có các triệu chứng sốt, phát ban, chảy nước mũi, ho, mắt đỏ… Đối tượng dễ mắc bệnh sởi thường là trẻ nhỏ và người có miễn dịch kém.

Để phòng bệnh sởi, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cho trẻ từ 9 tháng tuổi chưa tiêm vắc-xin sởi hoặc từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vắc-xin sởi đến trạm y tế xã, phường để tiêm vắc-xin ngừa sởi.

Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban, cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời khám, điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi… Không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc sởi.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Bà mẹ mang thai, cho con bú không còn “lăn tăn” ăn gì mỗi ngày

Dinh dưỡng hợp lý trong suốt thai kỳ cũng như giai đoạn sau sinh giúp mẹ có sức khỏe tốt, đồng thời tạo nền tảng cho sự phát triển toàn diện của trẻ sau này. Câu hỏi “ăn gì” luôn là điều khiến mẹ lăn tăn mỗi ngày, nhất là những ai lần đầu làm mẹ.

Nhằm giúp vơi bớt những âu lo trong hành trình làm mẹ, Công ty Ajinomoto Việt Nam đã phối hợp cùng Vụ Sức khỏe Bà mẹ – Trẻ em và Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Bộ Y tế) triển khai Phần mềm “Xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai, bà mẹ cho con bú và trẻ em từ 7 tháng đến 60 tháng tuổi” thuộc Chương trình Dinh dưỡng Bà mẹ và Trẻ em trên toàn quốc.

A white background with text and cartoon characters Description automatically generated with medium confidence

Giao diện Phần mềm thực đơn của Chương trình Dinh dưỡng Bà mẹ và Trẻ em

Thực đơn đa dạng, công cụ chăm sóc sức khỏe hữu ích

Ngân hàng thực đơn của Phần mềm được nghiên cứu và phát triển dựa trên khuyến nghị dinh dưỡng theo từng giai đoạn thai kì, cho con bú của mẹ và từng giai đoạn phát triển của trẻ từ sơ sinh đến dưới 60 tháng tuổi. Hiện nay, người dùng có thể truy cập và sử dụng miễn phí bộ thực đơn hơn 2.000 món ăn cân bằng dinh dưỡng cho mẹ và bé tại website: www.dinhduongmevabe.com.vn.

Bà mẹ mang thai, cho con bú không còn “lăn tăn” ăn gì mỗi ngày- Ảnh 2.

Thực đơn bữa trưa dinh dưỡng cho mẹ bầu giai đoạn ba tháng cuối từ Phần mềm

Ngoài các thực đơn sẵn có, Phần mềm còn cho phép người dùng tự xây dựng thực đơn phù hợp với sở thích, nhu cầu, thu nhập cá nhân, bằng cách kết hợp các món ăn có sẵn trong ngân hàng thực đơn.

Sử dụng Phần mềm, mẹ có thể dễ dàng theo dõi tình trạng cân nặng trong suốt thai kỳ, cũng như theo dõi tăng trưởng cân nặng, chiều cao của trẻ theo từng giai đoạn phát triển, từ đó kịp thời điều chỉnh chế độ dinh dưỡng một cách hợp lý để trẻ phát triển tối ưu.

Bà mẹ mang thai, cho con bú không còn “lăn tăn” ăn gì mỗi ngày- Ảnh 3.

Nhiều kiến thức hữu ích về dinh dưỡng, sức khỏe… tại Sổ tay của mẹ

Một công cụ vô cùng hữu ích với mẹ nữa là Sổ tay của mẹ, với “kho” kiến thức về dinh dưỡng, sức khỏe, ẩm thực… được biên soạn bởi các chuyên gia.

Đẩy mạnh lan tỏa Chương trình trên toàn quốc

Kể từ khi chính thức triển khai toàn quốc năm 2020, Ajinomoto Việt Nam cùng Vụ Sức khỏe Bà mẹ – Trẻ em và Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Bộ Y tế) không ngừng đẩy mạnh triển khai Chương trình Dinh dưỡng Bà mẹ và Trẻ em trên toàn quốc để ngày càng có nhiều bà mẹ, trẻ em được thụ hưởng những giá trị của Chương trình, đóng góp vào cải thiện tầm vóc cho thế hệ tương lai.

A group of people sitting in chairs in front of a stage Description automatically generated

Tập huấn triển khai Chương trình cho cán bộ y tế tại Đồng Tháp ngày 22-4 vừa qua

Vừa qua, Chương trình Dinh dưỡng Bà mẹ và Trẻ em tiếp tục được triển khai đến tỉnh Đồng Tháp, thông qua Hội nghị Triển khai Phần mềm “Xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai, bà mẹ cho con bú và trẻ em từ 7 tháng đến 60 tháng tuổi” dành cho cán bộ y tế trên địa bàn tỉnh. Đây sẽ là những “hạt giống” giúp lan tỏa Chương trình đến các đối tượng thụ hưởng.

Đến nay đã có hơn 645.000 bà mẹ sử dụng các nội dung của Chương trình để chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng cho bản thân và con nhỏ.

Nhiều sáng kiến vì sức khỏe cộng đồng

Không chỉ đối tượng bà mẹ và trẻ em dưới 5 tuổi, Ajinomoto Việt Nam còn chú trọng cải thiện dinh dưỡng, sức khỏe cho học sinh tiểu học, cũng như cộng đồng nói chung, thông qua các Dự án Bữa ăn học đường, Dự án Phát triển Hệ thống Dinh dưỡng Việt Nam (VINEP).

Dự án Bữa ăn học đường hợp tác với Bộ Giáo dục và Đào tạo và Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Bộ Y tế) triển khai từ năm 2012, nhằm góp phần cải thiện sức khỏe và tình trạng dinh dưỡng của học sinh tiểu học tại Việt Nam. Đến nay đã có hơn 4.200 trường tiểu học bán trú trên toàn quốc áp dụng các nội dung của Dự án, với hơn 1,4 triệu lượt học sinh được hưởng lợi từ Dự án.

Bà mẹ mang thai, cho con bú không còn “lăn tăn” ăn gì mỗi ngày- Ảnh 5.

Dự án Bữa ăn học đường đang triển khai tại hơn 4.200 trường tiểu học bán trú cả nước

Dự án Phát triển Hệ thống Dinh dưỡng Việt Nam (VINEP) do Tập đoàn Ajinomoto, Quỹ Ajinomoto và Ajinomoto Việt Nam hợp tác với Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Bộ Y tế) triển khai từ năm 2011 nhằm phát triển hệ thống nhân lực dinh dưỡng tại Việt Nam. Hiện nay, đã có 11 trường đại học tại Việt Nam thiết lập chương trình đào tạo Cử nhân Dinh dưỡng, với khoảng 500 dinh dưỡng viên tốt nghiệp từ các khóa đào tạo này.

Thông qua các sáng kiến dinh dưỡng này, Ajinomoto Việt Nam hướng đến hiện thực hóa Mục đích tồn tại của công ty là “Góp phần mang đến sức khỏe và hạnh phúc cho người dân và xã hội Việt Nam thông qua việc cung cấp các sản phẩm chất lượng và sáng kiến có giá trị”.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Phòng khám nhiều lần đổi tên để đối phó ngành y tế

Ngày 19-4, Sở Y tế TP HCM cho biết vừa phát hiện, xử lý hộ kinh doanh Thẩm mỹ và spa An Nhi đang hoạt động trái phép (địa chỉ 57 đường 3 tháng 2, phường 11, quận 10, TP HCM). Nguyên nhân, cơ sở này nhiều lần đổi tên, giấy phép nhằm né tránh chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Phòng khám nhiều lần đổi tên để đối phó ngành y tế- Ảnh 1.

Sở Y tế phát hiện biển hiệu bên ngoài cơ sở là Phòng khám chuyên khoa Da liễu thuộc Công ty TNHH Viện thẩm mỹ An Nhi. Tuy nhiên, qua kiểm tra tại địa chỉ này là trụ sở hộ kinh doanh thẩm mỹ và spa An Nhi do bà Lê Thị Huyền – chủ hộ kinh doanh.

Tại thời điểm kiểm tra, Thanh tra Sở Y tế phát hiện cơ sở này có bàn, giường phẫu thuật, máy laser, máy chăm sóc da, các hoá đơn thu tiền “trị nám, thâm, múp môi lớn, nấm cô bé”… Đặc biệt, còn đang được thực hiện dịch vụ trị thâm mông, chăm sóc da cho khách hàng…

Đoàn đã đề nghị cơ sở ngưng ngay việc cung cấp các dịch vụ khám, chữa bệnh khi chưa có giấy phép hoạt động và tháo biển hiệu, đồng thời mời chủ cơ sở làm việc, cung cấp các hồ sơ, tài liệu có liên quan và xử lý vi phạm hành chính. 

Số tiền phạt dự kiến là 60 triệu đồng và đình chỉ hoạt động cơ sở cho đến khi có giấy phép hoạt động; người hành nghề có chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh theo quy định.

Thanh tra Sở Y tế đã công khai kết quả xử phạt vi phạm hành chính trên cổng thông tin điện tử của sở. Bên cạnh đó, đưa địa chỉ hoạt động của cơ sở trên vào danh sách theo dõi, giám sát đặc biệt liên quan hoạt động khám, chữa bệnh.

Đáng chú ý, trước đó, tháng 8-2023, Thanh tra Sở Y tế đã ban hành Quyết định số 270/QĐ-XPHC xử phạt Công ty TNHH Thẩm mỹ JW by Asian Luxury Beauty Clinic do bà Lê Thị Huyền làm giám đốc. 

Lý do, cơ sở này khám, chữa bệnh không có giấy phép hoạt động; quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định. Đồng thời, phạt bổ sung đình chỉ hoạt động trong thời hạn 18 tháng,…

Tuy nhiên, dù chưa chấp hành xong quyết định xử phạt công ty này đã thay đổi tên công ty nhằm đối phó, không chấp hành quyết định xử phạt.

Qua xác minh lại, Sở Y tế phát hiện trước khi bị xử phạt, cơ sở này đã từng đổi tên và hoạt động không phép. Cụ thể: ngày 11-4-2023, bà Lê Thị Huyền đã thành lập Công ty TNHH Một thành viên Thẩm mỹ An Nhi mã số doanh nghiệp 0317781271. Ngay sau đó, ngày 13-4-2023, cũng với mã số doanh nghiệp trên đã cấp cho Công ty TNHH Thẩm mỹ JW By Asian Luxury Beauty Clinic do bà Huyền tiếp tục làm giám đốc (do Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM cấp). Dù vậy, khi tra cứu trên cổng thông tin quốc gia, hiện cả hai công ty trên đã giải thể, phá sản, chấm dứt tồn tại.

Như vậy, cùng một địa chỉ và do một chủ sở hữu, cơ sở này đã 3 lần đổi tên từ công ty sang hộ kinh doanh thẩm mỹ do UBND quận 10 cấp. Đáng lưu ý, cả 3 lần đều chưa được Sở Y tế cấp phép có giấy phép hoạt động về khám, chữa bệnh.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Lần đầu TP HCM có Lễ hội Sống khỏe

Ngày 12-4, UBND quận 10, TP HCM tổ chức gặp gỡ báo chí giới thiệu Lễ hội Sống khỏe lần 1 năm 2024.

Thông tin về lễ hội, ông Đào Quang Dũng, Trưởng Phòng Văn hóa- Thông tin quận 10, cho biết Lễ hội Sống khỏe năm 2024 với chủ đề “Sống vui khỏe – Đẹp rạng ngời” sẽ được tổ chức lần đầu tiên tại quận 10.

Lễ hội diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 26-4 đến ngày 28-4, lúc 8 giờ sáng đến 22 giờ mỗi ngày tại Công viên Văn hóa Lê Thị Riêng và một số địa điểm khác trên địa bàn quận 10.

Lần đầu TP HCM có Lễ hội Sống khỏe- Ảnh 1.

UBND quận 10 tổ chức gặp gỡ báo chí giới thiệu Lễ hội Sống khỏe lần 1 năm 2024

Lễ hội Sống khỏe năm 2024 được thiết kế theo mô hình “Lễ hội văn hóa”, tích hợp đa yếu tố “5 trong 1”, sở hữu nhiều hoạt động trong khuôn khổ các lĩnh vực: y tế, văn hóa, thể thao, du lịch và giải trí.

Với mục đích tạo nên hệ sinh thái lễ hội quy mô toàn diện trên các lĩnh vực y tế, văn hóa, thể thao, du lịch, Ban Tổ chức Lễ hội đã thiết kế những hoạt động mang màu sắc độc đáo, điểm nhấn tạo ấn tượng ở ngay lần đầu tổ chức, như: Hội nghị chuyên đề “Nâng cao chất lượng dịch vụ thẩm mỹ, đẩy lùi hoạt động thẩm mỹ không phép”; Cuộc thi “Bước nhảy sống khỏe”; Giải chạy bộ “Sống vui khỏe – Đẹp rạng ngời”…

Cùng với đó, tuyên dương các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp cho sự phát triển của ngành y tế và công tác chăm sóc sức khỏe người dân trên địa bàn quận 10.

Chia sẻ lý do quận 10 chọn tổ chức Lễ hội Sống khỏe, ông Dũng cho hay nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ quận 10 xác định phát triển quận theo hướng thương mại – dịch vụ. Từ đầu nhiệm kỳ, quận đã tổ chức nhiều chương trình, hoạt động để hiện thực hóa mục tiêu này.

“UBND quận 10 nhận thấy với tiềm năng, thế mạnh và định hướng, quận có thể làm được nhiều hơn nữa để thúc đẩy thương mại – dịch vụ, du lịch trên địa bàn”- ông Dũng nói đồng thời cho biết thêm Lễ hội lần đầu diễn ra tại quận 10, cũng là lần đầu ở TP HCM và cả nước.

Theo Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin quận 10, hiện trên địa bàn có rất nhiều cơ sở chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp. Có Phố Sức khỏe với 43 cơ sở khám chữa bệnh, kinh doanh thuốc, trang thiết bị y tế; 70 cơ sở lưu trú; 110 cơ sở sản xuất thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống.

Ban Tổ chức kỳ vọng sau 3 ngày đêm diễn ra lễ hội sẽ thu hút được 10.000 lượt người tham gia, với nhiều thành phần như các chuyên gia y tế; người dân có nhu cầu thăm khám, tư vấn, trải nghiệm các sản phẩm, dịch vụ liên quan đến lĩnh vực nha khoa, thẩm mỹ…

Bên cạnh đó, quận 10 cũng kỳ vọng Lễ hội Sống khỏe năm 2024 là một điểm đến hấp dẫn cho người dân và du khách trong dịp lễ kỉ niệm 30-4.

Tại khuôn viên Lễ hội, Ban Tổ chức Lễ hội thực hiện 5 khu phố với mỗi khu phố được thiết kế chỉn chu và mang màu sắc, chức năng riêng, bao gồm: Phố Lễ hội, Phố Sống khỏe, Phố Sống đẹp, Phố Sống vui và Phố Dinh dưỡng.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

3 thành viên đoàn lân nhập viện cấp cứu sau khi ăn xôi, cơm gà xối mỡ

Trưa 11-4, đại diện Bệnh viện Trưng Vương (TP HCM) cho biết bệnh viện vừa tiếp nhận, điều trị 2 bệnh nhân nghi ngộ độc thực phẩm sau khi ăn xôi, cơm gà xối mỡ.

3 thành viên đoàn lân nhập viện cấp cứu sau khi ăn xôi, cơm gà xối mỡ- Ảnh 1.

Nam bệnh nhân 19 tuổi điều trị tại Khoa Nội nhiễm đã ổn định sức khỏe, tỉnh táo

Theo đó, 2 nam bệnh nhân L.H.A (17 tuổi) và N.V.Đ (19 tuổi) được Bệnh viện quận Bình Tân chuyển đến Bệnh viện Trưng Vương cấp cứu vào hôm qua, 10-4. Trong đó, A. được đưa đến  lúc 6 giờ 20 phút trong tình trạng bứt rứt, kích thích, bóp bóng nội khí quản. Bệnh nhân lập tức được đưa vào hồi sức, hiện vẫn phải thở máy.

Đến 9 giờ 17 phút cùng ngày, Đ. tiếp tục được chuyển đến trong tình trạng nhẹ hơn, tỉnh táo, nhịp tim hơi nhanh. Sau khi cấp cứu, Đ. hết ói, còn tiêu chảy, hơi chóng mặt, sinh hiệu ổn, tỉnh táo.

Bệnh viện đã lấy mẫu xét nghiệm gửi Viện Y tế công cộng TP HCM để tìm nguyên nhân, dự kiến ngày 19-4 có kết quả .

3 thành viên đoàn lân nhập viện cấp cứu sau khi ăn xôi, cơm gà xối mỡ- Ảnh 3.

N.V.Đ kể lại sự việc

Trao đổi với phóng viên trưa 11-4 tại Khoa Nội nhiễm – Bệnh viện Trưng Vương, Đ. kể lại khoảng 4 giờ chiều 9-4, đoàn lân đặt 6 phần xôi ngọt và mặn trên mạng về ăn. Đến gần 21 giờ, thấy đói nên Đ, A và K.H.H (15 tuổi) nhờ người ra ngoài mua cơm gà xối mỡ. 

“Ăn xong, đến khoảng 0 giờ thì tụi em đi ngủ. Các bạn cùng đoàn kể lại lúc 4 giờ sáng 10-4, họ dậy đi vệ sinh thì thấy 3 đứa em mất ý thức, nôn ói, tiêu tiểu tại chỗ nên gọi người xung quanh đưa đi cấp cứu” – Đ. cho biết.

Theo thông tin từ Bệnh viện quận Bình Tân, khoảng 3 giờ 40 ngày 10-4, bệnh viện tiếp nhận 3 trường hợp gồm L.H.A, N.V.Đ và K.H.H đến cấp cứu với các triệu chứng lơ mơ, nôn ói nhiều, tiêu lỏng không tự chủ, nghi ngờ ngộ độc thực phẩm. Sau khi sơ cứu, hồi sức, A. và Đ. được chuyển đến Bệnh viện Trưng Vương, còn H. được đưa tới Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố.

Vụ việc đã được báo cáo Sở Y tế, Sở An toàn thực phẩm và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Nhận định ban đầu vụ đoàn múa lân sư rồng ở Bình Dương nhập viện

Chiều 3-4, liên quan vụ nhiều thành viên đoàn múa lân sư rồng có dấu hiệu ngộ độc thực phẩm, Sở Y tế tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo khẩn Trung tâm Y tế TP Thuận An nhanh chóng tập trung cán bộ y tế xử lý, tạo mọi điều kiện tốt nhất để theo dõi điều trị cho người bệnh.

Nhận định ban đầu vụ đoàn múa lân sư rồng ở Bình Dương nhập viện- Ảnh 1.

Tình hình sức khỏe của nhóm múa lân sư rồng đã ổn định hơn

Đồng thời, yêu cầu Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh tiến hành xử lý điều tra vụ việc, xét nghiệm mẫu thức ăn theo đúng quy định của Bộ Y tế.

Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương Huỳnh Minh Chín cho biết sau khi ăn bánh mì chay thì nhiều người trong đoàn múa lân sư rồng và cả người dân tới xem đều có biểu hiện bất thường. Hiện tại đã có 6 người bệnh được xuất viện. 43 người bệnh sức khỏe đã ổn định, sinh hiệu ổn, tiếp xúc tốt, các triệu chứng ban đầu như đau bụng, buồn ói, tiêu chảy giảm rất nhiều.

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương, qua kết quả điều tra ban đầu và tình hình thực tế, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Bình Dương nhận định đây là một sự cố về an toàn thực phẩm.

“Ngành y tế tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai mọi giải pháp để bảo đảm công tác an toàn thực phẩm trên địa bàn” – ông Chín nói.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

CLIP: Đoàn múa lân sư rồng nghi bị ngộ độc sau khi ăn bánh mì, bánh bao

Chiều  3-4, một lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Bình Dương xác nhận có 47 ca nhập viện tại Trung tâm y tế TP Thuận An, tỉnh Bình Dương, nghi ngộ độc thực phẩm.

Sau khi ăn bánh mì, bánh bao phát từ thiện, 47 người phải nhập viện

Theo đó, sáng cùng ngày, tại một lễ hội ở TP Thuận An, có khoảng 50 người ăn bánh mì, bánh bao phát từ thiện.

Theo lời kể của các thành viên trong đoàn múa lân sư rồng, khoảng 4- 5 tiếng sau, nhiều thành viên trong đoàn múa lân và những người xem có biểu hiện mệt mỏi, đau bụng, buồn nôn, chóng mặt… Sau đó, họ được đưa đến Trung tâm Y tế TP Thuận An để kiểm tra.

CLIP: Đoàn múa lân sư rồng nghi bị ngộ độc sau khi ăn bánh mì, bánh bao- Ảnh 1.
CLIP: Đoàn múa lân sư rồng nghi bị ngộ độc sau khi ăn bánh mì, bánh bao- Ảnh 2.
CLIP: Đoàn múa lân sư rồng nghi bị ngộ độc sau khi ăn bánh mì, bánh bao- Ảnh 3.

Sức khỏe của các thành viên đoàn múa lân sư rồng đã ổn định

Báo cáo nhanh của Trung tâm Y tế TP Thuận An cho hay có 47 ca nhập viện với triệu chứng ban đầu là ói, đau bụng, tiêu lỏng… Đa số trường hợp đều xuất hiện các triệu chứng sau khoảng 1- 2 giờ ăn bánh mì, bánh bao…. 

Hiện 5 ca nhẹ được xuất viện, 42 ca ổn định, tiếp tục nằm theo dõi.

Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết cơ quan chức năng đang điều tra mẫu bánh mì và bánh bao.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Mỗi tuần làm điều đơn giản 2-3 lần, trị dứt mất ngủ

Công bố các phát hiện trên tạp chí BMJ Open, TS Erla Bjornsdottir từ Đại học Reykjavik (Iceland) cùng các cộng sự từ nhiều viện, trường thuộc Iceland, Thụy Điển, Anh, Pháp, Úc, Mỹ, Tây Ban Nha và Estonia cho biết tập thể dục đúng mức có thể là “thần dược” cho chứng mất ngủ.

Mỗi tuần làm điều đơn giản 2-3 lần, trị dứt mất ngủ- Ảnh 1.

Tập thể dục có thể khiến bạn ngủ ngon hơn, trị dứt tình trạng mất ngủ hay khó đi vào giấc ngủ – Ảnh đồ họa

4.399 người đã tham gia nghiên cứu (bao gồm 2.085 nam và 2.254 nữ), thời gian theo dõi trung bình 10 năm, theo Medical Xpress.

Họ đã trả lời các câu hỏi về tần suất và thời gian hoạt động thể chất lúc ban đầu, hoạt động thể chất trong thời gian theo dõi, các triệu chứng mất ngủ, thời lượng ngủ và tình trạng buồn ngủ ban ngày.

Trong số đó, những người tham gia báo cáo rằng họ tập thể dục ít nhất 2 lần/tuần, tổng thời gian 1 giờ/tuần trở lên, được phân loại là “có hoạt động thể chất”.

Trong khoảng thời gian 10 năm, 37% nhóm tình nguyện viên (1.601 người) liên tục không hoạt động thể chất; 18% (775 người) bắt đầu hoạt động thể chất; 20% (881người) ít hoạt động; và 25% (1.082) hoạt động liên tục.

Những người hoạt động thể chất liên tục giảm được nguy cơ khó ngủ tới 42% và nguy cơ có bất kỳ triệu chứng mất ngủ nào giảm 22%. Bên cạnh đó, nguy cơ có 2-3 triệu chứng mất ngủ cũng giảm 40%.

Ngoài ra, nhóm năng động này cũng có tới 55% cơ hội có một giấc ngủ tốt “đúng chuẩn”, nguy cơ gặp những giấc ngủ ngắn do trằn trọc (ít hơn 6 giờ) thấp hơn 29%, thậm chí đôi khi “ngủ nướng” một cách thoải mái.

Đúc kết lại, bạn có thể đạt được giấc ngủ ngon nhất với 2-3 lần tập thể dục mỗi tuần, tất nhiên với một thời lượng tương đối.

Đây có thể là lời gợi ý hữu hiệu, dễ làm đối với nhiều người đã tìm đủ mọi phương thuốc trị chứng mất ngủ.

Nghiên cứu này cũng không phải nghiên cứu đầu tiên liên kết chất lượng giấc ngủ và việc hoạt động thể chất.

Theo nhiều bằng chứng khoa học khác trước đó, hoạt động thể chất vừa đủ sẽ giúp cân bằng nhiều quá trình sinh học trong cơ thể, bao gồm giảm căng thẳng, điều chỉnh các hormone liên quan đến giấc ngủ, từ đó giúp bạn chống lại chứng mất ngủ.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Người thầy thuốc trong tôi: Lằn ranh sinh tử ở Khoa Tim mạch can thiệp

Cơn đau tức ngực giữa khuya làm tôi chẳng thể nào dỗ lại giấc ngủ. Tôi cố hít thật sâu bằng đường mũi và thở ra bằng đường miệng thật dài nhưng không làm cho cơn đau dai dẳng ngưng lại. Tôi cố ru giấc ngủ của mình cho đến sáng hôm sau.

Khi cơn đau ngực lại tiếp diễn vào buổi trưa, tôi đành phải đến bệnh viện gần nhà thăm khám. Tôi chỉ định lấy đơn thuốc về mua uống nhưng việc đời không đơn giản thế! 

“Chú bị nhồi máu cơ tim cấp, chuyển cấp cứu gấp!”. Tiếng của em điều dưỡng thông báo sau khi tờ giấy điện tâm đồ chạy ra khỏi cái máy. Tôi hơi bần thần vì chẳng thể biết có cớ sự này. Họ tiêm một mũi thuốc chống đông máu vào vùng bụng và chỉ cái giường trống cho tôi nằm đợi làm thủ tục chuyển đến Bệnh viện Nhân dân 115.

Chai dịch truyền lúc la lúc lắc khi xe đi qua giao lộ hay gặp phải ổ gà trên đường…, rồi tiếng còi xe cứu thương im bặt. La liệt xe cứu thương đậu kín trong khu vực cấp cứu. Giường hay băng ca không còn một chỗ trống. Thời gian cứ trôi qua hết một giờ, hai giờ và ba giờ nằm ở khu vực cấp cứu, cuối cùng tôi cũng được đưa về Khoa Tim mạch can thiệp để nhập viện.

Cuộc thi viết

Quang cảnh phòng cấp cứu của Bệnh viện Nhân dân 115

Ở Khoa Tim mạch can thiệp, băng ca chuyển lên bất kể giờ giấc nếu có người bệnh nhập viện. Cái chết đến rất nhanh và ra đi rất nhẹ nhàng đối với người bệnh ở khoa này. Đang lúc hỏi thăm nhau, vì sao lên đây hay từ đâu đến, khi họ chưa kịp trả lời là đã lật ngang khỏi băng ca, cơ thể gồng cứng lên, chân buông thỏng xuống. Tôi chỉ cố chụp lại phần vai của họ và người khác đưa hai chân lên băng ca cho ngay ngắn. Họ nhờ người nhà chạy lên phòng hành chính để báo cần sự giúp đỡ. Tôi chẳng biết số phận của mình đi đâu về đâu?

Chuyện gì đến cũng sẽ đến, bác sĩ chuyên khoa II Phạm Đức Đạt chỉ cho tôi xem 3 nhánh mạch máu bị tắc, phải phẫu thuật.

Tôi được thông báo là sẽ đi lượt thứ hai để phẫu thuật. Người trước tôi là ông chú ngoài sáu mươi tuổi. Tiếng người hộ lý vang lên trước cửa phòng khi kêu tên chú đi xuống phòng mổ. 

Đến giữa trưa thì tên của tôi cũng được xướng lên và tôi lại có dịp gặp chú. Hai băng ca chạm vào nhau, không ai nói với ai lời nào. Tôi lấy mấy ngón chân chạm vào hai bàn chân của chú như chào hỏi. Chú có lẽ cũng cảm nhận được nên cũng khều khều mấy ngón chân vào hai bàn chân của tôi. Chỉ có tấm drap đắp ngang cơ thể. Hơi máy lạnh tỏa ra làm tôi thấy lạnh buốt sống lưng. Chú được đẩy vào phòng mổ.

“Trời ơi, chết rồi, kêu bác sĩ hồi sức xuống hỗ trợ gấp, cả bác sĩ siêu âm luôn!”. Những câu nói như ra lệnh và tiếng bước chân chạy rầm rập trong phòng mổ. Cánh cửa phòng mổ mở ra, chú nằm trên bàn, tiếng bíp bíp kêu liên hồi. 

Người bác sĩ đặt dụng cụ nong mạch vành gọi người nhà vào thông báo bệnh tình của chú. Hai băng ca lại đụng nhau trước phòng mổ, chỉ là không kịp chào nhau như lúc đầu chạm chân. Bác sĩ nói chú khó qua khỏi, máu chảy bên trong khi đưa ống vào trong ngực, chỉ mong còn nước còn tát…

Bác sĩ Đạt cố bắt chuyện để xua đi sự im lặng và đầy lo âu khi nó hiện diện trên khuôn mặt tôi. Chúng tôi trò chuyện như chưa có việc gì xảy ra. Ông gây tê nơi tay phải tôi và đặt dụng cụ gì đó thông qua động mạch ở cổ tay, đi vào sâu trong lồng ngực. Thời gian trôi qua rất lâu, tôi buồn ngủ nhưng bác sĩ Đạt không cho ngủ vì có thể nó ảnh hưởng đến quá trình làm việc. 

Cuối cùng, sau 3 giờ, tôi được đẩy ra khỏi phòng mổ, về lại khoa. Mọi người trong phòng thấy tôi đều hỏi thăm về ông chú. Tôi không muốn làm họ hoang mang nên trả lời qua loa.

Sáng hôm sau, tôi được kiểm tra sức khỏe và ra về, tái khám sau 15 ngày. Có lẽ tôi may mắn hơn nhiều người vì khả năng hồi phục mau. 

Cuộc đời có lúc thật éo le nhưng cũng nhờ nó, tôi có thể cảm nhận được đâu là giá trị của tình người với người. Nhờ cô điều dưỡng ở bệnh viện tuyến dưới, nhờ những y bác sĩ kịp thời chuyển viện và nhờ bác sĩ Đạt, tôi đã bước qua lằn ranh sinh tử một cách đầy may mắn.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Lần đầu tiên, nhà khoa học Việt phát hiện đột biến gien gây tăng nguy cơ tự kỉ ở trẻ

Theo nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí khoa học uy tín thế giới Nature, một nhóm nhà khoa học Việt Nam đã xác định được các đột biến gien có liên quan đến rối loạn phổ tự kỉ (ASD) trên trẻ em Việt Nam.

Theo đó, nghiên cứu này được thực hiện bằng cách phân tích gien của 250 trẻ tự kỉ tại bệnh viện Trung ương Huế. Các nhà khoa học đã phân tích và phát hiện 23 đột biến gien, trong đó một số đột biến gien có liên quan chặt chẽ đến ASD. Một số đột biến khác được cho là có liên quan đến các đặc điểm tự kỉ hoặc các rối loạn phát triển thần kinh khác.

Lần đầu tiên, nhà khoa học Việt phát hiện đột biến gien gây tăng nguy cơ tự kỉ ở trẻ- Ảnh 1.

Một bệnh nhi được phát hiện tự kỉ ở giai đoạn muộn đang được bác sĩ hỗ trợ can thiệp

Nghiên cứu này góp phần phát triển các giải pháp chẩn đoán, phòng ngừa và can thiệp sớm rối loạn phổ tự kỷ cũng như các rối loạn phát triển thần kinh từ giai đoạn sớm nhất của trẻ.

Theo tiến sĩ Bùi Thanh Duyên – nhà đồng sáng lập Genetica, Tiến sĩ ngành di truyền học và sinh học phân tử tại Đại học Cornell (Mỹ) và là trưởng nhóm nhóm nghiên cứu – việc phát hiện trẻ tự kỉ ở giai đoạn đầu là cực kỳ quan trọng, đặc biệt là trong giai đoạn “phát triển vàng” từ 6 tháng đến 3 tuổi của trẻ.

Hiện nay, phương pháp đánh giá lâm sàng như tiêu chuẩn chẩn đoán DSM ((Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders) đánh giá qua khả năng ngôn ngữ đàm thoại vốn không phù hợp với trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi.

Bên cạnh đó, một số triệu chứng tự kỉ trùng lặp với các triệu chứng gặp trong các rối loạn phát triển khác như rối loạn ngôn ngữ, chậm phát triển, khiến việc xác định chẩn đoán – cũng như lựa chọn các nhóm đối tượng nghiên cứu phù hợp trở nên khó khăn hơn.

Ngoài ra, một số đặc điểm khác biệt về văn hóa, kinh tế, xã hội của người châu Á nói chung cũng như Việt Nam nói riêng ảnh hưởng đến nhận thức đầy đủ của các bậc phụ huynh đối với rối loạn phổ tự kỉ ở con em họ.

Tiến sĩ Duyên nhấn mạnh việc chẩn đoán tự kỉ ở trẻ phải được phối hợp toàn diện cùng các phương pháp khác trong đó có xét nghiệm gien di truyền. “Là những nhà nghiên cứu nhiều năm về lĩnh vực di truyền tại Việt Nam, chúng tôi nhận thấy sự cấp thiết của một nghiên cứu tìm ra đột biến gien trên chính trẻ em Việt Nam, để góp phần hỗ trợ cho các bác sĩ lâm sàng trong việc chẩn đoán và phát hiện sớm nguy cơ tự kỉ ở trẻ cũng như khả năng tự kỉ di truyền trong gia đình Việt Nam” – tiến sĩ Duyên nói.

Rối loạn phổ tự kỉ (ASD) là khuyết tật phát triển có thể gây ra những thách thức đáng kể trong xã hội, giao tiếp và hành vi. Trẻ mắc hội chứng này có vấn đề về giao tiếp và tương tác xã hội. Trẻ cũng có những hành vi, sở thích và hoạt động lặp đi lặp lại. Nhiều nghiên cứu cho thấy nguyên nhân của tự kỉ bao gồm cả yếu tố di truyền và môi trường sống.

Tổ chức Y tế Thế giới ước tính cứ 100 trẻ em thì có 1 trẻ mắc ASD, tỉ lệ cao hơn ở bé trai. Năm 2018, các nhà nghiên cứu ở Mỹ ước tính cứ 44 trẻ em 8 tuổi thì có 1 trẻ mắc ASD. Trong số những người Mỹ gốc Á, tỉ lệ mắc ASD đang gia tăng do nhận thức của cộng đồng về chứng rối loạn này ngày càng được nâng cao.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Tăng nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim 4,5 lần vì “vật lạ”?

Một nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí y học New England Jornal of Medicine (NEJM) cho thấy những bệnh nhân có hạt vi nhựa tồn tại trong các mảng bám lòng mạch sẽ có nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim và tử vong do mọi nguyên nhân tăng 4,5 lần sau 34 tháng.

Tăng nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim 4,5 lần vì

Sự tồn tại của các mảnh vi nhựa sắc cạnh trong mảng xơ vữa liên quan đến mức tăng nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim đáng cảnh báo – Ảnh minh họa từ Internet

Nhóm khoa học gia Ý – Bỉ – Mỹ, dẫn đầu bởi TS Raffaele Marfella từ Đại học Campania Luigi Vanvitelli (Ý) đã tiến hành một nghiên cứu quan sát đa trung tâm trên những bệnh nhân được phẫu thuật cắt bỏ nội mạc động mạch cảnh.

Đây là phẫu thuật giúp loại bỏ các mảng xơ vữa vốn có thể là tiền đề cho các biến cố tim mạch nguy hiểm hàng đầu như đột quỵ, nhồi máu cơ tim.

Phân tích mảng xơ vữa lấy từ cơ thể 257 bệnh nhân, họ tìm thấy sự hiện hiện của các hạt vi nhựa polyethylene ở 150 trường hợp, tức 58,4% số bệnh nhân.

31 bệnh nhân (12,1%) có cả sự hiện diện của polyvinyl clorua (PVC) có thể đo được.

Các hạt vi nhựa này có cạnh lởm chởm, nằm rải rác giữa các đại thực bào của mảng bám và cả trong những mảnh vụn trong mạch máu.

Phân tích sâu hơn đã cho thấy mức độ gia tăng đáng báo động của nguy cơ xảy ra biến cố tim mạch chết người cũng như nguy cơ tử vong sớm ở những người sở hữu các mảnh vi nhựa đáng sợ này.

Mặc dù nghiên cứu chưa khẳng định vi nhựa là thứ làm tăng nguy cơ đột quỵ, đau tim, tử vong sớm, nhưng đã đặt ra một số câu hỏi cấp bách.

Theo Science Alert, trước đó từng có các nghiên cứu khác trong phòng thí nghiệm cho thấy hạt vi nhựa nếu tồn tại trong máu có thể gây viêm và stress oxy hóa trong tế bào tim, dẫn đến suy giảm chức năng tim, thay đổi nhịp tim…

Sản xuất nhựa đã bùng nổ trong 2 thập kỷ vừa qua với chỉ một phần nhỏ đồ nhựa được làm ra được tái chế sau đó.

Ngày càng nhiều nghiên cứu cho thấy vi nhựa đang xâm nhập khắp nơi, phá hoại môi trường đất và biển, đi vào cơ thể người – từ các mạch máu đến nhau thai – đem lại nhiều lo lắng mới.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

FDA: Ăn sữa chua 2 lần mỗi tuần, đẩy lùi căn bệnh nguy hiểm

Theo FDA, có một số bằng chứng cho thấy ăn ít nhất 2 phần sữa chua mỗi tuần có thể làm giảm nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường type 2.

Vì vậy, cơ quan này vừa cho phép các nhà sản xuất sữa chua đưa ra các tuyên bố về sức khỏe đủ tiêu chuẩn đối với loại thực phẩm nhiều người ưa chuộng này.

FDA: Ăn sữa chua 2 lần mỗi tuần, đẩy lùi căn bệnh nguy hiểm- Ảnh 1.

2 phần sữa chua mỗi tuần có thể góp phần làm giảm nguy cơ tiểu đường type 2, theo một số bằng chứng khoa học – Ảnh: MEDICAL XPRESS

Trong bộ tiêu chuẩn của FDA, một tuyên bố sức khỏe đủ điều kiện là tuyên bố được hỗ trợ bởi bằng chứng khoa học, mặc dù không đáp ứng tiêu chuẩn “thỏa thuận khoa học khắt khe hơn”, theo Medical Xpress.

Như vậy, các tuyên bố sức khỏe hạn chế có nghĩa là một lời khuyên bạn có thể thử, nhưng không nhất thiết và chưa chắc chắn sẽ hiệu quả đối với mọi người.

Nó sẽ không như tiêu chuẩn về thời gian tập thể dục hay số muối nên ăn, mà đơn giản là một gợi ý sức khỏe cho người dân đối với một thứ gì đó dễ tiếp cận mà họ có thể lựa chọn.

FDA cho biết “có một số bằng chứng đáng tin cậy” về việc ăn sữa chua giúp giảm bệnh tiểu đường, với điều kiện bạn ăn nó như một thực phẩm nguyên chất.

Trước đó, một số nghiên cứu trên thế giới cũng cho thấy lợi khuẩn trong sữa chua có lợi cho một loạt hoạt động cơ thể, có thể đem lại lợi ích trong vấn đề chuyển hóa và hỗ trợ ngừa một số vấn đề như tăng huyết áp, mất ngủ.

Đối với tiểu đường type 2, một nghiên cứu từ Đại học Naples Federico II (Ý) cho thấy ăn khoảng 100 g sữa chua mỗi ngày sẽ giảm nguy cơ căn bệnh này.

Tuy nhiên, để đạt được lợi ích, các nhà khoa học đều lưu ý rằng nên ăn loại sữa chua nguyên chất, tức không có đường bổ sung, mà thị trường hay gọi là “sữa chua không đường”. Thật ra loại gọi là “không đường” đã có sẵn đường lactose tự nhiên từ sữa. Nếu thêm đường bổ sung vào, sữa chua sẽ thành quá nhiều đường.

Trước đó, FDA từng cho phép một số hạn chế kiểu tương tự, ví dụ như tiêu thụ một số loại ca cao có thể giảm nguy cơ bệnh tim, nước ép nam việt quất giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu ở nữ giới…

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Lần đầu tiên, Khoa Y tổ chức lễ khoác áo blouse cho hơn 550 sinh viên năm nhất

GS-TS Đặng Vạn Phước, Trưởng Khoa Y, ĐHQG TP HCM đã chia sẻ như trên tại buổi lễ kỷ niệm 69 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2) và lễ “Khoác áo blouse trắng” ngày 27-2.

Đây là lần đầu tiên, Khoa Y tổ chức lễ khoác áo blouse trắng cho hơn 550 sinh viên năm nhất.

Phát biểu tại buổi lễ, GS Đặng Vạn Phước cho biết chiếc áo blouse từ lâu đã gắn liền với hình ảnh người thầy thuốc. Trang phục này được chính thức đưa vào sử dụng từ khoảng đầu thế kỷ XX, lấy cảm hứng từ trang phục của các nhà khoa học trong phòng thí nghiệm. 

Chiếc áo blouse trắng thể hiện sự chuyên nghiệp, đạo đức của những người hành nghề y. Màu trắng còn có ý nghĩa đối với bệnh nhân, giúp họ cảm thấy yên tâm về một môi trường sạch sẽ và tin tưởng vào sự chăm sóc của những người hành nghề y.

GS Phước cũng nhắn nhủ đến sinh viên con đường học tập lĩnh vực khoa học sức khỏe là vô cùng chông gai nhưng cũng rất đỗi tự hào.

Lần đầu tiên, Khoa Y tổ chức lễ khoác áo blouse cho hơn 550 sinh viên năm nhất- Ảnh 2.

GS-TS Đặng Vạn Phước – Trưởng Khoa Y, ĐHQG TP HCM – nhắn nhủ sinh viên năm nhất tại buổi lễ

“Ngay từ bây giờ, thầy mong rằng các em sẽ kiên định với lựa chọn của mình, nâng cao kiến thức chuyên môn, say mê nghiên cứu khoa học và trao dồi đạo đức nghề nghiệp, phấn đấu trở thành người thầy thuốc sâu về y lý, giỏi về y thuật và giàu y đức trong tương lai. Thời khắc nhận chiếc áo blouse trắng cũng là lúc các em nhận về mình niềm tin, trách nhiệm của thầy cô – thế hệ đi trước trao gửi những kỳ vọng lại cho các em – thế hệ bác sĩ tài giỏi trong tương lai. Khoảnh khắc xúc động này sẽ là kỷ niệm khó quên suốt quãng đời sinh viên của các em” – GS Phước mong mỏi.

Lần đầu tiên, Khoa Y tổ chức lễ khoác áo blouse cho hơn 550 sinh viên năm nhất- Ảnh 3.

Đây là lần đầu tiên Khoa Y, ĐHQG TP HCM tổ chức lễ khoác áo blouse cho sinh viên y khoa

GS Phước cho rằng nghề y là nghề phải học tập suốt đời, học về y thuật để vững vàng về chuyên môn, trau dồi đạo đức nghề nghiệp để xứng danh với tên gọi thầy thuốc như mẹ hiền. “Tôi tin rằng, các em sẽ cảm nhận được tinh thần và trách nhiệm của nghề y nhân sự kiện trọng đại này. Sự kiện này cũng sẽ là nguồn cảm hứng bồi đắp tình yêu với y học của các em đã chọn” – GS Phước mong mỏi.

Là một trong hơn 550 sinh viên được khoác áo blsouse, em Quách Thị Kim Ngân, lớp Y2023, cho biết cách đây 6 tháng, em trở thành tân sinh viên y khoa. 

“Hôm nay, được khoác lên mình chiếc áo blouse trong ngày lễ của kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam, em thấy tự hào và cảm nhận rõ hơn trọng trách của người làm nghề y. Đây là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự trưởng thành trên con đường y nghiệp. Đồng thời, chúng em xin tiếp nhận ngọn lửa nhiệt huyết từ các bậc tiền bối và nguyện giữ mãi ngọn lửa ấy để luôn xứng đáng với tấm áo blouse cao quý” – Ngân bày tỏ.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Trao giải cuộc thi viết “Người Thầy thuốc trong tôi” lần 2: Phép mầu từ “chiến binh” áo trắng

Chiều 26-2, Báo Người Lao Ðộng đã tổ chức lễ trao giải cuộc thi viết “Người Thầy thuốc trong tôi” lần 2 và vinh danh tập thể, cá nhân ngành y tiêu biểu. Tham dự có đại diện lãnh đạo Bộ Y tế, UBND TP HCM, Sở Y tế TP HCM, lãnh đạo các bệnh viện trên địa bàn thành phố cùng các tác giả, nhân vật là các bác sĩ, điều dưỡng, hộ sinh… tại các bệnh viện, cơ sở y tế trong cả nước.

Trao giải cuộc thi viết “Người Thầy thuốc trong tôi” lần 2: Phép mầu từ

Khách mời tham dự lễ trao giải cuộc thi viết “Người Thầy thuốc trong tôi” lần 2 cùng chụp ảnh kỷ niệm. Ảnh: QUANG LIÊM

Hiểu sâu sắc hơn sự khắc nghiệt của nghề

Phát biểu tổng kết cuộc thi, Nhà báo – Tiến sĩ Tô Ðình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Ðộng, cho biết cuộc thi viết “Người Thầy thuốc trong tôi” lần 2 đã thu hút hàng trăm tác phẩm dự thi của các cây bút chuyên và không chuyên khắp cả nước.

Cuộc thi rất đặc biệt bởi đối tượng phản ánh là đội ngũ y – bác sĩ, những người để lại dấu ấn không thể nào quên đối với sinh mệnh của chính tác giả, người thân tác giả; hoặc có tác động, ảnh hưởng sâu sắc đối với bệnh nhân và cộng đồng. Chính vì vậy, hầu hết bài viết bên cạnh việc khắc họa chân dung và công việc hằng ngày của nhân vật qua sự quan sát trực tiếp của các tác giả; còn là cảm xúc, tình cảm, sự biết ơn đối với những tấm lòng “lương y như từ mẫu”; sự kiên trì và cống hiến thầm lặng; những khoảnh khắc cân não sinh tử để cứu sống, chữa lành và chăm sóc bệnh nhân…

Dù mỗi bài viết kể về những hoàn cảnh, những địa điểm, những con người khác nhau nhưng đều là những cuộc gặp gỡ trong cảnh ngộ éo le vì chẳng may lâm vào bệnh tật. “Trong những thời điểm khó khăn nhất của cuộc đời, phải chịu đựng những cơn đau hành hạ và có lúc chỉ còn hy vọng mong manh, các bệnh nhân đã may mắn gặp những bác sĩ, nhân viên y tế hết mình cứu chữa và hồi sinh cuộc đời họ. Những câu chuyện có thật ấy đã đi vào các trang viết gây xúc động mạnh mẽ, cho người đọc thấy được sự khắc nghiệt của nghề y” – nhà báo Tô Ðình Tuân phát biểu.

Nhận giải khuyến khích từ ban tổ chức, chị Nguyễn Hải Minh – tác giả bài viết “Bác sĩ “đanh đá” nói không với phong bì” – cho biết rất may mắn khi được Báo Người Lao Động trao giải thưởng. Là nhà báo hiện đang công tác tại Hà Nội, chị Minh đã có cơ hội làm việc trong mảng y tế 18 năm, tiếp xúc nhiều bệnh nhân và bác sĩ khiến chị nhận ra nhiều điều. Theo chị Minh, nhiều người có góc nhìn chưa đúng, quy chụp về ngành y.

“Trước đây, chúng ta thường có những suy nghĩ hơi tiêu cực về bác sĩ. Thông qua bài viết này, tôi mong muốn mọi người sẽ có cách nhìn tích cực hơn với y – bác sĩ, đồng thời mong muốn sẽ không có những “phong bì” xấu xuất hiện trong ngành y” – chị Minh chia sẻ.

Đồng giải khuyến khích, tác giả Nguyễn Hồng Tốt, bác sĩ đang công tác tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội), cho biết muốn chia sẻ thêm góc nhìn về những khó khăn, vất vả của những nhân viên hồi sức tích cực. “Các bác sĩ, điều dưỡng viên là những người ngày đêm vật lộn để chiến đấu giành giật sự sống cho bệnh nhân. Là bác sĩ, chúng tôi luôn đặt mình vào hoàn cảnh của bệnh nhân, thấu hiểu những lo lắng của gia đình bệnh nhân. Thế nhưng, không phải ai cũng hiểu những vất vả, những khó khăn của chúng tôi” – bác sĩ Nguyễn Hồng Tốt tâm sự.

Bác sĩ nhắn nhủ có người nhà phải điều trị là điều không ai muốn nhưng mọi người hãy yên tâm vì vẫn có những “chiến binh” áo trắng chiến đấu từng giây từng phút vì sinh mệnh của bệnh nhân.

Trao giải cuộc thi viết “Người Thầy thuốc trong tôi” lần 2: Phép mầu từ

PGS-TS Dương Anh Đức – Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP HCM – chúc mừng tập thể được vinh danh. Ảnh: QUANG LIÊM

Sự tri ân chân thành và sâu sắc nhất

Ngay sau khi nhận giải ba, tác giả – bác sĩ Nguyễn Thanh Minh không ngăn được xúc động khi nhắc câu chuyện về nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Thu Thủy, nhân vật trong bài viết “Nữ điều dưỡng đáng mến” của mình. Bác sĩ Minh kể lại ông không thể quên được hình ảnh nữ điều dưỡng dùng hết sức lực để bóp bóng thổi giúp bệnh nhân hồi sinh ngoài sự tuởng tượng của mình. Thời điểm đó, bệnh rất đông, các nữ điều dưỡng tất bật với người bệnh. Điều dưỡng Thủy dù hết ca trực nhưng vẫn sẵn sàng dành thời gian nghỉ ngơi để hỗ trợ cứu sống bệnh nhân từ cửa tử trở về. “Điều kỳ diệu đã xảy ra khi bệnh nhân đã sống lại bằng sự nhiệt tình của chị Thủy khiến chúng tôi rất nể phục sự kiên nhẫn của chị” – bác sĩ Minh nói.

Giọng ông chùng xuống cho biết không phải người tốt nào trên đời cũng được đền đáp, chị Thủy đã bị ung thư máu, sau thời gian điều trị, chị đã ra đi. “Tôi không bao giờ quên hình ảnh cô điều dưỡng bên ngoài với thân hình mập mạp, có thể nói lớn nhất bệnh viện nhưng lại có tâm hồn đẹp” – bác sĩ Minh bày tỏ.

Chị Nguyễn Thị Thanh Nga, tác giả bài viết “Người thắp lửa niềm tin” – đoạt giải nhì, cũng không kìm được nước mắt. Đứng trên sân khấu, chị hướng mắt về TS-BS Bùi Văn Khánh, bác sĩ điều trị bệnh nhân nội trú tại Trung tâm Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng (Bệnh viện Bạch Mai), đang ngồi dưới sân khấu và gửi lời cảm ơn chân thành nhất.

Chị Nga bày tỏ cuộc thi không đơn giản là cuộc thi mà chính là nhịp cầu để bệnh nhân cảm ơn bác sĩ, là cơ hội để tác giả viết lên câu chuyện của mình.

Ôm bó hoa tươi thắm từ Hà Nội vào TP HCM để tham dự buổi trao giải, chị Lục Thị Hai cho biết đây là món quà mình dành tặng các bác sĩ Khoa Ngoại đầu cổ Bệnh viện K (Hà Nội). Chị Lục Thị Hai là tác giả bài viết “Những “blouse trắng” gia đình tôi mang ơn suốt đời”. Đây là tác phẩm xuất sắc đoạt giải nhất của cuộc thi.

“Tôi được các bác sĩ ở Bệnh viện K mổ cách đây 17 năm. Không chỉ vậy, cả gia đình tôi cũng được các bác sĩ giúp đỡ. Đã có lúc gia đình chúng tôi rơi vào bế tắc, tự ti vì ngoại hình khác người, thế nhưng chính nhờ bàn tay và tấm lòng của các bác sĩ mà gia đình chúng tôi có thể nở tươi nụ cười như bây giờ” – chị Lục Thị Hai xúc động nói.

Chị Hai cho biết vào tháng 6-2007, phóng viên Báo Người Lao Động đã đưa tin về hoàn cảnh gia đình chị, một thời gian sau gia đình được đưa đến Bệnh viện K để điều trị. Thông qua bài viết lần này, tác giả gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Báo Người Lao Động vì đã là cầu nối giúp gia đình chị có cuộc sống tươi sáng hơn.

Thầm lặng làm nên kỳ tích

Ba ê-kíp y – bác sĩ tiêu biểu được vinh danh trong chương trình là những tập thể được giới thiệu trong các bài viết: “Bác sĩ liều mở cơ hội sống cho trẻ dị tật tim bẩm sinh” – viết chung về nhóm bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ và Bệnh viện Nhi Đồng 1; “Chuyện cảm động về những nữ hộ sinh” – viết về những nữ hộ sinh của Bệnh viện Hùng Vương và “Ngược dòng tạo nên kỳ tích” – viết về Trung tâm Ung bướu – Bệnh viện Chợ Rẫy. Đây là những tập thể đã không ngừng sáng tạo, tận tâm, tận hiến với nghề, với ngành y tạo nên nhiều kỳ tích, đem lại phép mầu cho cuộc sống.

Với mỗi trường hợp được vinh danh, Ban Tổ chức tặng thưởng 20 triệu đồng kèm hoa chúc mừng, bảng chứng nhận và kỷ niệm chương. Đây là khoản hỗ trợ từ chương trình “Mai Vàng tri ân” của Báo Người Lao Động với sự đồng hành của Ngân hàng TMCP Nam Á, dành tặng các trường hợp nghệ sĩ, nhà giáo, thầy thuốc, nhà khoa học, nhà trí thức cách mạng… có đóng góp hữu ích, nổi bật cho cộng đồng.

Đại diện ê-kíp bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ và Bệnh viện Nhi Đồng 1, PGS-TS-BS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết rất ấn tượng với quy mô và chất lượng cuộc thi. “Trong suốt 35 năm làm nghề, lần đầu tiên tôi tham dự một chương trình mà được lắng nghe nhiều câu chuyện xúc động như vậy. Tôi chỉ biết nói 2 chữ “tuyệt vời” dành cho cuộc thi này. “Người Thầy thuốc trong tôi” là nơi quy tụ những điều dưỡng, bác sĩ vừa có tâm, có tài, nhiệt huyết với nghề.

“Bài viết “Bác sĩ liều mở cơ hội sống cho trẻ dị tật tim bẩm sinh” viết chung về nhóm bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ và Bệnh viện Nhi Đồng 1 chính là phần quà ý nghĩa cho đội ngũ y – bác sĩ của 2 bệnh viện. Thời gian tới, 2 bệnh viện sẽ tiếp tục lên kế hoạch phối hợp điều trị cho nhiều bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt. Chúng tôi nhận ra cần phải không ngừng nỗ lực trong nghiên cứu và điều trị để cứu sống thật nhiều bệnh nhân hơn nữa” – PGS-TS- BS Nguyễn Thanh Hùng chia sẻ.

Trao đổi tại buổi lễ, các tác giả và đội ngũ y – bác sĩ hy vọng Báo Người Lao Động tiếp tục tổ chức thêm nhiều chương trình ý nghĩa để cộng đồng hiểu thêm về công việc ngành y. Thông qua những nhân vật, tập thể được khắc họa sẽ là động lực để các bệnh nhân cố gắng, tin tưởng vào nền y học của nước nhà. 

Các tác phẩm đoạt giải

Trao giải cuộc thi viết “Người Thầy thuốc trong tôi” lần 2: Phép mầu từ

Tổng Biên tập Báo Người Lao Ðộng, các đại biểu và các tác giả đoạt giải cao tại lễ trao giải. Ảnh: TẤN THẠNH

7 tác phẩm của 7 tác giả đoạt giải cuộc thi viết “Người thầy thuốc trong tôi” lần 2, gồm: Giải nhất: Tác phẩm “Những “blouse trắng” gia đình tôi mang ơn suốt đời”, tác giả Lục Thị Hai. Giải nhì: Tác phẩm “Người thắp lửa niềm tin”, tác giả Nguyễn Thị Thanh Nga. Giải ba: Tác phẩm “Ở nơi bệnh nhân – bác sĩ là một gia đình”, tác giả Việt Ðức (Thùy Giang) và tác phẩm “Nữ điều dưỡng đáng mến”, tác giả Nguyễn Thanh Minh. Giải khuyến khích: Tác phẩm “Bác sĩ “đanh đá” nói không với phong bì”, tác giả Nguyễn Hải Minh; tác phẩm “Khoa Hồi sức tích cực và những ca trực kinh hoàng”, tác giả Nguyễn Hồng Tốt; tác phẩm “Nữ bác sĩ gần 20 năm gắn bó với bệnh nhân HIV/ AIDS”, tác giả Nguyễn Ðịnh.

Giá trị giải thưởng: Giải nhất 40 triệu đồng, giải nhì 25 triệu đồng, giải ba 15 triệu đồng/giải, giải khuyến khích 10 triệu đồng/giải.

Lễ trao giải vinh danh 2 cá nhân là TS-BS Bùi Văn Khánh, bác sĩ điều trị bệnh nhân nội trú tại Trung tâm Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng (Bệnh viện Bạch Mai), là nhân vật trong bài “Người thắp lửa niềm tin” và BS Vũ Xuân Thọ, nguyên Trưởng Khoa Phụ – Bệnh viện Từ Dũ, hiện là Trưởng Khoa Phụ sản – Bệnh viện Phụ sản Mê Kông, là nhân vật trong bài dự thi “Nhờ bác sĩ mà con có mặt trên đời”.

Vinh danh 3 tập thể được giới thiệu trong các bài viết: “Bác sĩ liều mở cơ hội sống cho trẻ dị tật tim bẩm sinh”, viết chung về nhóm bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ và Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM); “Chuyện cảm động về những nữ hộ sinh”, viết về những nữ hộ sinh của Bệnh viện Hùng Vương (TP HCM) và “Ngược dòng tạo nên kỳ tích”, viết về Trung tâm Ung bướu – Bệnh viện Chợ Rẫy.

GS-TS TRẦN VĂN THUẤN, Thứ trưởng Bộ Y tế:

Ðộng lực cho đội ngũ blouse trắng

Cuộc thi viết “Người Thầy thuốc trong tôi” lần 2 do Báo Người Lao Ðộng tổ chức đã tôn vinh các cá nhân giỏi nghề, tâm huyết đến cộng đồng. Ðưa những trường hợp người thật, việc thật của cuộc thi lan tỏa tới cộng đồng là ý tưởng sự sáng tạo của Ban Tổ chức. Chương trình này giúp cho đội ngũ blouse trắng có thêm động lực chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Cảm ơn Báo Người Lao Ðộng đã hỗ trợ ngành y tế trong thời gian qua và chúc cuộc thi sắp tới thành công tốt đẹp. Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2), thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế, xin chúc các cán bộ toàn ngành luôn mạnh khỏe, hoàn thành tốt nhiệm vụ và tiếp tục cống hiến, yêu nghề và làm tốt hơn nữa trong công tác khám chữa bệnh.

Phát động cuộc thi viết “Người Thầy thuốc trong tôi” lần 3

Nhà báo Tô Ðình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Ðộng, cho biết cuộc thi viết “Người Thầy thuốc trong tôi” lần 1 năm 2022 – 2023 và lần 2 năm 2023 – 2024 do Báo Người Lao Ðộng tổ chức đã thành công tốt đẹp.

Ông Tô Ðình Tuân cho rằng thành công không chỉ nằm ở khâu tổ chức thực hiện mà còn thể hiện rõ nét ở sự tham gia đông đảo, tích cực, hiệu quả của bạn viết khắp mọi miền, trong đó có khá nhiều bạn viết là những người đã từng hoặc đang công tác trong ngành y.

Ðặc biệt, qua những tác phẩm dự thi, chúng ta đã bắt gặp rất nhiều chân dung từ trang viết bước ra cuộc đời và tỏa sáng rực rỡ bởi tài năng, đức độ, trách nhiệm và tinh thần sẵn sàng cống hiến cho cộng đồng, cho xã hội; luôn biết sống sẻ chia với cộng đồng và vì sự tiến bộ của ngành, vì sự phát triển của đất nước.

“Cũng từ cuộc thi, công chúng biết rõ hơn sứ mệnh quan trọng của ngành y và nghề thầy thuốc; chia sẻ và cảm thông với toàn ngành về sự vất vả, nhọc nhằn của nghề. Và trên hết, tất cả dành cho ngành y sự kính trọng, tin yêu” – ông Tô Ðình Tuân nhấn mạnh.

Thông qua cuộc thi, nhà báo Tô Ðình Tuân cho biết không chỉ các tác giả viết bài đoạt giải được tưởng thưởng mà nhiều trường hợp tiêu biểu là nhân vật trong bài cũng đã được tôn vinh, khen tặng. Cũng từ đây, sợi dây nhân văn được nối dài, năng lượng tích cực được tỏa rộng trong toàn xã hội, thắp lên ngọn lửa nhiệt huyết và tinh thần lạc quan để dẫn dắt chúng ta cùng nhau tiến xa và vươn cao hơn nữa.

Tiếp nối sự thành công đã đạt được và những giá trị hữu ích, lớn lao từ 2 cuộc thi trước, Báo Người Lao Ðộng chính thức phát động cuộc thi viết “Người Thầy thuốc trong tôi” lần 3 năm 2024-2025, bắt đầu từ ngày 26-2-2024.

ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH

Trao giải cuộc thi viết “Người Thầy thuốc trong tôi” lần 2: Phép mầu từ
Trao giải cuộc thi viết “Người Thầy thuốc trong tôi” lần 2: Phép mầu từ

 

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

14 giờ chiều nay (26-2): Trao giải cuộc thi “Người Thầy thuốc trong tôi” lần 2

14 giờ chiều nay (26-2), tại trụ sở Báo Người Lao Động sẽ diễn ra lễ trao giải cuộc thi viết “Người Thầy thuốc trong tôi” lần 2 và vinh danh tập thể, cá nhân ngành y tiêu biểu. Tham dự có đại diện lãnh đạo Bộ Y tế, UBND TP HCM, Sở Y tế TP HCM, lãnh đạo các bệnh viện trên địa bàn thành phố cùng các tác giả.

Trao giải cuộc thi

Lễ trao giải cuộc thi viết “Người Thầy thuốc trong tôi” lần 2 và vinh danh tập thể, cá nhân ngành y tiêu biểu  diễn ra tại Báo Người Lao Động

Theo đó, nối tiếp thành công của cuộc thi viết “Người Thầy thuốc trong tôi” lần 1 (đã tổng kết và trao giải hồi tháng 5-2022), từ tháng 3-2023, Báo Người Lao Động phát động cuộc thi lần 2 nhằm ghi nhận và tôn vinh những đóng góp thầm lặng, cao cả của đội ngũ y – bác sĩ trong công cuộc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Trải qua gần 1 năm, cuộc thi đã nhận được gần 200 tác phẩm tham dự từ các tác giả ở khắp mọi miền đất nước. Nhân vật được khắc họa trong các tác phẩm dự thi không chỉ là lực lượng bác sĩ giỏi nghề, tận tâm mà còn có những điều dưỡng, y sĩ tâm huyết với nghề, thầm lặng chăm sóc sức khỏe người dân, không nề hà vất vả, thiệt thòi. Có người công tác ở bệnh viện tuyến trung ương, có người làm việc ở bệnh viện tuyến tỉnh, huyện và thậm chí trong các bản, làng xa xôi của đất nước.

Trong gần 200 tác phẩm gửi về, ban giám khảo cuộc thi đã chọn ra 35 bài viết vào vòng sơ tuyển và đăng trên các phương tiện xuất bản của Báo Người Lao Động. Từ các bài viết được chọn đăng, ban giám khảo tiếp tục chọn ra 7 tác phẩm xuất sắc nhất để trao giải. Cơ cấu giải gồm: 1 giải nhất, 1 giải nhì, 2 giải ba và 3 giải khuyến khích.

Bên cạnh việc trao giải cho các tác giả, nhân kỷ niệm 69 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27.p2.1955 – 27.2.2024), Báo Người Lao Động còn tri ân và vinh danh 2 cá nhân, 3 tập thể tiêu biểu trong ngành y tế. Họ là những người thật việc thật bước ra từ các trang viết của các tác phẩm dự thi.

5 cá nhân, tập thể được vinh danh là những tấm gương sáng về tinh thần y đức, lòng nhân ái, sự hy sinh thầm lặng và cống hiến hết mình cho ngành y tế nước nhà. Đây cũng là nguồn động viên to lớn để các cá nhân, tập thể tiếp tục nỗ lực cống hiến nhiều hơn nữa.

Thông qua cuộc thi cũng như hoạt động tri ân và vinh danh, Báo Người Lao Động mong muốn kêu gọi thế hệ trẻ noi theo tấm gương sáng của những người thầy thuốc, góp phần xây dựng ngành y tế ngày càng phát triển. Rộng hơn, báo mong muốn lan tỏa những giá trị tốt đẹp về y đức, lòng nhân ái, tinh thần dũng cảm cho thế hệ trẻ, khơi dậy lòng nhân ái và tinh thần trách nhiệm với cộng đồng.

Chương trình sẽ được tường thuật trực tuyến trên các nền tảng của Báo Người Lao Động.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Dâng hương và an tượng Y tổ Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác

Sáng 24-2, tại phường Long Bình, TP Thủ Đức, TP HCM, 200 lương y và lãnh đạo các hội Đông y quận, huyện tại TP HCM và các tỉnh, thành lân cận đã tham dự lễ dâng hương và an tượng Y tổ Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, nhân kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2.

Dâng hương và an tượng Y tổ Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác- Ảnh 1.

Múa lân chào mừng đại biểu

Dâng hương và an tượng Y tổ Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác- Ảnh 2.

Lễ an tượng Y tổ Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác

Tượng Y tổ Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác được chạm bằng đá nguyên khối, cao 2,8 m, nặng hơn 10 tấn, do Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hoàn Mỹ tặng lương y Nguyễn Đức Nghĩa – người học trò xuất sắc của cố GS-TS Đỗ Tất Lợi. 

Tượng đặt trong khuôn viên vườn dược liệu rộng hơn 1.000 m2 được lương y Nguyễn Đức Nghĩa tạo lập hơn 15 năm qua để làm nơi bảo tồn các giống loài dược liệu quý của Việt Nam, đồng thời làm nơi để các thế hệ sinh viên y khoa thực nghiệm.

Dâng hương và an tượng Y tổ Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác- Ảnh 3.

Lương y Nguyễn Đức Nghĩa kêu gọi các lương y noi gương Y tổ

Phát biểu tại lễ an tượng, lương y Nguyễn Đức Nghĩa kêu gọi các lương y hãy noi theo tấm gương Y tổ để trau dồi nghề nghiệp, đạo đức, nhằm làm tốt hơn nữa trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân, đồng thời phát huy vốn quý của y học dân tộc cũng như nguồn dược liệu phong phú của nước nhà.

Dâng hương và an tượng Y tổ Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác- Ảnh 4.

Các lương y và cán bộ, nhân viêm y tế dâng hương

 

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Nguyên nhân bất ngờ làm “nguy cơ ung thư di căn tăng 4 lần”

Theo Daily Mail, một nghiên cứu từ Phòng thí nghiệm Cold Spring Harbor (Mỹ) chỉ ra stress đã khiến các con chuột thí nghiệm bị ung thư có tỉ lệ di căn cao hơn 2-4 lần so với nhóm đối chứng.

Nguyên nhân bất ngờ làm "nguy cơ ung thư di căn tăng 4 lần"- Ảnh 1.

Stress có thể khiến bệnh ung thư trở nên nguy hiểm hơn – Ảnh minh họa từ Internet

Phân tích sâu hơn, họ nhận thấy tình trạng stress mãn tính dẫn đến sự hình thành thêm các mạng lưới tế bào bạch cầu trung tính – một cơ chế cũng thường gặp khi nhiễm trùng hay bị thương.

Nhưng khi bị ung thư, sự hình thành quá mức các mạng lưới này lại tạo điều kiện cho bệnh dễ dàng lan tỏa, xâm chiếm các mô hơn.

Ngoài ra, căng thẳng cũng tác động theo nhiều cách đến hệ miễn dịch, chẳng hạn ngăn chặn hoạt động của một số tế bào miễn dịch quan trọng như tế bào T và tế bào “sát thủ” tự nhiên – những thứ có vai trò quan trọng trong việc chống lại ung thư.

Tình trạng này cũng khiến phổi dễ trở thành mục tiêu của ung thư di căn.

Không chỉ vậy, hormone gây stress mang tên corticosterone thúc đẩy bệnh ung thư trở nên “hung hăng” hơn, lây lan nhanh chóng và gây các tổn thương trong phổi các con chuột thí nghiệm.

Stress cũng gây tích tụ nhiều protein fibronectin, giúp thúc đẩy sự xâm lấn của các tế bào khối u và làm giảm tế bào T.

Yếu tố quan trọng nhất trong tất cả các cơ chế nói trên vẫn là sự hình thành NET – một mạng lưới DNA và protein được tạo ra khi trong máu có quá nhiều bạch cầu trung tính.

Mạng này vốn có chức năng bẫy các mầm bệnh xâm nhập cơ thể như vi khuẩn, virus, song trong trường hợp được hình thành do stress ở bệnh nhân ung thư, nó lại thúc đẩy di căn, nhất là di căn phổi.

Các thí nghiệm tiếp theo bằng một loại thuốc phá vỡ NET cho thấy quá trình di căn dường như bị chững lại nếu mạng lưới này không được hình thành do stress.

Do vậy, các loại thuốc nhắm mục tiêu vào NET nhằm thay đổi môi trường xung quanh khối u có thể hứa hẹn giúp chống lại sự di căn của căn bệnh chết người này.

Hơn nữa, nghiên cứu cũng nhấn mạnh vai trò của việc can thiệp tâm lý và hỗ trợ bệnh nhân ung thư cải thiện đời sống tinh thần.

Hầu hết mọi người đều bị stress nặng khi đối diện căn bệnh tử thần này nhưng nhiều quan sát cho thấy tinh thần lạc quan, ý chí cao thường liên quan đến kết quả điều trị tích cực hơn.

Nghiên cứu mới này góp phần chứng minh những cơ chế sâu xa mà sức khỏe tâm thần có thể tác động đến bệnh ung thư. “Giảm căng thẳng phải là một phần của việc điều trị và phòng ngừa ung thư” – GS Linda Van Aelst, thành viên nhóm nghiên cứu, nhấn mạnh.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Cuộc thi viết “Người Thầy thuốc trong tôi” lần 2: Lương y như từ mẫu

Thanh toán và đọc bài viết này
chỉ với (5000đ)

Thanh toán nhanh và đọc ngay bằng quét Zalo QRcode mà không cần đăng nhập

Người được tặng: Thay đổi

Hoặc thanh toán bằng

Chuyển khoản qua số tài khoản:

Tên tài khoản: BÁO NGƯỜI LAO ĐỘNG
Số tài khoản: 000170406123456
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương – Hội sở
Nội dung chuyển khoản:
Lưu ý:
Gói đọc báo có thu phí sẽ được kích hoạt trong vòng 5 giờ (giờ hànhchính) sau khi Báo Người Lao Động nhận được thanh toán của bạn.
(*) Bạn đọc lưu ý nhập chính xác Nội dung chuyển khoản ở trên.

Để đọc thường xuyên các bài viết chất lượng cao,
mời bạn đăng ký làm thành viên VIP của báo Người Lao Động

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Sản phẩm nhựa xài 1 lần: Nên hạn chế sử dụng

Theo TS-BS Nguyễn Minh Đức, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, thời gian qua, trong các dịp lễ Tết, tiệc tùng tại công sở hay tư gia thì đồ nhựa xài 1 lần như chén, đĩa, ly, chai, muỗng, ống hút được sử dụng rất nhiều và phổ biến.

Sản phẩm nhựa xài 1 lần: Nên hạn chế sử dụng- Ảnh 1.

Nhiều vật dụng bằng nhựa thường sử dụng, tiện lợi nhưng coi chừng không tốt cho sức khoẻ

Chúng ta phải biết rằng có không ít sản phẩm đồ nhựa này sau khi sản xuất thì được đóng gói và đưa ngay ra thị trường tiêu thụ. Trên bề mặt của những chén, đĩa, ly, chai, muỗng, ống hút bám đầy các vi hạt nhựa (microplastic). Những vi hạt này sẽ vào cơ thể qua đường ăn uống và chúng là tác nhân của rất nhiều loại ung thư như đại tràng, phổi, gan.

Sản phẩm nhựa xài 1 lần: Nên hạn chế sử dụng- Ảnh 2.

Hình ảnh vi hạt nhựa soi thấy trong một sản phẩm nước suối

Nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy trên bề mặt chén đĩa nhựa hoặc chai nước nhựa chứa đến hàng triệu vi hạt nhựa, chúng dễ dàng bám vào đồ ăn hoặc lơ lửng trong nước. Về cơ chế thì những vi hạt nhựa này có kích thước bé hơn cả hồng cầu nên chúng dễ dàng xâm nhập thành đại tràng, thành mạch máu, thành phế quản… Chúng sẽ kích hoạt phản ứng viêm nhiễm mạn tính, oxy hóa, tổn thương chuỗi DNA nếu chúng ta tiếp xúc với chúng nhiều lần và trong khoảng thời gian dài nhiều năm.

Sản phẩm nhựa xài 1 lần: Nên hạn chế sử dụng- Ảnh 3.

Lượng vi hạt nhựa đo được trong một lít nước chứa trong chai nhựa

Còn trong môi trường tự nhiên thì các loại chén, đĩa, ly, muỗng, ống hút… sẽ bị biến hoại và phóng thích các hạt vi nhựa vào không khí làm bầu không khí ô nhiễm, từ đó cũng sẽ làm tăng nguy cơ ung thư phổi.

Cách tốt nhất là chúng ta nên hạn chế sử dụng đồ nhựa xài một lần. Nếu phải sử dụng, chúng ta cần lưu ý:

– Trước khi bày thức ăn lên chén, đĩa nhựa xài 1 lần thì nên rửa qua nước. Nếu ngại rửa nước, có thể dùng khăn ướt, khăn giấy ướt hoặc khăn giấy khô chùi bề mặt của chúng một lượt.

– Đối với muỗng hoặc ống hút nhựa thì nên xả nước một lượt rồi hãy sử dụng.

– Nên thay thế dần các loại đồ nhựa xài 1 lần bằng đồ thủy tinh, đồ sứ trắng không nhuộm màu lòe loẹt.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Lần đầu tại miền Tây thực hiện ca phẫu thuật khớp gối rất khó

Tối 1-2, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết các bác sĩ của Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình của bệnh viện này đã phẫu thuật thành công trường hợp bướu đầu trên xương chày có kích thước lớn, xâm lấn mô mềm bằng phương pháp thay khớp gối chuôi dài. Đây là kỹ thuật đầu tiên được thực hiện tại khu vực miền Tây Nam Bộ.

Lần đầu tại miền Tây thực hiện ca phẫu thuật khớp gối rất khó- Ảnh 1.

Các bác sĩ miệt mài phẫu thuật cho bệnh nhân

Bệnh nhân nữ tên L.T.B.N (59 tuổi; ngụ TP Cần Thơ), được người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ trong tình trạng đau nhiều khớp gối trái, hạn chế vận động.

Tiền sử bệnh nhân có chấn thương gối trái do tai nạn giao thông khoảng 6 tháng, sau đó khớp gối trái thường xuyên sưng, đau nhiều khi đứng, vận động, sinh hoạt rất khó khăn.

Kết quả chụp cộng hưởng từ khớp gối trái ghi nhận tổn thương hủy xương đầu trên xương chày trái, xâm lấn, hủy vỏ xương, lan ra mặt khớp, kích thước 5.5×5.7×6.7cm, phù mô mềm xung quanh.

Bệnh nhân đã được mổ sinh thiết lấy mô bướu đầu trên xương chày làm giải phẫu bệnh, kết quả chẩn đoán là bướu đại bào.

Xác định đây là một trường hợp khó vì bướu đại thực bào kích thước lớn, xâm lấn gần như toàn bộ mô mềm và mặt khớp gối trái, liên quan với các mạch máu, thần kinh lớn vùng khoeo chân trái, nên các bác sĩ hội chẩn quyết định phẫu thuật sớm hạn chế nguy cơ gây hủy xương.

Lần đầu tại miền Tây thực hiện ca phẫu thuật khớp gối rất khó- Ảnh 2.

Bệnh nhân đang tập đi lại sau ca phẫu thuật

Sau 5 giờ với hơn 10 y, bác sĩ thực hiện thay khớp gối trái toàn phần có bản lề chuôi dài, đồng thời xoay vạt cơ bụng chân che phủ phần xương đã khuyết, ca phẫu thuật diễn ra thành công.

Hiện tại, bệnh nhân tỉnh, vết mổ khô, cử động cổ chân và các ngón chân tốt, tập đi lại bằng khung…

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Sở Y tế TP HCM kêu gọi khách hàng của thẩm mỹ viện nhiều lần đổi tên cung cấp hồ sơ cho công an

Sở Y tế TP HCM kêu gọi khách hàng của thẩm mỹ viện nhiều lần đổi tên cung cấp hồ sơ cho công an- Ảnh 1.

Chỉ sau thời gian ngắn, tại địa chỉ 2B-2C Hồ Xuân Hương, phường Võ Thị Sáu, quận 3 được thay tên đổi chủ nhiều lần.

Nội dung trên được Sở Y tế TP HCM thông báo đến khách hàng vào ngày 3-1. Theo đó, những khách hàng đã từng thực hiện các dịch vụ thẩm mỹ tại cơ sở Prizers như phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác khẩn trương cung cấp đơn thưa, hồ sơ, tài liệu cho Công an quận 3 để được giải quyết theo thẩm quyền.

Thanh tra Sở Y tế TP HCM cho biết tại địa chỉ 2B-2C Hồ Xuân Hương, quận 3 – nơi cơ sở sai phạm trước đây đã nhiều lần thay tên đổi chủ rồi tái diễn vi phạm hành chính.

Sở Y tế TP HCM kêu gọi khách hàng của thẩm mỹ viện nhiều lần đổi tên cung cấp hồ sơ cho công an- Ảnh 3.

Vài ngày sau, xử phạt, biển hiệu của cơ sở đã được thay đổi logo và đổi từ “Pfizer” thành “Pfizerss”, sau đó đổi thành “PZ Luxury”. Số nhà trên biển hiệu cũng được gỡ bỏ.

Cụ thể, tháng 12-2019, tại đây là hộ kinh doanh thẩm mỹ Venus do ông N.V.Q làm chủ. Tháng 6-2020, cơ sở này bị xử phạt vì cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động; kinh doanh mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ; quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định. Đồng thời, đình chỉ hoạt động 9 tháng.

Đến tháng 4-2022, cơ sở này tiếp tục bị xử phạt vì sử dụng người hành nghề không có chứng chỉ hành nghề; cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn; quảng cáo có sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá nhân khi chưa được cá nhân đó đồng ý và khám, chữa bệnh khi chưa được cấp chứng chỉ hành nghề. Đồng thời, tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động 3 tháng, tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề 2 tháng.

Tháng 6-2022, tại địa chỉ này được thay tên mới là hộ kinh doanh thẩm mỹ với tên Venus by Asian do bà L.T.T.V làm chủ. Sau đó, qua phản ánh của báo chí, Thanh tra Sở Y tế đã phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra cơ sở thẩm mỹ Venus. Tuy nhiên, cơ sở này đối phó, không hợp tác đến làm việc sau kiểm tra và tháo gỡ bảng hiệu, đóng cửa.

Tháng 5-2023, cũng tại địa chỉ 2B-2C Hồ Xuân Hương, một cơ sở mới có tên Pfizers do bà T.T.K.M làm chủ với đăng ký ngành nghề chăm sóc da. Chỉ sau 1 tháng hoạt động, cơ sở này bị xử phạt và đình chỉ hoạt động 4,5 tháng vì sử dụng các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người làm thay đổi màu sắc da trên bộ phận cơ thể người.

Tuy nhiên, Hộ kinh doanh Pfizers không chấp hành quyết định xử phạt mà cố tình tái phạm, tiếp tục quảng cáo, thực hiện điều trị sẹo, tiêm,… Do đó, Sở Y tế TP HCM đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc đến Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an quận 3 giải quyết theo quy định.

Đáng chú ý, vài ngày sau, biển hiệu của cơ sở đã được thay đổi logo và đổi từ “Pfizer” thành “Pfizerss”, sau đó đổi thành “PZ Luxury”. Số nhà trên biển hiệu cũng được gỡ bỏ.

Tháng 10-2023, UBND quận 3 tiếp tục ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH PZ Luxury. Trong đó có các lỗi như sử dụng các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người làm thay đổi màu sắc da trên bộ phận cơ thể người; xả nước thải không đúng quy định.

Nhận thấy cơ sở hoạt động khám chữa bệnh khi chưa được cấp phép hoạt động, có dấu hiệu đối phó, thách thức cơ quan chức năng, UBND quận 3 đã có công văn gửi Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM có biện pháp xử lý, tháo gỡ các quảng cáo khám chữa bệnh, điều trị sẹo, rạn da trên mạng.

Đồng thời, Sở Y tế TP HCM tạm ngưng cấp Giấy phép hoạt động khám chữa bệnh thẩm mỹ. Hiện nay, cơ sở tại địa chỉ 2B-2C Hồ Xuân Hương, quận 3 đóng cửa không hoạt động.

Sở Y tế TP HCM đề nghị UBND quận, huyện, TP Thủ Đức tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền cho người dân trên địa bàn về tác hại sức khỏe khi sử dụng các dịch vụ thẩm mỹ tại cơ sở không phép, cơ sở không đảm bảo đủ điều kiện để người dân biết và phòng tránh; phổ biến các quy định pháp luật về y tế; chủ động phát hiện và xử lý nghiêm các cơ sở có vi phạm và công khai kết quả xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với Sở Y tế phát huy hiệu quả ứng dụng “Y tế trực tuyến”, phát triển “Quy trình phản ứng nhanh” để tiến hành kiểm tra đột xuất, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trên địa bàn.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

close(x)
close(x)