May 20, 2024

Bộ Y tế khuyến cáo mới về đối tượng cần tiếp tục tiêm vắc-xin COVID-19

Bộ Y tế vừa có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur về việc hướng dẫn tiêm vắc-xin phòng COVID-19.

Theo Bộ Y tế, hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới tiếp tục diễn biến khó lường, khó dự báo với các biến chủng phụ mới tiếp tục được ghi nhận. Tháng 11-2023, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam đưa ra khuyến cáo cập nhật về các đối tượng ưu tiên tiêm vắc-xin phòng COVID-19 trong thời gian tới.

Bộ Y tế khuyến cáo mới về đối tượng cần tiếp tục tiêm vắc-xin COVID-19- Ảnh 1.

Tiêm vắc-xin cho phụ nữ có thai tại cơ sở y tế. Ảnh: Minh Đức

Để tăng cường miễn dịch phòng bệnh COVID-19, đặc biệt đối với các nhóm nguy cơ cao, trên cơ sở khuyến cáo của Nhóm chuyên gia tư vấn chiến lược về tiêm chủng của WHO và Hội đồng tư vấn sử dụng vắc-xin của Bộ Y tế, Bộ Y tế vừa ban hành hướng dẫn mới về tiêm vắc-xin COVID-19.

Cụ thể, đối tượng triển khai tiêm vắc-xin COVID-19 bao gồm: Cán bộ y tế; người trên 50 tuổi, người có bệnh lý nền; người trên 18 tuổi chưa tiêm mũi nào; phụ nữ có thai.

Bộ Y tế cho biết nếu người chưa tiêm liều nào thì tiêm ngay 1 liều, nếu đã tiêm thì tiêm thêm 1 liều cách liều trước đó từ ít nhất 6 tháng bằng vắc-xin được Bộ Y tế cấp phép sử dụng.

Đối với phụ nữ có thai tiêm 1 liều vào mỗi thai kỳ và tiêm vào bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ, ưu tiên tiêm vào giai đoạn giữa của thai kỳ.

Bộ Y tế đề nghị các đơn vị rà soát lại tỉ lệ tiêm chủng trên địa bàn, các đối tượng cần tiêm theo hướng dẫn này, để nghiên cứu đề xuất nhu cầu vắc-xin COVID-19 trong thời gian tới.

Bộ Y tế lưu ý, đề xuất nhu cầu vắc-xin COVID-19 gửi về Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Sau đó, Viện sẽ cung ứng vắc-xin để triển khai tiêm chủng cho các đối tượng theo kế hoạch của từng địa phương.

Trước đó, ngày 19-10-2023, Bộ Y tế ban hành quyết định số 3896/QĐ-BYT điều chỉnh phân loại COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sang bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B.

Hiện COVID-19 được kiểm soát, quản lý bền vững trong đó tiêm vắc-xin là một trong những nhiệm vụ và giải pháp trong giai đoạn 2023-2025.

Đến nay, nước ta đã tiêm hơn 266,5 triệu liều vắc-xin COVID-19. Việt Nam là một trong những quốc gia có tỉ lệ bao phủ vắc-xin COVID-19 cao nhất thế giới, với tỉ lệ tiêm đủ mũi cơ bản cho người từ 12 tuổi trở lên đạt gần 100%, tỉ lệ tiêm mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên có nguy cơ cao đạt 89,6%.

Liên quan đến dịch COVID-19, các nhà khoa học vừa cảnh báo biến thể phụ mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 có tên KP.2. Biến thể này có khả năng lây lan nhanh hơn và “né” vắc-xin tốt hơn so với các biến thể trước, gồm cả biến thể XBB đang chiếm số đông các ca nhiễm mới.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

21 sinh viên ký túc xá ĐHQG TP HCM nhập viện sau bữa ăn chiều

Ông Lại Thế Tuân, Trưởng Phòng Tổng hợp Ký túc xá ĐHQG TP HCM, cho biết trong 2 ngày 8 và 9-5, ĐHQG TP HCM ghi nhận 21 trường hợp sinh viên bị ngộ độc thực phẩm phải đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức điều trị. Trong đó, tối 8-5 có 19 trường hợp, sáng nay có thêm 2 sinh viên phải nhập viện để theo dõi, điều trị.

Ông Tuân cho biết những sinh viên bị ngộ độc thực phẩm đã dùng bữa ăn tối tại ký túc xá. Hiện cơ quan chức năng đã tổ chức lấy mẫu, phân tích để tìm hiểu nguyên nhân.

Đại diện Trung tâm Quản lý Ký túc xá ĐHQG TP HCM cho biết tình trạng 21 sinh viên bị ngộ độc thực phẩm đã ổn định.

Trước đó, Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức cho biết khoảng 22 giờ ngày 8-5, một số sinh viên tại ký túc xá xuất hiện triệu chứng nôn ói, đau bụng, tiêu chảy… sau bữa ăn chiều cùng ngày, 19 em nhập Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức cấp cứu.

Tại bệnh viện, bác sĩ thăm khám và chẩn đoán ngộ độc cấp. Các bệnh nhân được điều trị kháng sinh, truyền dịch…, hiện sức khỏe tạm ổn định. Bệnh viện cũng đã có báo cáo gửi Sở Y tế TP HCM để có bước xử lý tiếp theo.

Ngày 2-5, tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức, TP HCM) cũng tiếp nhận 15 trẻ là học sinh của 4 trường tiểu học trên địa bàn TP Thủ Đức nhập viện trong tình trạng nôn ói, đau bụng, sốt, tiêu chảy… sau khi ăn sushi, bánh mì… trước cổng trường.

Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm,TS-BS Võ Hồng Minh Công, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP HCM), khuyến cáo nên mua thực phẩm sạch đã kiểm dịch. Không chọn rau củ dập nát, thịt, hải sản có mùi khác lạ. Khi chế biến cần phải sạch sẽ, tránh cất giữ thực phẩm sống và chín gần nhau. Cùng với đó, bảo quản thực phẩm đúng cách, không để thực phẩm đã chế biến ở nhiệt độ phòng quá lâu. Ngoài ra, không ăn hàng quán ngoài lề đường.

Bác sĩ Công cũng lưu ý thêm khi ngộ độc xảy ra cần ngưng ăn, thức ăn nghi ngờ gây ngộ độc. Nếu người bệnh tỉnh táo nhanh chóng gây nôn để loại bỏ hết thức ăn độc ra ngoài. Đặc biệt, không sử dụng thuốc chống nôn, không sử dụng thuốc cầm tiêu chảy. Nếu các triệu chứng không cải thiện cần đến cơ sở y tế gần nhất, để theo dõi và điều trị.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Hàng trăm người khám viêm họng vì dùng máy lạnh liên tục

Ngày 14-4, thạc sĩ – BS CK1 Trương Tấn Phát, Trung tâm Tai mũi họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết trong 1 tháng qua, tại bệnh viện, bệnh nhân đến khám vì viêm họng tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hàng trăm người khám viêm họng vì dùng máy lạnh liên tục- Ảnh 1.

BS CK1 Trương Tấn Phát, Trung tâm Tai mũi họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, nội soi họng cho bệnh nhân

Điển hình, mới đây, bệnh viện tiếp nhận bé N.H.L.P. (3 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TP HCM) đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng sốt 38,9 độ C, ho, quấy khóc, bỏ ăn 3 ngày.

Gia đình cho biết bé P. hay viêm họng, sổ mũi. Ban ngày, bé đi học ở trường và thường ở trong phòng máy lạnh. Buổi tối, về nhà, bé cũng được ngủ phòng máy lạnh khoảng 22 độ C. Khoảng 1 tuần nay, bé có những triệu chứng trên nhưng uống thuốc không khỏi cho đến khi tình trạng diễn tiến nặng nên gia đình đưa bé đến bệnh viện cấp cứu.

Sau khi khám và nội soi mũi họng, bác sĩ chẩn đoán bé P. viêm họng cấp, kê đơn thuốc, hướng dẫn mẹ bé cách chăm sóc phù hợp và theo dõi sát sao diễn biến của bệnh để tái khám theo lịch hẹn.

Không chỉ trẻ nhỏ, nhiều người lớn cũng đến bệnh viện thăm khám trong tình trạng đau họng, khàn giọng, ho khan kéo dài, mệt mỏi. Đến bệnh viện khám với các triệu chứng trên, anh D.N.T (27 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) cho biết mấy ngày qua, anh ho liên tục đến mức cảm thấy đau hai bên liên sườn. Dù anh T. đã mua thuốc uống và ngậm nhưng 2 tuần qua nhưng không bớt nên đến bệnh viện khám. Tại đây, sau khi thăm khám, anh bị sung huyết; loét amidan và hạch cổ sưng to.

Anh T. cho biết do phòng làm việc hướng ánh nắng rất nóng, nên anh phải mở máy lạnh ở nhiệt độ khoảng 17-18 độ C mới thấy mát. Cả ngày từ sáng đến tối, anh đều ở trong phòng máy lạnh nên thường sau khi ngủ dậy anh cảm thấy họng rát, khô và đau. “Tuy nhiên, nếu không dùng máy lạnh thì không thể làm việc và không ngủ được vì nóng” – anh T. nói.

Bác sĩ Phát khuyến cáo, để phòng ngừa viêm họng khi trời nắng nóng, nếu dùng máy lạnh không nên để nhiệt độ dưới 26 độ C. Nhiệt độ phòng máy lạnh cần ổn định khoảng 26-28 độ C, máy lạnh chỉ nên bật từ 23 giờ đến tầm 3-4 giờ sáng hôm sau. Nên đắp một chiếc chăn mỏng khi ngủ buổi tối, vệ sinh máy lạnh 2-3 lần/năm. Gia đình có trẻ nhỏ cần đảm bảo nhiệt độ tối thiểu là 28 độ C. Ngoài ra, mọi người nên vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, uống đủ nước (2 lít/ngày), hạn chế ăn đồ quá lạnh, đồ cay nóng; hạn chế hút thuốc, uống rượu bia; đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà; hạn chế đến nơi nhiều khói bụi.

Bác sĩ cho biết anh mắc bệnh kéo dài do sức đề kháng bị suy giảm, niêm mạc họng khô, đang bị tổn thương nhưng không được chăm sóc và điều trị tốt nên tổn thương niêm mạc họng nghiêm trọng hơn. “Bác sĩ cho thuốc và tư vấn tôi không ở trong phòng máy lạnh với nhiệt độ quá thấp, uống nước ấm để giữ ấm niêm mạc họng nếu ở trong phòng máy lạnh, vệ sinh mũi họng bằng nước muối hằng ngày, kiêng uống nước đá” – anh T. nói.

Theo bác sĩ Phát, nắng nóng, nhiệt độ tăng cao, mọi người có xu hướng dùng máy lạnh liên tục, kéo dài cả ngày, để nhiệt độ phòng khoảng 17-20 độ C hoặc để luồng không khí lạnh thổi trực tiếp vào mặt, cổ, sau gáy. Bên cạnh đó, khi sử dụng máy lạnh, các cửa được đóng kín, không khí lạnh là điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi; môi trường lạnh cũng khiến niêm mạc mũi họng bị khô, sức đề kháng của cơ thể suy yếu, thân nhiệt cơ thể bị giảm… “Chính điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ hô hấp. Ngoài ra, với những người đang bị bệnh, sức đề kháng đang yếu, khi bị vi khuẩn, virus tấn công sẽ khiến cho viêm mạc họng bị tổn thương nhiều hơn, bệnh không hết mà kéo dài dai dẳng”, bác sĩ Phát cho hay.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Tràn lan đào tạo y khoa liên tục (*): Cần ngăn chặn biến tướng

Tại TP Hà Nội, trong vai một người “tay ngang” muốn học về chỉnh nha, chúng tôi được cơ sở đào tạo tư vấn đưa ra một điều kiện duy nhất: Chỉ cần đóng tiền vào học là được cấp chứng nhận.

Mánh mung, tự phát

Khóa học về chỉnh nha tại một trung tâm được quảng cáo trên mạng xã hội, chúng tôi được cho hay sẽ kéo dài 7 – 10 ngày. Trong đó, ngoài học lý thuyết sẽ được cầm tay chỉ việc với mức học phí 7 – 8 triệu đồng. Với khóa học cấy ghép Implant, chi phí khoảng 12 – 15 triệu đồng. Theo nhân viên các cơ sở đào tạo này, sau khóa học, học viên sẽ được cấp giấy chứng nhận. Điều kiện duy nhất là học viên chỉ cần đóng tiền và vào học.

Tràn lan đào tạo y khoa liên tục (*): Cần ngăn chặn biến tướng- Ảnh 1.
Họ và tên giám đốc ký trên giấy chứng nhận đào tạo và trên thông báo không đồng nhấtẢnh: TIẾN ĐẠT

Họ và tên giám đốc ký trên giấy chứng nhận đào tạo và trên thông báo không đồng nhất.Ảnh: TIẾN ĐẠT

Theo một chuyên gia đào tạo về răng hàm mặt của một trường đại học y khoa ở Hà Nội, nhu cầu chăm sóc răng miệng ngày càng cao kéo theo ngành răng hàm mặt ngày càng phát triển với rất nhiều hình thức đào tạo. Đáng nói là các hình thức đào tạo tự phát, ngắn hạn từ các trung tâm, phòng khám nha khoa, thậm chí cả các cơ sở kinh doanh trang thiết bị trong lĩnh vực này, “mọc lên như nấm”, nhất là khóa học về kỹ thuật chỉnh nha, Implant…

Tại những cơ sở chính quy của các trường đại học, lớp học được chia ra cho các đối tượng khác nhau phù hợp vị trí việc làm của bác sĩ hay điều dưỡng, kỹ thuật viên. Với các lớp thực hành chỉnh nha hay Implant cho bác sĩ, đối tượng tuyển sinh là các bác sĩ răng hàm mặt, hồ sơ thu nhận có nhiều giấy tờ kèm theo; điều dưỡng hay kỹ thuật viên không được học các lớp này vì không đúng chức năng. Với lớp dành cho trợ thủ nha khoa mới nhận đối tượng học là điều dưỡng. Tương tự, kỹ thuật viên thì học ở lớp dành cho kỹ thuật viên. Các chương trình đào tạo đều có hội đồng khoa học thẩm định trước khi triển khai.

“Gần đây, nhiều bác sĩ quảng cáo trên các trang mạng xã hội về các lớp học do chính những bác sĩ này đào tạo. Chẳng hạn, một trang Facebook có tên là N.H.N quảng cáo một lớp học về chỉnh nha, răng sứ thẩm mỹ… được tổ chức tại Hà Nội vào các ngày 15, 16 và 17-3 này. Việc mở lớp và đào tạo như thế là không đúng quy định” – chuyên gia này nhận định.

Giới chuyên môn cảnh báo việc đào tạo tràn lan, không phù hợp đối tượng dễ dẫn đến tình trạng nhiều ca bệnh bị biến chứng. Điển hình là nhiều ca chỉnh nha bị hỏng, tiêu chân răng hàng loạt. Implant có nhiều biến chứng, các răng thẩm mỹ sai chỉ định dẫn đến biến chứng. Việc xử lý các ca biến chứng này rất phức tạp, tốn kém và gây đau đớn cho người bệnh.

Bất chấp đạo đức

Trong khi đó, sau khi phản ánh về tình trạng đào tạo CME, nhiều bạn đọc tiếp tục cung cấp thêm thông tin đến Báo Người Lao Động. Ông H. (ở quận 10, TP HCM) cho rằng CME lâu nay kém thực chất. Ông tiết lộ có biết một bạn trẻ là y sĩ nhưng quyết cố lên làm bác sĩ bằng con đường bất chấp đạo đức nghề nghiệp. Người này làm bằng bác sĩ dỏm để đăng ký học lấy chứng chỉ CME thật với mục đích đi lòe thiên hạ. Chưa hết, người này còn làm bằng bác sĩ dỏm cho một số người đi học chung CME. Trong khóa đào tạo của bệnh viện T. (trên địa bàn TP HCM), kiểm tra hồ sơ thấy khả nghi nên bệnh viện xác minh về Trường Đại học Y Dược TP HCM thì mới phát hiện bằng bác sĩ dỏm. Thế là cả nhóm bị thu hồi giấy chứng nhận.

Bác sĩ Đ.B (nguyên trưởng khoa của một bệnh viện hạng đặc biệt tại TP HCM) cho biết ông nghỉ hưu đã có người đến gặp đặt vấn đề thuê bằng với giá 10 – 15 triệu đồng/tháng để mở phòng khám. “Tôi nói mình yếu rồi, không tham gia đào tạo liên tục được thì người này trấn an cứ yên tâm, gì chứ mấy thứ đó đóng tiền là có. Không ít bác sĩ cho thuê mướn bằng đứng tên, chịu trách nhiệm chuyên môn phòng khám nhưng không bao giờ có mặt. Đến khi xảy ra sự cố y khoa thì mới ân hận. Tiền thì cũng cần nhưng bất an quá nên tôi từ chối” – bác sĩ B. trải lòng.

Với đặc thù công việc có cơ hội tham gia nhiều hội nghị, hội thảo, một chuyên gia về truyền thông cũng thẳng thắn góp ý: “Có những hội nghị khoa học tổ chức rất tốt, báo cáo viên uy tín, thuyết trình hay, người tham dự ngồi nghe từ đầu tới cuối. Nhưng có những chương trình tổ chức qua loa, báo cáo không có gì mới. Đa phần khách, học viên tới dự chủ yếu để “check-in” rồi tụm nhau tán gẫu bên bàn cà phê, đi mua sắm… Khoảng chừng nửa buổi là hội trường vắng khách. Chưa kể, bây giờ nhiều lớp mở online, học qua mạng, học viên mở máy lên, điểm danh rồi tán gẫu cho hết buổi”.

Ngăn lợi ích nhóm

Trao đổi với phóng viên, không ít y – bác sĩ, dược sĩ cho biết với thực trạng hiện nay, việc đào tạo liên tục còn lộ ra nhiều bất cập, là gánh nặng cho nhân viên y tế cả về kinh tế lẫn công sức. Thậm chí, nó cũng phần nào khiến cho một bộ phận không nhỏ nhân viên y tế mang tâm lý “học để lấy cái bằng”, lấy giấy phép hành nghề, không học vì đam mê, vì phát triển bản thân và nâng cao chất lượng chuyên môn, tay nghề, tích lũy kiến thức.

Trong khi có những hội nghị, hội thảo, lớp đào tạo thu hút các thầy thuốc chuyên khoa I, chuyên khoa II, tiến sĩ, thạc sĩ tham dự vì nơi công tác không có mã đào tạo thì báo cáo viên lại lúng ta lúng túng. Nội dung đào tạo thì na ná nhau hoặc một nội dung nhưng tổ chức “xà quần” nhiều địa điểm.

Ngay cả phôi chứng chỉ CME cũng mỗi nơi một kiểu. Cơ sở giáo dục theo tiêu chuẩn Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp một kiểu, mỗi bệnh viện một kiểu mẫu. Chứng chỉ CME của các tổ chức xã hội, tổ chức nghề nghiệp cũng khác nhau. Chẳng hạn, việc cấp chứng chỉ CME là do trường, bệnh viện có mã số cấp và do lãnh đạo đơn vị này ký. Tuy nhiên, có không ít thư ngỏ, thông báo tuyển sinh lại gắn logo của khoa, phòng thay vì logo của trường, của bệnh viện cấp CME.

Việc mở đào tạo tràn lan, công ty, doanh nghiệp không hiểu nên làm bừa, làm ẩu do không nắm vững thông tin nội dung về hệ thống y tế nên “râu ông nọ cắm cằm bà kia”, lẫn lộn từ bệnh viện A sang bệnh viện B.

Theo quy định, tài liệu, nội dung bài giảng, lý lịch chuyên môn của báo cáo viên, địa điểm tổ chức, học phí… phải được cấp phép, phải qua hội đồng thẩm định. Thế nhưng có khóa học trực tiếp thì tổ chức ở khoa, trường, bệnh viện nhưng có khóa học, hội nghị, hội thảo cũng cấp CME nhưng học trực tuyến, thậm chí học ở khách sạn, trung tâm hội nghị… Điều đáng nói là theo nội dung hội nghị thì có thực hành và có lâm sàng.

Chưa hết, cách tính giờ tín chỉ “mỗi nơi một phách”. Cùng là khóa học chỉnh hình răng mặt nhưng mỗi “Hội đồng thẩm định phê duyệt” lại tính số lượng tín chỉ khác nhau. Bệnh viện tại TP HCM tổ chức cấp chứng chỉ CME, 160 tiết. Trong khi chương trình đào tạo cấp CME của trường đại học có khoa y thì lại 200 tiết.

Với quy định hiện nay, phải là thủ trưởng đơn vị có mã đào tạo mới được thừa nhận. Nói đến mã đào tạo, nhiều bệnh viện lớn tại TP HCM lại không được cấp mã đào tạo vì không đủ giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa II… Trong khi đó, các trường không phải chuyên ngành y mà chỉ có khoa ngành y, thậm chí các tổ chức xã hội nghề nghiệp lại được cấp mã ngành, từ đó mở các lớp đào tạo liên tục. Thế nên, nhiều y – bác sĩ dù sinh hoạt khoa học – kỹ thuật, hội chẩn, báo cáo lâm sàng, các góp ý chuyên môn thường xuyên tại khoa, hội đồng bệnh viện nhưng không được tính vì bệnh viện không có mã ngành đào tạo. Vì vậy, y – bác sĩ lại phải đóng tiền đi học những nơi kém cỏi hơn rất nhiều để đủ điều kiện đào tạo liên tục nhằm gia hạn chứng chỉ hành nghề.

Đối với ngành y – dược, thực tiễn lâm sàng, học đi đôi với hành mới là điều quan trọng. Nhưng tiếc rằng ca lâm sàng hoạt động trực tiếp đến chuyên môn, điều trị lại chưa được tính KPI thay cho lý thuyết thực hành ở hội nghị, lớp học cấp CME để làm cơ sở cấp chứng chỉ hành nghề. Trong khi các buổi hội thảo, hội nghị, buổi học, khóa học chất lượng “thượng vàng hạ cám”, nếu như có sự “bắt tay” giữa trường, bệnh viện có cấp mã đào tạo thì coi như có chứng chỉ CME. Việc đào tạo, xây dựng chương trình kế hoạch còn giao phó cho trung gian cấp chứng chỉ/chứng nhận thì “tiền trao cháo múc”.

Nói đi phải nói lại, mọi thứ chưa như mong muốn nhưng không có nghĩa là “dở toàn tập”. Có những hội thảo, hội nghị hay lớp đào tạo nâng cao, chuyên sâu, với giảng viên, báo cáo viên là những bác sĩ, chuyên gia đầu ngành của nước ngoài, của thế giới ví dụ như về IVF (thụ tinh ống nghiệm), sản phụ khoa, nhi, tim mạch, ung bướu, tai mũi họng và cả răng hàm mặt cũng có chất lượng rất cao, đem đến cho người học những kiến thức, kỹ thuật mới hiện đại, an toàn… Có những hội thảo miễn phí cho các học viên chứ không hẳn là đều “quy ra thóc”.

Quá trình tìm hiểu các hội nghị, hội thảo có cấp CME, học phí, kinh phí đào tạo cũng bất nhất. Có những hội nghị, hội thảo được tài trợ, hỗ trợ từ các hãng dược, công ty, doanh nghiệp sản xuất, phân phối vật tư, sản phẩm tài trợ nhưng kinh phí lại không công khai, minh bạch. Trong khi đó, các công ty, tổ chức xã hội đứng ra tuyển sinh lại thu học phí theo tài khoản cá nhân.

Giới chuyên môn cho rằng đào tạo liên tục với mục tiêu ý nghĩa là nâng cao chất lượng y tế, chuyên môn là cần thiết nhưng làm sao để không bị biến tướng, không lợi ích nhóm đang cần “phương thuốc” hữu hiệu từ các nhà quản lý, hoạch định chiến lược. 

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 14-3

Nhìn thực trạng để điều chỉnh

Theo một giảng viên y dược tại TP HCM, Bộ Y tế đưa ra những quy định CME là có lý, giúp điều chỉnh các hoạt động ngày càng tốt hơn. Cần có hàng rào kỹ thuật với các tiêu chuẩn cụ thể, định lượng để thực hiện thay vì quy định chung chung. Nơi nào làm được thì thực hiện hoặc cố gắng làm tốt, nơi nào chưa tốt thì cố gắng thực hiện. “Mong rằng sau khi nhìn thẳng vào thực trạng, sẽ có những điều chỉnh hợp lý để chất và lượng CME ngày càng cao” – giảng viên này nhấn mạnh.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Tràn lan đào tạo y khoa liên tục (*): “Mượn đầu heo nấu cháo”

Trong quá trình tìm hiểu về hoạt động giảng dạy, đào tạo và cấp CME (đào tạo y khoa liên tục), chúng tôi phát hiện không ít vấn đề bất cập, bi hài.

Sôi động “chợ chứng chỉ”

Để tìm hiểu thực hư, trong vai người có nhu cầu tham gia các khóa đào tạo để được cấp CME, phóng viên Báo Người Lao Động đã vào “chợ chứng chỉ CME” trên Google. Sau cú click chuột, chúng tôi không khỏi hoa mắt trước hàng loạt khóa học đào tạo, hội nghị hội thảo về da liễu, thẩm mỹ và răng hàm mặt. Chỉ riêng về nha khoa, răng hàm mặt có tới trên dưới 10 Fanpage của các đơn vị, doanh nghiệp như Invenkey, cộng đồng y khoa Mesi, Dentistry of Excellence-D.O.E Viet Nam, MegaGen Tín Nha, Dentium Viet Nam, Khoa Răng – Hàm – Mặt của một trường đại học về y – dược ở TP HCM, phòng cấp chứng chỉ đào tạo liên tục… thông báo, quảng cáo và tuyển học viên. Điều đáng nói là các thông báo thường kèm theo nội dung về quyền lợi của học viên sẽ được cấp CME; rồi CME do Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TP HCM, Bệnh viện Răng Hàm Mặt TP HCM, Viện Răng Hàm mặt Trung ương, Trường Đại học Văn Lang, Trường Đại học Y Dược – ĐHQG Hà Nội, thậm chí còn thông báo CME do Bộ Y tế… cấp.

Tràn lan đào tạo y khoa liên tục (*):
Phóng viên Báo Người Lao Động vào đăng ký, được đơn vị mở khóa đào tạo gửi mẫu chứng chỉ và chứng nhận đào tạo liên tục

Phóng viên Báo Người Lao Động vào đăng ký, được đơn vị mở khóa đào tạo gửi mẫu chứng chỉ và chứng nhận đào tạo liên tục

Khóa nhẹ thì chương trình 4 hoặc 8 tiết. Khóa nặng thì 90 tiết, 160 tiết hoặc 200 tiết… Chi phí dành cho học viên tham gia cũng từ vài trăm ngàn đến hàng chục triệu đồng tùy theo từng khóa, nội dung chương trình cũng như số tiết.

Dẫn đầu trong các đơn vị tuyển sinh là Fanpage có tên “Phòng đào tạo quản lý YCME” thông báo tuyển sinh các khóa như: “Lớp đào tạo dinh dưỡng lâm sàng”; “Kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám, chữa bệnh”; “Lớp học quản lý bệnh viện”; “Lớp đào tạo quản lý chất lượng bệnh viện” 48 tiết (học và kiểm tra online qua Zoom); “Lớp đào tạo quản lý điều dưỡng” 56 tiết; “Lớp đào tạo sư phạm y học cơ bản” 80 tiết; “Quản lý trang thiết bị y tế” 40 tiết… Cam kết cấp chứng chỉ/chứng nhận CME chính quy được Bộ Y tế cấp phép.

Ngẫu nhiên tìm hiểu một số khóa học, chương trình, hội thảo cấp CME trong hàng chục thông báo, chúng tôi không khỏi đi từ bất ngờ này tới bất ngờ khác. Điều đáng nói là “các nhà tổ chức” không biết vô tình hay cố ý mà dùng Thông tư 22/2013/TT-BYT để dọa người học lấy CME thay vì áp dụng Thông tư 32/2023/TT-BYT.

Đầu tiên là hội thảo với chủ đề “Hạn chế tai biến với hướng dẫn phẫu thuật, ứng dụng từ tính trong Implant chân bướm, gò má” đăng tải trên Fanpage của Công ty TNHH Giải pháp y tế Invenkey. Theo đó, báo cáo viên là GS Baldi – hơn 25 năm kinh nghiệm chuyên sâu trong cấy ghép Implant và phẫu thuật trong miệng tại Ý và ThS-BS Đỗ Thanh Ân, chuyên gia chuyên sâu về Implant, là người sáng lập nhóm các bác sĩ phẫu thuật gò má – Vietnam Zygo Club. Chuyển ngữ là ThS-BS Trần Quang Khánh. Thời gian diễn ra hội thảo là ngày 11, 12-3-2024. Địa điểm tổ chức tại khách sạn Viễn Đông (275A Phạm Ngũ Lão, quận 1). Đăng ký qua hotline: Mr Linh: 098 660 9… hoặc Ms Hà: 097 666 9… hoặc inbox Page Công ty TNHH Giải pháp y tế Invenkey. Được biết, hội thảo này dự kiến sau đó sẽ diễn ra tại Hà Nội có khác là đơn vị cấp CME lại là Viện Răng Hàm Mặt Trung ương.

Liên hệ theo Fanpage và số điện thoại trên, chúng tôi nhận được thông báo chi phí để được tham gia hội thảo. Cụ thể, lý thuyết là 2 triệu đồng, thực hành là 6 triệu đồng. Nếu tham gia cả lý thuyết và thực hành thì đóng 7 triệu đồng. Nếu đăng ký sớm cho cả lý thuyết và thực hành thì phí 4,5 triệu đồng. Học viên đóng tiền vào tài khoản cá nhân mang tên H.T.H, Ngân hàng Vietcombank.

Trong khi Fanpage của Công ty TNHH Giải pháp y tế Invenkey chào mời học viên nếu tham gia sẽ được nhận chứng chỉ CME cấp bởi Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TP HCM. Liên hệ với này thì được lãnh đạo đơn vị khẳng định “hội thảo này lạ lắm, bệnh viện chúng tôi không liên quan đến hội thảo này”.

“Râu ông nọ cắm cằm bà kia”

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hội thảo này do Bệnh viện Răng Hàm Mặt TP HCM là đơn vị xin giấy phép tổ chức và cấp CME cho các học viên. Như vậy, Công ty TNHH Giải pháp y tế Invenkey không chỉ “lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia”, nhầm tên của 2 bệnh viện mà còn có dấu hiệu “mượn đầu heo nấu cháo”. Bởi địa điểm hội thảo diễn ra tại khách sạn, ca lâm sàng như thông báo thì diễn ra tại phòng khám, tài khoản người thu tiền trực tiếp của học viên là người của Công ty TNHH Giải pháp y tế Invenkey. Báo cáo viên và chuyển ngữ cũng thuộc đơn vị khác chứ không phải là nhân sự của Bệnh viện Răng Hàm Mặt TP HCM.

Ngày 12-3, theo lịch dự kiến của hội thảo, phóng viên Báo Người Lao Động tìm đến khách sạn Viễn Đông (275A Phạm Ngũ Lão, quận) 1 thì nhân viên khách sạn cho biết là không có hội thảo với chủ đề “Hạn chế tai biến với máng hướng dẫn phẫu thuật, ứng dụng từ tính trong Implant chân bướm, gò má” diễn ra nơi đây.

Tiếp tục liên hệ với Fanpage có tên “Khóa học chỉnh nha” thì bất ngờ chúng tôi nhận được lời chào và giới thiệu tự xưng từ phía Công ty Đại Nha (Công ty TNHH TM Thiết bị y tế Đại Nha, địa chỉ 212/75/5 Nguyễn Thiện Thuật, phường 3, quận 3), đơn vị đã tổ chức thành công hơn 70 khóa học chỉnh nha do bác sĩ H.Đ.T thuyết trình tại Hà Nội, Huế, TP HCM. Giờ đây, Công ty Đại Nha tổ chức “Khóa chỉnh nha tổng hợp” tại TP HCM diễn ra từ ngày 17-3-2024, địa điểm lầu 1, số 444 An Dương Vương, phường 4, quận 5. Học 4 đợt, tổng cộng 7 ngày. Đợt 1 và đợt 2 học 4 ngày. Đợt 3 và đợt 4 học 3 ngày. Học phí là 70 triệu đồng, chưa bao gồm phí ôn, thi và cấp chứng chỉ (18 triệu đồng) chia làm 2 lần đóng. Lần 1 giữ chỗ 30 triệu đồng, lần 2 vào khai giảng đóng nốt 40 triệu đồng. Hình thức thanh toán tiền mặt hoặc chuyển khoản với tài khoản hoặc địa chỉ 1 là Phòng khám chữa bệnh Nha khoa Hoàng Lê, địa chỉ 2 là Công ty Đại Nam. Cả 2 tài khoản đều mở tại Ngân hàng Vietcombank. Sau khi học xong “Khóa chỉnh nha tổng hợp”, học viên sẽ được nhận chứng nhận hoàn thành khóa học. Nếu bác sĩ răng hàm mặt, bác sĩ đa khoa có định hướng răng hàm mặt thì kể từ đợt 3 trở đi có thể đăng ký ôn và thi chứng chỉ đào tạo liên tục của Bệnh viện Trung ương Huế. Chi phí ôn và thi hiện là 18 triệu đồng, tới đợt ôn và thi công ty sẽ thông báo cho học viên.

Điều đáng nói là người đứng lớp là bác sĩ H.Đ.T được Fanpage giới thiệu là giảng viên thỉnh giảng của Trường Đại học Trung ương Huế, Trung tâm Đào tạo Bệnh viện Trung ương Huế (!?).

Không chịu thua kém, Fanpage mang tên “Cộng đồng y khoa Mesi” (Công ty CP Giải pháp y khoa quốc tế – Trung tâm giải pháp y khoa Mesi) do bà Tạ Thị Giang là giám đốc, cũng thông báo chiêu sinh khóa học như Minivis, phẫu thuật miệng. Tiền học đóng vào tài khoản mang tên M.H.T chi nhánh ngoài Hà Nội. Nhưng địa điểm học theo nhân viên tư vấn sẽ được tổ chức tại địa chỉ E.2.11 KDC Him Lam Phú Đông, số 1 Trần Thị Vững, TP Thủ Đức và lớp Phẫu thuật miệng do BS T.N.Q.P giảng dạy lại được cấp CME của… Trường Đại học Văn Lang (TP HCM).

Chưa hết, trong giấy chứng nhận của đơn vị này cấp cho học viên học chương trình “Cắn khớp ứng dụng trong phục hình thẩm mỹ”, Giám đốc Trung tâm giải pháp y khoa Mesi lại ký tên là Tạ Giang.

Ngoài ra, theo chứng chỉ CME do bác sĩ T.N.Q.P phụ trách khóa học “Chỉnh hình răng mặt cơ bản”, Trường Đại học Văn Lang cấp cho học viên vào tháng 9-2023, có giá trị 200 tiết học. Trong khi, khóa học “Chỉnh hình răng mặt” (khóa 19) cấp CME của Bệnh viện Răng Hàm Mặt TP HCM cấp tháng 3-2023 có giá trị 160 tiết học. Mà chương trình giảng dạy phải đăng ký, xin phép thông qua hội đồng xét duyệt, thẩm định và tính toán kỹ càng.

Không chỉ thi nhau tuyển sinh, bằng việc quảng cáo, thông báo tràn lan, thu phí vào tài khoản… mang tên cá nhân, mức thu linh động theo thời điểm…, chúng tôi còn gặp phải một số “đơn vị tổ chức”, công ty, doanh nghiệp sẵn sàng giảm học phí nếu học viên mua vật tư, thiết bị của doanh nghiệp.

Cụ thể như Fanpage có tên Megagen Tín Nha mở khóa học Cấy ghép Implant do bác sĩ P.T.C và bác sĩ L.V.D phụ trách có cấp chứng chỉ CME 16 tiết do Trường Đại học Y Dược – ĐHQG Hà Nội cấp nhưng học phí có thể giảm 1/2 (15/30 triệu đồng khóa học) nếu học viên mua sản phẩm của công ty.

Trong khi đó, Fanpage có tên Dentium Việt Nam thông báo chiêu sinh khóa học “Phẫu thuật nha chu thẩm mỹ và nha khoa kỹ thuật số” do báo cáo viên đến từ Hàn Quốc, được chuyển ngữ bởi giảng viên bộ môn nha chu thuộc Khoa Răng Hàm Mặt Đại học Y Dược TP HCM. Điều đáng nói là khi phóng viên Báo Người Lao Động mang giấy giới thiệu đến để tìm hiểu vì sao Đại học Y Dược TP HCM cấp CME nhưng thông báo lại gắn logo của Khoa Răng Hàm Mặt chứ không phải của Trường Đại học Y dược TP HCM. Đồng thời, để Dentium Việt Nam thông báo chiêu sinh…

Vậy khóa học này do ai tổ chức và có đúng theo quy định hay không? 

(Còn tiếp)

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 14-3

“Đào tạo liên tục với mục tiêu ý nghĩa cần thiết là nâng cao chất lượng y tế, chuyên môn nhưng làm sao để không biến tướng, không lợi ích nhóm và phải bảo đảm chất lượng… mới là quan trọng”.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Tràn lan đào tạo y khoa liên tục: Thả nổi đào tạo

Do y – bác sĩ phải cập nhật kiến thức, tham gia CME tối thiểu 120 giờ tín chỉ trong 5 năm liên tục để gia hạn giấy phép hành nghề, nên nhiều đơn vị có hoặc không có mã ngành đã quảng cáo, thông báo mở lớp tràn lan, trong khi chất lượng thì thả nổi

Câu chuyện bắt đầu từ lời than vãn của bác sĩ chuyên khoa II L.H.H (vì lý do tế nhị nên chúng tôi sẽ viết tắt hoặc giấu tên) trong một khóa đào tạo cấp chứng chỉ CME (Continuing Medical Education) đầu năm 2024 do một bệnh viện tuyến trung ương tổ chức.

Học để đối phó

Báo cáo viên là một bác sĩ nội trú báo cáo về một số ca lâm sàng trong lĩnh vực khám, xử trí và điều trị bệnh lý về mắt trước một lớp học trực tuyến với khoảng trên dưới 100 học viên là bác sĩ chuyên khoa mắt. Sau khi nghe báo cáo viên trình bày, một số học viên đặt câu hỏi. Khi báo cáo viên lúng túng chưa biết trả lời thế nào với câu hỏi hóc búa từ học viên thì chủ tọa buổi hội thảo hôm ấy (là một TS-BS tên H.) đã vội vã “cứu bồ” bằng lý do rằng: “Đây là một buổi báo cáo một số ca lâm sàng”. Ứng xử đối phó này là mau lẹ nhưng kiến thức để truyền đạt của báo cáo viên khiến mọi người “cười ra nước mắt”.

“Thôi thì “tiền nào của đó”, mình đóng 200.000 đồng, học một buổi trực tuyến qua Zoom, làm xong bài test, một tuần sau là nhận CME tương đương 4 tiết. Nói thật, tham gia khóa học, ca lâm sàng mà báo cáo viên trình bày trước lớp không hơn gì mấy ca mình gặp ở bệnh viện. Nội dung cũng không có gì mới, báo cáo viên trình bày lúng ta lúng túng, học viên hỏi một đằng trả lời một nẻo, không biết có chứng chỉ sư phạm không?…” – bác sĩ L.H.H bày tỏ.

“Nhưng có còn hơn không. Nhiều y – bác sĩ ở các bệnh viện tuyến dưới, ở tỉnh dù muốn dù không cũng phải tích góp cho đủ KPI (chỉ số đo lường hiệu quả, hiệu suất công việc) tín chỉ để sau này còn gia hạn giấy phép hành nghề. Đó mới là cái chính. Từ Tết đến giờ mình tranh thủ đầu năm còn rảnh rỗi “gom được” 30 giờ tín chỉ rồi” – bác sĩ L.H.H tâm sự thêm.

Theo bác sĩ L.H.H, Thông tư 32/TT-BYT quy định bác sĩ phải cập nhật kiến thức chuyên môn qua việc tham gia đào tạo liên tục với số lượng 120 giờ tín chỉ/5 năm. Điều đáng nói là dù luật và thông tư quy định bác sĩ tham gia đào tạo liên tục không chỉ có hình thức tham gia các lớp chuyên môn mà còn có thể cập nhật kiến thức từ việc tham gia hội nghị, hội thảo hay giảng dạy, làm luận án, luận văn và cả tham gia hội chẩn, sinh hoạt chuyên môn của bệnh viện, khoa…

Tràn lan đào tạo y khoa liên tục: Thả nổi đào tạo - Ảnh 1.

Giá như ngoài việc theo học, tham dự hội nghị, hội thảo để cập nhật kiến thức mới, kỹ thuật, phương pháp mới nhằm nắm vững, nâng cao chuyên môn, tay nghề có tính CME thì các buổi sinh hoạt khoa học – kỹ thuật bệnh viện, hội chẩn, báo cáo ca lâm sàng điển hình tại khoa, bệnh viện cũng được tính tín chỉ một cách sòng phẳng. Như vậy đỡ gánh nặng, áp lực cho rất nhiều y – bác sĩ. Họ có cơ hội lựa chương trình chất lượng, xứng đáng với công sức bỏ ra.

“Tuy nhiên, “luật một đằng, quy định hướng dẫn một nẻo”, sinh hoạt chuyên môn kỹ thuật, hội chẩn… bệnh viện, liên chuyên khoa, khoa chúng tôi có đủ nhưng nếu bệnh viện chưa được cấp mã ngành thì còn lâu mới được tính. Bởi theo quy định, hiện chỉ có một số viện, bệnh viện, trường có cấp mã ngành mới được cấp CME và được tính vào. Còn bệnh viện mình đang công tác dù là một bệnh viện lớn nhưng không có mã ngành nên đành phải đi “tầm sư học đạo” cho đủ KPI” – bác sĩ L.H.H phân trần.

Quá trình tìm hiểu, phóng viên Báo Người Lao Động đã ngẫu nhiên tham khảo ý kiến của hơn 10 y – bác sĩ, dược sĩ thì đa số cho rằng cách tổ chức, cấp phép đào tạo cấp CME hiện có quá nhiều bất cập, có không ít hội nghị, hội thảo là cơ hội giới thiệu sản phẩm cho hãng, doanh nghiệp và không khác nào “chợ chứng chỉ CME”.

Tràn lan đào tạo y khoa liên tục: Thả nổi đào tạo - Ảnh 2.

Tràn lan thông báo tuyển sinh đào tạo liên tục (CME)

“Vỗ béo” đơn vị cấp mã ngành

Phải công nhận rằng đào tạo liên tục, cập nhật kiến thức thời gian qua góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng chuyên môn cho lực lượng y tế. Tuy nhiên, làm sao để bảo đảm chất lượng, công bằng, hợp lý, tránh tổ chức tràn lan, lãng phí và ngăn chặn lợi ích nhóm là điều đáng bàn.

“Khổ nỗi y – bác sĩ bệnh viện công không phải ai xin đi học cũng được thủ trưởng bố trí. Có những trường hợp nếu thủ trưởng đơn vị tạo điều kiện thì dễ thở, chứ có những nơi xin đi học không được duyệt mới là gay go. Như chúng tôi, muốn đi học thì vừa phải bỏ tiền túi ra vừa phải tự sắp xếp thời gian công việc, thời gian tại bệnh viện lẫn phòng khám cho phù hợp” – bác sĩ L.H.H nói.

Với tiêu chí cứng nhắc như hiện nay, người học cập nhật kiến thức cũng “hên xui”. Có những lớp, hội nghị, hội thảo chất lượng, bổ sung kiến thức nhưng cũng có những chương trình “bổ ngửa”. Bởi vậy, trong số không ít y – bác sĩ đi học nhằm cập nhật, nâng cao chuyên môn thì cũng có những y – bác sĩ tham gia “đào tạo liên tục” chỉ để có đủ giờ tín chỉ nhằm đối phó đủ điều kiện để gia hạn giấy phép hành nghề theo quy định.

Theo thống kê năm 2023 của Bộ Y tế, ước tính bình quân 12,5 bác sĩ và khoảng 32 giường bệnh/10.000 người dân, cả nước có hàng trăm ngàn nhân viên. Trong khi đó, số đơn vị có mã ngành đào tạo liên tục hiện rất ít, chưa đủ đáp ứng nhu cầu. Bởi vậy, nhiều trường, viện, bệnh viện, tổ chức xã hội nghề nghiệp sau khi được cấp mã ngành thời gian qua đã “bán cái” cho các hãng, công ty, doanh nghiệp tổ chức xã hội khác để đứng ra “tuyển sinh”. Như vậy, khác nào “nuôi béo” các đơn vị tổ chức?

Nếu tính bình quân một bác sĩ với 200.000 đồng đến 300.000 đồng cho 2 – 3 giờ tín chỉ thì với số lượng nhân viên y tế hiện nay, tổng số tiền bỏ ra để lấy KPI cho CME (tối thiểu 120 giờ tín chỉ) trong 5 năm tính ra cũng hàng trăm ngàn tỉ đồng. Trong 5 năm gia hạn giấy phép hành nghề của y – bác sĩ chi ra để có CME quả là số tiền khổng lồ. Điều quan trọng là giá trị đem lại có xứng với công sức bỏ ra không?

“Là người lao động trong thời kỳ 4.0, không chỉ ngành y mà các ngành khác, ai cũng phải nỗ lực học hỏi, nâng cao tay nghề thì mới đáp ứng được nhu cầu và sự phát triển của xã hội để không bị tụt hậu, đào thải. Cho dù ngành y là một ngành đặc biệt nhưng có hay không việc bắt buộc nhân viên y tế muốn có giấy phép hành nghề thì phải đi học, trong khi lại đang “ưu ái cho nhóm đào tạo” được cấp mã ngành? Có những đơn vị, trường, tổ chức xã hội dù được cấp mã đào tạo nhưng giảng viên của các tổ chức này là ai, có phải lực lượng cơ hữu không, nếu so với các bệnh viện thì cơ sở vật chất và môi trường học tập chưa biết “mèo nào cắn mỉu nào” – một bác sĩ đặt vấn đề.

Theo một số bác sĩ, cần đa dạng loại hình như luật quy định. Cũng như lấy KPI lâm sàng của nhân viên y tế rồi mới cộng với KPI tham gia học, tham dự hội nghị, hội thảo… nhằm làm cơ sở. Đồng thời, cấp mã đào tạo cho các bệnh viện hạng 1, hạng 2 theo một số tiêu chuẩn mở.

Một điều khiến dư luận bất bình nữa là trong khi tiền lương nhân viên y tế ở nước ta còn thấp thì việc buộc nhân viên y tế phải thêm gánh nặng để duy trì giấy phép hành nghề bằng “giấy phép con” CME liệu có thỏa đáng?

Quá trình tìm hiểu các hội nghị, hội thảo có cấp CME, chúng tôi nhận thấy học phí, kinh phí đào tạo cũng bất nhất. Có những hội nghị, hội thảo được tài trợ, hỗ trợ từ các hãng dược, công ty, doanh nghiệp sản xuất, phân phối vật tư, sản phẩm tài trợ nhưng kinh phí lại không công khai, minh bạch. Trong khi đó, các công ty, tổ chức xã hội đứng ra tuyển sinh lại thu học phí theo tài khoản cá nhân. Số tiền đó vào túi ai? 

Khảo sát “bỏ túi” ngẫu nhiên với 10 bác sĩ đều cho rằng cập nhật liên tục là rất cần thiết, song để được có chứng chỉ hành nghề phải có CME 120 giờ tín chỉ mà chỉ bằng hình thức hội nghị, học hành như hiện nay là chưa hợp lý, hợp tình.

(Còn tiếp)

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Bất ngờ với chiêu giải rượu, bia hiệu quả tức thì

Rượu, bia là thứ đồ uống được dùng phổ biến, nhất là trong những dịp nghỉ lễ, liên hoan, gặp gỡ người thân, bạn bè.

Trong văn hóa của người Việt, trên những bàn ăn, bữa tiệc trong dịp lễ Tết thì hầu như không thể thiếu ly bia, chén rượu. Tuy nhiên, uống nhiều rất dễ bị say, thậm chí có thể dẫn đến ngộ độc rượu.

Bất ngờ với chiêu giải rượu, bia hiệu quả tức thì- Ảnh 1.

Tết đến, xuân về, mời nhau chén rượu, ly bia cũng là văn hóa của nhiều người Việt

Những đồ ăn, thức uống rất quen thuộc trong đời sống hàng ngày dưới đây có thể giúp những ai lỡ “quá chén” trong ngày Tết hoặc người có tửu lượng kém nhanh tỉnh táo, phục hồi sức khoẻ.

Nước

Nước lọc là phương pháp giải rượu tốt nhất và dễ tìm nhất trong nhà, nước sẽ giúp pha loãng lượng rượu bia trong cơ thể người xỉn, đào thải các chất độc nhanh qua đường tiết niệu.

Cam, quýt, chanh, bưởi, dưa hấu

Hãy ép hoặc cắt 3 – 5 quả cam hoặc quýt tươi cho người say rượu bia uống hoặc ăn trực tiếp. Nó sẽ giúp hóa đờm, hạ khí, giải khát, giải rượu. Sử dụng một cốc nước ấm vắt chanh, cho thêm ít đường sau đó uống vào sẽ giúp giải được rượu.

Ngoài ra, ăn bưởi hoặc uống nước bưởi ép cũng có tác dụng làm tỉnh rượu và giải ngộ độc rượu.

Dưa hấu có tác dụng lợi tiểu, vì vậy ngay sau khi uống rượu xong, bạn có thể ăn ngay một miếng dưa hấu, hoặc uống nước ép dưa hấu có thể làm cho rượu trong cơ thể đào thải nhanh theo đường nước tiểu, cơ thể sẽ tự nhiên cảm thấy sảng khoái và tỉnh táo hơn.

Chuối

Bất ngờ với chiêu giải rượu, bia hiệu quả tức thì- Ảnh 2.

Nhờ hàm lượng đường cao, ăn chuối tiêu sẽ giúp tăng đường huyết, giảm độ cồn trong máu

Ăn 1-3 trái chuối sẽ giúp làm giảm cảm giác hồi hộp, đau tức ngực sau khi uống rượu. Vì chuối có thể làm tăng lượng đường đồng thời làm giảm nồng độ cồn trong máu. Mặt khác, nó cũng có thể loại bỏ các cơn đánh trống ngực, đau thắt ngực, và các triệu chứng khác.

Bột sắn dây

Bạn cho người say uống một ly bột sắn dây thêm vài giọt chanh giúp mát gan, đào thải độc tố, giảm cơn say và đau đầu vào ngày hôm sau.

Chè xanh

Chất tanin trong trà có thể khử độc cồn cấp tính, chữa trị các hiện tượng hôn mê, ức chế hô hấp. Vì thế, trước khi tàn cuộc nhậu, hãy uống một cốc chè xanh nóng, bạn sẽ thấy tỉnh táo hơn. Ngoài ra, cho người say uống trà xanh sẽ giúp họ lấy lại sự tỉnh táo.

Bất ngờ với chiêu giải rượu, bia hiệu quả tức thì- Ảnh 3.

Chất tanin trong trà có thể khử độc cồn cấp tính

Nước cơm, cháo

Dùng nước cơm đặc hoặc cháo để cho người say giải rượu, vì trong nước cơm/cháo có nhiều loại đường, vitamin B, giải độc nhanh, tỉnh rượu mau.

Nước gừng tươi

Gừng có tính cay, nóng giúp ấm bụng, hạn chế đau đầu, giảm buồn nôn, hóa giải nhanh chất cồn có trong người giúp giải rượu, bia nhanh chóng và an toàn. Dùng vài lát gừng tươi đun nóng với 100 ml nước, nếu có sẵn mật ong thì cho thêm vài giọt khuấy đều rồi uống.

Bất ngờ với chiêu giải rượu, bia hiệu quả tức thì- Ảnh 4.

Trà gừng sẽ làm dịu dạ dày, chất chống co thắt, làm thư giãn hệ tiêu hóa

Nếu không dùng gừng tươi có thể sử dụng trà gừng. Trà gừng sẽ làm dịu dạ dày, chất chống co thắt, làm thư giãn hệ tiêu hóa, giảm thiểu đầy hơi và chống lại sự buồn nôn, đồng thời giúp bổ sung vitamin B và giảm tác dụng bất lợi của rượu trên niêm mạc ruột.

Chè đỗ đen

Chè đậu đen có tính mát, giúp thanh nhiệt và an toàn cho sức khỏe. Do đó nó hỗ trợ giải rượu rất tốt. Khi say rượu dùng chè đậu đen sẽ giúp bạn bù nước, tỉnh rượu, thúc đẩy cơ thể hồi phục nhanh hơn. Ngoài ra, uống nước đậu đen rang cũng là cách giải rượu hữu ích.

Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý, những cách thức trên chỉ giúp bạn cảm thấy thoải mái, dễ chịu, giảm đau đầu và tỉnh nhanh hơn sau cơn say chứ không làm giảm đi tác hại của rượu với cơ thể.

Làm gì khi say rượu, ngộ độc rượu?

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, số các ca ngộ độc rượu vào cấp cứu có xu hướng gia tăng vào dịp trước và sau Tết Nguyên đán do nhu cầu ăn uống, liên hoan có sử dụng rượu, bia.

Do đó, mỗi người nên tự biết “tửu lượng” của mình và uống rượu ở một chừng mực nhất định.

Tuy nhiên, khi người thân bị ngộ độc rượu thì kỹ năng xử lý ban đầu rất quan trọng để tình trạng không bị diễn biến nặng lên, giúp họ tỉnh táo nhanh hơn.

Bất ngờ với chiêu giải rượu, bia hiệu quả tức thì- Ảnh 5.

Chè đậu đen có tính mát, giúp thanh nhiệt và an toàn cho sức khỏe, hỗ trợ giải rượu rất tốt

Trong trường hợp bệnh nhân có thể ăn được thì nên cho bệnh nhân ăn, chú ý bổ sung thêm gluxit, các chất đường bởi bệnh nhân bị ngộ độc rượu rất dễ bị tụt đường huyết do bản thân rượu gây ra.

Nếu có cảm giác buồn nôn, hãy cố gắng nôn hết những gì có thể. Nôn là phản ứng tự nhiên giúp cơ thể loại bỏ các độc tố.

Theo bác sĩ Nguyên, một biện pháp cũng rất quan trọng chính là bù nước và bù muối cho bệnh nhân. Khi say, người ta thường nôn nhiều, vã mồ hôi, không ăn được dẫn đến tình trạng mất nước, mất điện giải.

Bất ngờ với chiêu giải rượu, bia hiệu quả tức thì- Ảnh 6.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên thông tin về tình trạng ngộ độc rượu

“Trong trường hợp này, phương pháp bù nước, bù muối hiệu quả và dễ thực hiện ngay tại nhà chính là cho uống nước hoa quả, uống nước chanh pha muối, nước oresol, nước khoáng có muối… Người bị say rượu tới mức ngộ độc rượu, tùy theo thể trạng, mà có thể chăm sóc tại nhà hay đưa đến cơ sở y tế. Cần đặc biệt theo sát để đề phòng các biến chứng, diễn biến xấu xảy ra để cấp cứu kịp thời”- bác sĩ Nguyên khuyến cáo.

Theo các chuyên gia y tế, thời gian để cơ thể âm tính với nồng độ cồn sau khi uống rượu bia không chỉ phụ thuộc vào lượng tiêu thụ mà còn ảnh hưởng bởi đặc điểm sinh học, thể trạng của từng cá nhân.

Không có con số chính xác về thời gian cần để cơ thể hoàn toàn đào thải nồng độ cồn. Rượu, bia có thể được phát hiện thông qua xét nghiệm nước tiểu, kiểm tra hơi thở, thậm chí trên tóc. Sau 6-12 giờ, nồng độ cồn vẫn đo được trong máu; sau 12-24 giờ, nồng độ cồn vẫn đo được trong khí thở; sau 36 giờ vẫn đo được trong nước tiểu và sau 72 giờ vẫn đo được khi xét nghiệm mẫu tóc.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Tỉ suất mắc và tử vong do ung thư liên tục tăng

Ngày 20-12, chia sẻ tại hội nghị khoa học toàn quốc kết hợp Đông – Tây y trong chẩn đoán, điều trị và chăm sóc giảm nhẹ bệnh nhân ung thư do Hội Đông y Việt Nam tổ chức, bác sĩ Lê Công Định, Phụ trách Khoa Chăm sóc giảm nhẹ Bệnh viện ung bướu Hà Nội, cho biết số ca mắc và tử vong do ung thư ở Việt Nam tăng gấp 3 lần trong 30 năm (1990-2020).

Ước tính, cả nước hiện có khoảng 353.000 người sống chung với ung thư. Hàng năm có hơn 180.000 ca mới và hơn 120.000 ca tử vong do ung thư. Bình quân cứ 100.000 người Việt có 159 ca được chẩn đoán mắc mới ung thư và 106 trường hợp tử vong.

Tỉ suất mắc và tử vong do ung thư liên tục tăng- Ảnh 1.

Bác sĩ Lê Công Định chia sẻ về gánh nặng ung thư tại Việt Nam

Thứ hạng về tỉ suất mắc mới và tử vong do ung thư của Việt Nam cũng ngày càng tăng. Nếu năm 2018, tỉ suất mắc mới của Việt Nam xếp thứ 99 trên 185 nước thì sau 2 năm, vị trí này tăng lên 91. Tương tự với tỉ suất tử vong, từ thứ 56 lên 50.

Từ thực tế điều trị, các chuyên gia cho rằng một trong số các nguyên nhân khiến số ca tử vong do ung thư cao vì bệnh nhân nhận chẩn đoán muộn, tức là được phát hiện muộn.

Theo thống kê, tỉ lệ nhận chẩn đoán ở giai đoạn sớm chỉ 20-30%, tỉ lệ tử vong sau 1 năm sau khi phát hiện ung thư là 24%.

PGS-TS Đậu Xuân Cảnh, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam, cho biết ung thư là một trong những thách thức lớn nhất của y học hiện đại. Việt Nam đã có nhiều tiến bộ trong phẫu thuật, xạ trị, điều trị toàn thân và điều trị giảm nhẹ, nhưng y học vẫn tìm kiếm những phương pháp mới, kết hợp Đông – Tây y để cải thiện chất lượng sống cho bệnh nhân.

Tại nhiều cơ sở y tế ở nước ta đã kết hợp Đông – Tây y hỗ trợ, điều trị bệnh lý ung bướu. Đơn cử, tại Viện Y dược học dân tộc TP HCM, các bác sĩ sử dụng “liệu pháp 4T” gồm: Tinh thần, tâm lý – Thực phẩm – Tập luyện và Thuốc, các phương pháp không dùng thuốc.

Tỉ suất mắc và tử vong do ung thư liên tục tăng- Ảnh 2.

Thăm khám, tư vấn cho bệnh nhân ung thư tại Bệnh viện K

Bác sĩ Nguyễn Tuấn Anh, Phó trưởng Khoa nội ung bướu, Viện Y dược học dân tộc TP HCM, cho biết Đông y có thế mạnh là điều trị tổng thể, nâng cao thể trạng bệnh nhân, bù đắp những nhược điểm của Tây y. Năm 2023 cơ sở này đã điều trị nội trú cho hơn 2.000 lượt bệnh nhân ung thư áp dụng “liệu pháp 4T” và ghi nhận những kết quả tích cực.

Nhu cầu chăm sóc giảm nhẹ ngày càng tăng cao

Cũng theo các chuyên gia nhu cầu chăm sóc giảm nhẹ với bệnh nhân ung thư ngày càng tăng trong khi các khoa chăm sóc giảm nhẹ tại bệnh viện công lập luôn trong tình trạng quá tải.

Tại Khoa Chăm sóc giảm nhẹ của Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, từ năm 2017 đến nay, mỗi năm tiếp nhận khoảng 3.300 bệnh nhân nội trú, gấp 3 lần năm 2010.

“Nhiều người hiểu sai khi chăm sóc giảm nhẹ chỉ giành cho bệnh nhân giai đoạn cuối, không thể can thiệp điều trị hơn. Theo quan điểm hiện đại, việc chăm sóc giảm nhẹ một cách toàn diện được tiếp cận sớm hơn, ngay khi bệnh nhân nhận chẩn đoán, trong quá trình điều trị, chăm sóc cuối đời…”- bác sĩ Định chia sẻ.

Sức khỏe | Báo Người Lao Động Online

Dịch Covid-19 hôm nay: Ca mắc tiếp tục giảm với 1.895 F0, 2 trường hợp tử vong

Về tình hình dịch Covid-19 hôm nay, Bộ Y tế cho biết từ 16 giờ ngày 13-5 đến 16 giờ ngày 14-5, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 1.895 ca nhiễm mới đều là ca mắc trong nước (giảm 331 ca so với ngày trước đó) tại 46 tỉnh, thành phố (có 1.585 ca trong cộng đồng).

Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: Hà Nội (489), Nghệ An (115), Quảng Ninh (95), Vĩnh Phúc (92), Phú Thọ (92), Yên Bái (86), Tuyên Quang (81), Thái Bình (66), Quảng Bình (54), Bắc Kạn (52), Lào Cai (51), Thái Nguyên (47), TP HCM (45), Hà Nam (41), Lâm Đồng (38), Lai Châu (34), Nam Định (30), Đà Nẵng (27), Lạng Sơn (26), Ninh Bình (24), Hưng Yên (22), Hà Tĩnh (22), Đắk Nông (22), Hải Phòng (22), Bình Dương (22), Sơn La (21), Cao Bằng (21), Điện Biên (16), Hải Dương (15), Hòa Bình (13), Bình Định (13), Phú Yên (12), Bình Phước (11), Thanh Hóa (10), Hà Giang (10), Bắc Giang (9), Gia Lai (8 ), Quảng Trị (7), Tây Ninh (7), Cần Thơ (5), Bình Thuận (5), Bà Rịa – Vũng Tàu (5), Đồng Nai (4), Khánh Hòa (4), Đồng Tháp (2), Cà Mau (2).

Dịch Covid-19 hôm nay: Thêm 1.895 ca nhiễm mới và 2 trường hợp tử vong - Ảnh 1.

Bản đồ dịch Covid-19- Nguồn: Bộ Y tế

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Đắk Lắk (114), Bắc Ninh (70), Phú Thọ (28).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Lai Châu (23), Hà Nam (12), Đắk Nông (12).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 2.589 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 10.695.036 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 104/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 108.069 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.687.283 ca, trong đó có 9.346.775 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.594.640), TP HCM (608.929), Nghệ An (483.429), Bắc Giang (386.439), Bình Dương (383.645).

Trong ngày, có 5.563 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 9.349.592 ca. Số bệnh nhân đang thở ôxy là 340 ca.

Trong 24 giờ qua, cả nước ghi nhận 2 ca tử vong tại: Bạc Liêu (1), Khánh Hoà (1). Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 1 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.065 ca, chiếm tỉ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 25/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).

Trong ngày 13-5 có 295.572 liều vắc-xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc-xin đã được tiêm là 216.808.145 liều, trong đó:

Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 197.015.879 liều: Mũi 1 là 71.466.319 liều; Mũi 2 là 68.676.726 liều; Mũi 3 là 1.506.116 liều; Mũi bổ sung là 15.253.721 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 40.090.139 liều; Mũi nhắc lại lần 2 là 22.858 liều.

Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.401.001 liều: Mũi 1 là 8.917.787 liều; Mũi 2 là 8.483.214 liều.

Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 2.391.265 liều: Mũi 1 là 2.389.589 liều; Mũi 2 là 1.676 liều.

D.Thu

NLĐO – Sức khỏe – RSS Feed

Dịch Covid-19 hôm nay: Cả ghi nhận 28.307 F0, số tử vong tiếp tục giảm sâu

Về tình hình dịch Covid-19 hôm nay 10-4, Bộ Y tế cho biết từ 16 giờ ngày 9-4 đến 16 giờ ngày 10-4, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 28.307 ca nhiễm mới, giảm 5.831 ca so với ngày trước đó tại 62 tỉnh, thành phố (có 20.635 ca trong cộng đồng).

Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: Hà Nội (2.181), Bắc Giang (1.533), Nghệ An (1.525), Yên Bái (1.510), Lào Cai (1.219), Phú Thọ (1.203), Tuyên Quang (1.155), Quảng Ninh (1.086), Vĩnh Phúc (938), Thái Bình (918), Bắc Kạn (848), Quảng Bình (840), TP HCM (770), Thái Nguyên (758), Lạng Sơn (721), Bắc Ninh (590), Đắk Lắk (548), Cao Bằng (515), Lâm Đồng (505), Hà Giang (460), Hải Dương (441), Sơn La (417), Hà Tĩnh (409), Gia Lai (399), Hà Nam (398), Quảng Trị (376), Vĩnh Long (348), Tây Ninh (346), Bình Định (340), Hưng Yên (338), Nam Định (316), Bình Phước (299), Ninh Bình (298), Lai Châu (288), Bến Tre (275), Quảng Nam (247), Hòa Bình (243), Điện Biên (242), Thanh Hóa (235), Bình Dương (218), Đà Nẵng (199), Cà Mau (198), Phú Yên (184), Đắk Nông (174), Quảng Ngãi (173), Thừa Thiên Huế (171), Bà Rịa – Vũng Tàu (138), Bình Thuận (108), Kiên Giang (94), Khánh Hòa (85), Hải Phòng (85), An Giang (84), Trà Vinh (70), Bạc Liêu (63), Long An (59), Ninh Thuận (28), Đồng Nai (27), Kon Tum (25), Đồng Tháp (21), Cần Thơ (16), Hậu Giang (7), Tiền Giang (2).

Dịch Covid-19 hôm nay: Cả ghi nhận 28.307 F0, số tử vong tiếp tục giảm sâu - Ảnh 1.

Bản đồ dịch Covid-19- Nguồn: Bộ Y tế

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Đắk Lắk (662), Phú Thọ (449), Bắc Giang (423).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Tuyên Quang (196), TP HCM (134), Bình Thuận (18).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 42.928 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 10.198.236 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 110/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 103.136 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.190.492 ca, trong đó có 8.529.706 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.522.262), TP HCM (601.886), Nghệ An (415.171), Bình Dương (381.599), Bắc Giang (374.531).

Trong ngày, có 34.991 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 8.532.523 ca. Số bệnh nhân đang thở ôxy là 1.403 ca.

Trong 24 giờ qua, cả nước ghi nhận 19 ca tử vong tại: Kiên Giang (3), Phú Yên (3 ca trong 2 ngày), Trà Vinh (3 ca trong 2 ngày), Bình Phước (2), Bình Dương (1), Cần Thơ (1), Đồng Tháp (1), Hà Tĩnh (1), Hải Dương (1), Sóc Trăng (1), Thái Nguyên (1), Vĩnh Long (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 30 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 42.813 ca, chiếm tỉ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 25/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).

Ngày 9-4 có 64.501 liều vắc-xin Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc-xin đã được tiêm là 208.525.313 liều, trong đó:

Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 191.297.798 liều: Mũi 1 là 71.382.102 liều; Mũi 2 là 68.487.414 liều; Mũi 3 là 1.505.536 liều; Mũi bổ sung là 15.008.830 liều; Mũi nhắc lại là 34.913.916 liều.

Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.227.515 liều: Mũi 1 là 8.822.709 liều; Mũi 2 là 8.404.806 liều.

Hà Nội thêm 2.181 F0, tỉ lệ tử vong 0,08% tổng số ca mắc

Các bệnh nhân ghi nhận trong 24 giờ qua được phân bố tại 379 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Thanh Trì (186), Long Biên (167), Hoàng Mai (149), Sóc Sơn (137), Hà Đông (104).

Như vậy, cộng dồn số mắc Covid-19 tại Hà Nội trong đợt dịch thứ tư, tính từ ngày 29-4-2021 đến nay là 1.522.800 ca.

Cũng theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, tính đến nay, toàn thành phố còn gần 149.700 ca Covid-19 đang điều trị, theo dõi, giảm gần 900 ca so với ngày trước đó. Trong đó, số ca phải điều trị ở bệnh viện chỉ còn 654 người, giảm 20 ca; số còn lại hơn 149.000 ca theo dõi cách ly tại nhà.

Hôm qua 9-4, Hà Nội không ghi nhận ca tử vong do Covid-19. Như vậy, tính từ ngày 29-4-2021 đến nay, thành phố có 1.331 người tử vong do Covid-19 (chiếm tỷ lệ 0,08% tổng số ca mắc).

Về tiêm vắc-xin phòng Covid-19, các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội báo cáo đã tiêm được gần 4,2 triệu liều nhắc lại (đạt 88%). Ngoài ra, có thêm 139.200 mũi nhắc lại được tiêm bởi các bệnh viện trên địa bàn thành phố. Như vậy, 91% người dân từ 18 tuổi trở lên ở Thủ đô đã được tiêm vắc-xin Covid-19 mũi nhắc lại. Cùng với đó, gần 100% người dân cần tiêm mũi bổ sung cũng đã được tiêm vắc-xin phòng Covid-19.

B.H.Thanh

D.Thu

NLĐO – Sức khỏe – RSS Feed

Ghi nhận 7.734 ca mắc Covid-19, dịch ở Hà Nội tiếp tục hạ nhiệt

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hà Nội cho biết từ 18 giờ ngày 31-3 đến 18 giờ ngày 1-4, TP Hà Nội ghi nhận 7.734 ca mắc Covid-19 mới, trong đó có 2.076 ca cộng đồng, 5.658 ca đã cách ly.

Các bệnh nhân phân bố tại 329 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã.

Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hà Đông (813); Long Biên (470); Sóc Sơn (462); Hoàng Mai (356); Bắc Từ Liêm (338); Nam Từ Liêm (329).

Cộng dồn số mắc Covid-19 tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29-4-2021) là 1.483.054 ca.

Hiện nay, dịch Covid-19 trên địa bàn Hà Nội đã có dấu hiệu hạ nhiệt và được kiểm soát. Nếu như đầu tháng 3-2022, số ca mắc Covid-19 gia tăng mạnh, thậm chí có ngày ghi nhận số mắc kỷ lục (hơn 32.600 ca trong ngày 8-3) thì nay đã hạ nhiệt còn khoảng gần 8.000 ca/ngày. Cùng với đó, người bệnh được sử dụng thuốc kháng virus sớm, giảm tỉ lệ nhập viện và giảm tỉ lệ tử vong do Covid-19.

Theo số liệu từ Cục Quản lý khám chữa bệnh thuộc Bộ Y tế, cập nhật đến 31-3, Hà Nội có gần 194.000 ca mắc Covid-19 theo dõi, điều trị tại nhà; 156 bệnh nhân đang điều trị tại khu cách ly, 1.254 bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện (chiếm 0,63% tổng ca đang theo dõi, điều trị).

Số F0 phải nhập viện và F0 nặng, nguy kịch tại Hà Nội đang giảm dần trong thời gian gần đây. Hiện tỷ lệ bệnh nhân Covid-19 diễn biến nặng, nguy kịch tại Hà Nội chỉ khoảng 0,1% tổng số ca đang theo dõi, điều trị.

Trong số các bệnh nhân đang điều trị tại viện có 896 F0 ở mức độ trung bình, 199 ca nặng, nguy kịch. Trong số các ca nặng nguy kịch có 169 ca phải thở oxy mask, gọng kính; 3 ca phải thở oxy dòng cao HFNC; 12 ca thở máy không xâm lấn; 15 ca phải thở máy xâm lấn…

Thêm 7.734 ca mắc Covid-19, dịch ở Hà Nội hạ nhiệt - Ảnh 1.

B.H.Thanh

NLĐO – Sức khỏe – RSS Feed

Số mắc Covid-19 tiếp tục giảm với 10.803 ca, Hà Nội đã qua đỉnh dịch

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội cho biết từ 18 giờ ngày 24-3 đến 18 giờ ngày 25-3, TP Hà Nội ghi nhận 10.803 ca mắc Covid-19 mới, trong đó có 4.103 ca cộng đồng, 6.700 ca đã cách ly.

Như vậy, số mắc Covid-19 ở Hà Nội giảm hơn 1.600 ca so với số nhiễm 12.485 trước đó 1 ngày, và đây là ngày thứ 14 liên tiếp số F0 ghi nhận trong ngày ở TP giảm so với hôm trước.

Các bệnh nhân phân bố tại 403 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã.

Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hà Đông (1.615); Mê Linh (689); Hai Bà Trưng (689); Hoài Đức (525); Sóc Sơn (495).

Cộng dồn số mắc Covid-19 tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29-4-2021) là 1.241.567 ca.

Theo nhận định của Sở Y tế Hà Nội, TP đã bước qua đỉnh dịch, tuy nhiên không được phép chủ quan mà cần tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch và theo dõi diễn biến trong thời gian tới. Do số ca mắc F0 trên thực tế vẫn cao, nên Sở Y tế Hà Nội đề nghị các địa phương tập trung vào các mục tiêu cốt lõi của hoạt động phòng, chống dịch như kiểm soát chuyển tầng, tỷ lệ tử vong, chuyển nặng; đảm bảo số mắc không vượt quá năng lực tiếp nhận của hệ thống; đồng thời chủ động thích ứng linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Số mắc Covid-19 tiếp tục giảm với 10.803 ca, Hà Nội đã qua đỉnh dịch - Ảnh 1.

B.H.Thanh

NLĐO – Sức khỏe – RSS Feed

Số mắc Covid-19 ở Hà Nội tiếp tục tăng cao, lên 9.836 ca

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội cho biết từ 18 giờ ngày 24-2 đến 18 giờ ngày 25-2, TP Hà Nội ghi nhận 9.836 ca mắc Covid-19 mới, trong đó có 3.404 ca cộng đồng, 6.432 ca đã cách ly.

Các bệnh nhân phân bố tại 542 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã.

Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Đông Anh (904), Sóc Sơn (781), Hoài Đức (611); Nam Từ Liêm (542); Hoàng Mai (521); Bắc Từ Liêm (467).

Theo Sở Y tế Hà Nội, tính tới hết ngày 24-2, có 370.186 F0 ở Hà Nội đang điều trị, theo dõi. Trong đó có 363.195 F0 điều trị tại nhà (chiếm 98,1% tổng ca đang điều trị); có 1.350 F0 điều trị tại các cơ sở thu dung của TP và quận/huyện (chiếm 0,36%).

Có 5.641 ca diễn biến cấp độ trung bình, nặng, nguy kịch phải nhập viện điều trị, tương đương hơn 1,5% tổng số ca đang điều trị ở Thủ đô. Trong đó có 357 ca đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, 5.284 người điều trị tại các bệnh viện tầng 2 và 3 của Hà Nội.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, tới hết ngày 24-2, trong các bệnh nhân đang điều trị tại viện ở Hà Nội, có gần 3.500 ca diễn biến mức độ trung bình (chiếm 62%), tăng hơn 12% so với trung bình 7 ngày trước. Ngoài ra, có 863 ca nặng và nguy kịch, tăng gần 10%, trong đó có 770 ca thở oxy qua gọng kính, mặt nạ…

Hôm qua 24-2, Hà Nội có 20 ca tử vong, nâng tổng số người tử vong do Covid-19 từ 27-4-2021 đến nay lên 1.002 người.

Cộng dồn số mắc Covid-19 tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29-4-2021) là 239.974 ca.

Số mắc Covid-19 ở Hà Nội tiếp tục tăng cao, lên 9.836 ca - Ảnh 1.

B.H.Thanh

NLĐO – Sức khỏe – RSS Feed

Dịch Covid-19 hôm nay: Số mắc tiếp tục tăng với thêm 47.200 F0, số tử vong tiếp tục giảm

Về tình hình dịch Covid-19 hôm nay, Bộ Y tế cho biết từ 16 giờ ngày 19-2 đến 16 giờ ngày 20-2, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 47.200 ca nhiễm mới. Có 8 ca nhập cảnh và 47.192 ca ghi nhận trong nước (tăng 5.224 ca so với ngày trước đó) tại 63 tỉnh, thành phố (có 33.851 ca trong cộng đồng).

Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: Hà Nội (5.102), Bắc Ninh (2.360), Phú Thọ (1.981), Quảng Ninh (1.980), Thái Nguyên (1.838), Hòa Bình (1.797), Nam Định (1.754), Hải Phòng (1.698), Vĩnh Phúc (1.692), Ninh Bình (1.556), Bắc Giang (1.500), Nghệ An (1.467), Lào Cai (1.360), Hải Dương (1.316), Hà Tĩnh (1.294), Yên Bái (1.275), Thanh Hóa (1.220), Bình Định (1.019), Thái Bình (1.015), Sơn La (1.007), Tuyên Quang (989), Quảng Bình (861), TP HCM (849), Lạng Sơn (808), Hưng Yên (789), Đắk Lắk (748), Đà Nẵng (720), Quảng Nam (697), Khánh Hòa (590), Cao Bằng (564), Phú Yên (553), Lâm Đồng (435), Quảng Trị (415), Đắk Nông (362), Điện Biên (358), Bình Phước (348), Lai Châu (332), Hà Nam (290), Bà Rịa – Vũng Tàu (288), Gia Lai (286), Thừa Thiên Huế (224), Bình Dương (215), Bắc Kạn (190), Kon Tum (143), Hà Giang (139), Quảng Ngãi (130), Cà Mau (105), Bình Thuận (85), Kiên Giang (66), Tây Ninh (64), Bạc Liêu (63), Đồng Nai (53), Vĩnh Long (35), Bến Tre (33), Trà Vinh (29), An Giang (22), Cần Thơ (22), Sóc Trăng (13), Ninh Thuận (12), Đồng Tháp (12), Long An (10), Hậu Giang (8), Tiền Giang (6).

Dịch Covid-19 hôm nay: Số mắc tiếp tục tăng với thêm 47.200 F0, số tử vong tiếp tục giảm - Ảnh 1.

Bản đồ dịch Covid-19. Nguồn: Bộ Y tế

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Khánh Hòa (106), Quảng Trị (103), Bình Phước (79).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Hà Tĩnh (1.294), Bắc Giang (458), Phú Thọ (414).

 Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 37.670 ca/ngày.

Đến nay, tại Việt Nam đã ghi nhận 205 ca mắc Covid-19 do biến thể Omicron tại TP HCM (97), Quảng Nam (27), Hà Nội (18), Khánh Hòa (11), Đà Nẵng (8 ), Kiên Giang (4), Quảng Ninh (20), Thanh Hóa (2), Hải Dương (2), Hải Phòng (1), Long An (2), Bà Rịa – Vũng Tàu (1), Bình Dương (2), Lâm Đồng (1), Ninh Bình (1), Hưng Yên (6), Bình Phước (1), An Giang (1).

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 2.787.493 ca nhiễm, đứng thứ 32/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 144/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 28.224 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27-4-2021 đến nay): Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 2.780.251 ca, trong đó có 2.278.617 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP HCM (519.993), Bình Dương (293.915), Hà Nội (198.344), Đồng Nai (100.529), Tây Ninh (89.052).

Trong ngày, có thêm 13.414 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 2.281.434 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 2.347 ca.

Trong 24 giờ qua, cả nước ghi nhận 78 ca tử vong tại: Đà Nẵng (7), Nghệ An (7), Kiên Giang (5), Ninh Bình (5 ca trong 2 ngày), Bình Định (4), Quảng Bình (4), Bạc Liêu (3 ca trong 2 ngày), Hải Phòng (3), Lâm Đồng (3 ca trong 2 ngày), Phú Yên (3), Quảng Ngãi (3), Cà Mau (2), Cần Thơ (2), Đắk Lắk (2), Điện Biên (2), Gia Lai (2 ca trong 2 ngày), Hải Dương (2), Hòa Bình (2), Sóc Trăng (2), Thái Nguyên (2), Bà Rịa – Vũng Tàu (1), Bắc Ninh (1), Bình Phước (1), Bình Thuận (1), Cao Bằng (1), Đồng Tháp (1), Hà Giang (1), Khánh Hòa (1), Long An (1), Nam Định (1), Phú Thọ (1), Thanh Hóa (1), Trà Vinh (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 79 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 39.501 ca, chiếm tỉ lệ 1,4% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 129/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 23/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).

Từ 27-4-2021 đến nay đã thực hiện xét nghiệm được 33.088.000 mẫu tương đương 78.429.511 lượt người, tăng 72.326 mẫu so với ngày trước đó.

Ngày 19-2 có 456.129 liều vắc-xin Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc-xin đã được tiêm là 191.368.265 liều. Trong đó:

Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 174.611.596 liều: Mũi 1 là 70.871.973 liều; Mũi 2 là 67.266.482 liều; Mũi 3 là 1.444.994 liều; Mũi bổ sung là 13.335.678 liều; Mũi nhắc lại là 21.692.469 liều.

Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 16.756.669 liều: Mũi 1 là 8.608.568 liều; Mũi 2 là 8.148.101 liều.

Dịch Covid-19 hôm nay: Số mắc tiếp tục tăng với thêm 47.200 F0, số tử vong tiếp tục giảm - Ảnh 2.

D.Thu

NLĐO – Sức khỏe – RSS Feed

Dịch Covid-19 hôm nay: Thêm 41.980 ca nhiễm mới, số tử vong tiếp tục giảm

Về tình hình dịch Covid-19 hôm nay, Bộ Y tế cho biết từ 16 giờ ngày 18-2 đến 16 giờ ngày 19-2, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 41.980 ca nhiễm mới. Có 12 ca nhập cảnh và 41.968 ca ghi nhận trong nước (giảm 459 ca so với ngày trước đó) tại 61 tỉnh, thành phố (có 29.831 ca trong cộng đồng).

Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: Hà Nội (4.869), Bắc Ninh (3.040), Quảng Ninh (1.990), Hòa Bình (1.871), Thái Nguyên (1.852), Nam Định (1.798), Phú Thọ (1.567), Hải Phòng (1.555), Lào Cai (1.410), Vĩnh Phúc (1.394), Nghệ An (1.360), Hải Dương (1.328), Yên Bái (1.150), Bắc Giang (1.042), Sơn La (1.040), Thái Bình (992), Tuyên Quang (938), Thanh Hóa (930), Bình Định (924), TP HCM (849), Hưng Yên (743), Đà Nẵng (741), Quảng Bình (716), Khánh Hòa (696), Quảng Nam (658), Lạng Sơn (626), Đắk Lắk (605), Quảng Trị (518), Ninh Bình (478), Lâm Đồng (470), Bình Phước (427), Phú Yên (413), Đắk Nông (324), Hà Nam (303), Điện Biên (280), Cao Bằng (238), Bà Rịa – Vũng Tàu (215), Lai Châu (204), Thừa Thiên Huế (163), Kon Tum (148), Hà Giang (139), Cà Mau (134), Quảng Ngãi (127), Kiên Giang (95), Bình Thuận (94), Đồng Nai (66), Bắc Kạn (65), Bình Dương (55), Bạc Liêu (51), Tây Ninh (50), Bến Tre (47), Trà Vinh (35), Long An (34), Đồng Tháp (32), Vĩnh Long (26), Cần Thơ (19), An Giang (13), Ninh Thuận (10), Hậu Giang (4), Sóc Trăng (4), Tiền Giang (3).

Dịch Covid-19 hôm nay: Thêm 41.980 ca nhiễm mới, số tử vong tiếp tục giảm - Ảnh 1.

Bản đồ dịch Covid-19- Nguồn: Bộ Y tế

Ngày 19-2, Sở Y tế Vĩnh Phúc đăng ký bổ sung 12.850 ca trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin tại Vĩnh Phúc.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Ninh Bình (1.062), Vĩnh Phúc (764), Hà Tĩnh (621).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Bắc Ninh (1.484), Hà Nội (320), Hòa Bình (304).

 Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 34.696 ca/ngày.

Đến nay, tại Việt Nam đã ghi nhận 200 ca mắc Covid-19 do biến thể Omicron tại TP HCM (97), Quảng Nam (27), Hà Nội (14), Khánh Hòa (11), Đà Nẵng (8 ), Kiên Giang (4), Quảng Ninh (20), Thanh Hóa (2), Hải Dương (2), Hải Phòng (1), Long An (2), Bà Rịa – Vũng Tàu (1), Bình Dương (2), Lâm Đồng (1), Ninh Bình (1), Hưng Yên (6), Bình Phước (1).

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 2.740.293 ca nhiễm, đứng thứ 32/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 144/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 27.746 ca nhiễm).

 Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27-4-2021 đến nay): Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 2.733.059 ca, trong đó có 2.265.203 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP HCM (519.144), Bình Dương (293.700), Hà Nội (193.242), Đồng Nai (100.476), Tây Ninh (88.988).

Cùng ngày, có 6.840 ca bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 2.268.020 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.017 ca.

Trong 24 giờ qua, cả nước ghi nhận 65 ca tử vong tại: TP HCM có 2 ca từ các tỉnh chuyển đến gồm: Quãng Ngãi (1), Bà Rịa – Vũng Tàu (1).

Tại các tỉnh, thành phố khác: Đà Nẵng (9), Hà Nội (5), Hòa Bình (4 ca trong 2 ngày), Kiên Giang (4), Thanh Hóa (4), Gia Lai (3), Hải Phòng (3), Lạng Sơn (3), Bắc Giang (2), Cần Thơ (2), Cao Bằng (2), Đồng Nai (2), Hà Nam (2), Nam Định (2), Phú Thọ (2), Phú Yên (2), An Giang (1), Bắc Ninh (1), Bình Phước (1), Đồng Tháp (1), Hà Tĩnh (1), Hải Dương (1), Lào Cai (1), Quảng Trị (1), Sóc Trăng (1), Thái Nguyên (1), Thừa Thiên Huế (1), Vĩnh Long (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 80 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 39.423 ca, chiếm tỉ lệ 1,4% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 129/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 23/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).

Từ 27-4-2021 đến nay đã thực hiện xét nghiệm được 33.015.674 mẫu, tương đương 78.353.494 lượt người, tăng 60.613 mẫu so với ngày trước đó.

Trong ngày 18-2 có 711.894 liều vắc-xin Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc-xin đã được tiêm là 190.919.218 liều. Trong đó:

Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 174.168.950 liều: Mũi 1 là 70.866.623 liều; Mũi 2 là 67.250.297 liều; Mũi 3 là 1.443.914 liều; Mũi bổ sung là 13.265.091 liều; Mũi nhắc lại là 21.343.025 liều.

Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 16.750.268 liều: Mũi 1 là 8.606.707 liều; Mũi 2 là 8.143.561 liều.

Dịch Covid-19 hôm nay: Thêm 41.980 ca nhiễm mới, số tử vong tiếp tục giảm - Ảnh 2.

D.Thu

NLĐO – Sức khỏe – RSS Feed

Thoát cửa tử sau 84 ngày chạy ECMO liên tục, anh chàng 140 kg xuất viện về nhà

Chiều 10-2, anh V.Q.D (28 tuổi, ngụ TP HCM) mắc Covid-19 nặng với bệnh lý béo phì 140kg đã được xuất viện sau 84 ngày chạy chữa trong niềm vui của y, bác sĩ Bệnh viện dã chiến 3 tầng số 16 (quận 7, TP HCM) và người thân. Đây là một trong những ca bệnh hiếm gặp, được các bác sĩ cứu sống ngoạn mục.

Thoát cửa tử sau 84 ngày chạy ECMO liên tục, anh chàng 140 kg xuất viện về nhà - Ảnh 1.

Anh V.Q.D (28 tuổi, ngụ TP HCM) được xuất viện trong niềm vui của y, bác sĩ Bệnh viện dã chiến 3 tầng số 16 (quận 7, TP HCM) và người thân

Trước đó, ngày 10-11-2021, bệnh nhân D. mắc Covid-19 và nhập viện điều trị. Thời điểm này, bệnh nhân suy hô hấp nặng có bệnh nền đái tháo đường tuýp 2 mới phát hiện, béo phì độ 3 với cân nặng 140 kg và chỉ số khối cơ thể (BMI) đến 48 kg/m2.

Thoát cửa tử sau 84 ngày chạy ECMO liên tục, anh chàng 140 kg xuất viện về nhà - Ảnh 2.

Niềm hạnh phúc của anh D. bên vợ con

TS-BS Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Bệnh viện 3 tầng số 16, cho biết ECMO được xem là niềm hi vọng cuối cùng của bệnh nhân Covid-19 khi thở máy xâm lấn không thành công. Tuy nhiên, với bệnh nhân béo phì, bệnh lý nặng nguy cơ xuất hiện các biến chứng và tỉ lệ tử vong cao.

Thoát cửa tử sau 84 ngày chạy ECMO liên tục, anh chàng 140 kg xuất viện về nhà - Ảnh 3.

Anh D. được xe cấp cứu của bệnh viện chở về nhà

Ở thời điểm 18 giờ sau nhập viện, bệnh nhân bị suy hô hấp cấp, phải can thiệp đặt nội khí quản, thở máy xâm lấn. Tình trạng suy hô hấp bệnh nhân diễn tiến nhanh, phải can thiệp ECMO trong hơn 3 giờ. Sau can thiệp, bệnh nhân tiếp tục diễn tiến suy đa cơ quan, các bác sĩ tiếp tục vừa lọc máu hấp phụ vừa duy trì ECMO để đảm bảo chức năng các cơ quan.

Sau 1 tuần hồi sức tích cực với kỹ thuật cao, sinh hiệu bệnh nhân và chức năng các cơ quan bắt đầu hồi phục và ổn định dần. Tuy nhiên do tổn thương X-quang phổi nặng (đông đặc đến 80% thể tích phổi), bệnh nhân phải phụ thuộc hoàn toàn vào ECMO.

Thạc sĩ, bác sĩ Giang Minh Nhật, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện dã chiến số 16, cho biết gần 3 tháng can thiệp ECMO, có những thời điểm bệnh nhân rất nguy kịch. Tuy nhiên, các bác sĩ và điều dưỡng đều quyết tâm cứu bằng được tính mạng bệnh nhân, mặc dù hi vọng khá mong manh.

Với nỗ lực không mệt mỏi của tất cả y bác sĩ, kỳ tích đã xảy ra. Trải qua gần 3 tháng phải thở máy xâm lấn và can thiệp ECMO chức năng phổi bệnh nhân bắt đầu hồi phục, bệnh nhân được cai máy thở thành công vào ngày 23-1.

Sau khi tiếp nhận Bệnh viện dã chiến 3 tầng số 16 do Sở Y tế phân công, Bệnh viện Nhân dân Gia Định đã khẩn trương bổ sung nhân sự, vật tư trang thiết bị, dược phẩm để đáp ứng nhu cầu điều trị cho bệnh nhân Covid-19.

Ê-kíp bác sĩ, điều dưỡng các khoa ICU đều thực hiện được tất cả kỹ thuật hồi sức chuyên sâu từ thở HFNC, thở máy không xâm lấn đến thở máy xâm lấn, lọc máu, chạy CRRT, chạy ECMO. Đã có nhiều bệnh nhân nặng và nguy kịch đã được cứu sống một cách ngoạn mục và được xuất viện ra về tại bệnh viện này.

Tin, ảnh: Hải Yến

NLĐO – Sức khỏe – RSS Feed

Số mắc Covid-19 ở Hà Nội liên tục tăng, lên 2.791 ca ngày 8-1

Sở Y tế Hà Nội cho biết số ca mắc Covid-19 mới từ 18 giờ ngày 7-1 đến 18 giờ ngày 8-1 ghi nhận trên địa bàn thành phố là 2.791 ca bệnh.

Số mắc Covid-19 ở Hà Nội liên tục tăng, lên 2.791 ca ngày 8-1 - Ảnh 1.

Các bệnh nhân mới phân bố tại 386 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã.

Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Đống Đa (144); Hai Bà Trưng (127); Hoàn Kiếm (118); Bắc Từ Liêm (88); Thanh Trì (72)…

Cộng dồn số mắc Covid-19 tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29-4-2021) là 68.147 ca.

Số mắc Covid-19 ở Hà Nội liên tục tăng, lên 2.791 ca ngày 8-1 - Ảnh 2.

B.H.Thanh

NLĐO – Sức khỏe – RSS Feed

Ca mắc mới Covid-19 tại Hà Nội tiếp tục vượt mốc 1.900

Trong đó, số ca phát hiện tại cộng đồng: 612; tại khu cách ly: 1040; tại khu phong tỏa: 262.

Một số quận huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Nam Từ Liêm (213); Cầu Giấy (172); Hà Đông (154); Gia Lâm (152); Tây Hồ (136); Bắc Từ Liêm (112); Thanh Xuân (103); Long Biên (103); Hoàng Mai (99).

Ca mắc mới Covid-19 tại Hà Nội tiếp tục vượt mốc 1.900 - Ảnh 1.

Bệnh nhân phân bố tại 318 xã, phường, thị trấn thuộc 27/30 quận, huyện, thị xã. Trong đó, 612 ca cộng đồng ghi nhận tại 211 xã phường thuộc 24/30 quận huyện.

Một số quận, huyện nhiều bệnh nhân tại cộng đồng như: Cầu Giấy (66); Nam Từ Liêm (63); Gia Lâm (60); Thanh Xuân (50); Hoàng Mai (45); Tây Hồ (43); Hoàn Kiếm (40); Long Biên (40).

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29-4-2021): 48.939 ca trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 16.412 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 31.527 ca.

Trước diễn biến ngày càng phức tạp dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP Hà Nội, số ca bệnh mắc mới tăng nhanh, không rõ nguồn lây nhiễm, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh đã ban hành công điện tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong dịp Tết Dương lịch và đầu năm mới 2022.

Theo đó, yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19; yêu cầu thực hiện nghiêm quy định 5K, lắp đặt và triển khai quét mã QR căn cước công dân có gắn chíp, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm, đặc biệt tại các điểm công cộng, nhà ga, sân bay, bệnh viện, chợ, siêu thị… không để phát sinh tình trạng tập trung đông người trên địa bàn; kiên trì tuyên truyền, vận động người dân có việc cần thiết mới ra ngoài.

UBND, Ban Chỉ đạo các quận, huyện, thị xã căn cứ vào cấp độ dịch trên địa bàn để áp dụng các biện pháp hành chính phù hợp và chỉ đạo các lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát, xử phạt các trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch; tăng tối đa công suất thu dung điều trị F0 tại xã, phường, tại nhà khi đủ điều kiện; rà soát lại trang thiết bị y tế tại các trạm y tế lưu động, như ôxy, thuốc điều trị, thiết bị đo SpO2, xem xét cần thiết thì có thể bố trí phòng cấp cứu.

Duy trì thường trực 24/24/7 các đội phòng chống dịch cơ động, tại các cơ sở y tế đảm bảo xử lý nhanh, kịp thời các tình huống dịch bệnh xảy ra trên địa bàn; giám sát chặt người về từ các quốc gia, vùng có dịch, tăng cường giám sát phát hiện biến chủng mới Omicron. Luôn trong tình trạng sẵn sàng phản ứng nhanh với các thông tin để phát hiện sớm, truy vết, điều tra, xác minh, khoanh vùng dập dịch kịp thời không để nguồn bệnh lây lan ra cộng đồng; tăng cường các biện pháp phòng và kiểm soát lây nhiễm Covid-19 trong các cơ sở khám, chữa bệnh.

D.Châu

NLĐO – Sức khỏe – RSS Feed

Đôi môi mềm mại ngay tức thì với bột quế

Trong bài viết này, chúng tôi giới thiệu cùng bạn đọc cách tạo nên đôi  môi mềm mại tự nhiên nhờ việc tẩy tế bào chết bằng bột quế. Cơ chế của biện pháp này là kích thích quá trình lưu thông máu dưới làn da khiến cho đôi môi trở nên căng mọng.

 Đôi môi mềm mại ngay tức thì với bột quế - 1

 Phụ nữ quyến rũ với bờ môi căng mọng

Quế chứa nhiều tinh dầu với vị cay ấm giúp làm tăng cường sự hoạt động của các mạch máu dưới da và đem lại  vẻ đẹp  căng mọng cho đôi môi.

Các nguyên liệu cần có:

– Vài miếng quế

– Vaseline

– Bàn chải đánh răng

Thực hành

Trước khi thực hành các bước tẩy tế bào chết với bột quế, bạn cần sử dụng nước ấm để làm sạch qua đôi môi.

 Bước 1: Nghiền nhỏ 2-3 miếng quế tạo thành các hạt nhỏ li ti, bổ sung một chút vaseline để tạo độ dính cho bột quế

 Bước 2: Sử dụng một chút vaseline (Có thể sử dụng son dưỡng môi) để xoa đều lên đôi môi tạo độ trơn bóng và độ ẩm cho môi 

 Bước 3: Dùng bàn chải đánh răng để chấm bột quế

 Bước 4: Sử dụng bàn chải đánh răng đã có bột quế để cọ xát lên đôi môi nhằm loại bỏ tế bào chết và kích thích mạch máu của đôi môi. Nên nhớ, không nên kỳ cọ quá lâu vì có thể gây phỏng môi

 Bước 5: Sau khi tẩy tế bào chết rửa sạch với nước ấm và xoa nhẹ một lớp vaseline lên đôi môi để tạo độ ẩm và độ bóng cho đôi môi. 

Xem thêm chủ đề: lam dep, cach lam dep, bi quyet lam dep, lam dep 24h, lam dep phu nu, dep, trang diem, tin tuc, tin tuc 24h, bao, môi, chăm sóc môi, môi mềm, làm đẹp

Tin tuc 24h | tin nhanh bong da | the thao | thoi trang, giai tri vn | bao online

Búp bê sống tiếp tục 2 ca “dao kéo” nguy hiểm

Justin Jedlica chi tới hàng trăm ngàn đô cho 190 ca phẫu thuật thẩm mỹ để trở thành búp bê sống. Những tưởng trên cơ thể Justin Jedlica không còn chỗ nào có thể tiếp tục đụng “dao kéo” nữa nhưng không, anh chàng kỳ quặc này vẫn tiếp tục tìm tới trung tâm thẩm mỹ để thực hiện ca phẫu thuật “điên rồ” nhất từ trước tới giờ, đó là gỡ bỏ đường tĩnh mạch trên trán. 

 Búp bê sống tiếp tục 2 ca "dao kéo" nguy hiểm - 1

Chàng búp bê sống nghiện thẩm mỹ

Justin Jedlica cho rằng đường tĩnh mạch trên trán của mình giống nữ minh tinh Julia Robert. Anh đã nhờ bác sĩ can thiệp để loại bỏ chúng. Ca phẫu thuật rất nguy hiểm vì chúng có thể gây mù và hỏng mắt nếu không được thực hiện cẩn thận.

Ngoài ra, Justin còn vừa thực hiện ca cấy ghép cơ bắp sau lưng. Hai ca phẫu thuật mới nhất tiêu tốn của chàng búp bê sống khoảng 40 ngàn đô la Mỹ (khoảng hơn 800 triệu đồng).

 Búp bê sống tiếp tục 2 ca "dao kéo" nguy hiểm - 2Anh cho rằng đường tĩnh mạch trên trán giống Julia Robert là nhược điểm và cần loại bỏ

Chi tới 250 ngàn đô la (khoảng hơn 5 tỉ đồng) để phẫu thuật thẩm mỹ nhưng Justin cho biết mình vẫn không có ý định dừng lại. Anh tự mô tả mình như một người nghệ sĩ thích nắn, đúc, tạo hình cơ thể mình bằng phẫu thuật thẩm mỹ.

“Tôi muốn mình có cơ thể 100 % silicon. Tôi được biết tới như người đàn ông nghiện thẩm mỹ nhất hành tinh nhưng tôi vẫn muốn vượt qua các giới hạn” – Justin cho hay.

Bên cạnh hai ca phẫu thuật loại bỏ tĩnh mạch trên trán và tạo cơ bắp sau lưng, Justin còn từng cấy ghép xương sọ, phẫu thuật môi, má, cằm, bơm mông, làm mũi, cắt mí mắt, hút mỡ…

 Búp bê sống tiếp tục 2 ca "dao kéo" nguy hiểm - 6

Hình ảnh 2 ca phẫu thuật mới nhất của Justin

Xem thêm chủ đề: lam dep, cach lam dep, bi quyet lam dep, lam dep 24h, lam dep phu nu, dep, trang diem, tin tuc, tin tuc 24h, bao, phẫu thuật thẩm mỹ, búp bê sống, thẩm mỹ viện, búp bê Ken

Tin tuc 24h | tin nhanh bong da | the thao | thoi trang, giai tri vn | bao online

6 dấu hiệu bạn không nên tiếp tục tập thể dục

1. Bạn cảm thấy choáng váng và chóng mặt. 

Thông thường, khi đứng sẽ giúp điều hòa huyết áp và giữ cho bộ não bộ tỉnh táo, cân bằng. Nhưng khi cơ thể bị lạnh hoặc nhịp tim không đều do bị chấn động đôi chút sẽ khiến bạn cảm thấy mệt và mất thăng bằng. Nếu tập luyện vào thời điểm này sẽ rất nguy hiểm và khiến mọi việc tồi tệ hơn .

6 dấu hiệu bạn không nên tiếp tục tập thể dục - 1

Tập yoga

2. Bạn đang đau nhức, và bạn đã đổ mồ hôi hay run.

Đó đều là dấu hiệu báo hiệu bạn có thể bị sốt, nó thể hiện cơ chế bảo vệ cơ thể của bạn để chống nhiễm trùng. Việc này đốt cháy một lượng lớn calo. Khi bạn nhấn vào phòng tập thể dục lúc bị sốt có thể bị ngất xỉu và kiệt sức.

3. Bạn đang buồn nôn hoặc nôn.

Không khí trong lành và nghỉ ngơi có thể xua tan cơn buồn nôn.Ngược lại việc tập luyện khiến cơ thể hoạt động với cường độ mạnh lại là thứ dễ khiến bạn dễ nôn ói và mệt mỏi.

6 dấu hiệu bạn không nên tiếp tục tập thể dục - 2

Nên tập luyện khi cơ thể không bị mệt mỏi (ảnh minh họa)

4. Bạn trông lờ đờ và xanh xao.

Lờ đờ và xanh xao báo hiệu cơ thể bị mệt mỏi, thiếu năng lượng hoặc đang mắc một căn bệnh nào đó. Đây không phải là lúc thích hợp để bắt đầu việc luyện tập.

6 dấu hiệu bạn không nên tiếp tục tập thể dục - 3

Tập thể dục cần đúng cách, đúng lúc

5. Miệng của bạn bị khô 

Miệng khô khan có thể là dấu hiệu của sự mất nước. Việc tập luyện cũng khiến bạn đổ mồ hôi và bị mất nước. Bởi thế, rõ ràng chúng không phải là một sự kết hợp tuyệt vời. Khi cảm thấy miệng khô, bạn nên dừng tập luyện và dùng một thứ thức uống (như trà hay nước hoa quả, không nên uống cà phê hay rượu) để thay thế.

6. Bạn cảm thấy lạnh

Về lâu dài, tập luyện giúp tăng cường hệ thống miễn dịch của bạn. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, tập luyện với bài tập ngắn có thể tạm thời làm suy yếu hệ miễn dịch. Khi bạn đang tập luyện, nếu cảm thấy lả và mệt thì nên dừng lại và nghỉ ngơi.

Xem thêm chủ đề: lam dep, cach lam dep, bi quyet lam dep, lam dep 24h, lam dep phu nu, dep, trang diem, tin tuc, tin tuc 24h, bao, tập luyện, tập thể dục, luyện tập

Tin tuc 24h | tin nhanh bong da | the thao | thoi trang, giai tri vn | bao online

5 thực phẩm làm vòng eo phát phì ngay tức thì

Đầy hơi là thủ phạm ảnh hưởng đến vẻ đẹp của vòng eo. Nguyên nhân chính là do bạn sử dụng những thực phẩm tạo nên lượng lớn các khí gas thừa làm cho vòng bụng tăng lên.

Dưới đây là 5 loại thực phẩm mà bạn không nên sử dụng quá nhiều để tránh hiện tượng đầy hơi làm ảnh hưởng đến vẻ đẹp của cơ thể.

1. Thức ăn quá mặn

Thức ăn mặn có thể khiến cho cơ thể nảy sinh cơ chế tích nước và đương nhiên dạ dày của bạn sẽ phải mở rộng thể tích để chứa nước. Vì thế, ngay từ bước chế biến các món ăn bạn nên để ở độ mặn vừa phải.

Bên cạnh đó cũng nên tránh một số loại thức ăn nhanh có chứa nhiều tinh bột và đường như: khoai tây chiên, bánh qui, đồ đông lạnh…

5 thực phẩm làm vòng eo phát phì ngay tức thì - 1

Ăn quá nhiều muối khiến cơ thể tích nước làm vòng bụng tăng lên

 

2. Rau họ cải

Rau họ cải (cải bắp, súp lơ…)  là một trong những loại thực phẩm được nhiều tín đồ lựa chọn để bảo vệ vóc dáng vì có nhiều chất xơ và chứa ít calo. Nhưng khi lạm dụng quá nhiều loại rau họ cải lại là nguyên nhân gây nên nhiều khí gas trong hệ tiêu hóa.

Bởi thế, bạn chỉ nên sử dụng lượng vừa phải để có thể bảo vệ sức khỏe cho hệ tiêu hóa, đồng thời giúp vòng eo nhỏ gọn hơn.

5 thực phẩm làm vòng eo phát phì ngay tức thì - 2

Ăn quá nhiều họ cải cũng có thể làm cho hệ tiêu hóa chứa nhiều hơi

 

3. Đậu

Đậu cũng là thực phẩm lành mạnh giàu chất xơ và protein giúp chị em không lo sự tăng cân ngoài kiểm soát. Nhưng, đậu cũng như các loại rau họ cải, chúng có thể tạo ra nhiều khí gas trong dạ dày làm cho vòng eo dễ bị phá vỡ.

Vì lý do đó, trong mỗi bữa ăn bạn chỉ nên dùng những khẩu phần ăn ít đậu để tránh bụng làm việc quá sức.

5 thực phẩm làm vòng eo phát phì ngay tức thì - 3Đậu nhiều chất xơ nhưng cũng là thực phẩm dễ sinh ra nhiều hơi

4. Kẹo cao su

Nhai kẹo cao su là một trong những hành động dễ sinh khí cho vòng bụng được biểu hiện một cách rõ nét nhất. 

Quá trình nhai kẹo cùng với đường hóa học gây nên khí gas nhiều hơn làm cho bụng nhanh chóng bị đầy hơi. Nên sử dụng một chiếc kẹo bạc hà giúp khoang miệng thơm tho mà không ảnh hưởng đến vẻ đẹp của vóc dáng.

5 thực phẩm làm vòng eo phát phì ngay tức thì - 4Nhai kẹo cao su khiến cho dạ dày chứa nhiều hơi

 

5. Đồ uống có ga

Những đồ uống giải khát có gas như nước ngọt, bia, soda… sẽ là những thực phẩm trực tiếp cung cấp lượng hơi lớn trong cơ thể. Vì thế, hãy cảnh giác khi sử dụng nước giải khát có gas nếu không muốn gây nên sự rắc rối cho vòng eo.

5 thực phẩm làm vòng eo phát phì ngay tức thì - 5

Đồ uống có ga dễ sinh bụng đầy hơi

Tin tuc 24h | tin nhanh bong da | the thao | thoi trang, giai tri vn | bao online

close(x)
close(x)