Ngày 9-4, Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long (TP Cần Thơ) cho biết vừa phẫu thuật cắt bỏ thành công phổi biệt lập kích thước lớn, có biến chứng hiếm gặp.

Nữ bệnh nhân tên T.T.H (63 tuổi, địa chỉ tại tỉnh Hậu Giang) có tiền sử tăng huyết áp, nhồi máu não. Khoảng vài tuần nay, bệnh nhân thường ho, khạc ra máu lẫn trong đàm, điều trị ngoại trú không giảm nên đến Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long điều trị.

Người phụ nữ ở Hậu Giang mắc một bất thường bẩm sinh hiếm gặp - Ảnh 1.

Phần phổi biệt lập trên hình ảnh MSCT

Qua thăm khám và chụp cắt lớp vi tính lồng ngực, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị phổi biệt lập nội thùy ở thùy dưới phổi trái, biến chứng bội nhiễm làm bệnh nhân ho ra máu. Sau hội chẩn, người bệnh được chỉ định phẫu thuật cắt thùy phổi trái biệt lập. Ca phẫu thuật kéo dài hơn 60 phút. Sau 2 ngày phẫu thuật, bệnh nhân đã hồi phục tốt, hết ho ra máu, tự ăn uống, sinh hoạt được.

Theo Ths.Bs.Trần Quốc Tuấn, Khoa Ngoại tim mạch – Lồng ngực của Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long, phổi biệt lập là một khối mô phổi bất thường, không có chức năng hô hấp, không thông với cây phế quản, không được cấp máu bởi hệ động mạch phổi.

Người phụ nữ ở Hậu Giang mắc một bất thường bẩm sinh hiếm gặp - Ảnh 2.

Nữ bệnh nhân mắc bệnh hiếm gặp đã bình phục sau ca phẫu thuật

Đây là một bất thường bẩm sinh hiếm gặp, tỉ lệ gặp ước tính khoảng 0,1%. Có 2 thể phổi biệt lập là thể nội thùy và thể ngoại thùy. Trong đó thể ngoại thùy chiếm khoảng 25%, hay được phát hiện sớm ở trẻ sơ sinh với các biểu hiện như suy hô hấp, tím tái, nhiễm trùng.

Còn thể nội thùy chiếm 75%, thường gặp ở trẻ lớn hơn, thanh thiếu niên hoặc ở người lớn với biểu hiện hay gặp nhất là viêm phổi tái diễn nhiều lần, ho, đau ngực.

Về điều trị, phẫu thuật cắt thùy phổi hoặc cắt phổi biệt lập là phương pháp điều trị cơ bản, triệt để và hiệu quả.

TÂM QUÂN